Đức Tâm - RFI
Chủ nhật 11 Tháng Ba 2012
Tháng 12 năm 2011, tổng thống Thein Sein ra lệnh cho quân đội ngừng các trận đánh chống lại các nhóm đòi độc lập thuộc sắc tộc Shan và Kachin. Tuy nhiên, sự yên ổn này lại rất mong manh. RFI dịch giới thiệu bài viết của André và Louis Boucaud, đăng trên nguyệt san Le Monde diplomatique - Tháng Giêng 2012.
Trở thành tổng thống của Cộng hòa Liên bang Myanmar (Miến Điện) vào tháng Ba năm 2011, cựu tướng lãnh Thein Sein tìm cách tạo cho mình dáng dấp dân sự và dân chủ. Ông đang phải đối mặt với khoảng hai chục nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đòi tự trị, thậm chí đòi độc lập. Đa số các nhóm này đã ký các thỏa thuận ngừng bắn từ trong thời gian 1989 – 1994 ; các nhóm vũ trang mạnh nhất là sắc tộc Wa, Kachin và người Shan phía Bắc. Giới tướng lãnh cầm quyền lúc đó dự tính đưa các tổ chức này hội nhập vào chương trình thành lập lực lượng biên phòng, Border Guard Froce (BGF), dưới sự chỉ huy của Miến Điện (1) : Thế nhưng kế hoạch không thành. Trận chiến giữa chính quyền trung ương và các sắc tộc thiểu số ly khai thậm chí còn ác liệt hơn.
Từ chối thần phục, Quân đội vì Độc lập Kachin (Kachin Independence Army –KIA), vào tháng 02/2011, đã thành lập một liên minh chính trị-quân sự mới, đặt tên là Hội đồng Liên bang các Sắc tộc Thống nhất – United Nationalities Federal Council (UNFC), nhằm tập hợp tất cả các nhóm sắc tộc. 11 sắc tộc đã tham gia liên minh này, nhưng Quân đội bang Shan phía Nam (Shan State Army South – SSA-S) đã từ chối và đi theo xu hướng cứng rắn của dân chúng, đòi độc lập. Về phần mình, sắc tộc Wa, dường như ban đầu ủng hộ đề nghị của sắc tộc Kachin, nhưng cuối cùng cũng từ chối tham gia.
Chính phủ vừa được thành lập, thì vào tháng 04/2011, quân đội Miến Điện đã xóa bỏ lệnh ngừng bắn và phát động một cuộc tấn công chống lại quân đội Shan phía Bắc, gây ra nhiều vụ giết chóc, hãm hiếp tập thể, đốt làng và dân chúng chạy lánh nạn. Khi tiến hành một cuộc tấn công tập trung vào mục tiêu này, trong lúc họ đã dấn sâu vào các chiến dịch đầy khó khăn ở bang Karen, giới tướng lãnh Miến Điện hy vọng làm lại được một vụ giống như ở Kokang (2), quét sạch được phiến quân Shan trong vài ngày. Như vậy, họ có thể đưa ra một lời cảnh cáo đối với các nhóm ngoan cố khác, đồng thời thử nghiệm xem khả năng hợp tác giữa các sắc dân thiểu số ra sao. Nếu như xe bọc thép và pháo binh đã cho phép chiếm được rất nhanh các căn cứ và các tuyến giao thông liên lạc, thì lực lưọng người Shan – chỉ hơn 2000 người một chút – đã phân tán vào rừng rậm. Sự kháng cự của họ đã gây bất ngờ và cho dù các trận chiến đã giảm cường độ, không có một giải pháp nào le lói xuất hiện cả. Tuy vậy, các nhóm sắc tộc đã không thể hiện sự đoàn kết với nhau. Quân đội hùng mạnh của người Wa (United Wa State Army - UWSA) mặc dù là một đồng minh lâu đời của người Shan, đã không can thiệp, theo lệnh không chính thức của người bảo hộ, anh cả Trung Quốc. Chỉ có lực lượng người Shan phía Nam, không tham gia bất kỳ liên minh nào, đã điều các đơn vị đến đánh tập hậu quân đội Miến Điện và cho phép tháo gỡ thế gọng kìm.
Thế nhưng, tình hình bắt đầu thay đổi, kể cả về mặt quân sự, bởi vì các nhóm sắc tộc đã hiểu được rằng các lãnh đạo Miến Điện sẽ không lùi bước. Ở phía nam bang Shan, dọc theo đường biên giới với Thái Lan, lực lượng SSA-S đã từng xung đột với lực lượng UWSA của người Wa vào năm 2005, đã ký kết các thỏa thuận bí mật ở cấp địa phương với kẻ cựu thù, với một sự phối hợp hài hòa gây ngạc nhiên cho một số nhà quan sát lọc lõi – một bằng chứng cho thấy sự khéo léo về chiến thuật và chính trị của người lãnh đạo tổ chức SSA-S này, ông Yord Serk. Các đơn vị của lực lượng này đi tuần tra toàn bộ bang Shan, tới tận Namkhan và Muse, gần biên giới với Trung Quốc, nơi hoạt động của đơn vị 701 (lực lượng SSA-S) và từ 2008, đơn vị này hợp tác một cách không chính thức với chính quyền Trung Quốc trong cuộc chiến chống nạn buôn lậu ma túy. Như vậy, lượng SSA-S có được sự hỗ trợ gián tiếp của Trung Quốc, gây bất lợi cho chính quyền Miến Điện.
Hỗ trợ các nhóm vũ trang
Trong tháng 06/2011, các vụ đụng độ chết người đã xẩy ra giữa quân đội Miến Điện và phiến quân Kachin, làm hàng ngàn thường dân phải di tản đến vùng biên giới với Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã im lặng một cách kỳ lạ. Hiện nay, Trung Quốc tìm cách giữ ổn định và yêu cầu các nhóm sắc tộc mà Bắc Kinh ủng hộ không nên khai hỏa đầu tiên. Người Wa, cũng như các sắc dân khác đã ký thỏa thuận ngừng bắn, đều lớn tiếng khẳng định là họ không muốn chiến tranh. Trong cùng thời gian đó, các thiết bị quân sự mà họ có được (hơn hai chục xe chuyển quân, các thiết bị cho pháo 130 mm, súng phóng hỏa tiễn cầm tay chống máy bay…) chỉ có thể từ Bắc Kinh tới.
Vừa ủng hộ một số nhóm sắc tộc thiểu số, Trung Quốc vừa chú ý duy trì các liên hệ chặt chẽ với chính quyền Miến Điện. Theo Tân Hoa xã, trong năm 2010, Trung Quốc đã đầu tư vào Miến Điện 8,17 tỷ đô la. Hơn nữa, trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh 5 ngày, hồi tháng 09/2010, tướng Than Shwe, được chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp, đã được Trung Quốc đồng ý cho vay 30 tỷ nhân dân tệ (4,2 tỷ đô la) không lãi. Trung Quốc mua nguyên liệu và các nguồn năng lượng và bán các sản phẩm chế biến, từ vũ khí cho đến các mặt hàng thiết yếu.
Trong vùng Wa, một công ty của Trung Quốc đã ký trực tiếp với các lãnh đạo người Wa ở Panghsang một hợp đồng khai thác cao su trên hàng ngàn hecta với thời hạn 30 năm. Theo một báo cáo của tổ chức Lahu National Development Organization (LNDO), gần 500 ngàn hecta đã được trồng cao su trên toàn bộ lãnh thổ bang Shan (3). Do vậy, đương nhiên là các công ty Trung Quốc này không hề muốn thấy các đồn điền của họ biến thành bãi chiến trường.
Lo ngại của Bắc Kinh chủ yếu liên quan đến đường ống dẫn dầu-khí cung cấp cho Trung Quốc khí đốt từ vịnh Bengale và dầu lửa từ cảng Kyaupkyu do các tàu chở dầu vận chuyển đến. Công trường xây dựng cảng nước sâu này đang được tiến hành, với sự tham gia của China National Petrolum Corporation (CNPC), tập đoàn này đưa hai ngàn công nhân Trung Quốc đến làm việc tại đây. Dự án sẽ được hoàn tất vào năm tới, trong khi đó, việc lắp đặt đường ống dẫn dầu-khí sẽ kết thúc vào đầu năm 2013. Hệ thống này dài 1100 km, chạy qua vùng duyên hải Aranka tới thủ phủ tỉnh Vân Nam Trung Quốc, đi qua Mandalay và gần thành phố Muse, phía cực bắc bang Shan. Người ta đang xem xét để kéo dài đường ống tới tận tỉnh Quý Châu, cũng như hướng về khu tự trị Quảng Tây. Dự án khổng lồ này có thể tốn kém hơn 3 tỷ đô la và cung cấp khí đốt cho Trung Quốc ít nhất là trong 30 năm. Tập đoàn CNPC, chủ thi công công trình, đã liên kết với hai công ty Hàn Quốc, Korea Gaz (Kogaz) và Daewoo International (Daewoo International đang khai thác mỏ khí đốt), cũng như với Myanma Oil & Gaz Enterprise – MOGE (doanh nghiệp của Nhà nưóc Miến Điện) và với hai công ty Ấn Độ khác.
Đồng thời, Trung Quốc cũng tham gia các dự án đập thủy điện trên các con sông lớn của Miến Điện ; các dự án này trong thời gian đầu do Thái Lan tiến hành. Trung Quốc làm việc này với hai mục đích : sản xuất điện và lấy nưóc. Do rất quan tâm đến việc sản xuất điện, Trung Quốc đã hợp tác Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT) để xây đập thủy điện Hatgyi, trên sông Salween, ở bang Karen và xây con đập khổng lồ Ta Sang, cũng trên dòng sông này, ở miền nam bang Shan. Trong dự án đập Ta Sang, Trung Quốc đã huy động những doanh nghiệp lớn, như China Three Gorges Corporation, China Southern Power Grid và Sinohydro, bởi vì dự án trị giá khoảng 9 tỷ đô la, với công suất hơn 7000 mégawatts.
Theo The New Light of Myanmar, tờ báo chính thức của chính quyền Miến Điện, 16 thỏa thuận liên quan đến các đầu tư này đã được ký kết trong chuyến viếng thăm Naypyidaw – thủ đô mới của Miến Điện – của phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi tháng 12 năm 2009. Ngoài hai dự án trên sông Salween ở bang Shan, các thỏa thuận này còn liên quan đến một đập thủy điện khổng lồ 2400 mégawatts ở Kunlong. Vẫn tại bang Shan, nhưng ở khu vực người Wa, tập đoàn China Hydropower Engineering Consulting Group dường như có nhiều dự án đập thủy điện trên các sông Nam Ma và Nam Hka, hai nhánh của sông Salween, cũng như trên sông Nam Lwe, một nhánh của sông Mêkông.
Từ đầu năm 2010, một tập đoàn thủy điện lớn khác của Trung Quốc Datang United Hydropower Developping, đã ký một thỏa thuận với bộ Điện lực Miến Điện để xây dựng một đập thủy điện trên sông Taping, một nhánh của sông Irrawaddy. Với công suất 240 mégawatts, sản lượng điện của dự án chủ yếu là để cung cấp cho một tổ hợp công nghiệp bao gồm một mỏ vàng và một nhà máy luyện quặng nikel ở Tagaung, bang Kachin.
Người ta lại thấy tại bang Karen, Datang United Hydropower Developping có liên quan đến ba dự án trong đó có một dự án 600 mégawatts ở Ywathit, trên sông Salween, cũng như trên sông Nam Pung và trên sông Nam Thabet, hai nhánh của sông Salween. Các hiệp hội ở địa phương chống lại việc phát triển nhiều đập thủy điện, những dự án này không chỉ đe dọa cân bằng sinh thái mà còn dẫn đến việc xóa bỏ nhiều ngôi làng, các khu đất nông nghiệp cũng như di dời các cộng đồng dân cư vốn có đời sống kinh tế bấp bênh. Ngoài ra, người Karen không quên kinh nghiệm cay đắng đầu tiên với dự án đập thủy điện khổng lồ Lawpita, được xây dựng trong bang của họ với viện trợ của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần thứ hai ; trong dự án này, người Karen hầu như không được hưởng lợi gì, bởi vì điện sản xuất ra là để cung cấp cho Rangoon và miền trung Miến Điện, chứ không phải cho Loikaw, thủ phủ bang Karen.
Ngừng dự án xây đập thủy điện Myitsone
Tại bang Kachin, có biên giới chung với Trung Quốc, vào tháng 05/2007, chính quyền quân sự độc tài đã ký một thỏa thuận với công ty China Power Investment Corporation, để xây sáu đập thủy điện dọc theo các con sông Mali Hka và Nmail Hka cũng như trên sông Myitsone, nơi hợp lưu hai dòng nước sản sinh ra con sông Irrawaddy. Dự án này có thể phá hủy một khu vực lịch sử, di sản văn hóa của người Kachin. Hồ chứa nước có thể nhấn chìm một diện tích bằng nước Singapore, phá hủy một khu vực đa dạng sinh học rất giàu có và dẫn đến việc di chuyển 10 ngàn người. Hơn nữa, nằm trên đường đứt gẫy địa chấn, đập thủy điện, nếu bị vỡ, có thể đe dọa thành phố Myitsone, thủ phủ của bang Kachin, cách đập 40 km ở hạ nguồn.
Ngay khi ký kết thỏa thuận, các tổ chức phi chính Kachin và Quân đội vì Độc lập Kachin - KIA đã phản đối. Sự phản đối lan rộng, bởi vì đập thủy điện này cũng liên quan đến tất cả người dân Miến Điện và Irrawaddy là con sông nuôi sống người dân. Mặc dù được một số bộ trưởng ủng hộ, dự án này đã gây chia rẽ nội bộ chính quyền quân sự độc tài, một số tướng lãnh coi đây như là một sự chi phối của Trung Quốc và là dấu hiệu của sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào Bắc Kinh.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày 30/09/2011, tổng thống Thein Sein đã thông báo tạm ngưng dự án Myitsone. Một số nhà đối lập coi đây là một thắng lợi, trong khi những người khác thì thận trọng hơn và quen thuộc với những thủ đoạn thao túng của chế độ, nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là tạm dừng chứ không phải là từ bỏ hẳn dự án. Ngoài ra, chương trình xây sáu đập thủy điện khác vẫn được duy trì.
Về phần chính quyền Trung Quốc, họ bày tỏ sự bất bình. Trong một cuộc gặp ở Nam Ninh (Trung Quốc), ngày 21/10/2011, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không ngần ngại nhắc nhở phó tổng thống Miến Điện Tin Aung Myint Oo rằng hai nước đã cam kết thực hiện các dự án chung và giờ đây phải tôn trọng lời hứa của mình (4).
Ai cũng biết là những vùng sinh sống của các sắc dân thiểu số, từ lâu nay được coi là « những vùng biên giới » và do vậy, hoàn toàn bị các chính phủ nối tiếp nhau ở Miến Điện lãng quên. Các vùng này có trữ lượng khổng lồ về nguồn tầi nguyên thiên nhiên. Từ đầu những năm 1990, giới tướng lãnh và các cộng sự làm ăn của họ đã tiến hành cướp phá các vùng này, không cần quan tâm đến những cộng đồng dân cư địa phương ngày càng bị nghèo khổ, trong khi đó, người được hưởng lợi đầu tiên là Trung Quốc. Phía Trung Quốc tìm kiếm sự ổn định không chỉ ở vùng biên giới mà ở trong toàn nước Miến Điện. Do vậy, Bắc Kinh vừa ủng hộ chính thức và hoàn toàn chính quyền Naypyidaw vừa giúp đỡ một số sắc tộc thiểu số, một yếu tố không thể bỏ qua trong đời sống chính trị Miến Điện.
------
(1) Đọc « Tại Miến Điện, các cuộc bầu cử trên đầu họng súng », Le Monde diplomatique, 11/209.
(2) Cuối tháng 08/2009, trong vài ngày, chính quyền đã đánh bại lực lượng nổi dậy Kokang, ở vùng biên giới với Trung Quốc.
(3) Xem Undercurrents, số 3, Bangkok, 04/2009.
(4) « Ôn Gia Bảo nói, Trung Quốc, Miến Điện cần phải giữ lời hứa », Reuters, 21/10/2011.
(2) Cuối tháng 08/2009, trong vài ngày, chính quyền đã đánh bại lực lượng nổi dậy Kokang, ở vùng biên giới với Trung Quốc.
(3) Xem Undercurrents, số 3, Bangkok, 04/2009.
(4) « Ôn Gia Bảo nói, Trung Quốc, Miến Điện cần phải giữ lời hứa », Reuters, 21/10/2011.
.
.
.
No comments:
Post a Comment