Diệp Văn Sơn
Thứ Năm, 08/03/2012 22:26
LTS: Loạt bài “Vực dậy ĐBSCL” trên Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5 đến 8-3 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tâm huyết của bạn đọc. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết sau đây của tác giả Diệp Văn Sơn
Thực trạng giáo dục ở ĐBSCL đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong khu vực mổ xẻ, phân tích đến từng chi tiết, cho thấy nhiều điều đáng giật mình so với các vùng miền khác.
Đầu tư chưa tương xứng
Nếu số học sinh THPT trên 1.000 người dân của vùng Bắc Trung Bộ là 43,01, Đông Bắc 39,05, đồng bằng sông Hồng 37,86, duyên hải miền Trung 36,64,... thì ĐBSCL chỉ 26,31. Tỉ lệ học sinh THCS ở ĐBSCL cũng thấp nhất nước. Bình quân, tỉ lệ lao động được đào tạo của ĐBSCL chỉ đạt khoảng 14,31%. Nếu ở đồng bằng sông Hồng, cứ khoảng 327.000 người dân là có một trường ĐH (bình quân cả nước khoảng 900.000 người) thì ở ĐBSCL, con số này lên tới 3,37 triệu. Tỉ lệ tiến sĩ, giáo sư, thạc sĩ... của ĐBSCL cũng còn quá thấp…
Để giáo dục ĐBSCL phát triển kịp các vùng miền khác, từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư cho vùng này khoảng 22% tổng ngân sách giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, do một số lý do, mức đầu tư này trong 5 năm qua chỉ đạt 17%.
Số liệu thống kê đưa ra tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 20 của Thủ tướng về phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010 cho thấy trong 6.200 trường học ở đây, chỉ có 300 trường đạt chuẩn quốc gia. Theo GS-TS Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, chi tiêu cho giáo dục của một gia đình tại ĐBSCL chỉ bằng 63% ở sông Hồng và 46% vùng Đông Nam Bộ.
Nhận xét của GS-TS Võ Tòng Xuân đã được nhiều người đồng tình: “Ước tính một huyện, thị tốn trên dưới 1 tỉ đồng mỗi năm để... năn nỉ người ta đi học. Tại sao không gắn việc học với quyền lợi cụ thể, như chỉ cấp bằng lái xe máy cho những ai đã học xong lớp 9?”.
Học hay không, tùy ý!
Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, nước ta còn 4 triệu người chưa đi học. Trong đó, ĐBSCL có đến 6,9% người từ 15 tuổi trở lên chưa đi học và 26,7% chưa tốt nghiệp tiểu học. Số người 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật trên cả nước chiếm tỉ lệ 86,7%, trong đó cao nhất là ở ĐBSCL (93,4%).
Có một thực trạng đáng buồn là nhiều gia đình ở nông thôn ĐBSCL cho con em học chỉ đến lớp 2-3, cao lắm chỉ lớp 5. “Bọn trẻ không ham học thì đành chịu! Nhà nghèo, chạy lo gạo ăn đã mệt, nói gì đến chuyện cho con cái học hành. Lớn lên cũng đi làm thuê như cha mẹ, vậy học làm chi?” – nhiều người bày tỏ. Chính vì những suy nghĩ đơn giản đó của cha mẹ mà nhiều em chỉ học một thời gian rồi nghỉ, nếu học tiếp cũng chậm tiến bộ do không được quan tâm, động viên. Nhiều người còn cho biết con em họ muốn học hay không là tùy ý chúng.
Do tỉ lệ người chưa đi học và chưa tốt nghiệp tiểu học tại ĐBSCL còn cao nên dẫn đến trình độ nghề nghiệp cũng thấp hoặc không có nghề. Cơ sở học vấn của người lao động còn thấp nên rất dễ lý giải vì sao năng suất lao động và thu nhập đầu người của ĐBSCL luôn thấp hơn so với các khu vực khác.
Muốn vực dậy ĐBSCL, không có con đường nào khác là phải hành động mà trước hết, không thể chần chừ trong việc tìm giải pháp khắc phục những yếu kém về giáo dục.
*
*
Chăm lo ngay từ cấp tiểu học
Theo TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, để nâng chất lượng giáo dục ĐBSCL lên ngang với mặt bằng chung cả nước, cần chăm lo ngay từ cấp tiểu học, đặc biệt là các lớp vỡ lòng. Căn bệnh chạy theo thành tích diễn ra nhiều năm nay cũng là một nguyên nhân kìm hãm nền giáo dục ĐBSCL phát triển. Các nhà chuyên môn cho rằng phải đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi phương pháp dạy và học; đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của từng gia đình về việc học. Để ĐBSCL vươn lên, không thể không đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực mà trước hết là tập trung xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, THCS nhằm tạo nguồn cho đào tạo nghề…
Thực tế thời gian qua cho thấy vẫn chưa có cơ chế tài chính đặc biệt và sự đầu tư có tính đột phá cho phát triển GD-ĐT và dạy nghề của ĐBSCL. Hầu hết các tỉnh, thành ĐBSCL đều đề xuất Trung ương đầu tư mạnh hơn cho GD-ĐT và dạy nghề. Sự đầu tư này phải được tính toán một cách khoa học trên cơ sở dân số cùng những đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng; đồng thời, nên giao quyền chủ động cho các địa phương, đầu tư ít nhưng phải tập trung, đồng bộ và hiệu quả. Ngoài ra, phải có những chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng phát triển giáo dục ĐBSCL.
Diệp Văn Sơn
--------------------------------------------
Ý kiến bạn đọc
nguyễn hòa
09/03/2012 07:18
Có rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định, mức lương lại không đủ sống đã làm tác động đến các bậc cha mẹ của các em nhỏ. Có người còn nghĩ "lương tháng không bằng đi bán vé số thì học làm gì? Thà cho học nghề còn sướng hơn". Đề nghị các ngành chức năng nên xem lại khía cạnh nầy.
Nguyễn An
09/03/2012 08:46
Tôi là 1 sinh viên mới ra trường. Hiện tại công việc cũng chưa ổn định, kiếm vệc làm quả là khó khăn. Học 4 năm giờ ra trường lại lông bông không có việc, xin vào cơ quan cấp xã, huyện cũng không xong, phải chờ cho xem xét những người quen biết "con ông, cháu cha" trước rồi mới đến những người khác. Học cho đã tốn tiền của biết bao nhiêu, rồi còn tiền vay ngân hàng chính sách nữa biết kiếm đâu để trả. Học cho cố vào, đi học cho nhiều rồi thất nghiệp cho nhiều. Ở quê tôi ai cũng bảo học cho lắm rồi cũng về nhà "chăn vịt". Vậy cho con học làm gì?
Minh Hùng
09/03/2012 08:46
Chúng tôi là giáo viên. Chúng tôi đã nghe về phụ cấp thâm niên đã lâu nhưng đến hôm nay chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền phụ cấp. Nguyên nhân do đâu? Để giáo dục thực sự phát triển thì đòi hỏi giáo viên phải có tâm huyết với nghề. Thực tế, chúng tôi có yêu nghề, có mến trẻ nhưng cuộc sống chúng tôi còn nhiều khó khăn quá! Lương tháng của tôi không đủ lo cho 2 con có cuộc sống ở mức khá thì nói chi dành tiền xây nhà. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa để giáo viên có cuộc sống thực sự ổn định (nhất là nhà ở) thì tin chắc họ sẽ dồn hết tâm trí vào công việc giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Bom nhau ĐBSCL
09/03/2012 09:34
Hiện nay, thanh niên ĐBSCL đạt được danh hiệu "bợm nhậu nhất miền Nam". Như vậy đã hay lắm rồi, cần gì phải đi học. Kính chào!
tran thanh tu
09/03/2012 09:53
Hãy xem báo và tivi Tiền Giang chuyên mục 1 gia đình có 30 người là con, dâu, rể, cháu đều là giáo viên thì cũng nắm được một số vấn đề cơ bản đó.
cat khanh
09/03/2012 09:58
làm việc thì phải có thầy có thợ, có quản lý có nhân viên, có ông chủ có người làm công... vì vậy mục tiêu đầu tư vào nhân lực vào 1 vùng miền nào đó đều ý đồ của các nhà cầm quyền. Đối với ĐBSCL mà người dân đều học hành đàng hoàng, là giáo sư, tiến sĩ cả thì ai làm nông nghiệp (trồng lúa) cho cả nước xơi mà còn có dư để xuất khẩu nữa. Vì vậy hãy để ĐBSCL nghèo đi để họ chuyên tâm vào làm nông nghiệp chứ, họ có kiến thức rồi sẽ đòi hỏi cao hơn nữa, mệt lắm. Buồn lắm thay người dân quê tôi.
Mr. Duyệt
09/03/2012 10:47
Ai "Giật mình với giáo dục ĐBSCL!" vậy? Không lẽ cứ "giật mình" mãi à? Đã có nhiều cuộc họp, cuộc hội thảo về giáo dục ĐBSCL, có cả mấy chiến lược 5 năm phát triển giáo dục ĐBSCL rồi. Sao mà kết quả không đạt? Ai chịu trách nhiệm? Các cơ sở đào tạo, những cán bộ quản lý giáo dục ở ĐBSCL suy nghĩ gì đây? Không nên đổ cho khách quan mãi!
ngothuy
09/03/2012 10:56
Thu nhập của phần đông người dân ĐBSCL ngày càng khó khăn. Ngày nay đi học phải đóng quá nhiều khoản không như trước kia, không tiền để học thêm, vào lớp không theo kịp do trong giờ học thì chương trình quá nặng, thầy cô chỉ giảng sơ qua để học sinh phải đi học thêm ngoài. Nếu không học thêm thì vào lớp không được giáo viên quan tâm chỉ dạy, không theo kịp sẽ chán nản dẫn đến bỏ học. Gia đình có 1 con đi học thì phải thêm 1 người đưa đón, nếu không học bán trú thì phải sáng đưa trưa rước, trưa đưa chiều rước. Kinh tế thì ngày càng khó khăn, không đủ sống thì làm sao có tiền để mua được con chữ mà không nghỉ học.
Dân Miền Tây
09/03/2012 11:27
Gởi Bom nhau DBSCL: Dân miền Tây không như lời anh nói. Chắc anh đang ở bệnh viện tâm thần quá. Chỉ giỏi nói tào lao. Người dân miền tây rất thật thà chất phác, dung hòa và rất ham học hỏi.
jin
09/03/2012 12:00
Đang học lớp 5 ở một tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu long rồi nghỉ ,trình độ còn thua lớp 3 ở một quận ngoại thành của TPHCM nhưng lại được cấp bằng tốt nghiệp lớp 9. Quý vị tin không? Có đó.
Độc giả thường xuyên
09/03/2012 12:33
Có một sự thật rằng miền Nam sở hữu đất đai màu mỡ, sản lượng lương thực cao.... nhưng mức sống thì lại thấp. Không hiểu nổi.
cư dân ĐB
09/03/2012 14:52
Thưa những ai có quan tâm đến ĐBSCL! Thực trạng hiện nay tại vùng này cũng như cả nước thì việc học bây giờ thật ra giống như là đi mua chữ vậy. Có tiền thì mua , không tiền thì chịu. Bắt đầu vào mẫu giáo là phải chạy mua, mua dài dài đến những lớp cao hơn. Đến khi thành đạt cũng chạy vạy để "mua" một chỗ làm. Mọi thứ đều quy ra tiền nhưng mức thu nhập của người dân bình thường ở vùng nhiều lúa này, không xài phung phí nhé thì chan chát và còn lo nhiều thứ nữa. Thôi cứ đành nghỉ học, trước mắt phải lo cho bao tử cái đã.
Tam Nguyên
09/03/2012 16:40
Làm sao giải quyết được mâu thuẫn: con cái được đi học đàng hoàng hết PTTH thì sẽ không chịu theo đuổi nông nghiệp như cha ông nữa --> lấy ai duy trì ruộng lúa? Giờ ở ĐBSCL thực trạng thiếu nhân lực làm nông do thanh niên bỏ ruộng đi làm công nhân hoặc đến TPHCM làm công rất nhiều!. Theo tôi ĐBSCL không chỉ đối mặt với vấn đề học vấn thấp, mà còn cả vấn đề làm sao nuôi dưỡng tiếp tục tình yêu với việc đồng áng, nông nghiệp, duy trì một miền đồng bằng trù phú nhưng bằng công nghệ kỹ thuật hiện đại (như các nước phương Tây, Úc).. Có phải chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền ĐBSCL hay là chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, của Nhà nước? Không biết các bác có cùng giấc mơ giống tui?
-------------------------------------------
| Ca Linh thực hiện Thứ Năm, 08/03/2012 00:15 |
Ca Linh - Duy Nhân - Thốt Nốt
Thứ Ba, 06/03/2012 22:22
Bài và ảnh: Ca Linh
Thứ Hai, 05/03/2012 23:18
Bài và ảnh: CA LINH
Chủ Nhật, 04/03/2012 20:31
.
.
.
No comments:
Post a Comment