Wednesday, March 21, 2012

CHÂU Á & NGUY CƠ BẤT CÔNG KINH TẾ (Lê Mạnh Hùng)



 Lê Mạnh Hùng
Thứ hai, 19 Tháng 3 2012 00:08

Tuần trước, công ty địa ốc Sotheby bán được một căn hộ một phòng ngủ tại Đà Nẵng với giá gần 400,000 đô la. Còn giá một penthouse 4 phòng ngủ là một triệu đô la. Và không phải chỉ riêng Hồng Kông hay Singapore mà cả Sài Gòn, Hà Nội vẫn đầy những của hàng bán các món hàng hạng sang của LVMH, Hermes, Burberry vv.. Tất cả những sự kiện đó cho người ta cảm giác rằng châu Á trong đó có cả Việt Nam đang vượt lên với những đại gia ăn tiêu không kém gì những tỷ phú của Mỹ của Tây. Nhưng đó không phải là toàn thể câu chuyện. Dưới cái bề ngoài hào nhoáng của những thành thị châu Á, đời sống khó khăn hơn nhiều. Trong một giai đoạn mà các nước châu Á thấy việc tăng trưởng kinh tế nhảy vọt, các thành quả thu được đã không được phân phối một cách công bằng. Và trong toàn vùng, lạm phát khiến chi phí sinh hoạt gia tăng đã đẩy rất nhiều người vào cảnh khốn khó.

Đây không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Trong mấy chục năm qua, châu Á được hưởng một mức bất công kinh tế tương đối thấp. Nhưng tình trạng này đã thay đổi. Khác biệt trong thu nhập hiện đang gia tăng nhanh hơn trước nhiều và gay gắt hơn là các nơi khác. Không kể đến các căng thẳng chính trị mà tình trạng này tạo ra, theo một báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nó cũng ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế. Đó là vì thứ nhất, nó tạo ra một sức cản cho việc tăng năng suất và thứ hai nó làm cho việc đưa ra những chính sách mỵ dân có hại trở thành hấp dẫn.

Trong mấy chục năm vừa qua, châu Á đã đạt được một tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy. Số người được vực ra khỏi tình trạng nghèo đói lên đến hàng trăm triệu, một chuyện chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nhất là trong một thời gian ngắn như vậy.

Ta có thể lấy Nam Hàn làm một thí dụ. Trong những năm đầu của thập niên 1960, thu nhập trên đầu người của Nam Hàn tương đương với Sudan hiện nay. Nhưng hiện nay, Nam Hàn là một thành viên của OECD, câu lạc bộ của những nước giàu có, xuất cảng máy điện thoại cầm tay, computer, xe hơi và nhiều món hàng kỹ thuật cao khác. Một cuốc xe taxi từ phi trường vào trung tâm thủ đô Seoul tốn không kém gì một cuốc xe taxi tại bất cứ một thủ đô nào khác tại châu Âu hoặc Mỹ. Các quốc gia khác, ngay cả một quốc gia theo sau như Việt Nam cũng ở trong tiến trình tăng trưởng mang lại phồn thịnh cho dân chúng.

Có rất nhiều cách giải thích cho hiện tượng tăng trưởng của châu Á. Nhưng có một sự kiện nổi bật: châu Á, ít nhất là vào lúc ban đầu có một mức độ bất công kinh tế tương đối thấp.

Các quốc gia châu Á có thể nghèo, nhưng nghèo đồng đều, không có một mức chênh lệch quá mức. Trái với châu Mỹ Latinh chẳng hạn, đất đai không tập trung vào trong tay một thiểu số và việc cung cấp các dịch vụ giáo dục và y tế, tuy rằng có thể phẩm chất không cao, nhưng tương đối phổ biến.

Lấy Trung Quốc chẳng hạn. Vào cuối thập niên 1970 khi nước này bắt đầu những cải cách kinh tế đầu tiên việc, mức độ bất công kinh tế của Trung Quốc nhẹ hơn nhiều so với những nước ở cùng một trình độ phất triển. Ấn Độ, tuy rằng theo một chế độ chính trị khác, nhưng ngay tại Ấn, chính sách của các chính phủ trong giai đoạn từ 1950 đến 1980 đã giới hạn tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập và mở rộng cơ hội cho những đẳng cấp trước đó bị kỳ thị.

Nhưng những dữ kiện thu thập được cho thấy kể từ đầu những năm 1990, tình trạng bất công kinh tế đã gia tăng trên toàn vùng. Một số người thì biện luận rằng đây là một hiện tượng tự nhiên, một phó sản của tình trạng phồn vinh gia tăng. Và họ chỉ ra rằng tình trạng nghèo đói hiện đang tiếp tục giảm sút giống như một ngọn triều lên nâng tất cả các con thuyền, tuy rằng có những con thuyền được nâng chậm hơn hoặc ít hơn. Con số những người sống trong tình trạng nghèo đói tính theo tiêu chuẩn quốc tế (tức là có thu nhập ít hơn 1 đô la Mỹ một ngày) đã giảm từ 50% xuống 25% giữa 1990 và 2005. Phi châu, châu Mỹ La tinh, Trung Đông và ngay cả vùng Đông Âu cũng không đạt được một thành quả như vậy. Nhưng đứng trên phương diện gia tăng bất công kinh tế, châu Á cũng đã tăng nhanh hơn các vùng khác nhiều.

Nguyên nhân nào tạo ra tình trạng này hiện còn chưa rõ. Có thể rằng nó chỉ phản ảnh một cách đơn giản bản chất của một sự tăng trưởng hoàn toàn bị chi phối bởi công nghiệp trong lúc dịch vụ, một ngành hoạt động mang lại một tình trạng phân phối công bằng hơn không được phát triển. Tình trạng dân số cũng có thể đóng một vai trò, với việc gia tăng nhanh chóng số dân trong tuổi lao động đã làm tăng thêm áp lữc giữ cho lương bổng thấp.

Hai yếu tố đó sẽ phải giảm nhẹ tác động trong những năm tới khi mà các nền kinh tế châu Á đạt mức trưởng thành và dân số châu Á lão hóa. Nhưng có những yếu tố khác tác động vào việc gia tăng bất công kinh tế mà sẽ còn tiếp tục nếu không có những thay đổi. Và với tình trạng bất công kinh tế một ngày một gia tăng, ngay cả trong trường hợp càng ngày càng nhiều người vượt quả khỏi mức nghèo đói để lên mức đủ sống một cách tương đối, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Lịch sử đã chứng minh một cách rỏ ràng rằng dù có một giai đoạn dài tăng trưởng kinh tế mau lẹ, nhưng tình trạng này vẫn thường đã bị chấm dứt khi mà tình trạng bất công kinh tế tăng mau.

Nguyên nhân xảy ra chuyện này tương đối đơn giản. Thứ nhất, cách biệt giàu nghèo quá lớn giới hạn sự tham gia của những người nghèo. Tiềm năng của một nền kinh tế chỉ có thể được thể hiện toàn diện khi mà tất cả những người có tài năng đều có cơ hội để phát triển tài năng của họ. Bất công kinh tế giới hạn những cơ hội này. Thứ hai, và cũng không kém quan trọng, gia tăng bất công kinh tế khiến cho những chính sách mỵ dân trở nên hấp dẫn đối với những nhà chính trị. Và những chính sách này với thời gian có thể làm sói mòn khả năng thực hiện các chính sách về thuế vụ và tiền tệ, bóp méo tiến trình phân phối tài nguyên. Ngay vào lúc này, những bất mãn gia tăng trong tình trạng phồn vinh chưa từng thấy tại nhiều nước đã khiến cho các chính phủ tìm cách mua chuộc dân chúng và sử dụng nó để mua một tình trạng ổn định tạm thời.

Vậy các chính phủ cần phải làm gì? Theo IMF, châu Á cần phải làm sao bảo đảm những của tăng trưởng kinh tế được phân phối một cách quân bình hơn. Điều đó đòi hỏi ba chuyện.

Thứ nhất hệ thống thuế cần phải nhắm vào việc tái phân phối một cách tích cực hơn các thu nhập, với mức thuế thấp ở những bâc dưới của nấc thang thu nhập và thuế suất cao ở những nấc trên. Thứ hai, cần phải bảo đảm các dịch vụ giáo dục và y tế có phầm chất cao và phổ biến cho tất cả mọi người. Thứ ba các chính phủ cần phải dập tắt được tình trạng lạm phát mà thông thường ảnh hưởng đến người nghèo nhiều nhất.

Điều này đòi hỏi nhiều khi phải có những chính sách thuế vụ và tiền tệ cứng rắn. Tuy rằng làm vậy có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ bảo đảm cho sự phồn thịnh lâu dài của châu Á.

Lê Mạnh Hùng
.
.

No comments: