Sunday, March 4, 2012

HÀNH TRÌNH VIỄN XỨ NEW ORLEANS (Phạm Diễm Hương)



Phạm Diễm Hương
12:26 - 03/03/2012

Ôi, New Orleans!

Tính đến hôm nay, tôi đã làm việc với Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt được đúng một năm. Từ buổi phỏng vấn đầu tiên nhiều kỷ niệm và nước mắt tại Houston vào đầu năm 2011, đến những lần phỏng vấn kế tiếp tại New Orleans, và Denver, đã là hành trang quý báu cho phần đời còn lại của tôi. Chương trình 500 lịch sử phỏng vấn của Hội là phần sử tiếp nối sau biến cố năm 1975, là sự gửi gắm những kinh nghiệm thiêng liêng của thế hệ trước dành cho thế hệ sau mà tôi hân hạnh được chứng kiến.

Tôi đã viết về hai buổi phỏng vấn tại Houston và Denver, nhưng chưa viết về những ngày làm việc tại New Orleans. New Orleans là thành phốdu lịch sang cả, pha trộn nhiều nét văn hóa Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, nhưng dấu tích của những đồn điền, và hình ảnh các nhạc công người da đen trong điệu nhạc jazzở French Quarter đã gợi lại quá khứ nô lệ của người da đen trong thập niên 1800. New Orleans đã làm tôi nhớ Việt Nam trong thời Pháp thuộc, và tôi đã quay quắt trong dòng sử cũ, nên đã không bình tâm để nghĩ và viết về New Orleans.

Ngày 26 tháng 2 vừa qua, tôi trở lại New Orleans tham dự buổi gây quỹ thứ hai của Hội, nhưng là lầnđầu đối với tôi. Cảm giác thân quen lẫn ngại ngùng tràn ngập trong tôi. Đồng hương mình ở đây, chắc chắn cũng bị bao vây bởi quá khứ nô lệ của người da đen như tôi, nhưng tại sao làng Versailles đã hình thành, những chiếc tàu đánh cá của người Việt đã ra khơi, những thánh đường, ngôi chùa, thiền viện đã được thiết lập? Và tại sao người Việt vẫn trở về New Orleans sau thảm họa Katrina để xây dựng lại từ đầu, để vực lại chợ rau lộ thiên, vẫn với những cụ già quấn khăn vuông vào mỗi sáng ngày thứ bảy tinh mơ? Phải chăng chính lịch sử của New Orleans đã là một phiên bản củađất nước Việt Nam? Và người Việt đã chọn mảnh đất thấp trũng ẩm ướt này như quê hương ruột thịt của mình cho dẫu thiên tai có khắc nghiệt đến đâu, miễn là có tự do? Và có phải chính lịch sử này đã khiến đồng hương mình ở đây bày tỏ một ước muốn vô cùng thiết tha là đóng góp công sức để mong hoàn thành những trang sử của người Việt tỵ nạn trong đêm 26 tháng 2 năm 2012 tại nhà hàng Panda King?

Thương Nhớ Việt Nam…

Buổi tiệc gây quỹ mang tên “Hành Trình Viễn Xứ New Orleans” được bắt đầu lúc 6 giờ chiều với phần cắt băng khai mạc triển lãm Di Sản Văn Hoá của Người Việt tại Hoa Kỳ. Những tấm panels lớn nhỏ ghi lại chân dung và trich đoạn lịch sử tiêu biểu của một số người tham gia chương trình 500 lịch sử phỏng vấn của Hội được trưng bày bên ngoài và dọc hai bên tường của hàng lang vào phòng ăn hoặc được để trang trọng trên những giá vẽ.

Các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo và đồng hương tại New Orleans đã trầm ngâm, lặng yên trước những tấm panels. Tất cả như đang bước lùi về quá khứ, như đang đứng giữa dòng sử bi hùng của người Việt tỵ nạn mà chính họ đã sống và đã trải qua. Các em trẻ suy tư trước một tài liệu giá trị, có em đã lấy tay dò đọc từng hàng chữ như cảm nhận được dòng sử đó là của mình, là dành cho mình và muốn nhập dòng. Có những quan khách ngoại quốc chăm chú đọc với ánh mắt thảng thốt trước một lịch sử mà họ chưa hề nghe nói tới hoặc chỉ mới biết sơ qua.
Hơn 500 người với tâm trạng bồi hồi xúc động ấy đã như dòng chảy tràn vào phòng ăn rộng lớn sang trọng, khiến không khí thật ấm cúng và gắn bó. Buổi gây quỹ được chính thức mở đầu bằng Lễ chào Quốc Kỳ Việt Mỹ và Phút tưởng niệm do Hội cựu Sinh Viên SĩQuan Trừ Bị Thủ Đức New Orleansđảm nhiệm. Phần dâng hương của các bậc trưởng thượng và thế hệ trẻ trước bàn thờTổ Quốc, cùng nghi thức rước lá đại kỳ Việt Nam Cộng Hoà đã khiến buổi lễ thêm phần trang trọng.

Trong phần phát biểu cùng quan khách và đồng hương New Orleans, chị Hội trưởng Triều Giang đã xúc động chia sẻ rằng: “Sau năm 1975, chiến tranh chấm dứt, hoà bình được tái lập, nhưng đất nước Việt Nam lại rơi vào vòng thống trị của cộng sản. Người dân miền Nam bị đọa đày. Hàng trăm ngàn quân cán chính của miền Nam bị giam giữ trong các trại tù khổ sai. Hàng triệu người miền Nam đã bất chấp hiểm nguy, sóng gió để vượt biên, vượt biển tìm Tự Do. Hàng trăm ngàn người ra đi nhưng không đến được bến bờ Tự Do vẫn là một ký ức đau thương đậm nét trong lòng người Việt tỵ nạn. Tất cả những sự thật này cần phải được ghi lại, cần phải được hoàn thành. Đây chính là trang sử tiếp nối của dân tộc Việt Nam dành cho thếhệ mai sau.”

Khánh thành triển lãm “Di Sản Văn Hoá Người Việt Tại Hoa Kỳ” (Ảnh Trùng Dương)


Giữa dòng sử bi hùng của người Việt tỵ nạn (Ảnh Trùng Dương)

Tuổi trẻ nhập dòng lịch sử (Ảnh Trùng Dương)


Chung Một Tấm Lòng, Một Ước Mơ…

Cũng như buổi tiệc gây quỹ lại Houston,“Hành Trình Viễn Xứ New Orleans” đã được sự hỗ trợ nhiệt tình của các hội đoàn,đoàn thể và các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Nhưng còn hình ảnh nào tuyệt vời hơn khi các vị thượng toạ, đại đức, linh mục tại New Orleans cùng đứng với nhau trên sân khấu, cùng quảng bá việc làm của Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch SửNgười Mỹ Gốc Việt, cùng kêu gọi sự tiếp sức của tất cả mọi người để thực hiện trang sử bi hùng của người tỵ nạn Việt Nam? Những ước vọng của Linh Mục Phạm văn Tuệ, Linh Mục Nguyễn văn Nghiêm hay những lời tâm huyết thiết tha của Đại Đức Thích Thông Đức đã khiến cả hội trường xúc động.

Linh Mục Phạm văn Tuệ nói rằng: “Trong thời gian qua, Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt đã thu thập được khoảng 2000 trang về những câu chuyện sống động để truyền đi sứ điệp của Việt Nam Cộng Hòa xưa về tự do và sự thật. Tự do vì đây những trang sử đầy máu và nước mắt. Người miền Namđã phải trả giá rất đắt cho 20 năm tự do. Nhưng điều này rất xứng đáng vì nó bắtđầu cho người Việt Nam chúng ta biết Tự do là như thế nào, đểxây dựng tương lai tự do cho đất nước và dân tộc sau này. Chế độ cộng sản sẽ phải qua đi, và việc xây dựng đất nước rất cần những kinh nghiệm về tự do mà chúng ta đã có. Với lớp trẻ hải ngoại, họ đã có Tự do, họ muốn tìm hiểu về tự do máu xương của miền Nam, họ sẽ được đọc những tài liệu của Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt. Và sự thật là xây dựng đất nước cần dựa trên sự thật. Phe thắng trận có thể nói sai sự thật, nhưng nhân loại có sự lương thiện trí thức, những người trẻ tại Việt Nam học ở các đại học Mỹ, họ cũng có cái lương thiện trí thức. Họ biết rằng cần phải tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và phải tìm hiểu cả hai bên. Nhưng tìm nguồn tài liệu ở đâu, xin thưa, những tài liệu ấy là những thu góp văn hoá lịch sử trung thực mà Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt đang thực hiện. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng tương lai Việt Nam phải được xây dựng trên sự thật.”

Linh Mục Nguyễn văn Nghiêm tiếp lời: “Cuộc hành trình viễn xứ nghe rất xa xôi, nhưngđã được Hội thực hiện được nửa hành trình và bây giờ bước qua giai đoạn thứ hai mà chúng ta là những người đóng góp để chương trình 500 lịch sử phỏng vấn được hoàn tất. Đây là hành trình có điểm khởi đầu mà không có điểm dứt. Chúng ta phải nêu lên lịch sử và văn hoá của người Việt tỵ nạn để các em hiểu rằng các em cũng có một quê hương, một tổ quốc, để hãnh diện và để một ngày nào đó các emđược có cơ hội đóng góp.”

VàĐại Đức Thích Thông Đức tâm tình thêm: “ Người Tàu đô hộ chúng ta một ngàn năm nhưng họ không đồng hoá được người Việt, bởi vì chúng ta vẫn giữ được văn hóa và bản sắc dân tộc mình. Văn hoá như một gốc cây được cắm sâu vào lòng đất. dù phong ba bão táp, nó vẫn giữ được gốc rễ của nó. Và hôm nay chúng ta phải tỵ nạn xứ người tìm tự do nhưng chúng ta vẫn giữ được nét văn hoá đặc thù của người Việt Nam. Văn hoá người Việt nằm ở mâm cơm của gia đình, trong cách sống của cha mẹ đối với con cái, trong cách đồng hương trong cộng đồng đối xử với nhau. Chúng ta cùng giữ gìn văn hóa của mình trên xứ người cho thế hệ con em của mình. Nếu một quốc gia dù khó khăn nghèo khổ,nhưng biết hướng dẫn việc duy trì và bảo vệ văn hoá của mình cho tuổi trẻ, tôi tin rằng quốc gia đó sẽ có được một tương lai vinh quang rạng rỡ.”

Rước đại kỳ, trái. Chung sức chung lòng cùng viết trang sử Việt tỵ nạn, phải. (Ảnh Trùng Dương)

Một hình ảnh đẹp khác của đêm gây quỹ, đó là người MC của chương trình: Linh Mục Đồng Minh Quang. Với trang phục nhà dòng, với giọng nói chân tình, thân thiện, Linh Mục Quang đã gắn kết mọi người với nhau bằng những câu hát tươi vui dí dỏm như để chia sẻ thành quả của Hội từ bẩy năm qua, và kêu gọi mọi người hãy đóng góp phần của mình để hoàn tất trang sử của người Việt tỵ nạn dành cho thế hệ tiếp nối. Số tiền đóng góp tăng nhanh từng phút từng giờ. Từ 15,000 rồi 20,000 rồi 30, 40, 50 ngàn Mỹ Kim đã khiến nức lòng người tham dự.

Xúc động tiếp nối xúc động, khi một vị chủ chăn đã hát với tất cả tấm lòng hướng về quê hương Việt Nam. Linh Mục Michael Hoàng Nam, người hằng quan tâm đến bước chân của người Việt tỵ nạn, đã không ngần ngại lên sân khấu trải lòng mình qua nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Thành “Một lần miên viễn xót xa”.

Sự xúc động dâng cao khi các em trong gia đình Phật tử chùa Bồ Đề lên sân khấu hát “Bài ca tuổi trẻ” của nhạc sĩ Phan văn Hưng. Bài hát đã gợi lại hình ảnh tươi trẻ, đầy nhiệt huyết của hàng trăm thanh niên sinh viên học sinh và nhạc sĩ Phan văn Hưng trong những Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Toàn Thế Giới được tổ chức tại Pháp, Hoa Kỳ, Úc châu, Mã Lai, và Phi luật Tân trong những năm qua.

Chương trình được tiếp nối với tâm tình của tuổi trẻ New Orleans. Các em được may mắn sống trong tình thương yêu và hướng dẫn của gia đình và cộng đồng. Các em mong muốn được biết về cội nguồn của mình và được học dòng sử của người Việt tỵ nạn.


Một khối óc, một tấm lòng, một ước mơ… (Ảnh Trùng Dương)

Đêm “Hành Trình Viễn Xứ New Orleans” được tô điểm bằng những tiếng hát ngọt ngào của các ca sĩ Hương Giang, Thái Hà, Phi Tiển, Ngọc Long đến từ Cali và Austin với sựphụ họa của ban nhạc địa phương Anh Trọng, người đã đóng góp cả bằng công sức và hiện kim.

Đêm khuya, sương xuống, mưa rơi ướt lạnh bên ngoài, nhưng trong lòng từng đồng hương Việt Nam tại New Orleans chắc chắn rất ấm áp vì đã được chia sẻ với nhau những giây phút đẹp, nhiều ý nghĩa và trên tất cả, chúng ta vẫn còn gắn bó và cưu mang những trang sử của người Việt tỵ nạn như gia tài vô giá để lại cho thế hệcon em. [PDH 2/2012]

.
.
.

No comments: