Sunday, June 5, 2011

YÊU NƯỚC TRONG NỖI SỢ HÃI (Song Chi)


Song Chi
Sunday, June 5, 2011

Những ngày này, lòng yêu nước của người Việt Nam, như một ngọn lửa lại bùng cháy mãnh liệt sau sự kiện Bình Minh 02. Một làn sóng phẫn nộ phản đối Trung Quốc dâng lên khiến báo chí truyền thông nước ngoài cũng phải chú ý.

Không ai có thể phủ nhận rằng tinh thần yêu nước chính là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất đã giúp cho dân tộc Việt Nam có thể tồn tại cho đến ngày hôm nay. Sau một ngàn năm bị phong kiến phương Bắc rồi 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Sau rất nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu với các cường quốc khác nhau.

Nhưng lòng yêu nước ấy cũng đã bị lợi dụng rất nhiều lần, trong hơn bảy thập niên qua. Dưới chiêu bài chống ngoại xâm cứu nước, đảng Cộng Sản Việt Nam đã đẩy cả dân tộc vào những cuộc chiến tranh khốc liệt với Pháp, Mỹ, cuộc chiến huynh đệ tương tàn hai miền Nam Bắc. Tiếp đến là cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc với “các nước trong khối xã hội chủ nghĩa anh em.”

Những cuộc chiến tranh lẽ ra đã có thể tránh được.

Chưa có giai đoạn nào trong quá khứ, lòng yêu nước của dân tộc Việt lại bị lợi dụng nhiều và phản bội nặng nề như trong thế kỷ XX.

Còn ngày hôm nay thì lòng yêu nước đó cũng không còn được phép thể hiện. Ngay cả khi Hoàng Sa, Trường Sa đã bị xâm chiếm. Khi kẻ bành trướng phương Bắc đang từng bước lấn dần trên biển Ðông, giết hại ngư dân Việt Nam, hoành hành trong khu vực thuộc lãnh hải Việt Nam như chỗ không người. Và mới đây, là phá hoại tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam!

Vậy mà người Việt Nam hôm nay chỉ có thể uất ức giương mắt nhìn mà không thể làm gì, bởi chưa được phép của nhà nước!

Hãy nghe người trong cuộc nói: “Lúc đó chúng tôi tức lắm, muốn chiếu đấu, nhưng phải kìm chế theo nguyên tắc ứng xử ‘giữ vững môi trường hòa bình ổn định trên biển.’ Anh Nguyễn Hồng Quân, thuyền trưởng tàu VT 7739 (Vạn Hoa 739), một trong những tàu bảo vệ tàu Bình Minh 02 kể về sự kiện 26 tháng 5.” (VTCNews)

Trang Nhật Ký Yêu Nước, tập hợp của một số bạn trẻ trong và ngoài nước, đã đăng lời kêu gọi tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc vào ngày 5 tháng 6. Muốn bày tỏ lòng yêu nước, các bạn cũng phải rào trước đón sau. Từ cách dùng từ ngữ như chỉ dùng từ tuần hành ôn hòa mà tránh chữ biểu tình vốn bị nhà nước Việt Nam kiêng kỵ! Như nêu rõ mục đích chỉ nhằm chống Trung Quốc, dùng những “lá chắn” là cờ đỏ sao vàng, hình Hồ Chí Minh... Và “la làng” ngay khi thấy đảng Việt Tân lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình.

Rõ ràng đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã rất thành công trong việc làm cho người dân sợ hãi, tránh xa mọi sự liên kết với các tổ chức, đảng phái chính trị. Cho dù sau đó đảng Việt Tân cũng đã lên tiếng “nói lại,” khẳng định Nhật Ký Yêu Nước đúng là chẳng có liên quan gì đến Việt Tân, và hành động của Việt Tân cũng chỉ nhằm góp một tay vào phong trào phản đối Trung Quốc. Nhưng rất nhiều người cũng đã rút lui, không muốn đi biểu tình.

Có quá nhiều lý do khiến người ta sợ hãi. Chưa ai quên kinh nghiệm cay đắng của những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa vào cuối năm 2007, đầu năm 2008.

Nhiều người đã nhận xét sự kiện Bình Minh 02 là phép thử trên nhiều mặt của Trung Quốc với VN, các nước Ðông Nam Á và cả với Mỹ. Song, đây cũng là phép thử lòng yêu nước từ lãnh đạo cho đến người dân.
Phép thử đã có kết quả: một số Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc thời nay đã bị lộ mặt.

Ðó là những kẻ đã ra lệnh cho các tàu bảo vệ, máy bay không được phép ra đuổi tàu Trung Quốc - điều mà Malaysia và Philippines đã làm trong tình huống tương tự.

Ðó là những kẻ đã ra lệnh tháo gỡ các bài viết trên các trang Quân Ðội Nhân Dân, báo Nhân Dân, báo điện tử ÐCSVN , rồi sau đó lại phải lên tiếng trước sức ép của dư luận.

Là ông Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải, giữa lúc lòng dân đang sôi sục phẫn uất thì lại đi chỉ đạo khẩn trương triển khai xây dựng Cung Hữu Nghị Việt Trung!

Cho đến những kẻ viết bài chỉ để bàn lùi, thậm chí có những ý kiến kiểu như thôi thà để đất nước này biến thành một tỉnh của Trung Quốc có khi còn có lợi hơn, như Tây Tạng đã phát triển ra sao nhờ có Trung Quốc!

Và đội ngũ “lính đánh thuê trên mạng” (từ của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc), tích cực khuyên mọi người không nên tham gia biểu tình chống Trung Quốc...

Ðáng thương cho người VN, yêu nước cũng phải được phép, yêu nước trong phập phồng sợ hãi.
Ngay trong nội bộ đảng cộng sản, cũng có hai luồng quan điểm khác nhau về cách hành xử đối với Trung Quốc nói chung và qua sự kiện Bình Minh 02 nói riêng. Có những vị muốn nhà nước VN phải mạnh mẽ hơn. Như Ðại Tướng Lê Ðức Anh, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu Tướng Lê Văn Cương, Ðại Tá Quách Hải Lượng... Tất cả đều nhấn mạnh đến cái ý nếu không phản ứng đủ độ, Trung Quốc sẽ lấn tới, Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn “mềm nắn rắn buông,” phải vạch trần cho thế giới thấy sự phi nghĩa của TQ, v.v...

Chỉ một vài ý kiến như Trung Tướng Ðồng Sỹ Nguyên khi trả lời báo Người Lao Ðộng ngày 3 tháng 6 rằng nên dùng thương thảo giải quyết bất đồng, theo cách “lấy nước chữa lửa” mà không nên “dùng lửa chữa lửa.” Nhiều độc giả đã comment không đồng thuận với ý kiến này.

Từ trước đến nay trong quan hệ với Trung Quốc, cách hành xử của đảng và nhà nước Cộng Sản VN rất khác so với thời đánh Mỹ. Thời đánh Mỹ, họ tuyên truyền rất giỏi nên đã tập hợp được người dân và làm cho hầu hết các nước trên thế giới nghĩ rằng họ có chính nghĩa. Nhưng với Trung Quốc, họ cứ như ngậm hột thị. Luôn luôn ở vào thế bị động, phụ thuộc từ chính trị, kinh tế đến quân sự. Mọi thông tin dính dáng đến mối quan hệ bất cân xứng này đều không minh bạch, rõ ràng.

Trong khi đó, họ lại luôn tự cho là khôn ngoan trong đối sách với TQ. Ðộc quyền yêu nước, đảng và nhà nước cũng độc quyền quyết định mọi việc. Lập luận của họ khi phản ứng lại những lời chỉ trích của người dân là phải kiên trì, đừng để “mắc bẫy” khiêu khích của TQ cũng như mắc bẫy của “các thế lực phản động.” Rằng nếu xảy ra chiến tranh thì ai sẽ được hưởng lợi trên xương máu dân tộc Việt Nam v.v...

Những lý lẽ có vẻ rất hay và biết nghĩ đến người dân. Giá mà trong các cuộc chiến tranh trước đây, nhất là cuộc chiến hai miền Nam-Bắc... họ biết nghĩ đến điều đó. Sự thật là các thế hệ lãnh đạo đảng Cộng Sản VN chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng. Chừng nào còn chưa giành trọn quyền độc tôn lãnh đạo đất nước, họ sẽ tiếp tục đánh đến cùng. Bất kể cái giá phải trả là sinh mạng của nhân dân. Còn bây giờ, mục đích tối thượng của họ là giữ đảng, giữ chính quyền. Vì mục đích này, Hà Nội sẽ tiếp tục nín nhịn Bắc Kinh đến cùng!
Người dân thì tự hỏi đối sách ngoại giao “khôn ngoan” đó trong nhiều năm qua đã đạt được gì hay kết quả như ngày hôm nay?

Sau sự kiện Bình Minh 02, báo chí tiếp tục đưa tin 3 tàu cá Phú Yên bị tàu vũ trang TQ bắn đuổi ngay trên vùng biển thuộc lãnh hải VN. Ngày 1 tháng 6, thêm 2 tàu cá Quảng Ngãi bị tàu TQ phá hoại tài sản. Rồi tàu khảo sát địa chấn Viking 2 do Việt Nam thuê để thăm dò, bị hai chiếc tàu quấy rối... Có nghĩa là TQ sẽ không dừng lại cho đến khi nào đạt được mục đích!

Trước một thực tế TQ càng ngày càng mạnh hơn, quyết tâm hơn, hung hăng hơn, cuối cùng rồi các nước có tranh chấp với TQ cũng phải tìm cách cứu mình. Ngay Philippines dù sao cũng đã ký hiệp ước an ninh chung với Mỹ. Còn VN? Ðối với những cái đầu tham lam, tính toán ở Ba Ðình, một sự dàn xếp “đi đêm” với TQ theo họ có lẽ là cách tốt nhất. Nhân nhượng cho TQ lấy thêm một số đảo, lấn thêm vùng biển, miễn là giữ được chế độ. Nỗi sợ lớn nhất của họ là viễn cảnh tương lai sẽ giống như những ông lãnh đạo độc tài ở các quốc gia khác: tài sản bị phong tỏa, phải lưu vong, thậm chí phải ra trước tòa án quốc tế. Nếu phải lưu vong, quốc gia nào chứa chấp họ?

Nếu người dân VN vẫn còn mê ngủ, chắc chắn đó sẽ là con đường mà nhà nước này chọn lựa.

Hoặc họ sẽ lợi dụng lòng yêu nước và xương máu của nhân dân thêm một lần nữa để củng cố đảng.

Chỉ trừ khi nhân dân mở lối thoát cho họ: nếu họ lùi bước, chấp nhận thay đổi chính trị để cứu nước, người dân sẽ bỏ qua tất cả, cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước. Như cách mà người Ðức và các dân tộc Ðông Âu, Liên Xô đã ứng xử.

Khi chọn được con đường đúng, mới thống nhất được lòng dân và mới hy vọng thế giới ủng hộ.
Và khi đó, người VN có quyền bày tỏ lòng yêu nước mà không sợ hãi!
.
.
.

No comments: