Thursday, March 22, 2012

CHUYỆN ĐƯỜNG TĂNG (Ngô Nhân Dụng)



Ngô Nhân Dụng
Tuesday, March 20, 2012 7:09:22 PM

Căn cứ vào phản ứng trên các mạng, nhiều người Việt Nam kinh ngạc về đoạn phim hoạt họa với chủ đề chống bệnh Si đa (Aids) do một nhóm sinh viên Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền ở Hà Nội thực hiện và được phổ biến khắp nước.

Ðoạn phim dài một phút rưỡi (thường gọi là “clip”) tả cảnh bốn thầy trò nhân vật “Ðường Tông” được Phật tổ trao... thùng bao cao su (condom) ngừa thai và ngừa bệnh, để giúp chúng sinh tránh bệnh hiểm nghèo.

Ðức Phật vốn là người từ bi mà cũng hay hài hước, nếu nghe chuyện hình ảnh mình bị lợi dụng như thế chắc ngài cũng chỉ cười. Cũng như khi người Việt mình nói, “Gần chùa gọi Bụt bằng anh,” nghe có vẻ thất kính đấy mà vẫn bao dung được. Nhưng mọi người biết suy nghĩ và được cha mẹ dạy dỗ, thuộc bất cứ giống dân nào trên thế giới chứ không riêng các Phật tử Việt Nam, chắc ai cũng phải bực mình về đoạn clip này, vì nó đi quá giới hạn của óc hài hước. Nó trở thành “báng bổ” như Giáo Hội Phật Giáo đã lên án. Người ta phải tự hỏi: Trong đầu óc các bạn trẻ này chứa đựng những thứ gì mà họ lại làm một đoạn phim lố lăng như vậy?

Một sinh viên năm 3, học ngành Xã Hội-Nhân Văn, trường Ðại Học Khoa Học Huế đã ôn tồn hỏi thẳng nhóm sinh viên tác giả đoạn clip trên: “Các bạn có biết bao nhiêu người dân Việt Nam có tín ngưỡng Phật Giáo không?... Các bạn có biết Ðức Phật Thích Ca, ngài Tam Tạng Huyền Trang là nhân vật lịch sử không? Các bạn có biết ý nghĩa của (tiểu thuyết) Tây Du Ký là gì không?”

Chắc các sinh viên trẻ này có biết một chút, cho nên họ mới né tránh đặt tên Ðường Tông, thay cho tên gọi Ðường Tăng. Mặc dù biết có thể xúc phạm nhiều người, nhưng họ vẫn làm. Chắc vì họ không thấy chuyện tín ngưỡng của người khác là quan trọng đến độ mình phải bỏ một ý sáng tạo độc đáo, rất ngộ nghĩnh, tha hồ cười. Phải đặt thêm một câu hỏi: “Ðầu óc của họ nó hoạt động ra sao?” Nói theo lối thời thượng, hầu như họ ở trạng thái “vô cảm.” Họ hoàn toàn vô cảm trước niềm tin tôn giáo của người khác, dù rất nhiều người sống chung quanh họ. Họ không thấy cần tránh đừng xúc phạm tới những nhân vật lịch sử như Ðức Phật, hay Thầy Huyền Trang, vốn được rất nhiều người kính ngưỡng.

Huyền Trang (603-664) là một nhà sư Trung Hoa đời Ðường đã lặn lội đi sang tận Ấn Ðộ, mang về nhiều tác phẩm thuộc cả “ba tạng kinh điển” Phật Giáo. Trong 20 năm cuối đời, ông dịch hầu hết sang chữ Hán; sáng tạo thêm trên 30,000 từ mới trong tiếng Trung Hoa mà các dân tộc Á Ðông được hưởng chung. Câu chuyện cuộc hành trình “du học” 17 năm của ông, từ năm 629 đến 645, đã được tiểu thuyết hóa trong Tây Du Ký, với các nhân vật Ðường Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Trư Bát Giới được phổ biến khắp các nước Á Ðông. Ðem hình ảnh ông ra đùa rỡn đã là thiếu lễ độ. Ðem ghép hình ảnh ông vào những cái bao cao su là hành động xúc phạm quá nặng nề; chỉ những người vô học mới làm như vậy.

Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã phản ứng rất đúng khi lên tiếng về đoạn phim “báng bổ” này và yêu cầu những người có trách nhiệm phải xin lỗi. Xúc phạm tới hình ảnh Ðức Phật là một hành động thiếu giáo dục. Mượn hình ảnh Ðường Tăng để cười đùa là vô ý thức. Nhiều ngôi chùa Việt Nam trong và ngoài nước hiện nay hàng ngày còn tụng Tâm Kinh Bát Nhã bản chữ Hán; nhiều chùa ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy. Có một phim Ðại Hàn tả cảnh một tăng sĩ trẻ khắc bản kinh này trên sàn gỗ, nhiều người Việt coi rồi truyền gửi cho nhau trên mạng, với lời tán thán. Bài kinh được tụng đọc và đem khắc đó chính là bản dịch của Thầy Huyền Trang. Từ thế kỷ thứ tám, bản dịch này đã được các Phật tử Á Ðông tụng đọc, thay thế tất cả những bản dịch trước đó; vì lời văn của Huyền Trang nhuần nhã, khúc chiết, hùng hồn, và rất sát với nguyên bản chữ Phạn.

Các bạn trẻ trong nhóm nhóm sinh viên Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền ở Hà Nội làm phim này chắc chắn có lỗi, mà chắc họ sẽ xin lỗi, khi nào được chỉ thị. Nhưng chúng ta cũng không nên quá khắt khe lên án các bạn trẻ đó. Ở tuổi sinh viên, chắc họ không có ác ý, tính phỉ báng một tín ngưỡng của đa số đồng bào. Họ muốn tranh một cái giải thi phim ngắn. Bằng bất cứ cách nào, họ phải giành được giải nhất! Họ ngây thơ nghĩ rằng nếu sử dụng các nhân vật ai cũng biết từ Tây Du Ký, đem vào đoạn phim cười, mọi người chắc sẽ phải thích. Mà việc đưa hình ảnh Ðức Phật ra làm công việc nhằm “cứu khổ” cũng tự nhiên. Ai mà chẳng thấy ông Bụt là hình ảnh con người thương chúng sinh, đáng tin tưởng?? Nếu có người đưa sáng kiến dùng hình ảnh những nhân vật nổi danh khác, như Lê Nin hay Hồ Chí Minh vào, chắc sẽ bị bác bỏ. Thử chiếu cảnh bến tầu Sài Gòn, làm một clip phim “Người ra đi tìm đường ngừa bệnh si đa” thì các bạn trẻ khi coi phim rồi lại cười nhạo: Coi chừng, toàn bao cao su “rởm” đó!

Nhiều sinh viên làm phim này họ chỉ có lỗi là hoàn toàn vô cảm trước vấn đề tín ngưỡng. Mà không phải chỉ có họ mắc bệnh vô cảm. Công văn của Giáo Hội Phật Giáo nói thẳng “một số người có trách nhiệm” đã ca ngợi, tán dương video clip nói trên, không nêu đích danh. Những người chấm giải nhất cho đoạn phim này, và những người cầm đầu Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh với “Ngôi nhà Tuổi trẻ - Trung tâm Chăm sóc Tư vấn Sức khỏe Sinh sản” cũng vô cảm. Họ không thấy có vấn đề nào hết khi đem cái clip này chiếu cho công chúng coi. Ðoạn phim trên sau khi phổ biến còn được báo chí trong nước ca ngợi là “sáng tạo,” vì “thu hút khán giả trẻ.” Tất cả chứng tỏ căn bệnh vô cảm này đã lan khắp giới lãnh đạo Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản và guồng máy thông tin tuyên truyền của chế độ.

Tại sao đầu óc người ta lại vô cảm đến như vậy?

Vì hệ thống giáo dục, từ học đường tới gia đình, và cả xã hội. Tội nghiệp cho các cháu sinh viên ngoài 20 tuổi này. Chắc từ khi lớn lên các cháu không được tập thói quen kính trọng. Nghĩa là không có dịp tập sống với tấm lòng kính trọng đối với thế giới chung quanh mình. Các cháu biết Sợ nhưng không biết Kính. Hồi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi dậy mỗi khi ra đường gặp bất cứ cụ già nào cũng phải khoanh tay cúi đầu, chào đầy đủ ba tiếng: “Lạy cụ ạ!” Hồi đó, ở một làng quê phủ Thuận Thành, Bắc Ninh, những người trên 50 tuổi, chắc cũng được coi là các “cụ già” rồi. Thầy tôi dạy: Cư kính nhi hành giản, ăn ở kính cẩn, hành vi giản dị. Thủa bé tất nhiên là tôi sợ “Tây” càn quét rồi. Nhưng sau này nỗi sợ đó cũng biến mất. Còn thói quen kính cẩn đối với đời sống vẫn còn mãi mãi. Khi về ở Hà Nội, mỗi lần thấy một đám tang đi qua là chúng tôi phải ngưng mọi trò cười đùa, đứng lại, bỏ mũ, cúi đầu. Trong cuộc sống có những điều thiêng liêng, không thể bất kính.

Những người đầu tiên lũ trẻ chúng tôi tập kính trọng là các thầy, các cô giáo. Hai chục năm sau làm nghề dạy học tôi vẫn thấy học trò kính trọng thầy cô như vậy. Thói quen kính trọng đã nhiễm rồi thì giữ được suốt đời. Bây giờ ở nước ngoài, có lúc các cựu học sinh Phan Thanh Giản, Chu Văn An, Phan Châu Trinh, Ðoàn Thị Ðiểm, Bùi Thị Xuân, vân vân, họp mặt; các giáo sư phần lớn đã bỏ nghề, được các học trò cũ mời đến. Mà học trò đối với thầy cô vẫn kính cẩn, một thưa, hai dạ, mặc dù đám học trò giờ ở tuổi 70, còn thầy 80; hay học trò 50 đối với thầy 60 tuổi. Phải nói rằng, trong xã hội ngày xưa, các bạn trẻ có thể “nhìn lên” và thấy có nhiều thứ để kính trọng, học đường là chỗ đầu tiên. Nhiều học sinh Nguyễn Du đến giờ nhắc lại thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Ngọc thời 1970, vẫn thốt lời tôn kính một ông thầy trong sạch, tận tâm, không khuất phục, đáng làm gương suốt đời. Tấm lòng tôn kính thành thật, tự nhiên, đã thành một bản tính, không cần ai nhắc nhở hay ép buộc cả.

Lòng tôn kính tự nhiên đó phải được nuôi dưỡng trong tâm hồn thanh thiếu niên ngay từ nhỏ. Trong xã hội bây giờ chúng ta thiếu cơ hội chăm sóc, tập cho các bạn trẻ biết kính trọng, trước hết lòng kính trọng thầy, cô giáo. Lòng kính trọng có tác dụng ở hai phía. Trẻ em biết kính trọng thì cũng biết phải ăn ở sao cho đúng đạo lý. Người lớn, như các cụ già trong làng hay thầy cô trong trường, được kính trọng cũng tự nhiên phải giữ tư cách cho xứng đáng. Cả xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Ngày nay, chúng ta thiếu không khí đó.

Trong cuốn hồi ức “Nhà giáo: Một thời nhếch nhác,” nhà văn Nhật Tiến đã kể lại những kinh nghiệm sống “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” sau năm 1975. Ðọc cuốn đó chúng ta có thể hiểu nền giáo dục sai lầm đã gây ra những thảm họa cho đất nước ra sao. Trước hết, nó phá tan mối quan hệ cổ truyền giữa học trò với thầy cô. Giáo sư Nhật Tiến kể có lần bắt gặp một cậu học trò lén hút thuốc lá, thầy dọa đùa là sẽ mách ông hiệu trưởng, có thể bị đuổi. Cậu học trò, con một ông làm lớn từ ngoài Bắc vào, trả lời: “Ðuổi em đâu có dễ?... em biết hết gốc gác của lão ta rồi!” Cậu còn dọa sẽ tố cáo các vi phạm của ông hiệu trưởng. Khi học trò lấy người công an làm gương mẫu tập sống theo, thì không cần kính trọng ông thầy nữa. Trong khi đó thì nhà giáo vì hoàn cảnh chính họ cũng xuống cấp.

Nhật Tiến kể trong một cuộc họp tổng kết kỳ thi cuối năm, nhiều thầy cô cho biết học sinh của họ chỉ có 50% hay 30% đủ điểm lên lớp. Bàn cãi một hồi, ông hiệu trưởng trách mắng, đe dọa các nhà giáo, rồi quyết định: “Thôi, cho chúng nó lên lớp 95% đi. Trường ta đang ở diện Tiên Tiến, thế là hợp lý rồi!” Tất nhiên, các giáo viên phải sửa điểm. Thê thảm nhất là cảnh trong một lần phân phối thịt, hai thầy giáo đạp xe đuổi nhau tranh giành một miếng thủ lợn; cuộc chạy đua vòng quanh sân trường được tất cả mọi người chứng kiến. Học trò kêu nhau ra xem: “Hai thầy dạy lớp Sáu tranh nhau cái đầu heo, tụi bay ơi!”

Hiện nay phần lớn các giáo sư của nước ta đều là những người yêu nghề, muốn làm công việc dạy dỗ theo đúng lương tâm nhà giáo. Nhưng cả xã hội phải thay đổi thì mới phục hồi được không khí học đường cổ truyền. Nhật Tiến nhắc lại hình ảnh lũ học trò đi theo một cô giáo, vừa đi vừa vỗ tay, bêu riếu: “Cô giáo mất trinh!” nhiều lần. Ông tự hỏi: “Sự thể như thế thì nguyên do tại đâu, là nếu không phải là từ một xã hội ở đâu cũng thấy nịnh bợ, dối trá, nhu nhược hèn hạ, trong đó con người phải tự tước bỏ nhân phẩm để được sinh tồn?”

Lâu nay ở nước ta, người lớn cũng như trẻ em học được tính sợ hãi hơn là lòng tôn kính. Không còn cái gì là thiêng liêng nữa. Vì vậy, từ tấm bé, trẻ em tập biết Sợ mà không biết Kính. Các bạn sinh viên làm cái video clip bao cao su đã sống và được đào tạo như vậy.

Ðây là một khác biệt căn bản giữa hai đường lối trị quốc trước đây 24, 25 thế kỷ, giữa Pháp Gia và Nho Gia. Khổng Nho chủ trương phải rèn luyện tâm hồn con người, lấy tu thân làm gốc. Pháp Gia chủ trương phải dùng hình phạt khiến dân sợ, kiểm soát chặt chẽ thì dân phải sống trong trật tự. Có những biện pháp được thử từ 2,200 năm trước, như chế độ hộ khẩu, là một sáng chế của Pháp Gia.

Câu chuyện đoạn phim “Ðường Tông” có thể coi là một lỡ lầm của một nhóm bạn trẻ. Nhưng người Việt Nam nhân đó thấy phải đặt lại một vấn đề rộng lớn hơn: Chúng ta muốn sống chung với nhau như thế nào?
.
.
.

No comments: