Tuesday, March 13, 2012

BẢY GIỜ BỊ GIỮ TRONG CÔNG AN THANH TRÌ (Kỳ 4 + 5 ) (Nguyễn Tường Thụy)


12/03/2012

5. Vòng tay đồng đội

Tôi bước ra khỏi phòng. Vừa thấy bóng tôi, tiếng reo hò vang dội. Không khí thật náo nhiệt. Tôi giơ hai tay lên quá đầu vẫy mọi người, đi qua một khoảng sân rộng để ra cổng.
Khi tôi còn đang làm việc với an ninh, chừng 8 giờ 30 tối thì bạn bè tôi đã kéo đến. Tôi ngồi trong phòng nghe thấy những tiếng hô đòi thả người, tiếng phản đối công an về việc bắt người trái phép, cả tiếng gọi “bố Thụy ơi!” của mấy cô bé.

Bây giờ, những âm thanh ấy lại vang lên, không phải phẫn nộ nữa mà là vui mừng. Đến gần cổng, thấy nghìn nghịt những người. Quân ta ở đâu ra mà đông thế này? Ra khỏi cổng, tôi sà ngay vào vòng tay của đồng đội. Chưa bao giờ, tôi thấy mình hạnh phúc như lúc này. Tôi từng có mặt ở nhiều trụ sở công an cùng mọi người đòi trả người bị bắt, bị giữ. Tôi hiểu, khi một người bị giam giữ, thấy đồng đội của mình ở ngoài vì mình thì tinh thần phấn chấn, vững vàng thêm bao nhiêu. Tôi biết những người biểu tình không ai sợ bị bắt vì việc làm của họ là chính nghĩa. Còn nhớ những lần đi biểu tình chống Trung Quốc, khi công an bắt người, nhiều người khác cũng ào cả lên xe bus tình nguyện làm người “được bắt”. Không ai muốn những người bị bắt đơn độc.
.
Những người trong nhóm đi đón Xuân Diện ở số 6 Hà Đông cho biết Xuân Diện được trả tự do trước tôi vài phút, giờ chỉ còn Kim Môn đang bị giữ ở công an Thị trấn Văn Điển.
Thú thực là ban đầu, tôi vẫn có hy vọng là họ trả tự do cho tôi sớm một chút để tôi có thể chạy đến nơi giao lưu gặp mọi người, dù chỉ kịp vào mấy phút cuối cùng. Đến khi thấy mọi người kéo đến, tôi biết buổi giao lưu đã kết thúc sớm hơn dự định để đi đòi người. Vì vậy, tôi không thiết về nữa. Họ có thể giữ tôi mấy ngày cũng được.
Khi nằm trên đống giấy in, tôi đã suy nghĩ về khả năng họ sẽ giữ tôi vài ba ngày, có thể tôi bị đánh, bị cắt trọc như Phan Trọng Khang, Vũ Quốc Ngữ. Tôi còn lường trước tình huống xấu hơn nữa. Chấp nhận thôi. Sẽ không có một chút dù mảy may nào để họ nghĩ rằng tôi vì bị khủng bố mà nhụt chí.

Nguyễn Hữu Vinh hỏi tôi:
- Thế anh ra có giấy tờ biên bản gì không?
- Làm gì có, ngay cả giấy triệu tập họ cũng giữ cơ mà.
- Không được, làm việc gì cũng phải có biên bản. Anh vào đòi họ đưa giấy cho anh ra. Làm ăn kiểu này, lần sau họ đánh chết anh rồi đổ cho anh tự tử thì sao.

Mấy cậu hưởng ứng:
- Phải đấy, anh cứ vào đòi giấy tờ cho bằng được. Không thì anh cứ ở đấy, không cần về.
Tôi bảo, bây giờ ra rồi, nó không cho vào lại đâu. Nhưng mấy cậu cứ cùng tôi đến cổng để đòi vào. Lúc này, cổng vẫn khóa như khi bạn tôi kéo đến đòi người
Biết là không thể nhưng tôi vẫn cứ nói với với mấy cậu canh cổng, yêu cầu cho tôi vào. Tất nhiên là họ không cho.

Chợt một cậu phát hiện ra:
- Chúng nó làm gì anh mà áo anh rách thế này?
Lúc này, tôi mới để ý áo tôi bị rách hai đường ở vai và thấy xót ở khuỷu tay phải. Tôi biết áo rách và khủy tay xây xát là lúc chúng cưỡng bức tôi lên xe.

Mọi người liền lập biên bản về tình trạng của tôi khi ra khỏi đồn công an. Một người đưa cho tôi chiếc mũ bảo hiểm mới để về, một người giao cả cuốn sổ ghi biên bản cho tôi giữ.
.
Tôi ngồi sau xe máy đưa tay vẫy bà con hai bên đường. Những cánh tay tíu tít vẫy lại. Những nụ cười rạng rỡ. Bè bạn rồng rắn đưa tôi về đến tận cửa nhà. Tôi nhìn bao quát, thấy chừng 40 người. Vậy là đám đông dân kéo đến theo dõi vụ đòi người trước cổng đồn công an còn gấp mấy lần hơn thế.
Mọi người không kịp vào nhà. Tôi nghẹn ngào nhìn những gương mặt thân yêu vội vã chia tay tôi rồi hối hả đến công an thị trấn Văn Điển đòi trả Nguyễn Kim Môn.
.
12/3/2012
TƯỜNG THỤY

-------------------------


12/03/2012

4. Làm việc với an ninh
.
Tới sân công an huyện, tôi bảo mấy thằng bắt tôi:
- Để tao tự đi, đừng làm cái trò áp giải nữa.
Bây giờ thì chúng nó làm theo ý tôi. Chắc là lúc này không có người dân nào chứng kiến nên nghĩ không thể bôi xấu hình ảnh tôi trước mặt họ được nữa.
Chúng dẫn tôi vào một phòng. Tôi nhìn qua, thấy có vẻ sơ sài, tạm bợ. Mấy hộp bao bì các tông lẫn với giấy in xếp đống ở phía cửa sau. Phòng như lâu ngày không được quét dọn.

Một cậu bảo:
- Bác thông cảm, cơ sở vật chất còn nghèo quá.
Tôi nói:
- Có gì đâu, bớt những khoản chi vô bổ đi thôi mà.
Mấy cậu nhanh nhẹn pha nước mời:
- Bác cứ thong thả uống nước, ngồi nghỉ cho đỡ bức xúc đi đã.
- Bắt người kiểu ấy, không bức xúc sao được. Việc làm ấy không bôi nhọ được tôi mà bôi nhọ cho chính các anh. Hình ảnh công an đã xấu lắm rồi, đừng làm cho nó xấu hơn nữa.
- Đó là chúng cháu mời bác ra đây làm việc đấy chứ.
- Như thế gọi là mời à? Bây giờ các cậu quay lại hỏi dân chỗ tôi vừa chứng kiến cảnh “mời” ấy xem, nó là mời hay là bắt?

Tôi nhìn quanh thấy khoảng 4, 5 cậu, trong đó có một cậu trong ban chuyên án trên Bộ, đã từng làm việc với tôi về lá đơn xin trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ. Mấy cậu khác tôi đoán cũng là an ninh trên Bộ hay công an huyện nhưng tôi không hỏi cụ thể. Như thế, việc bắt tôi không phải là chủ trương của công an Thanh Trì.

Một cậu bảo: “Nghe nói tối nay có cuộc họp mặt nào đó à bác”.
Tôi không trả lời.

Ngồi được uống nước được một lúc, vẫn không thấy ai làm việc, tôi bảo:
- Bố trí người làm việc đi chứ. Tôi không có nhiều thời gian ngồi chơi.
Phải lúc lâu sau nữa, có một vị đến, nói là ở đội an ninh huyện và xưng tên. Tôi hỏi tên họ đầy đủ rồi bảo:
- Theo giấy triệu tập thì tôi đến đây gặp ông Nguyễn Văn Sửa nào đó cơ mà.
Anh ta bảo:
- Nhưng tôi được phân công làm việc với bác.
- Tôi không biết, giấy triệu tập ghi là đến gặp ông Sửa thì tôi chỉ làm việc với ông Sửa.
Nhì nhằng mấy câu nữa, anh ta có vẻ lúng túng, nhưng tôi bảo:
- Thôi được, kể ra điều đó cũng không quan trọng lắm. Lẽ ra, tôi có quyền từ chối làm việc với anh, nhưng để tỏ thiện chí hợp tác, tôi chấp nhận.

Anh ta lôi ra một tập biên bản lấy lời khai in theo mẫu. Tôi liếc qua, nói:
- Trước hết, tôi cần phải nói, tôi không phải là kẻ phạm tội, cũng không có dấu hiệu phạm tội. Tôi không phải khai mà các anh gọi là lấy lời khai. Các anh có thể hỏi chuyện, còn ghi hay không, ghi như thế nào thì tùy nhưng tôi nói trước, tôi không ký đâu đấy.

Lại hỏi tên tuổi, chỗ ở, quê quán, quá trình công tác. Tôi biết, những thông tin họ lấy từ tôi đối với họ chẳng có chút giá trị gì vì họ đã biết về tôi và những gì chưa biết có nói hết cũng chẳng có gì giúp ích cho họ. Dùng máy kiểm tra ý nghĩ hay bổ não tôi ra xem cũng chỉ có thế. Mục đích của họ là câu lưu tôi cho qua buổi họp mặt vinh danh phụ nữ tối nay mà thôi. Chẳng lẽ bắt tôi ra đây lại cứ để tôi ngồi uống nước. Vì vậy tôi trả lời hết sức vắn tắt.

Hỏi đến tên bố mẹ tôi, tôi kiên quyết không trả lời:
- Bố mẹ tôi chẳng có liên quan gì và cũng chẳng có trách nhiệm gì đến việc làm của tôi. Mặt khác, bố mẹ tôi mất từ lâu rồi, giờ còn sống cũng hơn trăm tuổi. Hãy để bố mẹ tôi yên. Nếu các anh cần thì đến cơ quan cũ hay về quê tôi mà hỏi, thiếu gì cách. Hỏi về vợ con tôi thì được.
- Nhưng đây là thủ tục
- Thủ tục gì thì cũng kệ các anh thôi.

Trong nội dung làm việc, nhiều câu hỏi mà tôi biết tôi có nói thì cũng chẳng để làm gì nên phần lớn tôi trả lời trên tinh thần là không biết.
Khi thì một cậu bảo, bác nói như vậy là mâu thuẫn, lúc khác thì bảo bác giấu giếm, lúc lại bảo bác cần trung thực. Tôi nói:
- Các anh không được nói tôi giấm giếm hay không trung thực. Tôi chỉ có những điều nói ra hay không nói ra mà thôi. Tôi không có nghĩa vụ phải khai với các anh.
- Bác đi biểu tình bao nhiêu lần rồi?
Cậu ngồi bên cạnh bảo:
- Chắc là đủ 11 lần.
Tôi nói:
- Tôi không có được nhiệt tình như thế đâu. Nhưng thôi, các anh cứ ghi vào 11 lần cho tôi vinh dự, cho mọi người nể nang. Nhưng tính tôi, cái gì không nói thì thôi, đã nói là nói thật kẻo người ta bảo tôi ăn gian. Tôi không muốn nhận những gì không phải của mình. Hôm nói chuyện với cô chủ tịch xã, cô nói tôi đi biểu tình những ngày nào, bằng phương tiện gì, tôi còn nhắc, vậy là cô sót của tôi một buổi rồi.

Rồi tôi kể với họ tôi đi biểu tình từ khi nào, tham gia những lần nào …
Với những câu đại loại như: bác đi biểu tình quen những ai, đi ăn với những ai, bao nhiêu lần … Kể tỉ mỉ ra thì bao nhiêu thời gian cho nó hết, thêm mệt ra. Có kể hết nó cũng chẳng hại gì cho tôi hoặc bạn bè của tôi nên tôi chỉ nói cho qua chuyện. Họ muốn biết, chỉ cần đọc blog của tôi ra thì rõ hết.
- Nếu có kêu gọi biểu tình thì bác có đi nữa không?
- Cái đó tôi chưa biết, có thể đi và có thể không.
- Bác nghĩ như thế nào về thông báo cấm biểu tình của thành phố?
Câu hỏi này làm tôi nhiệt tình hẳn lên:
- Đó là một văn bản vi hiến, không có giá trị.
- Vì sao?
- Vì văn bản không có người ký, không có số, đóng dấu treo. Quyền biểu tình đã được ghi vào Hiến pháp.
- Ý kiến của bác về việc triệu tập bác hôm nay?
- Tôi kịch liệt phản đối việc bắt người trái phép. Nó không phải là triệu tập. Triệu tập không ai làm thế.

Với những câu hỏi về buổi vinh danh phụ nữ chiều tối nay, tôi trả không biết. Tôi nghĩ, họ cũng đã biết cả rồi, cần gì phải nói.
Trong khi làm việc có 3 lần phóng viên nước ngoài gọi điện đến (lúc này, điện thoại của tôi đã được khám xét xong, tôi đã nhận lại). Tôi trả lời là đang làm việc với an ninh, có gì để lúc khác. Qua câu hỏi của họ, tôi biết Nguyễn Xuân Diện cũng bị bắt. Vậy là tôi hiểu vì sao họ bắt chúng tôi. Còn việc bắt Nguyễn Kim Môn, sau khi được trả tự do, tôi mới biết.

17 giờ 30 phút thì họ làm xong biên bản và ký với nhau, tôi mặc kệ họ.

Họ cho người mang lên 1 suất cơm, có đủ món như một suất cơm bình thường:
- Bác ăn cơm đi, xong rồi làm việc tiếp, còn chút việc nữa.
Tôi bảo:
- Tôi không ăn. Và tôi cũng không làm việc gì nữa. Tôi đã mệt mỏi rồi. Còn gì thì hẹn các anh vào buổi khác, tôi sẵn sàng nhưng nhớ đừng khiêng tôi lên xe như hôm nay đấy.

Họ mời đi mời lại, tôi nhất định không ăn. Đúng ra là tôi không ăn được. Còn bụng dạ nào mà ăn khi đầu óc tôi cứ để vào buổi họp mặt. Mãi sau, vị an ninh làm việc chính thức với tôi mang giấy tờ ra:
- Bác không ăn thì làm việc tiếp vậy. Buổi tối nay vinh danh những thành phần phụ nữ như thế nào?
- Tôi đã nói rồi. Tôi không làm việc nữa. Các anh muốn làm gì tôi thì làm.
Biết là không ép được tôi, anh ta đi ra.

Mấy cậu công an, an ninh cũng ăn vì đã đến bữa. Thấy các cậu ăn hộp xôi như một suất ăn sáng chứ không có suất như tôi, tôi đẩy suất ăn của tôi tới bảo, các cháu ăn đi, bác không ăn đâu. Nhưng các cậu ấy không ăn, bảo đấy bác xem, chúng cháu ăn uống cũng đạm bạc lắm. Lại thấy có cậu trả lời điện thoại của vợ rồi nói không biết khi nào anh về. Tôi nghĩ, có mỗi mình mình mà làm bao nhiêu đứa khổ theo.

Những người đi đòi trả tự do cho tôi tới cổng vào chừng 8 giờ 30 phút tối. Tôi ra hành lang đứng nhìn nhưng không nói không goi gì cả. Không biết mọi người có nhận ra tôi không. Tôi ra được 2 lần như thế thì một đứa trong tốp đi bắt tôi đẩy tôi vào. Kể từ đấy, tôi không được đi vệ sinh bằng lối cũ nữa mà họ phải mở cửa sau cho tôi đi. Tại sao nó lại sợ chúng tôi nhìn thấy nhau nhỉ.
Tôi bảo một cậu:
- Cháu cho bác nằm tạm ở đâu đó. Bác cần được nghỉ ngơi.
Mấy cậu có vẻ lúng túng:
- Cơ quan không phòng nào có giường. Hay là bác nằm trên bàn.
- Thôi, xếp mấy bó giấy in cho bác nằm tạm cũng được.

Mấy cậu nhanh nhẹn xếp những gói giấy in thành hai hàng, để thêm một bó lên trên làm gối, được một chỗ nằm cũng không đến nỗi nào.
Tôi nằm ngả lưng. Nhưng không sao chợp mắt được.
Chừng hơn 9 giờ thì một người vào phòng. Tôi để ý phong cách, đoán là sếp công an huyện. Tôi nhìn qua rồi tiếp tục nhắm mắt lại. Ông bảo:
- Anh ngồi lên ghế nói chuyện.
Tôi uể oải lên ghế ngồi. Ông tự giới thiệu. Thì ra chính ông này ký giấy triệu tập để bắt tôi.

Tôi lại phản đối việc bắt tôi chiều nay. Nhưng rồi ông bảo mấy cậu lên phòng ông lấy nước khoáng có ga cho tôi uống. Ông rót ra cốc, ân cần:
- Anh uống nước này cho đỡ mệt. Thực ra hôm nay triệu tập anh đến đây là để tách anh ra khỏi đám họp mặt thôi.
Vậy là mục đích bắt tôi, họ đã công khai.

Có vẻ như ông không có ý định vặn vẹo hay giáo huấn gì tôi, chỉ nói:
- Anh đừng đi với họ làm gì. Đi biểu tình lại vi phạm pháp luật.
Tôi hỏi:
- Sao lại vi phạm pháp luật?
Ông không trả lời, quay sang chuyện khác:
- Chúng tôi định cho anh về nhưng còn đám đông ngoài kia (ý ông nói là đám đòi thả người). Khi nào họ về thì anh về thôi. Anh nên ra khuyên họ về.
Tôi bảo:
- Việc ấy là của họ. Tôi không bảo họ đến đây thì tôi bảo họ về sao được. Các anh chưa trả tự do cho tôi thì không bao giờ họ về đâu, tôi biết chắc như thế. Còn các anh thả tôi thì họ cũng về ngay thôi. Họ đến vì tôi, tôi được trả tự do rồi thì họ còn ở lại làm gì.
Ông nói:
- Trả anh về lúc này, anh lại đi tụ tập ăn uống cùng với họ.
Ông bảo rồi sẽ cho xe đưa tôi về, tôi nói:
- Thôi, đừng điều xe mà tốn thêm tiền của dân. Tôi đã có người đón. Vợ tôi đang đợi tôi ngoài kia.
Ông còn bảo khi nào có thời gian, tôi sẽ đến thăm anh. Tôi nói:
- Các anh nên năng tiếp xúc với dân. Các anh xa dân quá rồi đấy.

Rồi họ cũng phải cho tôi về. Trước khi về, tôi nói với ông phó công an huyện:
- Nếu thằng Trung Quốc còn gây hấn một lần nữa như vụ cắt cáp tàu Bình Minh chẳng hạn thì chắc chắn tôi sẽ xuống đường, các anh có bỏ tù cũng được.
.
12/3/2012
TƯỜNG THỤY
.
.
.


.
.
.

No comments: