Sunday, March 11, 2012

KẾT LUẬN của VIỆN SĨ NGUYỄN VĂN HIỆU về MÁY PHÁT ĐIỆN CHẠY BẰNG NƯỚC



Thứ bảy, ngày 10 tháng ba năm 2012

Nguyễn Văn Hiệu
VIỆN KHOA HỌC
VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM


Kết luận về báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê

tại cuộc Hội thảo "Máy phát điện chạy bằng nước"
do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào buổi sáng ngày 9 tháng 3 năm 2012


Kết luận gồm hai phần:

1/ Bản chất khoa học của công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê;

2/ Ý nghĩa thực tiễn của công trình này.

Sau khi trình bày xong kết luận, tôi xin được phát biểu Kiến nghị riêng của mình. Dưới đây là kết luận:

1. Về bản chất khoa học của công trình nghiên cứu
Kết quả khoa học chính của công trình này là tìm ra một phương pháp mới để tạo ra hydro từ nước (H2O), sau đó sử dụng hydro làm nhiên liệu để phát điện. Đây không phải là việc làm ra một máy phát điện chạy bằng nước.
Tác giả đã tạo ra được một chất rắn mà theo báo cáo là có cấu trúc nanô. Ta hãy gọi đó là một chất rắn cấu trúc nanô. Khi chất rắn cấu trúc nanô này phản ứng với nước thì sẽ xảy ra một phản ứng hóa học tạo ra hydro. Năng lượng cần thiết để tách hydro từ nước là năng lượng có sẵn trong chất rắn cấu trúc nanô. Không có sự vi phạm định luật bảo toàn năng lượng. Sau khi xảy ra phản ứng hóa học chất rắn cấu trúc nanô không còn nữa, mà sẽ xuất hiện các chất khác. Do đó tác giả mới phải "tái chế" lại chất rắn cấu trúc nanô gây ra phản ứng.
Bí quyết công nghệ nằm ở khâu chế tạo chất rắn cấu trúc nanô. Trước khi đăng ký xong quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với cơ quan có thẩm quyền, phải giữ bí mật về chất rắn cấu trúc nanô.
Về phương diện khoa học, tuy chưa được biết chất rắn cấu trúc nanô là chất gì, song vẫn có thể nói rằng tìm ra được một chất mới phản ứng với nước tạo ra hydro trên một quy mô đáng kể là một kết quả khoa học lý thú đáng trân trọng.


2. Về ý nghĩa thực tiễn của công trình nghiên cứu
Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê cho biết phương pháp sản xuất điện năng của anh không gây ô nhiễm môi trường. Do đó ý nghĩa thực tiễn của công trình nghiên cứu phụ thuộc giá thành của điện năng sản xuất ra bằng phương pháp mới.

Có hai khả năng.

Một là: giá thành điện năng được sản xuất theo phương pháp mới tương đương hoặc rẻ hơn giá thành điện năng đang sản xuất hiện nay. Trong trường hợp này công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê là một phát minh lớn về công nghệ, dẫn đến một sự phát triển mới của công nghệ năng lượng trên thế giới.
Hai là: giá thành điện năng được sản xuất theo phương pháp mới tuy còn cao song có thể chấp nhận được. Trong trường hợp này phương pháp mới của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê có thể được áp dụng để sản xuất ra điện năng ở những vùng không có lưới điện quốc gia và do đó vẫn có ý nghĩa.


Sau khi trình bày kết luận, tôi xin đề xuất Kiến nghị sau đây:

Trong khi chờ đợi cơ quan bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Mỹ và Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ còn đang xem xét bản đăng ký của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cần cấp kinh phí cho Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ và chế tạo ra một máy phát điện hoạt động theo phương pháp mới, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh vận hành chạy thử máy phát điện một cách liên tục để kiểm tra sự ổn định của quá trình phát điện trong một thời gian dài và ước tính hiệu quả kinh tế, với điều kiện vẫn giữ được bí mật công nghệ.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9 tháng 3 năm 2012
Người kết luận
Ký tên
Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu
Chủ tịch Hội đồng Khoa học
ngành Khoa học vật liệu
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

-----------------------------------

MÁY PHÁT ĐIỆN CHẠY BẰNG NƯỚC
Saturday, March 10, 2012

Friday, March 9, 2012

Friday, March 9, 2012

Friday, March 9, 2012

Thursday, March 8, 2012

Friday, March 2, 2012

.
.
.

No comments: