16-3-2012
Mấy ngày qua, rất nhiều người bày tỏ sự bức xúc trước sự kiện đem hình ảnh Đức Phật và ngài Đường Tăng ra nhạo báng, trong cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án "Friendly condom" của Ngôi nhà tuổi trẻ, do nhóm sinh viên Học viện Báo chí dàn dựng.
Trước khi nẩy sinh ra “sáng kiến” này, những sinh viên kia có từng đọc qua cuộc đời và sự nghiệp của ngài Đường Huyền Trang chưa nhỉ? (các bạn đừng bảo rằng Đường Tăng và Đường Huyền Trang có liên quan gì với nhau cơ chứ! Vậy các bạn cho rằng đấy thật sự chỉ là nhân vật hư cấu của Ngô Thừa Ân thôi sao? Thật ấu trĩ)
Ở đây, chúng ta tạm gác lại vấn đề tôn giáo, mà chỉ bàn đến nhân cách của một học giả uyên bác, người đã được triều Đại Đường tôn làm Quốc sư bởi kính trọng phẩm hạnh và trí tuệ siêu việt; người đã khiến cho Đường Cao Tông phải đau đớn thốt ra câu “Trẫm nay vừa mất một quốc bảo” khi đến dự lễ tang và hạ lệnh bãi triều ba ngày để tưởng niệm.
Với tinh thần cầu học, nghiên tầm không biết mệt mỏi, ngài đã mất 17 năm thực hiện hành trình sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh (629-645). Cô thân lẻ bóng, Ngài đã kiên cường vượt qua những gian nan nguy hiểm trên đường đi, thậm chí suýt mất mạng giữa sa mạc mênh mông; Ngài đã từng không hề nao núng trước những lời thỉnh mời hấp dẫn, thậm chí là áp chế, chỉ vì những vị quốc vương nơi Ngài đặt chân đến đều ước ao có được Ngài, để rồi đã đem về Trung Quốc một lượng kinh Phạn văn đồ sộ. Lại trải qua 20 năm miệt mài biên dịch dưới sự bảo trợ của triều đình, không những chỉ riêng Trung Quốc, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới theo tín ngưỡng Phật giáo hiện nay (trong đó có Việt Nam), nhờ vào công trình biên dịch, khảo cứu của Ngài mà mọi người đã dễ dàng tiếp cận nền giáo lý Phật giáo hệ Đại thừa một cách có hệ thống, góp phần làm phong phú hơn cho kho tàng văn hóa của thế giới (vì văn hóa Phật giáo luôn gắn kết với nền văn hóa dân tộc), đặc biệt là bộ hồi ký rất nổi tiếng là Đại Đường Tây Vực ký, là nguồn tài liệu nghiên cứu lịch sử hết sức quý giá cho các nhà khảo cứu hiện nay và mãi mãi về sau.
Thế mà, những sinh viên kia đã làm gì? Họ biến sự lao tâm khổ trí của Ngài thành một trò hề qua các từ khiếm nhã “miệt mài…, mày mò…, táy máy…” ???
Còn về Đức Phật Thích-ca (hẳn các bạn sinh viên kia không bảo là họ chưa từng biết chuyện thế giới đã công nhận Ngài là nhân vật của lịch sử chứ?), nhân cách của Ngài không phải là thứ chúng ta có thể luận bàn, chân lý do Ngài suy nghiệm hơn 25 thế kỷ trước đã khiến cho các nhà khoa học ngày nay phải nghiêng mình kính phục (Ngài cho biết ngoài thế giới chúng ta đang sinh sống, còn có ba ngàn đại thiên thế giới khác; hoặc bằng Phật nhãn, Ngài thấy được trong một bát nước có đến 84.000 vi trùng, mà mãi về rất lâu sau này, phải nhờ đến kính hiển vi, các nhà khoa học mới phát hiện ra điều này v.v…). Vượt qua áp lực nặng nề của giai cấp Bà-la-môn (thành phần tế tự, thống trị phần tâm linh của quần chúng trong đất nước Ấn Độ thời bấy giới), và giai cấp Sát-đế-lợi (thành phần vua chúa, nắm quyền sinh sát), Đức Phật đã ban ra một thông điệp đầy từ bi và trí tuệ “ Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”.
Thế mà, những sinh viên kia đã làm gì? Họ dùng hình ảnh Ngài để quảng bá cho một sản phẩm chỉ nhằm phục vụ sự khoái cảm nhục dục nhất thời của con người.
Là những nhà báo tương lai, sẽ nói lên tiếng nói của quần chúng nhân dân, vậy các bạn đang làm gì với lịch sử của nhân loại? Rất có thể sau này, dưới sự dẫn dắt của lớp người như thế (nếu còn có cơ hội), thì con cháu chúng ta cũng sẽ biến lịch sử dân tộc trở thành một sân khấu, và “sáng tạo” các danh tướng, danh nhân có công bảo vệ và xây dựng đất nước này trở thành những anh kép hề ngô nghê mà thôi!
Chúng ta phẫn nộ gì cơ chứ, khi những kẻ kia tự báng bổ nhân cách của chính mình; mà chúng ta nên chờ xem những vị có thẩm quyền sẽ giải quyết thế nào trước sự kiện nóng bỏng này.
*
Bài liên quan đã đăng:
.
.
.
No comments:
Post a Comment