Saturday, March 10, 2012

HẠN CHẾ THƯƠNG MẠI & NHÂN QUYỀN (Tô Nam / BBC)



Tô Nam
Sinh viên Đại học Cornell, Hoa Kỳ
Cập nhật: 03:24 GMT - thứ bảy, 10 tháng 3, 2012

Những ngày vừa qua, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đang rất vui mừng với những động thái tích cực từ chính quyền Obama sau khi thỉnh nguyện thư gửi lên Nhà Trắng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam được hơn 130,000 chữ kí ủng hộ.

Kiến nghị này có thể coi như một cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên cộng đồng người Việt ở hải ngoại cất lên tiếng nói đồng thanh về nhân quyền trong nước và đạt được một kết quả khiến Washington phải quan tâm.
Hạn chế thương mại

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, bản kiến nghị yêu cầu Washington dừng mở rộng thương mại với Hà Nội dường như đã không được suy xét một cách kĩ lưỡng.

Có thể hiểu cá nhân và tổ chức đứng đằng sau mong muốn bằng việc ngừng mở rộng thương mại với Việt Nam, hay thậm chí chấm dứt thương mại hoàn toàn bằng hình thức cấm vận hoặc áp dụng các biện pháp khác nhằm hạn chế thương mại giữa hai nước, Washington sẽ có thể tác động tích cực đến tình hình nhân quyền.

Tuy nhiên việc đặt ra những hạn chế về thương mại sẽ không chỉ đem lại những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội ở trong nước mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị, nhân quyền, điều mà chính bản kiến nghị nhắm tới.

Có nhiều lý do để có thể khẳng định rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam sẽ không có biến chuyển, hay thậm chí sẽ tồi đi nếu như những đòi hỏi về hạn chế thương mại được đáp ứng.

Cần phải thấy rằng thương mại và nhân quyền là hai vấn đề biệt lập khó có khả năng tác động lên nhau và việc giải quyết các vấn đề nhân quyền bằng hạn chế thương mại là thiếu cơ sở.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng thương mại đi đôi với quá trình toàn cầu hoá đã và đang khiến các xã hội khép kín và các chế độ độc tài dần trở nên cởi mở và hoà nhập hơn với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Chính bản thân Việt Nam kể từ sau Đổi Mới và mở cừa biên giới đã đạt được những chuyển biến tích cực trên bình diện xã hội, văn hoá, và theo đó là nhân quyền.

Ảnh hưởng đến ai?

Hạn chế thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ chỉ làm ảnh hưởng đến người dân cả hai nước, đặc biệt là Việt Nam khi mà lợi ích kinh tế của họ bị ảnh hưởng.

Những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phần lớn là công nghiệp nhẹ từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tận dụng nguồn lao động thủ công dồi dào với giá thành sản xuất rẻ.

Số liệu từ cục thống kê Hoa Kỳ cho thấy năm 2011, Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam 17.5 tỉ đôla hàng hoá chiếm hơn 15% GDP. Điều đó cho thấy thương mại với Hoa Kỳ chiếm một phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và hạn chế thương mại sẽ gây ra khó khăn cho một phần không nhỏ người dân và doanh nghiệp khi mà miếng cơm manh áo của họ phụ thuộc vào thương mại với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó về mặt chính quyền cũng như những cơ chế chính sách liên quan đến nhân quyền sẽ là rất hạn chế, nếu như không muốn nói là tiêu cực khi mà nền kinh tế cô lập bị suy yếu tạo ra những bất ổn và căng thẳng xã hội khiến cho đàn áp có cơ hội được tăng cường và đẩy mạnh.

Hạn chế thương mại thậm chí còn có thể gián tiếp tiếp tay cho chính quyền độc tài đàn áp và chà đạp nhân quyền trắng trợn hơn như trường hợp của Bắc Triều Tiên một quốc gia có nền kinh tế và đường biên giới hoàn toàn khép kín.

Bài toán khó

Thúc đẩy nhân quyền nhìn từ góc độ quốc tế là một bài toán khó giải. Nếu như những áp lực từ cộng đồng quốc tế và các tổ chức phi chính phủ là không đủ, những biện pháp cứng rắn hơn là cần thiết để bảo vệ nhân quyền tại các quốc gia nơi mà người dân bị đàn áp bởi chính quyền độc tài.

Tuy nhiên, biện pháp đem lại hiệu quả cao nhất sẽ phải gây được ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người đưa ra quyết định đàn áp vi phạm nhân quyền thay vì đơn giản là hạn chế thương mại.

Ở vị thế của Hoa Kỳ, những biện pháp này có thể bao gồm ngưng cấp visa du lịch, du học, khám chữa bệnh (điều rất phổ biến ở tầng lớp thống trị hiện nay) cho những đối tượng liên quan trực tiếp đến chính sách nhân quyền ở Việt Nam và các thành viên trong gia đình, hay phong toả tài khoản ngân hàng của những người này ở các ngân hàng Hoa Kỳ, hay vận động hành lang để những chính sách tương tự được thực thi ở các quốc gia phát triển khác.
Bằng cách đánh vào quyền lợi trực tiếp của những nhà cầm quyền, những biện pháp này có nhiều khả năng đem lại hiệu quả cao hơn là hạn chế thương mại.

Phải nói rằng tất cả những người Việt Nam theo dõi sát sao tình hình chính trị trong nước đều quan tâm tới vấn đề nhân quyền. Họ cũng không hài lòng vì những vụ đàn áp và bắt bớ của chính quyền Hà Nội đối với những người yêu nước, những người đang xả thân mình vì một Việt Nam dân chủ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể mù quáng đưa ra những kiến nghị sai lầm không những không giải quyết được vấn đề mà thậm chí còn có nguy cơ làm xấu đi tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, sinh viên Đại học Cornell, chuyên ngành Triết Học - Chính Trị - Kinh Tế.

.
.
.

No comments: