Thursday, March 8, 2012

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT : HÃY BIẾN CHỮ KÝ THÀNH LÁ PHIẾU (Trần V.A.)



Trần V. A.  -  USA
09/03/2012

Sau hai ngày vận động chính quyền liên bang Hoa Kỳ, ngày 5 tháng 3 bên hành pháp, White House, và ngày 6 tháng 3 bên lập pháp, Quốc hội, các đại diện cộng đồng đã có cơ hội làm quen với công tác vận động hành lang trong chính trường Mỹ. Dù có những thiếu sót chưa làm hài lòng hoàn toàn cộng đồng Người Mỹ gốc Việt về mục đích chính yếu của thỉnh nguyện thư là “Yêu cầu Chính phủ Hoa kỳ Không Tăng cường Mậu dịch với Việt Nam Nếu Không Có Cải thiện Nhân quyền” nhưng sự kiện, đến 5/3/2012, hơn 130,000 người đã ký thỉnh nguyện thư do nhạc sĩ Trúc Hồ, chủ nhân của hệ thống truyền hình Saigon Broadcasting Television Network (SBTN) khởi xướng và TS Nguyễn Đình Thắng của Úy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) hổ trợ, đã làm các quan chức chính quyền liên bang phải ngạc nhiên và rồi đây sẽ phải chú ý đến cộng đồng Người Mỹ gốc Việt hơn nữa!

Sở dĩ họ phải chú ý vì lợi ích, sự nghiệp chính trị của họ tùy thuộc sự hậu thuẫn của các cộng đồng sắc tộc trong xã hội Hoa kỳ. Người ta thường ví xã hội đa diện Hoa Kỳ như một vườn hoa được chấm phá, tô điểm đủ loại màu sắc, hương thơm đặc biệt của từng loài hoa, nghĩa là các sắc tộc vẫn có thể giữ đặc sắc văn hóa, truyền thống của mình trong đại gia đình Mỹ quốc. Và cộng đồng nào tham gia tích cực hơn trong sinh hoat chính trị sẽ được chú ý, hổ trợ hợn. Đây là một thực tế mà cộng đồng Do thái và Cuba là hai ví dụ điển hình nhất! Các quan chức trong chính phủ liên bang đúng là “nhân viên phục vụ” nhân dân Hoa kỳ qua những hợp đồng định kỳ là các cuộc bầu cử. Nếu không được tín nhiệm qua lá phiếu, các quan chức đó sẽ phải kiếm một công việc gì khác để chờ đợi đến lần sau hy vọng thuyết phục cử tri tái tuyển dụng mình! Đó cũng là một khía cạnh của “tính thực dụng” của sinh hoạt chính trị ở Mỹ: Trong thời kỳ tranh cử, ứng cử viên thường có những hứa hẹn khi vận động và nếu đắc cử, họ thường tìm cách thực hiện lời hứa với cử tri, một phần là để duy trì sự ủng hộ cho lần bầu cử sau, một phần cũng chứng tỏ “tinh thần phục vụ cử tri” cụ thể, để khỏi bị mang tiếng là hứa cuội, rồi có thể bị đối thủ tranh cử tấn công.

Trong tình hình đó, năm 2012 lại là năm với bầu cứ tổng thống cùng với thường lệ 1/3 Thượng viện và tất cả 435 dân biểu trong Hạ viện, và hiện nay đảng Cộng hòa đang trải qua một mùa bầu cử sơ bộ năng động, hào hứng để tìm ứng cử viên tranh cử với Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ. Chính ngày 6 tháng 3 là ngày “Super Tuesday – Ngày Thứ ba trọng đại” khi 10 tiểu bang cùng tiến hành bầu cử sơ bộ cùng ngày. Không phải chỉ các quan chức trong White House đã chú ý đến số người ký thỉnh nguyện thư ngay, mà các dân biểu, nghị sĩ trong quốc hội của cả hai đảng cũng theo dõi để tìm cách vận động những người ký thỉnh nguyện thư bỏ phiếu cho mình vào tháng 11 tới đây.

Chính lá phiếu trong ngày bầu cử mới quyết định sức mạnh chính trị của một cộng đồng, tổ chức trong chính phủ Hoa kỳ, ví dụ cộng đồng Do thái và tổ chức “American Association of Retired Persons – Hội Người Hưu trí Hoa kỳ” là hai thực thể chính trị quan trọng vì họ luôn luôn đi bầu đông đảo. Chính phủ liên bang Hoa kỳ lúc nào có chính sách gì liên quan đến quyền lợi, quan tâm của họ đều tham khảo ý kiến họ tận tình, và nếu không đồng ý, họ có thể yêu cầu cử tri hay hội viên vận động kiên trì đến khi quyền lợi, quan tâm của họ được đáp ứng mới thôi.

Công đồng Người Việt thực ra là một cộng đồng sắc tộc non trẻ, chỉ bắt đầu hiện diện từ 1975 đến nay, so với cộng đồng Tàu, Nhật, Ấn độ, v.v. nhưng là một trong những cộng đồng tích cực nhất trong vận động chính trường Hoa kỳ, có lẽ chỉ sau cộng đồng Do thái. Điều đặc biệt là các cuộc vận động chính giới Hoa kỳ đều là kêu gọi dùng ảnh hưởng ngoại giao để cải thiện cho đồng bào mình vẫn còn ở Việt nam, rất hiếm khi cộng đồng Người Việt đòi hỏi quyền lợi gì cho mình ở Mỹ. Thực tế rằng cộng đồng đã phát triển và phồn vinh chính vì tinh thần tự lực cánh sinh nhưng vẫn nhớ đến đồng bào của mình đang sống dưới một thể chế độc tài, nhân quyền bị chà đạp tồi tệ, thường có tác dụng cảm hóa các quan chức chính quyền liên bang và dễ làm họ cảm thông để tìm cách can thiệp, ứng cứu những nạn nhân của bất công và áp bức ở Việt nam.

Tuy non trẻ cộng đồng Người Mỹ gốc Việt đã có những thành công trong vận động chính giới Hoa kỳ. Có lẽ quan trọng nhất là “Ngày 11 tháng Năm: Ngày Nhân Quyền Việt Nam”* mà cựu tổng Thống Bill Clinton ký ban hành thành luật năm 1994. Từ đó đến nay, hằng năm đều có buổi tưởng niệm trong Thượng Viện Hoa Kỳ và nghe đâu năm nay sẽ được Cộng đồng Người Việt vùng thủ đô Washington DC đứng ra tổ chức để tiếp nối khí thế của cuộc vận động thỉnh nguyện thư vừa qua. Đây phải nói là một thành quả đáng biểu dương vì ngay chính các cộng đồng Tàu, Miến Điện, Tây Tạng, v.v. cũng chưa có được một ngày riêng của mình để nhắc nhở nhau về tình trạng nhân quyền ở quê hương. Giá trị tinh thần của “Ngày Nhân Quyền Việt Nam” có thể nói là vô giá!

Nhưng muốn đạt được kết quả lâu dài và có thực chất trong vận động hành lang ở Mỹ thì phương tiện mạnh nhất là lá phiếu cử tri. Sau mỗi cuộc bầu cử các tổ chức chính trị ở Mỹ đều có những thăm dò, phân tích rất chi tiết về thành phần cử tri và các vấn đề họ quan tâm. Cộng đồng sắc tộc nào đi bầu nhiều cũng được chú, ý, “ve vãn,” để hy vọng được sự ủng hộ lần sau. Có một thực tế là cho dù số tiền đóng góp cho các ứng cử viên từ Cộng đồng Người Việt ở Mỹ còn khiêm tốn, nhưng đến ngày bầu cử thì là phiếu mới chính là quan trọng bởi vì mỗi người ai cũng chỉ được một phiếu mà thôi và đó chính là yếu tố quyết định trong bầu cử!

Chúng tôi lấy làm phấn khởi khi thấy sau khi vận động cho thỉnh nguyện thư “Yêu cầu Chính phủ Hoa kỳ Không Tăng cường Mậu dịch với Việt Nam Nếu Không Có Cải thiện Nhân quyền,” nhạc sĩ Trúc Hồ đã đề cập đến nổ lực phát triển hạ tầng cơ sở truyền thông tại các tiểu bang có Người Việt qua hệ thống truyền thình SBTN của ông. Ai đã sống ở Mỹ đều biết vai trò quan trọng của truyền thông! Các cơ sở truyền thông có thể giúp công dân gốc Việt ghi danh bầu cử dễ dàng và vào ngày bầu phiếu có thể kêu gọi tổ chức các nhóm đưa đón cử tri, như các cụ cao niên trong những nhà dưỡng lão thường thích đi chung với nhau; qua đó cũng sẽ được giới truyền thông Hoa kỳ chú ý và tìm hiểu. Và nếu có một số lượng cử tri dồn phiêu cho nột ứng cử viên nào đó thì chắc chắn rằng điều đó sẽ trở thành tin bầu cử “sốt dẻo” tại địa phương ngày hôm sau. Trường hợp cựu Tổng thống George W. Bush thắng Al Gore chỉ 538 phiếu ở tiểu bang Florida năm 2000 là một ví dụ cho thấy lá phiếu cử tri ở Hoa kỳ thực sự quan trọng như thế nào.

Hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy được kết quả nhanh chóng trong nổ lực này nhưng có thể nói viêc gần 150 nghìn chữ ký cho thỉnh nguyện thư sau một tháng vận động chính nó là một thành công vượt bậc mà chính trường bầu cử ở Mỹ năm 2012 này không thể làm ngơ!

Trần V. A.
USA

* Ngày 11 tháng Năm năm 1990 là ngày Bác sĩ Nguyễn Đan Quế công bố tuyên ngôn của Cao Trào Nhân Bản kêu gọi chính quyền Cộng sản “Tôn trọng Nhân quyền và Dân chủ hóa Viêt nam.” Ngay sau đó ông bị bắt giam và đến 1997 mới ra khỏi tù sau những đợt vận động trên toàn thế giới. Từ đó đến nay ông vẫn bị “quản thúc tại gia- house arrest” trong Chợ lớn, Saigon. Trước đó, ông đã ngồi tù 10 năm, 1978-1988, vì chống chính sách kỳ thị và tham nhũng trong y tế tại bệnh viện Chợ Rẫy.
.
.
.

No comments: