Saturday, March 10, 2012

HƠN 40% DÂN SỐ VIỆT NAM ĐÃ NHIỄM LAO (Nam Phương, VnExpress)



Nam Phương, VnExpress
Thứ bảy, 10/3/2012, 10:25 GMT+7

Theo điều tra tại nước ta, cứ 5 người thì có 2 người nhiễm lao nhưng chưa thành bệnh. Khi hệ miễn dịch của cơ thể kém đi hoặc đến tuổi trung niên, bị cao huyết áp, tiểu đường.., sức đề kháng giảm là vi khuẩn lao có cơ hội trỗi dậy.

Hiện nước ta xếp thứ 12/22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới, đứng thứ 14/27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc.

Phó giáo sư Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) cho biết, nước ta có tỷ lệ dân số bị nhiễm lao cao, trong đó bệnh nhân lao phổi mỗi năm có khoảng 70.000 người. Dù đã có cả một chương trình chống lao quốc gia thế nhưng số người mắc lao vẫn ngày một đông. Thực trạng này là do sự chậm trễ trong phát hiện và điều trị bệnh.

Bên cạnh đó phải kể đến sự thiếu hụt về nhân lực đang ở mức báo động đỏ. Sau cải tổ hệ thống y tế tuyến huyện, 50% số cán bộ làm công tác chống lao là mới và chưa được đào tạo. Cán bộ làm công tác chống lao đang "già đi", không có người thay thế trong khi bệnh lao lại đang "trẻ lại", phó giáo sư Ngọc Sỹ cho biết.

Giám đốc một bệnh viện lao và phổi tại Đà Nẵng lo ngại: "Sau thế hệ chúng tôi không biết còn ai sẽ làm lao nữa. Đã 10 năm nay chúng tôi chưa tuyển được thêm bác sĩ nào".

Theo các chuyên gia, việc khai báo các ca bệnh theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm chưa được thực hiện nghiêm túc. Lao lây truyền qua tiếp xúc và có thể lây lan qua không khí như các bệnh cảm cúm. Khi người nhiễm có vi khuẩn lao trong phổi ho, hắt hơi, cười, khạc nhổ hay hát hò, vi khuẩn sẽ “bắn” vào không khí và người khác có thể hít phải.

Thế nhưng có đến 7% số người mắc bệnh lao không điều trị do tâm lý e ngại. Thực tế này làm cho căn bệnh dễ chữa thành khó chữa. Ngược lại, có bệnh nhân bị bệnh nhưng chữa trị không đúng cách, tự ý ngưng điều trị giữa chừng, hoặc trong quá trình điều trị không tuân thủ những dặn dò của bác sĩ (như ăn riêng bát đũa). Điều này gây nhiễm chéo trong gia đình, cộng đồng khiến việc điều trị rất phức tạp.

Tiến sĩ Phạm Quang Tuệ, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng khuyến cáo, ngày càng nhiều người bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS đã mắc lao. Virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người sẽ tạo điều kiện cho cơ thể mắc các bệnh nhiễm khuẩn, điển hình là bệnh lao.

"Một số bệnh nhân nhiễm lao có HIV do sợ bị kỳ thị khi đi khám bệnh, nên đã phần muốn giấu bệnh, không đến cơ sở điều trị làm cho bệnh tình càng trầm trọng hơn. Tâm lý này là mối họa tiềm ẩn gia tăng nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng", tiến sĩ Tuệ nói.

Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao phổi như: sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, gầy sút chán ăn, ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, có thể kèm đau tức ngực, khó thở, ho ra máu, người bệnh cần phải đến đúng cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm. Không nên vì tâm lý e ngại mà giấu bệnh vì điều đó không chỉ gây nguy hiểm tới tính mạng, mà còn tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

"Bệnh lao là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chúng ta hiểu và đầu tư đúng. 'Vì một thế giới không còn bệnh lao', hãy hành động ngay từ ngày hôm nay. Đây cũng là chủ đề Ngày Thế giới Chống lao năm nay", phó giáo sư Sỹ khẳng định.

------------------
Tại Việt Nam, trung mình mỗi năm có thêm 200.000 bệnh nhân mắc lao mới vào 30.000 người tử vong. Bệnh nhân tập trung chủ yếu ở tuổi lao động (22-44 tuổi) chiếm tới 40%, trong đó đa phần là nam. Đặc biệt, ước tính có 5.000-6.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc.

Nam Phương

.
.
.

No comments: