Vũ Quốc Uy
Thứ Tư, 07/03/2012
Bài phỏng vấn ngày 6/3/2012 cho tôi một ấn tượng mới về bác Lê Hồng Hà. Ấn tượng của độc giả trước đây về Lê Hồng Hà là một vị lão thành nghiêm túc, chân thực, phê phán mạnh những sai lầm của ĐCSVN và của chủ nghĩa Mác-Lê, tin vào nhân dân…song còn một số hạn chế như: quan niệm “tự vỡ” của hệ thống CS là thế nào, có phải Lê Hồng Hà trông chờ nhiều ở những người CS thức tỉnh ở quanh ông mà ít quan tâm đến những nhân vật và phong trào đấu tranh dân chủ cụ thể tự phát ở trong nước nhất là ở ngoài nước, có phải Lê Hồng Hà đánh giá chưa đúng nguy cơ Bắc thuộc…? Với bài trả lời phỏng vấn nói trên, theo tôi, bác Lê Hồng Hà, một cách ngắn gọn và dứt khoát đã rũ sạch được những ấn tượng “lấn cấn” nói trên.
- Việc đánh giá tình hình đất nước của Lê Hồng Hà đã xổ toẹt sự đánh giá của đảng CS : Ông nói “tình hình xã hội hiện nay ở mức độ xấu chưa từng có, kể từ năm 1975 đến giờ. Sự xuống cấp của đất nước hầu khắp mọi lĩnh vực từ an ninh, đạo đức, văn hóa, giáo dục, xã hội, hay chính trị. ... Như vậy xã hội hiện nay, theo tôi (Lê Hồng Hà), đang lâm vào một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện mà nguyên nhân là do đường lối của ĐCSVN về phát triển là sai”.
- Đánh giá công và tội của đảng CS: Câu duy nhất tạm coi là ghi công “về công cuộc giải phóng dân tộc thì có thể là anh hùng ca”, nhưng thành tích ấy là do tinh thần yêu nước của dân tộc chứ không phải do tính chất Cộng sản của Đảng, trái lại Đảng đã nhập vào một chủ nghĩa “phản phát triển” nên “việc xây dựng và phát triển đất nước thì từ khi có ĐCSVN đến giờ đó là một quãng lịch sử thất bại”, khiến cho “uy tín của của ĐCSVN đã xuống thấp chưa từng có, gần như không còn ai tin vào cái Đảng này nữa”! “Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN thì càng phát triển lại càng tụt hậu về nhiều mặt so với các nước trong khu vực”. Theo ông, ĐCS hiện nay chẳng còn tiền phong tiền phiếc gì hết mà “Đảng hiện nay chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội thôi”. (suy ra: Vậy thì Đảng còn ngồi ở đấy làm gì?)
- Tội lớn nhất của Đảng là tạo điều kiện cho Trung quốc xâm lược: “Trung Quốc đã và đang ráo riết thực hiện những kế hoạch dữ dội, xâm nhập, ảnh hưởng, chèn ép, bao vây trên mọi lĩnh vực, kinh tế, an ninh, quốc phòng, lãnh thổ, nhằm thực hiện ý đồ cuối cùng là thôn tính Việt Nam. Còn về phía Việt Nam thì nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam lại đã và đang bị Trung Quốc mua chuộc và khống chế. Tất cả những điều đó đều là một quá trình liên tục từ Đại hội VI của ĐCSVN đến nay. Thái độ nói chung của lãnh đạo Việt Nam hiện nay về Trung Quốc lại lờ phờ, không rõ ràng. Đó là một vấn đề hết sức nguy hiểm”.
- Nguồn gốc mọi sai lầm là do chủ nghĩa Mác-Lênin: “Chủ nghĩa Marx-Lenin là một học thuyết đấu tranh giai cấp, là một học thuyết phản phát triển” nên ”Xây dựng và phát triển đất nước mà lại theo chủ nghĩa Marx-Lenin thì sai hoàn toàn”. “Sai lầm từ gốc nằm ở cương lĩnh, ở đường lối, ở hệ tư tưởng”. Thế nhưng ĐCSVN không biết sai từ gốc hoặc biết sai từ gốc nhưng nếu nhận sai như thế thì “phải chấp nhận rằng công tác tuyên huấn là bịp bợm còn công tác lý luận là bế tắc, họ sẽ phải tự cách chức hết, tự nghỉ hết, tức là sự tự “lật đổ”, sự thay đổi hoàn toàn” dẫn đến mất chức mất quyền lợi của họ. Vì không dám đụng đến cái gốc của sai lầm nên theo ông “mong muốn đổi mới cái Đảng này cho nó mạnh lên, nó sạch lên thì không có. Trong tình hình hiện nay của đất nước thì cái Đảng này không thể đổi mới được”, “làm sao có thể chỉnh đốn được”? Tóm lại lối thoát duy nhất là: “thôi hệ tư tưởng Marx-Lenin đi!” (thế thì ông Lê Hồng Hà triệt để hơn hẳn ông Lữ Phương, ông LP vẫn cứ bịn rịn với Mác, chạy tội cho Mác).
- Đánh giá lực lượng đổi mới: Đối với chủ nghĩa Mác - Lê và đảng CS, Lê Hồng Hà càng dứt khoát bao nhiêu thì đối với các lực lượng đổi mới ông càng ưu ái, tinh tế và bao dung bấy nhiêu.
Trước hết ông chỉ tin vào Dân, đặt Dân đối diện, đối tác, đối lập với Đảng: “Chỉ dân mới có thể tạo ra đổi mới. Nếu cái Đảng này có làm được cái gì tiến bộ thì cũng phải dựa vào SỨC ÉP của dân. Nhân dân sẽ là người BẮT Đảng phải thay đổi”.
Trong dân, ông lưu ý những người tiền phong của dân. Tuy không còn là đảng viên nhưng vợ là đảng viên, môi trường giao lưu hầu hết là đảng viên, nhưng Lê Hồng Hà không e ngại đặt hy vọng vào những nhân vật và tổ chức mà Đảng thù ghét như Khối 8406, Cù Huy Hà Vũ, cha con Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, biểu tình viên Bùi thị Minh Hằng…, và cả phong trào hải ngoại mà Lê Hồng Hà đánh giá là “ở ngoài nước, tôi thấy có nhiều phát biểu cũng rất giỏi, nhiều hoạt động rất tích cực”.
Đặc biệt, đối với “những người đang nằm trong hệ thống như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Tương Lai, Nguyễn Trung…, họ phát biểu còn dè dặt thì đánh giá thế nào?” Những người này vẫn đang bị phê phán là “đối lập trung thành, là cải lương”, Lê Hồng Hà biết rõ tác dụng tích cực của họ , nhưng tôn trọng lời cảnh giác của dư luận, Lê Hồng Hà chỉ để dấu hỏi và không kết luận gì (dè dặt là sách lược hay dè dặt do nhận thức, hay dè dặt do quyền lợi?) . Ở đây vấn đề đòi hỏi sự tinh tế, mắc sai lầm về phía nào cũng đều có hại..
Cuối cùng, đối với ĐCS là đối tượng mà Lê Hồng Hà nhận định là không còn chút uy tín gì , chỉ còn mỗi tác dụng là kìm hãm xã hội, nhưng Lê Hồng Hà không đòi “giải thể” như nhiều người khác, mà chỉ khuyên các đảng viên hãy “họp lại với nhau (mà bàn nhau) để thôi hệ tư tưởng Marx-Lenin đi! Tôi không kêu gọi thủ tiêu “anh” nhưng “anh” muốn tồn tại thì phải thực hiện đa đảng, dân chủ, để mà tồn tại”.
Lời khuyên ấy không hề là sự yếu mềm chờ đợi, vì Lê Hồng Hà đã khẳng định ĐCS không thể tự đổi, khẳng định Dân phải gây SỨC ÉP, phải BẮT thì Đảng mới có thể thay đổi. Vậy sự “tự vỡ” mà ông nói trước đây không phải Đảng tự thân chủ động vỡ ra mà sự “ổn định phi lý” của xã hội phải vỡ ra dưới áp lực của Thực tiễn, của Xã hội công dân ngày càng lớn mạnh.
Lạ thay, những ý kiến dân chủ quyết liệt trong bài phỏng vấn ấy lại từ một “lão thành cách mạnh” Cộng sản, học ở Trung Quốc, lại học về Mác-Lê, lại nguyên là đại tá Công an, nghĩa là từ một người có đủ các điều kiện để trở thành một kẻ Mao-ít, phản Dân tộc và Phản động, chỉ biết còn Đảng còn mình!
Tư duy thì dứt khoát như vậy, và Lê Hồng Hà quan niệm toàn dân phải tiến lên gây Sức ép đủ mạnh để “bắt” Đảng từ bỏ chủ nghĩa, từ bỏ nạn cai trị độc đảng (đấy là cách mạng ôn hoà chứ còn gì khác), nhưng ông giữ lại điều “ngoại giao” cuối cùng: lờ đi cái nhân vật đang ngồi trên bàn thờ! Bạn có thể bảo thế là chưa triệt để, nhưng thử nghĩ mà xem, đã lên án cái chủ nghĩa Mác-Lê phản tiến hoá đến tận cùng tội lỗi, mà từ đầu đến cuối không thèm trích một lời nào của nhân vật đã rước chủ nghĩa ấy về (như số đông các người dù phê phán Đảng rất mạnh vẫn thường trích dẫn ), thì ngần ấy chưa đủ phủ định thần tượng ấy hay sao? Điều không cần nói mà cứ nói chẳng là thừa sao?
Phải chăng đó là phép xử lý triệt để mà bao dung rất Á Đông, có thể tham khảo?
VQU (8/3/2012)
.
.
.
No comments:
Post a Comment