Thursday, March 15, 2012

Ở VIỆT NAM, ĐỐI VỚI MỘT SỐ NGƯỜI, CÓ RỂ XỨ HÀN LÀ MỘT SỰ THÀNH CÔNG, PHÁT ĐẠT (Norimitsu Onishi, The New York Times)



Norimitsu Onishi
 
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ

Quảng Yên, Việt Nam - Cuối cùng, ông Bùi Văn Vui chỉ sống được ba tháng trong nhà mới mà hai cô con gái cưới chồng xứ Hàn, đã giúp ông xây dựng ở đây. Ông đã từng đôn đốc nhà thầu xây nhà phải gấp rút lên; khi không nói được nữa, phải viết nguệch ngoạc những lời yêu cầu trên các tờ giấy lộn rồi qua đời vì bệnh ung thư cổ họng.

Ngôi nhà hai tầng đồ sộ như đè lên căn hộ xi măng thấp nhỏ bên cạnh vốn là nơi ăn chốn ở cũ của gia đình trong một phần tư thế kỷ. Mái ngói đỏ thanh lịch của ngôi nhà mới có thể được nhìn thấy tận đằng xa trong góc nông thôn ven biển miền Bắc Việt Nam gần Hải Phòng, nhô lên trên một cảnh quan của những con đường bụi đất, ruộng lúa và hàng chuối.

"Ngôi nhà này là giấc mơ của ông ấy", bà Nguyễn Thị Nguyệt, người vợ góa 60 tuổi của ông Bùi, vừa cho biết trong một buổi chiều thứ bảy yên tĩnh, vừa nói vừa xua những con gà trống cứ đuổi nhau lên năm bậc đá cẩm thạch từ ngoài sân vào phòng khách.

Cặp vợ chồng này, cũng như nhiều người khác trong các vùng nông thôn Việt Nam, đã trở nên giàu có phát đạt trong những năm gần đây, nhờ những cô con gái, thôi thúc từ ước mơ về một đời sống tốt hơn cho bản thân và lòng hiếu thảo kiểu Nho giáo đối với cha mẹ mình, đã di cư đi kết hôn với những người đàn ông xứ Hàn. Tiền bạc mà họ và những người khác kiếm được ở Nam Hàn, thường xuyên được chuyển về các thị trấn nhỏ ở Việt Nam như Quảng Yên, để thể hiện trong những ngôi nhà mới, dù sự giàu có này chỉ là một so sánh kém cỏi so với những chiếc SUV Lexus thường được giới doanh nhân tại Hà Nội, các đây khoảng 100 dặm, ưa chuộng.

Các cô gái trẻ Việt Nam thường kết hôn với những người đàn ông Nam Hàn vốn vì thu nhập thấp hoặc hôn nhân đổ vỡ trước khiến phải gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nàng dâu người Hàn. Thị trường hôn nhân cạnh tranh khốc liệt của Nam Hàn đã sinh ra một ngành công nghiệp môi giới hôn nhân bùng nổ, đưa những người đàn ông này đến các tour du lịch của Việt Nam và các quốc gia phát triển khác, nơi họ sẽ chọn vợ trong các cuộc gặp gỡ được sắp xếp vội vã.

Chính trong một tour du lịch vào năm 2007 mà cô Bùi thị Thủy, 22 tuổi, con gái của ô Bùi và bà Nguyễn đã gặp được Kim Tae-goo, đấng lang quân của mình, một người nông dân trồng táo goá vợ vào giữa tuổi 50. Tại quầy bar karaoke Lucky Star ở Hà Nội, thoạt đầu không một ai trong số hai chục cô gái có biểu hiện để ý đến ông Kim. Thế nhưng cô Thủy và hai cô gái khác đã quyết định đi tới sau khi ông Kim hứa sẽ gửi mỗi tháng 100 đồng USD cho người nào chịu kết hôn với mình.

Cô Thủy và ông Kim định cư ở một thị trấn nông thôn tại Nam Hàn và sau một năm đã có một con gái, nhưng họ đã ly thân một năm trước đây. Cô Thủy hiện đang sống ở Seoul với một người em gái cũng kết hôn với một người đàn ông nước Hàn.

Tại đám cưới của cô Thuỷ và ô Kim ở Hà Nội vào năm 2007, ông Bùi đã không thể che giấu nỗi thất vọng của mình khi cô con gái đã kết hôn với một người đàn ông ngang tuổi mình. Nhận thức được sự không hài lòng của cha vợ, ông Kim đã nhắc ông rằng mình sẽ gởi 100 USD về mỗi tháng.

Bà Nguyễn nói về chàng con rể rằng "Nó đã nuốt lời hứa". Trong bốn năm chung sống, anh ta chỉ gửi tổng cộng có 880 USD, bà nói thêm, "Nó là một đứa nghèo".

Ông Kim từ chối phần phỏng vấn cho bài viết này.

Ngược lại, bà Nguyễn nói, bà đã nhận được hơn 100USD mỗi tháng từ cô con gái trẻ và người chồng Hàn. Ngoài số tiền của chồng, cô con gái nhỏ tuổi hơn của bà đã gửi thêm một phần thu nhập của mình về từ một công việc bán thời gian.

Đôi vợ chồng này đã cung cấp được một nửa số tiền 20.000 USD cần thiết để xây căn nhà mới ở đây, bà Nguyễn nói thêm rằng gia đình mình đã bán thêm đất để bù nốt số tiền còn thiếu.

Bà Nguyễn cho biết, họ đã không thể xây ngôi nhà mới bằng thu nhập ít ỏi của ông Bùi. Ông Bùi là nông dân và phu bốc xếp, bốc cát đá tại các cảng địa phương. Ông kiếm được 120 USD một tháng.

"Chồng tôi có một đời sống rất gian khổ", bà Nguyễn nói. Cha mẹ ông chết khi ông còn nhỏ. Suốt đời nghèo khó. Đến khi con cái bắt đầu giúp đỡ được thì ông qua đời".

Bà Nguyễn đã gặp ông Bùi đầu những năm 1970, khi ông phục vụ trong "chiến tranh chống Mỹ" ở miền Bắc và bà là thành viên của lực lượng nữ dân quân. Họ đã yêu nhau. Và bởi vì cô lớn hơn ông hai tuổi, họ đã phải nói dối người thân về sự khác biệt tuổi tác của mình. Họ kết hôn vào năm 1974.

Vợ chồng đã định sẽ có một trai và bốn gái. Bà mẹ nói rằng Thủy, đứa thứ ba là con gái cưng của của cha. Bà Nguyễn nhớ lại, cô là đứa dịu dàng và chăm chỉ nhất. Mới 11 tuổi, vì quá siêng năng việc nhà mà mọi người từ trong nhà ra ngõ đều bắt đầu gọi cô là con "Tấm" - một nhân vật chăm chỉ như Cô bé Lọ Lem trong chuyện "Tấm Cám", một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam.

"Tôi có bốn con gái, nhưng nó hầu như đã làm tất cả các công việc", bà Nguyễn nói. "Mấy đứa khác không phải làm bất cứ điều gì".

Có các con gái được ở xứ Hàn, gia đình bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một ngôi nhà mới. Đó không chỉ là giấc mơ của người cha mà còn là của các con gái nữa.

"Chúng tôi muốn làm một điều gì đó cho cha mẹ mình - đó là kế hoạch", cô Thủy cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Nam Hàn.

Nền nhà mới sẽ được củng cố lại, bởi vì căn hộ của gia đình nằm trên đất khai hoang mềm. Nhưng chẳng bao lâu khi nhà thầu đổ nền móng cho ngôi nhà vào đầu năm 2010 thì ông Bùi biết được mình bị ung thư cổ họng.

Ông đã tìm cách ngưng việc xây nhà lại để đi chữa bệnh tại Hà Nội. Nhưng sau khi việc điều trị chứng minh là vô hiệu, ông dồn tất cả sức lực còn lại của mình vào việc hoàn thành ngôi nhà. Ông đã nấn ná lựa chọn màu gạch ngói. Ông đã cho nhà thầu xây dựng các hướng dẫn chính xác về kích thước các cửa ra vào và cửa sổ.

Ông đã thu nhỏ lại kế hoạch ban đầu của mình cho một nhà thậm chí còn lớn hơn, và ngôi nhà đã được hoàn thành vào tháng 10 năm 2010. Trong ba tháng cuối cùng của đời mình, ông Bùi trở nên yếu đến nỗi không thể đi đến phòng ngủ của mình trên tầng hai - nơi mà ông yêu thích vì từ đó ông có thể nhìn thấy những cánh đồng lúa xung quanh. Các khối u trong cổ họng của ông sưng lớn bằng quả bưởi khiến ông ông không còn có thể nói chuyện với ai kể cả với Thủy, người đã bay về từ Nam Hàn.

Ngay sau khi đám tang - có 8 nhân viên vận lễ phục quân sự khiêng quan tài - của cha mình, cô Thủy trở về xứ Hàn. Nhưng cha mẹ của cô đã để dành cho cô một mảnh đất kế cạnh căn nhà mới.

"Sau khi con cái lớn lên, có thể Thủy sẽ trở lại sống ở đây", đứng trên mảnh sân nhà, bà mẹ nói.

Ngày sắp tắt. Một vết nứt lớn chạy gần hết chiều dài sân, bà ngờ rằng đó là dấu hiệu cho biết móng nền bị suy yếu. Một vài con con gà trống lẻn vào bên trong và bà Nguyễn đuổi theo chúng.

Một con gà chạy ngang ngửa qua phòng khách về phía bàn thờ Phật của ông Bùi. Một bức ảnh đóng khung của ông trong bộ đồng phục quân sự, bao quanh với những nén nhang và hương hoa. Để phù hợp với truyền thống Phật giáo, những gì được cho là hữu ích cho cuộc hành trình vào thế giới bên kia của ông được bày trước di ảnh, bao gồm thức uống, thuốc lá, trái cây và các cuộn giấy màu vàng tượng trưng cho vàng bạc, cũng như một thứ hiện là thời thượng mới ở Việt Nam: những xấp tiền giả mệnh giá 100 USD.

.
.
.

No comments: