Saturday, March 10, 2012

KẺ DỐI TRÁ , NGƯỜI NGỘ NHẬN (Đỗ Trọng)



Đỗ Trọng

Thứ Bảy, 10/03/2012

1.
Ngay từ khi mới thành lập, đặc biệt là vào những năm Cải cách ruộng đất, một trong những khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Việt Nam từng ra sức hô hào lúc ấy là: “Trí, phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Từ đó đến nay chưa thấy có văn bản chính thức nào coi đấy là sai lầm, cho nên khẩu hiệu ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Cách đây trên 2.200 năm tên bạo chúa Tần Thủy Hoàng mới đốt sách, giết học trò đã được xem như một trong những tội ác ghê tởm nhất. Tuy vậy, nếu so với những người Cộng sản Việt Nam sẵn sàng “…đào tận gốc, trốc tận rễ” trí thức của mình, Tần Thủy Hoàng còn thua xa.

Trí thức tội tình chi? Phải chăng nhờ trí thức mà nhân loại tiếp cận được với thế giới văn minh, diệt trí thức chỉ có thể là thủ đoạn “ngu dân” hóa vì mục đích đen tối. Hơn nữa, phần lớn những người Cộng sản đề ra khẩu hiệu lúc ấy lại xuất thân từ trí thức. Liệu các nhà giáo, những “đại trí thức” kia - người đã dày công dạy dỗ những trí thức mất dạy ấy có cảm thấy tủi nhục, bất hạnh khi có những học trò bất nghĩa, kẻ “ăn cháo đái bát”, sẵn sàng “đào” mình, quên hết thảy mọi luân thường, đạo lý kia không?

Nếu những người Cộng sản Việt Nam lúc đó cố tình quên câu: “Không thày, đố mày làm nên”, “Một người lo bằng kho người hay làm” của cha ông đã dạy thì cũng phải nhớ câu: “Tôi sẵn sàng đổi hàng tá Đảng viên vô tích sự để lấy một chuyên gia tư sản có tài” của Lê Nin, người mà mình đang tôn thờ chứ. Diệt thày, diệt người biết lo, không cần các chuyên gia tư sản có tài kia thì “Chỉ có sống với tinh tinh” (Trần Mạnh Hảo) cũng đúng thôi!

Chính vì vậy trong nhiều thập kỷ trí thức chỉ được nhắc đến như vai phụ trong phường chèo xã hội. Khoa học bị kìm hãm đến tối đa. Ví dụ như việc phớt lờ kinh nghiệm của cha ông và cũng chẳng cần tham khảo ý kiến của các nhà khoa học. Không biết học đòi từ đâu lại đưa việc trồng “Lúa thần kì”, “Khoai đắp ụ”, lợn “Ba cắt” (Cắt tai, cắt đuôi và cắt tuyến giáp trạng cho chóng lớn), nuôi lợn bằng phân trâu….dẫn đến thất bại nặng nề, khiến nông dân sạt nghiệp, đói thê thảm. Không những thế cả miền Bắc mấy chục năm trời chỉ cho một vài cơ sở sản xuất cái xe đạp v.v... và v.v...
Nhiều trí thức buộc phải giả ngu để tồn tại!

2.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tại Bắc Bộ khi nói đến “Việt Hùng”, “Việt Dũng” hỏi ai không sợ hãi. Không mấy làng, xã nào không có người bất đồng chính kiến hoặc đang làm việc cho chính quyền thân Pháp bị lực lượng này cắt cổ, chặt đầu bêu đầu cọc hoặc mổ bụng cho trôi sông!
Vậy “Việt Hùng”, “Việt Dũng” là ai?
Xin kính thưa: Đó là Việt Minh (Một tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ)!
Ác chưa?
Do vậy không thiếu người vì sợ mà phải theo!

3.
Trong Cải cách ruộng đất ở miền Bắc người ta vẫn nói như đinh đóng cột là: “Ai làm, người ấy chịu”. Tuy nhiên không phải vậy.
Thực chất mỗi người luôn gắn bên mình bản lý lịch ghi chép đầy đủ ba đời của họ tộc và được xem như giấy thông hành định sẵn tương lai, sự nghiệp cho cả đời người. Vì vậy mới có câu: “Ngày xưa thi thố, bây giờ thi bố thi ông!”. Với cái chủ nghĩa lý lịch như vậy, bấy nhiêu năm đã làm thui chột biết bao tài năng của đất nước!
Hiến pháp khác gì bức tranh thủy mặc, dường như chỉ để đối ngoại. Dù không thiếu những nội dung trái với hiến pháp và pháp luật, các văn bản dưới luật mới là cơ sở để thực thi. Người dân đâu có được hưởng các quyền trong hiến pháp. Thực chất luật pháp chỉ là cái roi để “Quất đít kẻ hạ thần”, công cụ để trị những kẻ không ăn cánh, bất đồng chính kiến với mình. Ví dụ như vụ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Trung tướng Vũ Hải Triều là những minh chứng không thể chối cãi.
Luật bất thành văn. Nhiều vụ bắt bớ hoặc xử lý nhau đâu có theo luật. Nhiều ông trên hai, ba vợ không sao; thằng dưới léng phéng chút bị khép tội “Hủ hóa” coi như hết đời. Đảng tự cho mình quyền can thiệp cả đến cái quần loe, đi tắm biển không được mặc hai mảnh, bài nào mới được hát, hoặc hát thì không được nhẩy v.v... Mở miệng ra phải có câu “Nhờ ơn”, mặc dù mình đang bị hại!
Vào thế kỷ thứ VII (Trước Công nguyên) bên Tàu có Quản Trọng, sau này là Hàn Phi Tử đã từng đưa ra thuyết Pháp trị, đại ý: “Pháp luật không hùa theo người sang…Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu” như vậy mới hầu mong có một xã hội dân chủ và công bằng. Còn ta, sau ngày hòa bình ở miền Bắc, ông Nguyễn Hữu Đang – một chí sĩ cách mạng vì công khai bày tỏ quan điểm này mà bị bắt đi tù, bị hành hạ cho tới tận cuối đời!
Khi đã già L. Tôn xtôi đã từng chép vào sổ câu nói của nhà văn Anh J. Rơ skin: “Hãy sống cho công khai cởi mở. Ở đâu còn bưng bít là ở đó còn tội ác và hiểm họa. Những gì tốt đẹp và an lành của đời sống con người đều trực tiếp phụ thuộc vào thái độ công khai cởi mở ấy”! Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” vì vậy việc độc quyền thông tin, không chấp nhận đa nguyên hiện nay đã thiếu minh bạch, trái hiến pháp lại vi phạm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc, điều mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết tham gia thực hiện.

4.
Năm 1953 Cải cách ruộng đất đã thực hiện thí điểm tại một số nơi thuộc Chiến khu Việt Bắc và khu Bốn cũ, rồi tổ chức học tập rút kinh nghiệm. Sau hòa bình, tại miền Bắc, vào những năm 1955 - 1956 Cải cách ruộng đất tiếp tục được triển khai đợt 1, rồi đợt 2 ra các địa phương còn lại. Với cả một bộ máy lãnh đạo cốt cán từ trung ương tới địa phương, được tiến hành một cách bài bản và thận trọng như vậy sao có thể sai được? Còn chuyện Cải cách xong mới sửa sai chẳng qua là do kế “giết nhầm còn hơn bỏ xót” quá tàn ác, vô nhân đạo, khi thấy không thể che đậy nổi phải chăng mới bày ra chuyện sửa sai để đánh lừa dư luận mà thôi!

“Nhất Đội nhì trời”, cứ xúi nhau vu vạ, khép tội, lập án, không cho bào chữa, không cho kháng án, xử xong tuyên án luôn, rồi treo nhau lên giá bắn ngay trước hàng ngàn người như bắn một con vật.…Tàn bạo hơn cả Hitle!
Biết bao người oan khiên, có công vẫn bị tử hình, nhiều gia đình tan nát, họ hàng phải li tán cho tới tận hôm nay!
Vừa năm 1956 còn xúi con tố cha, xúi vợ đấu chồng, xúi trò đấu thầy,… hỏi dân tộc này có bao giờ tệ bạc đến thế không? Thế mà 4 năm sau đã phát biểu một cách thản nhiên, không chút ngượng mồm: “…Đảng ta là ĐẠO ĐỨC…”!

Trong khi miền Bắc dưới chế độ “dân chủ” tiến hành Cải cách ruộng đất xử người không có luật, nhưng lại ra rả lên án miền Nam nơi được gọi là “tay sai của Đế quốc” Cải cách điền địa xét xử người theo Luật là vô nhân đạo. Thật cứ như đùa!

Chưa hết, vào những năm 1956 – 1958 bất kể những công trình văn hóa như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ... có từ bao đời không cần biết, cứ xúi nhau phá sạch, rồi cũng chính vào năm 1960 ấy lại xoen xoét bảo: “…Đảng ta là VĂN MINH…”!

Cái “ĐẠO ĐỨC, VĂN MINH” kiểu ấy dù cố lấp liếm như thế nào chăng nữa ngàn năm sau lịch sử cũng không bao giờ tha thứ!

5.
Người Tàu, người Nhật cũng như người Việt xưa đều có chung một thành ngữ “Trung quân, ái quốc”, nghĩa là làm người phải trung thành với vua (Triều đại) và phải có lòng yêu nước.
Để thâu tóm quyền lực, dễ trị vì thiên hạ bọn phong kiến xưa đã cố ý đồng hóa vua với tổ quốc, chống vua là phản quốc. Tiếc thay vua (Triều đại) chỉ nhất thời, tổ quốc là vĩnh hằng. Vì thế mới có chuyện khi một triều đại đã thối nát, vua tôi đã bạc nhược, thậm chí phản động, nếu có cuộc khởi nghĩa (Cách mạng) nổ ra, những nghĩa quân kia đâu có phải là những người phản quốc.
Trong các sử liệu của nước ta, kế tiếp các triều đại, đến năm 1945 là Việt Nam dân chủ cộng hòa, cho nên Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng chỉ như một triều đại mà quyền lực do những người Cộng sản nắm giữ. Tuy nhiên, chế độ xã hội và tổ quốc vẫn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Chế độ là trừu tượng, hữu hạn còn tổ quốc là cụ thể, trường tồn. Vì thế việc quy kết những người không thích chế độ Cộng sản, chấp nhận mọi hiểm nguy và cay đắng, vượt biên ra nước ngoài sinh sống là phản quốc, thật hết sức bậy bạ, cố tình vu oan giá họa chẳng khác nào bảo: “Mày không thích tao, mày không phải là người!”, đâu khác gì bọn phong kiến ngày xưa!
Cũng con người ấy, thậm chí cả thể xác lẫn ý thức vẫn vậy. Khi vượt biên ra nước ngoài thì bị gắn cho cái tội phản quốc, khi trở về thăm thân lại được gọi với mĩ từ rất hoành tráng là “Việt kiều yêu nước”. Liệu có nhầm lẫn không hay vì quyên của họ được ít đô la nên buộc phải quay ngoắt 180 độ đổi đen thành trắng mà vẫn không hề thấy xấu hổ, quân tử không nhất ngôn, thật nực cười!
Nếu ai có điều kiện ra nước ngoài, tiếp xúc với Việt kiều sẽ thấy trong thâm tâm những người này Việt Nam vẫn là tổ quốc, quê hương của họ. Chỉ có điều kẻ buộc phải thờ ơ để an phận thủ thường; người đau xót, phản ứng trước thực tại ở trong nước…Vậy chẳng nhẽ những kẻ gần như vô cảm kia là tốt, còn những người dám phát biểu chính kiến của mình lại là phản động ư, nếu đúng vậy trên đời này chỉ có những vật vô tri, vô giác là hoàn hảo nhất!

6.
Cách đây non thế kỷ, dẫu đất nước còn hai miền chia cắt, nhưng trong tâm khảm của người dân Việt Nam ai chẳng biết những địa danh nổi tiếng như thác Bản Giốc, Ải Nam Quan nơi ngày xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đi đày v.v... Rồi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nữa cũng đều là của Việt Nam. Thế nhưng nay nhiều địa danh này lại thuộc về Trung Quốc. Hàng ngàn năm cha ông ta đã đổ bao xương máu để gìn giữ, sao bây giờ lại như thế? Nếu không bị cướp ắt bị bán, vậy xin hỏi ai là tội đồ?

Hàn Phi Tử nói:
Nước mất mà không biết là bất trí,
Biết mà không lo liệu là bất trung,
Lo liệu mà không liều chết là bất dũng!
Biết bao người đau xót muốn bày tỏ mà phải câm miệng, trời ơi nhục!

7.
Trên đất nước này, hàng chục năm qua, từ đứa trẻ con cho đến các cụ già mỗi khi nghe đài hay xem tivi, tới chương trình Quân đội nhân dân mấy ai không biết câu “thần chú” đã nhàm chán: “QUÂN ĐỘI TA TRUNG VỚI ĐẢNG, HIẾU VỚI DÂN…”. Gần đây nữa, tại Trụ sở Bộ Công an (ở 44, Yết Kiêu, Hà Nội) có trương một tấm pa nô hoành tráng với câu khẩu hiệu: “CÔNG AN NHÂN DÂN CHỈ BIẾT CÒN ĐẢNG, CÒN MÌNH”, như đập vào mắt tất cả những ai vô tình qua đó!

Quân đội quên Nước nhưng còn nhắc tới dân, riêng Công an thì quên sạch. Cho nên giang sơn nay có mất vài chục cây số vuông và mấy chục đảo nhỏ, Quân đội đâu có lỗi và dân thỉnh thoảng bị Công an hành hung chắc gì phải chịu tội!
Ngân sách chi cho hai lực lượng này cũng là thuế của dân đấy. Chưa nói cả nước chẳng có lực lượng nào hưởng lương từ ngân sách cao như hai lực lượng này? Dân còng lưng làm, “chổng khu” bớt ăn, bớt tiêu đóng thuế để nuôi họ không biết để làm gì, giang sơn cứ mất dần còn mình bất ưng lại bị đàn áp, khổ thật!
Ồ hay chưa, Nước vẫn kia mà tự dưng đã mất!

8.
Sau năm 1954 ở miền Bắc đi đâu cũng thấy nhan nhản câu khẩu hiệu: ”HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT, ĐỘC LẬP, DÂN CHỦ VÀ GIÀU MẠNH”. Từ sau năm 1975 câu khẩu hiệu ấy tự nhiên mất tiêu mấy từ “HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT VÀ ĐỘC LẬP”. Đúng thôi, vì đất nước đã hòa bình, tổ quốc đã thống nhất và độc lập rồi, mấy từ ấy đâu còn ý nghĩa gì nữa. Tựu trung những khẩu hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra là những cái xã hội này chưa có, đang cần phải có.
Vì vậy khẩu hiệu: “DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG VÀ VĂN MINH XÃ HỘI” đang trương lên kia đã vô tình thừa nhận thực chất xã hội ta hiện nay không có “DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG VÀ VĂN MINH XÃ HỘI”. Từ đó suy ra câu khẩu hiệu: “SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT” cũng vậy!
Cuộc sống đâu phải chỉ có ăn sạch, uống sạch, hít thở không khí sạch mà còn cần một xã hội trong sạch, không dân chủ không thể có một xã hội trong sạch!

Gần đây, sau khi đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có phát biểu với báo giới: “Đây là Đại hội dân chủ nhất”. Tưởng ai phát biểu chứ cái Ông vừa trúng quả tuyên bố như vậy có chi lạ, bởi “Mèo khen mèo dài đuôi” thôi!

Kỳ thực Ông này quá hỗn, bởi vô hình trung Ông đã chê các Đại hội của các bậc tiền bối của Ông chưa “Dân chủ” bằng cái Đại hội bầu ra Ông, đồng thời trong Đảng xưa nay luôn thiếu (chứ chưa phải không) dân chủ. Tuy nhiên Đại hội nào sau đó chẳng tự đánh giá Đại hội mình dân chủ, tiến bộ và sáng suôt hơn Đại hội trước. Thực chất ai chẳng biết cái “Truyền thống dân chủ” của Đảng này như thế nào, tỉ dụ: Cách đây ít lâu ông Nguyễn Đình Tứ đã chết, người ta vẫn có thể đưa cái xác Ông ấy vào Bộ chính trị, vậy xin hỏi việc gì họ không thể làm được!

Trong số các đại biểu dự Đại hội vừa rồi hỏi có ai là DÂN không hay 100% số đại biểu này chỉ toàn “Đầy tớ” bự - những cán bộ chủ chốt của Đảng, chưa bầu dân chúng đã biết ai trúng và họ sẽ làm gì. Chỉ có nội bộ trong Đảng tự sắp xếp với nhau sao có thể nói dân chủ được, cho nên ông Nguyễn Phú Trọng cần phải cải chính chữ DÂN CHỦ NHẤT thành ĐẢNG CHỦ NHẤT mới đúng!

Nhà văn Lưu Quang Vũ từng nói: “Vua ngu thì dân khổ!”.
Thời thế thế. Kẻ dối trá, người ngộ nhận - ai say, ai tỉnh, đố ai biết đến bao giờ?

Đỗ Trọng

.
.
.

No comments: