Sunday, June 26, 2011

VIỆT NAM CẦN ĐIỀU CHỈNH LẠI CHIẾN LƯỢC BIỂN ĐÔNG [2/2] (Trương Nhân Tuấn)


Trương Nhân Tuấn
Đăng ngày: 15:30 26-06-2011

4.3. Về các « thỏa thuận » giữa lãnh đạo đảng CS hai nước đã đạt được :

Câu hỏi trước tiên là các « thỏa thuận », hay « mật ước » ký kết giữa lãnh đạo hai đảng cộng sản có nội dung như thế nào ? Chỉ khi biết rõ thì mới có thể định lượng được mức độ, sau đó mới có thể nghiên cứu cách hóa giải.

Về sự hiện hữu của nó, qua các lời tuyên bố của phát ngôn viên TQ mới đây hay là các « bật mí » từ bài viết của Nguyên Chí Trung đã dẫn ở trên, đều không có chứng cớ thuyết phục.

Tuy nhiên, gân đây, một cựu công thần của chế độ là ông Dương Danh Di, nhân trả lời phỏng vấn của RFA, cho thấy các thỏa thuận này là có thật. Nguyên văn đoạn quan hệ như sau :

Mặc Lâm (ký giả RFA): Dư luận cho rằng trong thời kỳchiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã viện trợ cho Miền Bắc rất nhiều và có lẽ sự trợ giúp quân sự này đã khiến cho Hà Nội tỏ ra quá mềm yếu trong khi đàm phán về biên giới giữa hai nước, phải không ạ?
Ông Dương Danh Di: Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi. Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.

Mặc Lâm là ký giả của RFA. Đường dẫn bài phỏng vấn ở đây :http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-China-a-long-standing-grievances-historical-MLam-07022009133546.html

Ông Dương Danh Di khẳng định là lãnh đạo CSVN có « một số điều hứa » với TQ và ông ta « biết rất rõ » các điều hứa này. Ông Dương Danh Di cho rằng nguyên nhân các « hứa hẹn » này là do « bênh »TQ hay là do « dốt ».
Bênh TQ thì rõ như ban ngày, đó là công hàm của ông Phạm Văn Đồng. Việc TQ tuyên bố về lãnh hải của nước họ vào thời điểm đó (1956-1958), cũng như hầu hết các nước có bờ biển trên thế giới, đều là tuyên bố phù hợp với điều 10 của Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958. Nếu không có nước nào lên tiếng phản đối thì tuyên bố đó hiệu lực, các nước khác phải tôn trọng. Tuyên bố « công nhận tuyên bố » của ông Đồng vì thế hoàn toàn thừa. Do đó mục tiêu của công hàm ông Đồng không phải chỉ là bợ đỡ TQ, mà còn công khai cho TQ (và thế giới ) biết rằng VN công nhận chủ quyền của TQ ở HS và TS.
Nhưng « dốt » thì chưa chắc. Vì nếu « dốt »thì đảng này đã bị tiêu diệt từ lâu. Vấn đề là các hứa hẹn do « dốt »này là các hứa hẹn nào ? Có phải là việc chia biển Đông thành 3 khu vực tranh chấp ?

Thực ra, việc lãnh đạo đảng CSVN công nhận có tranh chấp với TQ ở hai vùng biển HS và TS, là do hệ quả của việc công nhận chủ quyền của TQ ở hai quần đảo này. Như đã viết nhiều lần[i], TQ là bậc thầy trong nghệ thuật sử dụng « chiến lược ». Một trong những bậc thầy về chiến lược của thế giới là Tôn Tử, người TQ. Họ có thể biến từ cái không thành cái có, từ có một biến thành có 10. Đây là phương pháp mà họ sử dụng để lấn chiếm biển Đông. Các lãnh đạo của CSVN qua các thời kỳ đã có công rất lớn trong việc giúp cho TQ thực hiện ý đồ của họ. (Mà không hẵn chỉ có cấp lãnh đạo, lớp « học giả » VN cũng góp phần không nhỏ để TQ củng cố tư thế của họ tại vùng biển TS. Đến bây giờ người viết bài này vẫn không biết vì sao VN phải chia chác với TQ tại vùng biển TS ? các « học giả » VN có thể giải thích lý do được hay không ?)
Nhưng dầu thế nào, dầu « bênh » TQ hay do « dốt »,các « hứa hẹn » này đều có giá trị như nhau, không dễ dàng mà « thất hứa ».

Nhớ lại việc nhà nước CSVN cho TQ khai thác Bô xít ở Tây nguyên, biết bao nhiêu người lên tiếng phản đối, kể cả những công thần của chế độ như tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều bản báo cáo khoa học đã công bố cho thấy việc khai thác này không hề mang lợi cho VN. Một người người chủ trương dự án cũng công nhận : VN năm ăn năm thua. Trong khi chỉ số đe dọa ô nhiễm môi trường thì rất cao vì kỹ thuật khai thác của TQ không đúng tiêu chuẩn. Không một nhà lãnh đạo quốc gia nào có thể đem đất nước của mình đi đặt cược như một canh bạc như thế. Nhưng việc khai thác vẫn được tiếp tục. Bởi vì việc khai thác bô xít đã được thỏa thuận giữa Nông Đức Mạnh, TBT đảng CSVN với chóp bu đảng CS TQ, theo một bản thông cáo chung của hai đảng đã công bố trước đây. Tức việc ký kết hợp đồng khai thác là do thỏa thuận của hai đảng CS chứ không hề đi theo các thủ tục thông thường về đâu tư, khai thác khoáng sản theo luật lệ quốc gia.

Một thí dụ khác, là việc phân định biên giới Việt-Trung. Như tài liệu trên đã dẫn, chính lãnh đạo đảng CSVN đã tố cáo lẫn nhau : bán đất nhưọng biển cho TQ. Đến hôm nay, mặc đầu bộ bản đồ đính kèm hiệp ước Phân định Biên giới Việt-Trung 1999 vẫn chưa được công bố, nhưng người ta đã thấy một phần đất đai của VN đã bị nhượng cho TQ, thí dụ : vùng Nam Quan, bãi Tục Lãm, các đỉnh cao chiến lược, thác Bản Giốc v.v… Ông Lê Đức Anh tố ông Lê Khả Phiêu bán đất nhượng biển cho TQ nhưng thực tế là ông LĐ Anh đem trăm dâu đổ đầu con tằm LK Phiêu. Bởi vì các vùng đất bị mất đã bị lãnh đạo đảng CSVN nhượng cho TQ trước thời ông Phiêu lên làm TBT. Các vùng biển tranh chấp cũng đã quyết định từ đầu thập niên 90. Ông Lê Đức Anh (và Đỗ Mười) vì thế có trách nhiệm rất lớn. Đổ hết lên đầu ông LH Phiêu là không công bằng.

Vì thế, các « thỏa thuận » hay các « hứa hẹn »này, cho dầu ký từ lúc nào, cho dầu thiệt hại đến mức nào, VN cũng phải chấp nhận.

Như thế, việc hóa giải các thỏa thuận này khó còn hơn lên trời ! Bởi vì nó chỉ có một phương cách, nhưng có hai đường lối thực hiện : đảng CSVN từ bỏ quyền lãnh đạo.

Các hứa hẹn hay thỏa thuận này là các mật ước ký kết giữa hai đảng CS, không quan hệ gì đến quốc gia VN. Các mật ước này chỉ mất hiệu lực ràng buộc khi một trong hai đảng bị mất quyền lãnh đạo.

Việc đảng CSVN từ bỏ quyền lãnh đạo có thể thực hiện theo hai phương pháp :
1/ tự thoái quyền, theo như gương của thủ tướng Thái Lan Plaek Phibulsongkhram[ii], vì quyền lợi của đất nước, từ chức để Thái Lan tránh bị đồng minh trừng phạt như Nhật sau Thế chiến thứ II.
2/ chế độ CSVN sụp đổ qua một cuộc cách mạng dân chủ.

Trường hơp thứ nhất khó có thể xảy ra vì đảng CSVN luôn tâm niệm câu: thà mất nước còn hơn mất đảng. Trường hợp thứ hai sẽ không bao giờ xảy ra tại VN, một phần vì Công An tâm nguyện “còn đảng còn mình”, tức là khi còn công an thì đừng hòng người nào dám đụng đến đảng. Phần khác là do sự thờ ơ của dân chúng.

Các cuộc biểu tình vừa qua cho thấy “khí thế” của người dân VN. Những người có ý thức và yêu nước thì quá ít so với đại đa số quần chúng.

Trong khi vết thuơng tật của trí thức VN vẫn chưa lành. Hiện tượng nhà nước bóp miệng một cơ quan ngôn luận của trí thức là trang web Chúng Ta trong nhiều tháng qua mà trong và ngoài nước không có một người lên tiếng. Điều này báo hiệu sự phá sản toàn diện của lớp trí thức VN. Tầng lớp trí thức tật nguyền như thế thì đâu còn người để hướng dẫn dư luận.

Chờ lớp trẻ tiến lên thì chỉ thấy “mưa sa trên màu cờ đỏ”, một màu của máu, mà màu này chỉ báo hiệu toàn những việc bất tường.




[i] Xem bài viết tại đây http://www.talawas.org/?p=5293 để xem nghệ thuật của TQ từ không có gì cho đến vùng biển theo bản đồ chín gạch hình chữU ở biển Đông.

[ii] thủ tướng Plaek Phibulsongkhram, người thân Nhật, do nắm được tình hình nên đã tiên đoán sự thất bại của Nhật từ năm 1944. Ông này từ chức, nhường quyền lại cho ông Pridi Phanomyong, nguyên là một giáo sư Luật, là người có khuynh hướng thân Mỹ, chống lại việc hợp tác với Nhật. Ông Pridi nương theo phe đồng minh, ve vãn Hoa Kỳ để được làm đồng minh của nước này. Do thái độ khôn khéo này (nếu không nói là nghệ thuật chính trị vì quyền lợiđất nước), Thái Lan thoát khỏi tình trạng « quốc gia đối nghịch »,không bị đồng minh đối xử như là Nhật Bản. Xem bài viết ở đây : http://vn.360plus.yahoo.com/truongnhantuan/article?mid=763&prev=771&next=757
.
.
.

No comments: