Trương Nhân Tuấn
Đăng ngày: 11:39 24-06-2011
Những sôi động đã tạm lắng xuống sau nhiều tuần xôn xao trong dư luận Việt Nam sau vụ chiếc tàu Bình Minh II bị tàu hải giám của TQ cắt cáp dò địa chấn trong vùng biển thuộc hải phận kinh tế độc quyền của Việt Nam vào cuối tháng 5 năm 2011. Người Việt Nam nào cũng phẫn nộ và cảm thấy bị xúc phạm vì địa điểm của chiếc tàu Bình Minh lúc bị cắt cáp, hay việc chiếc tàu Viking 2 bị cản trở hoạt động, đều nằm sâu trong vùng kinh tế độc quyền của VN (ZEE), chỉ cách đường cơ bản của VN khoảng hơn 100 hải lý. Hành động của Trung Quốc trước mắt mọi người Việt Nam là một hành động ngang ngược, gây hấn, vi phạm luật biển 1982, theo như tuyên bố của phát ngôn nhân bộ Ngoại Giao VN : TQ « vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ( DOC ) ký giữa ASEAN và TQ năm 2002 cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước VN và TQ ».
Nhưng phía Trung Quốc, theo các phát ngôn nhân của nước này,đáp trả tố cáo của VN, ngoài luận điệu cố hữu là « “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi với quần đảo Trường Sa và vùng biển chung quanh » thì còn có thêm các luận điểm : « Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc ». Họ làm như các vùng biển thuộc vùng ZEE của VN là thuộc về Trung Quốc. Một tuyên bố khác hoàn toàn mới : « Lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, vì tổn hại đến lợi ích và quyền lợi pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông, và vi phạm thỏa thuận chung mà hai nước đã đạt được trên vấn đề này ». Mới là vì lần đầu tiên phía TQ cho biết VN và TQ đã có những « thỏa thuận» đã đạt được trên vùng biển thuộc vùng kinh tế độc quyền của VN. Phía VN đính chánh rằng VN không có «thỏa thuận » nào về vấn đề này với TQ cả.
Những ngày qua thái độ của Trung Quốc trên trường quốc tế càng thêm cứng rắn, với những tuyên bố chính thức đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu thấy cần thiết để « tự vệ » và cũng để « giải phóng » các đảo đã bị nước ngoài chiếm đóng trái phép về với đất mẹ. Thời điểm sao thật giống những ngày trước biến cố Hoàng Sa vào tháng giêng 1974 và biến cố Trường Sa năm 1988. Trong lúc dư luận quốc tế thì không một nước nào, ngoại trừ Phi, là nước có cùng cảnh ngộ với VN, có lời tuyên bố hay chỉ trích về hành vi Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ cũ, qua bản thông cáo chung Việt-Mỹ ngày 18-6 : « Tất cả các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua tiến trình hợp tác ngoại giao, không sử dụng vũ lực… việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế », không khác nội dung của Tuyên bố ứng xử DOC 2002, ở điều 3 và 4, mà bản tuyên bố này, ai cũng biết, nó chỉ có giá trị một tờ giấy vụn vì không nước nào tôn trọng.
Bóng của TQ đang đè lên VN một cách nặng nề. Những« bức xúc » tình cảm đã lắng xuống. Thời gian hiện nay phải dành cho lý trí. Đây là lúc phía Việt Nam cần xét lại chiến lược về biển Đông, nếu cần thiết phải điều chỉnh lại, để các biến cố HS tháng giêng năm 1974 hay TS năm 1988 không lặp lại.
1/ Thử giải mã chiến luợc biển Đông của Việt Nam.
Ở đây sẽ không nói đến các vấn đề phát triển kinh tế liên quan đến biển Đông mà chỉ nói về chính sách hay phương án giải quyết tranh chấp biển Đông của VN hôm nay.
Chính sách giải quyết biển Đông của VN có lẽ đã thành hình song song với việc phân định vịnh Bắc Việt qua việc quyết định lựa chọn qui chế về hiệu lực các đảo trong vịnh.
Ở vịnh Bắc Việt, Việt Nam có chủ quyền ở hai đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cồn Cỏ, có diện tích khoảng trên dưới 2 km², có dân cư sinh sống và có một nền kinh tế tự túc. Chiếu theo điều 121[1] của Luật quốc tế về Biển 1982 thì các đảo này phải có lãnh hải, vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa tương tự như đối với đất liền. Nhưng việc phân định vịnh Bắc Việt năm 2000 đã không dành cho các đảo này hiệu lực đáng lẽ phải có theo như luật quốc tế. Các đảo này chỉ có một hiệu lực không đáng kể.
Chấp nhận sự thiệt thòi ở hai đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ là VN đã cố ý tạo một tiền lệ cho việc xác định hiệu lực các đảo thuộc HS và TS trong biển Đông. Vì các đảo thuộc HS và TS rất nhỏ, nhỏ hơn cả đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ. Nếu hai đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ không được hưởng qui chế « đảo » theo điều 121 của Luật quốc tế về Biển thì các đảo HS và TS cũng sẽ không có hiệu lực. Các đảo thuộc HS và TS sẽ được tính theo điều 121 khoản 3, tức được xem như là các đảo đá không có người sinh sống và không có nền kinh tế tự túc.
Theo một bài báo của tác giả Việt Long (thuộc Đại Học Quốc gia Hà Nội)[2], thì lập trường của Việt Nam gồm 4 điểm, nguyên văn 3 điểm liên quan như sau:
1) Việt Nam được quyền có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế riêng từ đất liền Việt Nam không có tranh chấp, tách biệt với các vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,
2) Hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam,
3) vùng biển của các đảo trong hai quần đảo được xác định theo Công ước luật biển năm 1982, cụ thể theo điều 121.3. Các đảo thuộc hai quần đảo này nếu có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế thì cũng là những vùng biển hạn chế không thể có đầy đủ hiệu lực trong phân định như từ lãnh thổ đất liền, phù hợp nguyên tắc "đất thống trị biển"
Như thế, phương hướng giải quyết của Việt Nam về biển Đông có nhiều phần trùng hợp với hai lý thuyết:
1/ của tổ hợp luật sư Hoa Kỳ cố vấn cho VN đầu thập niên 90 qua vụ tranh chấp với Trung Quốc tại vùng Tư Chính (là vùng mà hiện nay xảy ra biến cố tàu Viking . Theo đó bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa của VN, do đó không liên quan gì đến các đảo TS. Đây cũng là chủ trương thứ 1 của VN theo bài báo dẫn trên.
2/ lý thuyết của các học giả Mark J. Valencia, John M. Vandyke và Noel A. Ludwig trong cuốn Sharing the resouces of the South China Sea, được dịch sang tiếng Việt là « Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa » từ năm 1995. Sách này đề nghị một số phương pháp giải quyết, nhưng cách nào cũng đem thiệt hại cho VN, chỉ ít hay nhiều. VN lựa chọn cách theo đó việc phân chia vùng biển đặt trên căn bản không tính hiệu lực các đảo TS. Nhưng theo phương pháp này thì hiệu lực các đảo HS thì sẽ ra sao ? Theo ý kiến các học giả này này, TQ được công nhận chủ quyền ở HS và các đảo tại đây có đầy đủ hiệu lực.
Bản đồ phân bổ các vùng biển cho các nước, theo phương án này, có dạng như sau :
Lập trường của VN hôm nay vì thế đi ngược lại lập trường của mình lúc trước đây, theo các tuyên bố năm 1987, mà điều này chưa chắc có lợi cho VN.
2/ Việt Nam định hướng sai chiến lược.
Quyết định của Việt Nam về qui chế các đảo là một quyết định sai về chiến lược. Nó có thể đem lại nhiều thiệt hại cho VN tại biển Đông. Nó đã gây thiệt hại cho VN không nhỏ trong Vịnh Bắc Việt.
Quyết định này đã làm mất hoàn toàn các vùng biển ZEE của các đảo HS và TS theo qui định của điều 121 của Luật biển 1982 mà theo lẽ VN được hưởng. VN có chủ quyền không thể tranh cãi tại hai quần đảo này. Việt Nam chủ trương các đảo thuộc HS và TS là các đảo đá, không phù hợp cho người sinh sống và có một nền kinh tế tự túc. Thực tế hiện nay cho thấy chủ trương của VN là không đúng, vì ở các đảo có người sinh sống khá đông, nhiều đảo có phi trường, có nhà máy phát điện sử dụng năng lượng nhật quang, có tiềm năng khai thác du lịch, các mỏ dầu khí… do đó hiển nhiên có một nền kinh tế tự túc.
Lập trường của VN về qui chế các đảo ở biển Đông thay đổi 180° là thỏa mãn yêu sách của các nước ASEAN như Nam Dương và Mã Lai cũng như Hoa Kỳ. Nam Dương dĩ nhiên không muốn các đảo TS có hiệu lực, vì nếu không sẽ tạo vùng chồng lấn với vùng biển của nước này. Mã Lai cũng có chung hoàn cảnh với Nam Dương. Một số đảo TS thì nằm trên thềm lục địa của nước này. Riêng Hoa Kỳ thì muốn có quyền « tự do qua lại », do đó không hề muốn các đảo này có hiệu lực. Tuy nhiên, ý kiến của Hoa Kỳ, mặc dầu là đại cường, vì chưa thông qua bộ Luật biển 1982, khi nước này có ý kiến trên các vấn đề liên quan, dĩ nhiên thiếu tính thuyết phục.
Việc các đảo ở TS và HS có hiệu lực hay không là do cách diễn giải điều 121 của bộ Luật biển. Nước nào không có chủ quyền thì chủ trương các đảo này là đảo đá. Các nước có chủ quyền thì chủ trương các đảo này là « đảo », đúng theo qui định của Luật biển 1982, tức các đảo này có lãnh hải, vùng ZEE và thềm lục địa y như qui chế ở đất liền. Tuyên bố năm 1977 của VN về các lô dầu khí là chủ trương các đảo HS và TS theo qui chế « đảo » theo điều 121.
Nhưng khi việc diễn giải một điều ước trong bộ Luật biển giữa hai nước có mâu thuẫn, chiếu theo điều 286 của luật biển 1982, nếu tranh chấp không thể giải quyết bằng thuơng thuyết, các bên liên quan có thể đưa ra một trọng tài để xét xử. Các trọng tài có thẩm quyền giải thích các điều ước thường là tòa Án Quốc Tế (CIJ) hay là Tòa Án Quốc Tế về biển. Do đó, các giải thích về ý nghĩa của các học giả về điều 121 chỉ thuần túy là một « ý kiến ». Các học giả Hoa Kỳ nghiêng về khuynh hướng các đảo HS và TS là các đảo đá, do đó không có hiệu lực, tính theo khoản 3 điều 121. Vì HK chủ trương tự do lưu thông trên biển. Đó là « quyền lợi » của Hoa Kỳ. Nhưng trên thực tế, theo tập quán quốc tế hay theo quan điểm các nước Pháp hay Nhật, thì các đảo nhỏ (thậm chí nhỏ hơn các đảo TS và HS) vẫn có đầy đủ qui chế về lãnh hải, vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa 200 hải lý như đất liền.
Phía Phi Luật Tân, theo bộ Luật SB 2699 về qui chế các đảo TS, theo đó các đảo ở đây được hưởng qui chế «islands », tức các« đảo » theo đúng tiêu chuẩn của « đảo », theo hình đính kèm, không phải là « đá, rock », theo khoản 3 của điều 121, như VN lựa chọn.
Lập trường của VN đã làm hài lòng tất cả các nước tranh chấp, kể cả Trung Quốc. Nhưng các nước này có chia sẻ lập trường của VN hay không thì là việc khác. Trước mắt Phi đã tuyên bố khác với VN rằng các đảo này có hiệu lực theo qui chế « đảo ». Riêng Trung Quốc, họ luôn tuyên bố rằng các đảo này có hiệu lực (chủ quyền không thể tranh cãi của TQ tại HS và TS và các vùng biển chung quanh). Việt Nam có thể tự chọn qui chế cho các đảo thuộc chủ quyền của mình nhưng không thể áp đặt chủ trương này cho các nước khác. Qua vụ Bình Minh 2 và Viking 2 đã cho thấy TQ đòi hỏi chủ quyền của họ ngay trên thềm lục địa thuộc vùng ZEE của VN. Đòi hỏi này có thể dựa trên nhiều lý do, trong đó vấn đề chồng lấn thềm lục địa và vùng biển ZEE do hiệu lực các đảo HS và TS là điều phải nghĩ đến.
Vì thế, cốt lõi của vấn đề không phải là việc lựa chọn hiệu lực các đảo mà là việc giải quyết tranh chấp về chủ quyền các đảo. VN có thể có lựa chọn khoản 3 điều 121về qui chế các đảo đá nhưng việc này không hề đem lại lợi lộc gì cho VN, ngoài việc đánh mất quyền lợi chính đáng của mình. Trong khi vẫn bị TQ đe dọa, ngày càng tăng thêm cường độ bạo lực.
Sự hy sinh quyền lợi của VN qua việc lựa chọn hiệu lực các đảo đã không tạo được sự ủng hộ trong khối ASEAN. Các nước ASEAN vẫn không ủng hộ lập trường VN, kể cả các nước đã được VN thỏa mãn như Nam Dương, Mã Lai. Hiện nay các nước trong khối này đã bị TQ chi phối về kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2010, TQ nhập khẩu từ ASEAN 71,9 tỉ US$ và xuất khẩu vào đây 64,6 tỉ US$, thâm thủng mậu dịch 7,3 tỉ. Trong khi đối với VN, cũng là một nước thuộc ASEAN, nhưng VN thâm thủng kinh niên, luôn nhập siêu từ phía TQ. Các nước trong ASEAN đều hưởng lợi từ TQ, nhất là Mã Lai, ngoại trừ VN. Nếu có đụng độ với TQ tại các đảo TS thì VN sẽ phải đối phó một mình.
Tệ hơn, như trên đã viết, vấn đề hiệu lực các đảo theo điều 121 có thể phân xử bằng một trọng tài quốc tế. Bởi vì, nếu các bên tranh chấp có những cách diễn giải đối nghịch nhau về một điều ước trong bộ Luật biển 1982, thì cơ quan có thẩm quyền giải thích các điều ước của bộ luật này là một trọng tài quốc tế (theo điều 286). Mặt khác, việc giải thích ý nghĩa của các điều luật sẽ đưa đến việc phân định biển, vì đây là hệ quả trực tiếp của việc giải thích ý nghĩa (hay hiệu lực) của các điều ước. Mà việc phân định biển chỉ có thể xảy ra nếu chủ quyền các đảo được xác định [3]. Theo vụ án CIJ ngày 8 tháng 10 năm 2007 về vụ tranh chấp vùng biển giữa hai nước Nicaragua và Honduras, tòa án Quốc Tế có thẩm quyền, không chỉ phân xử tranh chấp về phân định vùng biển, mà còn có thẩm quyền phân xử về chủ quyền các đảo có tranh chấp.
Việt Nam có thể đưa ra Tòa án quốc tế về Biển để khiếu nại do việc hai bên Việt-Trung có ý kiến đối nghịch nhau về cách diễn giải ở điều 121qui chế các đảo. VN cũng có thể đưa ra CIJ để giải thích về hiệu lực các điều ước theo bộ Luận biển 1982 đồng thời giải quyết tranh chấp vùng biển đến từ sự chồng lấn vùng biển và thềm lục địa do hiệu lực các đảo và bờ biển trên đất liền. Để phân xử, CIJ bắt buộc phải giải quyết trước tiên là vấn đề tranh chấp chủ quyền (tương tự vụ Nicaragua-Honduras tại CIJ ngày 8 tháng 10 năm 2007). Mặt khác, theo thông lệ quốc tế, một tòa án đặc biệt có thể được thành lập, nếu tình hình an ninh khu vực bị đe dọa, theo như ý kiến của ông Lý Quang Diệu gần đây, nhằm phân xử các vấn đề tranh chấp trong biển Đông. Tất cả các giải pháp này đều có lợi cho VN.
Sự lựa chọn của VN về hiệu lực các đảo như thế là một thất bại về chiến lược (cho đất nước và dân tộc VN), nhưng có thể là một lối thoát cho đảng CSVN để tránh việc đối diện với các hứa hẹn (nếu có) của các lãnh đạo của đảng này đối với TQ. Nhưng thực tế cho thấy, không thể « thất hứa » với TQ một cách đơn giản như vậy được.
3/ Nguyên nhân của sự lựa chọn sai lầm chiến lược.
Sự lựa chọn của VN về hiệu lực các đảo ắt phải có lý do. Nói một cách nôm na, không ai tự chặt tay, chặt chân của mình như thế ! Lý do đó là gì ?
Người ta có thể cho rằng là do các thỏa thuận đã được ký kết giữa các cấp lãnh đạo hai đảng cộng sản VN và TQ.
Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chắc chắn là một lý do quan trọng. Hiệu lực của công hàm này có thể làm cho VN mất trọn HS và TS cũng như 80% biển Đông, nếu việc này đưa ra một trọng tài quốc tế (sẽ nói ở dưới).
Sự lựa chọn của VN như thế nhằm hóa giải hiệu lực của công hàm này. Thực tế cho thấy việc này đã thất bại. Phía TQ (hoạc Phi Luật Tân) có quyền có ý kiến khác VN về hiệu lực các đảo. Các động thái của TQ từ những năm gần đây như cấm biển, bắt bớ ngư dân VN, cho tàu hải giám đi tuần hành khắp hầu như vùng biển Đông, cho hải quân tập trận v.v… cho thấy sự lựa chọn của họ về hiệu lực các đảo HS và TS. Sự lựa chọn của VN không hề có ảnh hưởng đến quyết định của TQ.
Lý do thứ hai, trong các tuyên bố của TQ gần đây, đáng chú ý là nội dung câu : « Chúng tôi phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, vì tổn hại đến lợi ích và quyền lợi pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông, và vi phạm thỏa thuận chung mà hai nước đã đạt được trên vấn đềnày. »
Điều mới ở đây, nếu tuyên bố của TQ là đúng, lãnh đạo hai nước VN và TQ đã có những thỏa thuận về biển Đông trong quá khứ.
Thỏa thuận ở đây là thỏa thuận nào ? nội dung ra sao ?
Dĩ nhiên phía VN phản đối, cho rằng không có cam kết hay thỏa thuận nào. Việc này có thể trấn an được một số người ở VN, nhưng không thuyết phục được dư luận quốc tế. Bởi vì ai cũng biết, trong một đất nước độc tài, toàn trị như VN và TQ hiện nay, chưa bao giờ các nhà nước này nói« sự thật ». Các thỏa thuận, nếu có, là thỏa thuận được ký kết giữa chóp bu của hai đảng cộng sản, là các « mật ước », do đó không công bố. Nhưng không vì vậy mà nó không có hiệu lực. Tuyên bố chung giữa hai đảng CS VN và TQ, luôn nhấn mạnh ở việc phải « cam kết tuân thủ những thỏa thuậnđạt được trước đó của lãnh đạo ». Vấn đề là có hay không các cam kết về việc phân chia biển Đông giữa chóp bu hai đảng CS ?
Người ta chỉ biết phong phanh đến việc này chỉ khi nào có« chuyện ». Sự việc hé mở của phía TQ qua các lời tuyên bố vừa qua, hay qua các việc đấm đá nhau trong nội bộ đảng CS do tranh giành quyền lực trong quá khứ, đôi khi cho thấy vài góc cạnh của sự việc.
Nhớ lại thời kỳ « đấm đá » tranh giành quyền lưc trong nội bộ đảng CSVN giữa bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt với Lê Khả Phiêu. « Nó lật tôi thì tôi lật nó », nói theo kiểu Đỗ Mười trong việc lật đổ Lê Khả Phiêu, là cách đối xử giữa họ với nhau trong việc tranh giành quyền lực. Một bài viết được tung ra từ thời đó, nhằm bênh vực Lê Khả Phiêu, với các chi tiết có thể làm mọi người lạnh mình. Theo nội dung bài viết, ông Lê Đức Anh có tố cáo ông Lê Khả Phiêu về tội « bán đất nhượng biển » cho TQ.
Khi cạn tàu ráo mán thì họ tố nhau, bất kể chuyện bí mật quốc gia, bất kể quyền lợi của đất nước. Nhưng nhờ vậy người dân mới biết những chuyện động trời là đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhượng đất và biển cho Trung Quốc.
Bài viết vào ngày 21-7-2002[4] ,được « Câu Lạc Bộ Dân Chủ » công bố ngày 25 tháng 11 năm 2003 dưới tựa đề « Tài Liệu Mật Của Ðảng CSVN ». Nguyễn Chí Trung nguyên là thư ký riêng của Lê Khả Phiêu (ông này nguyên là Tổng Bí Thư đảng CSVN từ tháng 12 năm 1997 đến đầu năm 2001). Bài bút ký mang tựa đề «Thực chất từ đại hội đảng IX trở về trước »,nhưng mục đích có lẽ nhằm biện hộ những việc làm của Lê Khả Phiêu trong thời gian ông này tại chức, tức trước đại hội IX. Nguyễn Chí Trung cho rằng ông Phiêu là nạn nhân của các âm mưu đánh phá do 3 vị cố vấn là các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt dàn dựng lên. Theo bút ký, « nhân dịp đại hội đảng toàn quân, từ ngày 3-1 đến 11-1-2001 », ông Lê Ðức Anh tố ông Lê Khả Phiêu 10 tội, trong đó có tội : Bán đất, bán biển cho Trung Quốc.
Về biển, theo nội dung bài viết, hai bên thoả thuận xác định 3 vùng biển, (có thể) là : 1/ vùng biển trong Vịnh Bắc Việt, 2/ vùng biển thuộc Hoàng Sa và 3/ vùng biển thuộc Trường Sa.
Về khu vực Tư Chính, tài liệu viết : « LĐ Anh lại quay sang phê bình Phiêu tại sao tranh chấp với TQ vùng biển đông lại không đưa ASEAN vào? Phiêu giải thích: "Khu Tư Chính tây Trường Sa là thuộc chủ quyền của ta, chỉ tranh chấp với TQ không dính gì đến ASEAN. Nếu thực hiện đa phương đưa ASEAN vào thì ta không còn chủ quyền 2 khu vực ấy. Nên vấn đề này chỉ có song phương, không đa phương, mà trong nguyên tắc đa phương có song phương…»
Điều trước hết ta thấy VN đã chấp nhận với TQ là có 3 vùng biển tranh chấp. Ba vùng biển này phải là vùng biển trong Vịnh Bắc Việt, vùng biển thuộc Hoàng Sa và vùng biển thuộc Trường Sa. Vùng biển trong vịnh Bắc Việtđã giải quyết, chỉ còn hai vùng thuộc HS và TS.
Việc này cho thấy phía VN đã công nhận sự hợp pháp của TQ ở vùng biển Trường Sa mà đáng lẽ nước này không có mặt. Một học giả VN, cũng đã xác định sự hợp pháp của TQ tại vùng biển TS qua một bài viết bằng tiếng Anh gần đây. Dựa vào chi tiết này mọi người có thể hiểu vì sao chiếc tàu Viking 2 bị quấy rối. Vì vùng biển mà chiếc tàu này thăm dò, theo các tài liệu đã công bố, thì thuộc vùng Tư Chính, mà từ thời ông Lê Đức Anh cho đến Lê Khả Phiêu, cho đến các học giả VN hiện nay, đều công nhận tính hợp pháp của TQ tại khu vực. Nếu công nhận thì phải thuơng thuyết phân chia. Vấn đề là phải chia cho TQ thế nào ? và vì sao phải chia ?
Lời tố cáo của TQ về việc lãnh đạo hai nước VN và TQ đã có những thỏa thuận về biển Đông trong quá khứ, trong chừng mực, là có thật.
Như thế, sự lựa chọn về hiệu lực các đảo của VN là một sai lầm trầm trọng.
Bởi vì, nếu ra CIJ (hay tòa án theo Luật Biển 1982) để giải thích điều 121 về hiệu lực các đảo, giả sử các đảo HS và TS không được xem là đảo mà là đá, như khoản 3 của điều 121, thì lúc đó TQ sẽ không còn đòi « Nam Sa và Tây Sa và vùng nước chung quanh ». Họ sẽ hành động như hiện nay qua biến cố Bình Minh 2 hay Viking 2, là đòi chia vùng biển của VN,đúng theo thỏa thuận của lãnh đạo hai nước.
Cách nào thì lãnh đạo CSVN cũng đóng vai trò Trọng Thủy, nhượng đất, nhượng biển cho TQ.
Việt Nam vì thế đối diện với hai vấn đề phải giải quyết :
1/ giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo chứ không phải là việc lựa chọn phương cách làm giảm hiệu lực các đảo.
2/ vô hiệu hóa các mật ước liên quan tranh chấp 2 vùng biển đã ký kết giữa chóp bu hai nước.
Vấn đề là làm cách nào ?
VN không thể tiếp tục theo đuổi chính sách sai lầm hiện nay. Đó là con đường sa lầy. Người viết bài này từ lâu đã cảnh báo những nguy hiểm có thể đưa đến từ việc « tầm gởi » trên các ý kiến của người khác. Một chính sách quốc gia không thể dựa trên sản phẩm trí tuệ của một người nước ngoài, ở đây là của quí ông Mark J. Valencia, John M. Vandyke và Noel A. Ludwig trong cuốn Sharing the resouces of the South China Sea. Người nước ngoài họ chỉ làm việc vì quyền lợi cho nước họ. Ở đây là Hoa Kỳ.
VN tưởng rằng, khi VN và Hoa Kỳ có quyền lợi tương đồng thì HK sẽ bảo vệ VN. Đây là một sai lầm trọng đại khác. Quyền lợi của HK ở đây là quyền tự do lưu thông trên biển Đông và sự ổn định trong khu vực. Nếu quyền lợi của HK cũng được TQ thỏa mãn, HK sẽ bênh vực VN hay không, nếu TQ dùng vũ lực« giải phóng » các đảo TS hiện do VN chiếm đóng ? Không có gì chắc chắn vì quan hệ giữa HK và VN không có gì ràng buộc.
HK có ký hiệp ước TAC (hiệp ước hữu nghị) với ASEAN, do đó phải tuân thủ các điều qui định của TAC , trong đó phải tôn trọng công việc nội bộ của các nước thành viên. Việc HK không lên tiếng chỉ trích Miến Điện hay VN, thậm chí Bắc Hàn (vì nước này cũng ký hiệp ước TAC với ASEAN), về các vấn đề vi phạm nhân quyền hay các việc bắt bớ, đàn áp các nhà tranh đấu bất đồng chánh kiến, bởi vì HK đã bị điều ước này ràng buộc. Việc này gây hiểu lầm nơi chính giới cũng như trong dư luận VN. Những người này cho rằng bang giao giữa VN và HK đã « thắm thiết » đến mức HK không còn chỉ trích VN ở bất kỳ một vấn đề gì. Nhưng đây là một sai lầm lớn. HK trở lại Đông Nam Á, qua việc ký hiệp ước TAC với ASEAN, vì họ lo ngại khu vực này sẽ ngả về phía TQ. Trao đổi kinh tế giữa TQ với các nước Đông Á và ASEAN đã qua mặt HK từ lâu.
TQ hiện nay, với tiềm năng quốc phòng và kinh tế mạnh mẽ, có thế chiếm các đảo TS của VN mà không gây rắc rối cho HK hay các nước khác.
Thử tưởng tưởng một kịch bản : TQ dàn quân trên biên giới (kể cả biên giới Lào và Miên), đổ quân chiếm Đà Nẵng, cắt VN ra làm 2 đồng thời phong tỏa vịnh Bắc Việt. Chỉ trong 1 tuần lễ VN sẽ bó tay đầu hàng vô điều kiện. VN sẽ mất toàn bộ các đảo TS. Vùng biển của VN sẽ phân định theo bản đồ chữ U. Trong khi đó việc này có thể không đe dọa an ninh của HK cũng như các nước trong vùng. Nếu HK can thiệp, cái giá sẽ phải trả rất lớn trong khi không được lợi ích gì.
Đây chỉ là một « kịch bản », đặt ra để VN phải giải quyết như thế nào ? Nhiều người nói VN có « chính nghĩa »,như cuộc chiến 54-75, « bạn bè » sẽ bênh vực. Thực tế chứng minh ngược lại. VN hiện nay « bạn bè » với ai ? Nước nào lên tiếng bênh vực VN trước hành vi của TQ ? Không có nước nào cả. Và chính nghĩa đó là gì ? Chủ quyền của VN tại HS và TS đã bị công hàm của ông Phạm Văn Đồng phế bỏ. Các vùng biển của VN cũng bị « lãnh đạo » hứa hẹn chia sẻ với TQ. Theo dư luận quốc tế hiện nay không chừng « chính nghĩa » đang ở bên Trung Quốc !
Mặt khác, nếu VN và HK chưa ký kết các hiệp ước hỗ tương về an ninh quốc phòng thì việc trông chờ HK « bênh vực » sẽ là một ảo tưởng.
Vấn đề đặt ra như thế, mọi người VN phải bình tĩnh tìm phương hướng đối phó. Đây phải là lúc dành cho các học giả « làm khó nhà nước [5] »lên tiếng.
Tóm lại, có ba việc phải làm. Hai việc đã viết ở trên là :
1/ giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo chứ không phải là việc lựa chọn phương cách làm giảm hiệu lực các đảo.
2/ vô hiệu hóa các mật ước liên quan tranh chấp 2 vùng biển đã ký kết giữa chóp bu hai nước. Và điểm
3/ Phải cấp bách ký kết hiệp ước hỗ tương về quốc phòng với Hoa Kỳ cũng như các nước lớn như Ấn Độ, Nga v.v…
4/ Điều chỉnh lại chiến lược.
Điều chỉnh lại chiến lược là định lại hướng đi cho đúng, hay lập kế hoạch hành động thế nào cho có lợi. Trong tình hình hiện nay việc giành lại thế « chính nghĩa » cho VN là cấp bách hơn cả. Danh có chính thì ngôn mới thuận. Chính ở đây là chính nghĩa.
Nhà nước VN luôn tuyên truyền rằng họ sẽ giải quyết tranh chấp biển Đông bằng bộ luật biển 1982. Nhưng thấy gì? Người ta thấy là chưa bao giờ đảng CSVN nói một điều gì mà đúng với sự thật. Ngay trên trang web của đảng CSVN, việc diễn giải bộ luật biển 1982 đã hoàn toàn chủ quan và thiếu sót. Nội dung bộ luật này cũng có đăng trên một cơ quan truyền thông quốc tế lớn tại HK. Không hẹn mà gặp, cả hai bài viết đều không nhắc một lời đến điều 121, là điều nói về hiệu lực của các đảo. Việc thiếu sót này có tác động mạnh trong dư luận quần chúng. Nhưng việc này nguy hiểm vì tác động này có thể trở ngược, làm mất uy tín của chính những người tuyên truyền.
Tại sao VN không nhắc đến điều 121 của Luật biển 1982 ?
Vì sợ quần chúng phẫn nộ vì làm mất quyền lợi của đất nước hay vì muốn hóa giải hiệu lực các cam kết về chủ quyền các đảo HS và TS mà VN đã cam kết với TQ ?
Dầu thế nào thì chính sách của VN hiện nay đã sai lầm. Vấn đề hôm nay sửa chữa lại những sai lầm đó. Trưóc hết là hóa giải những yếu tố làm hại đến chủ quyền của VN tại các quần đảo HS và TS. Có hai điều cần hóa giải : công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng và « các thỏa thuận của lãnh đạo » giữa hai bên về hai vùng biển thuộc HS và TS.
Làm thế nào để hóa giải hai điều này ?
Từ lâu, người viết bài này đã đưa các phương pháp hóa giải. Hôm nay nhắc lại, dĩ nhiên với một hoàn cảnh mới.
4.1 Về hiệu lực của Công hàm 10 tháng 9 năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng.
Công bố của TQ về lãnh hải ngày 4 tháng 9 năm 1958 gồm 4 điều, nội dung phần quan trọng tóm lược như sau :
Điều 1 : Lãnh hải của TQ rộng 12 hải lý. Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ TQ, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)…
Điều 3 : Tất cả phi cơ, thuyền bè không được phép của TQ thì không được xâm phạm vào không và hải phận của nước TQ.
Điều 4 : Nguyên tắc qui định ở điều 3 (và 2) được áp dụng cho cả HS và TS.
Ngày 10 tháng 9 năm 1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi công hàm ủng hộ tuyên bố của TQ nguyên văn như sau:
« Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. »
Về ý nghĩa của công hàm này, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam[6] hiện nay cho rằng Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ có ý nghĩa ở việc công nhận hải phận 12 hải lý chứ không liên quan đến vấn đề chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, ý nghĩa thật sự của công hàm này đã được chính tác giả của nó là ông Phạm Văn Đồng, cũng như sau đó là bộ Ngoại Giao Việt Nam, giải thích rõ rệt.
Năm 1977, cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhân tiếp xúc báo chí, có giải thích về ý nghĩa công hàm, đại ý như sau: « Vì là thời chiến nên phải nói như vậy thôi ».
« Nói như vậy » ở đây có nghĩa là Nhà nước Việt Nam « ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc ». (Trong đó hàm ý ghi nhận và tán thành hải phận của TQ ở Nam Sa và Tây Sa, tức hai quần đảo HS và TS của VN).
Sau đó ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Bộ Trưởng bộ Ngoại Giao, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2 tháng 12 năm 1992 nói như sau :
« Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do theo hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.
Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị.
Trong tinh thần đấy thì do tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hòang Sa và Trường Sa) là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.
Đặc biệt, việc này còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn ngừa đế quốc Mỹ không sử dụng các quần đảo đó để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cả ».
Thông tấn xã Việt Nam đăng nội dung họp báo này vào ngày 3 tháng 12 năm 1992.
Ông Cầm cho rằng :
vì HS và TS lúc đó thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH),
Vì cần tập trung lực lượng chống Mỹ,
Vì TQ là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị,
Vì tình thế cấp bách
và vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc
Cho nên quan điểm của lãnh đạo ta là cần thiết.
Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Theo người đứng tên ký công hàm hay, hay theo bộ Ngoại giao VN, vấn đề không phải chỉ đơn giản công nhận tuyên bố về lãnh hải 12 hải lý của TQ, mà còn « tạm » công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.
Vấn đề đặt ra gồm hai việc :
1/ người ta có thể « ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc » nhưng không ghi nhận và không tán thành hải phận của TQ ở Nam Sa và Tây Sa, tức hai quần đảo HS và TS của VN hay không ?
2/ người ta có thể « tạm công nhận » chủ quyền của TQ tại HS và TS trong một thời kỳ và sau đó« không công nhận » vào thời kỳ khác hay không ?
Nguyên tắc về sự kế thừa và tính liên tục quốc gia không cho phép việc diễn giải một văn bản ở tầm mức quốc gia theo tình cảm như thế.
Thật vậy, sự kế thừa một quốc gia là việc thay thế quốc gia đó trong trách nhiệm những quan hệ quốc tế về lãnh thổ.
Sự kế thừa của quốc gia bao gồm những trường hợp :
a) giải thể (dissolution),
b) chuyển nhượng (cession), tức chuyển giao vùng lãnh thổcủa quốc gia này cho một quốc gia khác (trường hợp này có sự liên tục của hai quốc gia, quốc gia chuyển nhượng và quốc gia kế thừa),
c) ly khai, tức một lãnh thổ tách rời tự thành lập một quốc gia khác (trường hợp này tính liên tục quốc gia tiền nhiệm với sự thành lập một quốc gia mới),
d) những trường hợp thống nhất của hai hay nhiều quốc gia (tính liên tục của một quốc gia với sự kết hợp của quốc gia này vào một quốc gia kia hay tính gián đoạn của hai hay nhiều quốc gia với sự thành lập một quốc gia mới).
Trường hợp nước Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hôm nay là trường hợp (d) : thống nhất hai miền (hai quốc gia) Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Nhà nước lãnh đạo Việt Nam hôm nay cũng là nhà nước lãnh đạo VNDCCH trước kia, vì đều do đảng CSVN lãnh đạo. Tính liên tục của quốc gia vì vậy được xác định. Nhà nước CHXHCNVN kế thừa nhà nước VNDCCH. Như thế nhà nước CHXHCNVN kế thừa tất cả những gì mà quốc gia VNDCCH ký kết hay tuyên bố trên bình diện quan hệ quốc tế. Điều này hàm ý rằng, nước VNDCCH chấp nhận nội dung công hàm đó như thế nào thì nước CHXHCNVN phải chấp nhận công hàm này với nội dung không thay đổi.
Vì thế không thể có việc « tạm công nhận lúc này »và « không công nhận lúc khác » như nhận thức của ông Nguyễn Mạnh Cầm hoặc suy diễn theo lối công nhận từng phần như ông Đồng được.
Có học giả[7] cho rằng công hàm của ông Đồng chỉ là một « tuyên bố về ý định », không phải là một kết ước, vì thế VN có thể không tôn trọng.
« Tuyên bố về ý định » ở đây là ý định gì ? Tuyên bố của TQ về lãnh hải của quốc gia, cũng như những tuyên bố về lãnh hải khác của các quốc gia khác cùng thời kỳ (từ 1956 đến 1958), là một tuyên bố có tính pháp lý, phù hợp với công pháp quốc tế (chiếu theo điều 10 của Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958).
« Tuyên bố ý định » của Việt Nam ở đây là thừa, vì có hay không có công hàm, VN, cũng như các nước trên thế giới, đều phải tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Đơn giản vì nó phù hợp với luật quốc tế.
VN gởi công hàm đó nhằm mục đích gì ?
Có người hiện nay có ý kiến là cần phải đưa công hàm này ra quốc hội để phủ nhận giá trị của nó.
Nhưng phủ nhận cái gì ? Nội dung công hàm của ông Đồng chỉ nói về việc VN ghi nhận và tán thành tuyên bố 12 hải lý của TQ về lãnh hải. Không lẽ phủ nhận tuyên bố về lãnh hải của TQ ?
Lý ra, nếu có ý thức HS và TS thuộc chủ quyền của VN, các lãnh đạo của VN lúc đó phải ra công hàm phản đối, hay phải bảo lưu ý kiến về HS và TS. Các lãnh đạo CSVN không hề làm các điều đó.
Tệ hơn :
Năm 1956, ông Ung Văn Khiêm, nhân tiếp phái đoàn ngoại giao TQ, Thứ Trưởng bộ Ngoại Giao có tuyên bố với Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nói rằng : chiếu theo tài liệu VN thì HS và TS thuộc về TQ.
Ông Lê Lộc, Chủ Tịch Châu Á Sự Vụ, nhân có mặt cũng nói vào : Theo sử liệu VN thì HS và TS thuộc TQ từ thời nhà Tống. Sự việc này tạp chí Beijing Review ngày 18 tháng Hai năm 1980 đã có đăng lại trong bài « Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa ».
Các bằng chứng ghi trên chỉ khẳng định ý kiến của lãnh đạo CSVN về chủ quyền của TQ tại HS và TS.
Công hàm của ông Phạm Văn Đồng là văn bản có tầm quan trọng ở mức quốc gia. Quốc gia có tên gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa công nhận quyết định về hải phận của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại bờ biển cũng như tại các đảo của nước này, đồng thời gián tiếp công nhận chủ quyền các quần đảo Tây Sa và Nam Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc về Trung Quốc. Tuyên bốcủa Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế đã ghi nhận. Ý kiến của Việt Nam về tuyên bố này cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Nhà nước Việt Nam hôm nay không có tư cách nào để phủ nhận ý kiến về lãnh hải của TQ tại HS và TS theo tuyên bố 4 tháng 9 năm 1958. Mà không phủ nhận được ý kiến này thì mặc nhiên công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.
Bà Monique Chemillier-Gendreau, tác giả cuốn « La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys » có cho rằng công hàm của ông Đồng không có giá trị pháp lý vì lý do « người ta không thể cho cái mà người ta không có ». Ý kiến này dựa trên tinh thần hiệp định Genève, ông Nguyễn Mạnh Cầm có nhắc lại. Hai quần đảo HS và TS trong giai đoạn 1954-1975 thuộc quyền quản lý của VNCH. VNDCCN không có thẩm quyền gì ở HS và TS nên tuyên bốcủa ông Đồng không có giá trị (về chủ quyền HS và TS).
Nhưng chủ quyền của VNDCCH có được xác lập tại nơi đây hay chưa ? Không có gì chắc chắn hết. Bởi vì nội dung công hàm của ông Đồng có hai ý nghĩa : 1/ công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS và 2/ phủ nhận chủ quyền của VN tại HS và TS.
Trong khi nhà nước CHXHCNVN chưa hề có một thủ tục nào để « kế thừa » nhà nước VNCH. Chỉ khi nào nước CHXHCNVN hội đủ các thủ tục pháp lý về kế thừa thì mới có thể tuyên bố chủ quyền tại HS và TS.
Quốc gia có tên gọi Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia bị giải thể và « gián đoạn », không có người thừa kế. Cuộc chiến Nam-Bắc được phía chiến thắng gọi là « cuộc chiến thần thánh, đánh cho Mỹ cút ngụy nhào ».
Sau 1975, chính phủ lâm thời CHMNVN chưa bao giờ tuyên bố HS và TS thuộc về TQ.
Như thế, sau khi hiệp thuơng thống nhất đất nước 1976, CHXHCNVN có thể lựa chọn lập trường của VNCH và CPLTCHMNVN để khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS.
Nhưng hiện nay người ta đều biết MTGPMN chỉ là con bài do đảng CSVN lập ra. Và cách hành sử của đảng CSVN cho thấy chế độ VNDCCH phủ nhận chế độ VNVH, xem thực thể chính trị này là « ngụy », tức là cái giả, cái không có.
Sau ngày 30-4-1975 không hề có một buổi lễ bàn giao chính quyền giữa VNCH và VNDCCH hay với MTGPMN. Thực thể chính trị VNCH bị mất đi và di sản của nó bị tước đoạt, nếu không nói là bị đánh cướp (dùng chữ của CSVN : cướp chính quyền). Quân nhân, công chức… phục vụ cho chính quyền này bị gọi là« giặc », « giặc ngụy » ; dân chúng cũng bị nghi ngờ, xếp vào thành phần « phản động », « ngụy dân ».
Không có bàn giao quyền lực thì làm sao có kế thừa ?
Gọi VNCH là « ngụy », tức là giả, không phải là một thực thể chính trị, thì không thể có việc kế thừa. Người ta không thể kế thừa ở một cái gì đó không có thật (ngụy).
Như thế lý thuyết « kế thừa » của bà Monique Chemillier-Gendreau đề nghị thì không thể áp dụng cho VN trong tình huống như thế.
Bà M. Chemillier-Gendreau dựa lên thuyết « liên tục quốc gia» cho rằng VNDCCH có thể kế thừa VNCH để có quyền chủ quyền tại HS và TS. Nhưng như đã viết, VNCH là một quốc gia giải thể, không có kế thừa. Vì thế không có sự liên tục quốc gia.
Một điểm quan trọng khác, nước VNDCCH sau khi thành lập, không kế thừa di sản của thực dân Pháp vì các chứng cứ như sau :
Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 của ông Hồ Chí Minh :« Chúng tôi, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam… ».
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của ông Lê Duẩn : « Cách mạng tháng Tám nǎm 1945 là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân oanh liệt của mấy chục triệu nhân dân nước ta. Nó đã xoá bỏ chính quyền Nhà nước của thực dân và phong kiến, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là Nhà nước độc lập, dân chủ thật sự của nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của nước ta. »
Ta thấy nhà nước VNDCCH đã « xóa bỏ » xoá bỏ chính quyền Nhà nước của thực dân và phong kiến. Như thế nhà nước VNDCCH « đoạn tuyệt » với nhà nước phong kiến thực dân.
Trong khi đó thì Việt Nam Cộng Hòa, tiếp nối nhà nước thực dân Pháp, vốn là đại diện triều đình nhà Nguyễn, quản lý liên tục và khai thác HS và TS. Như thế chủ quyền của VN tại HS và TS liên tục từ nhiều thế kỷ, từ chúa Nguyễn, Tây Sơn, nhà Nguyễn, thực dân Pháp cho đến thời VNCH.
Tuy nhiên, việc này không phải là không có phương cách cứu vãn. Vì đến hôm nay, sau hơn 33 năm, việc kế thừa vẫn chưa muộn, nếu lãnh đạo CSVN muốn làm việc này.
Thủ tục kế thừa : thông qua chính sách hòa giải dân tộc.
Nhà nước CSVN bỏ tên nước, đặt lại tên nước, thí dụ : Cộng Hòa Việt Nam, thay đổi quốc kỳ, quốc ca, hiến pháp… thay đổi tất cả những gì dính líu đến VNDCCH và CHXHCNVN để lập một nền cộng hòa mới, tổ chức bầu cử tự do, lập chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân ; đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm của VNDCCH.
Nhà nước mới, trên nền tảng dân chủ, thảo luận về một bộ luật « hòa giải dân tộc », trong đó qui định phương cách phục hồi danh dự cũng như việc đền bồi xứng đáng cho các thành phần quân nhân công chức VNCH nạn nhân của chính sách học tập cải tạo. Lập ra điều luật cấm sử dụng tiếng « ngụy » đối với những người thuộc chế độ cũ. Đền bồi cho các nạn nhân do cải tạo công thuơng nghiệp, đánh tư sản mại bản, kinh tế mới ; làm luật phục hồi danh dự (cho người quá vãng) và đền bồi tương xứng cho nạn nhân của cộng sản như vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, vụ án « xét lại chống đảng » v.v… Nếu những người này đã mất thì đền bồi cho con cháu của họ. Cho tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, không phân biệt nam bắc, dân tộc kinh, thuợng, không phân biệt cuộc chiến 1975, 1979 hay cuộc chiến với Kampuchia v.v…
Đứng trên quan điểm đó, một nước VN mới, dân chủ, hoàn toàn đủ tư cách và tính chính thống, long trọng tuyên bố trước cộng đồng thế giới kế thừa di sản VNCH. Trên căn bản như thế VN đương nhiên có chủ quyền tại HS và TS, như VNCH, từ đó làm căn bản giải quyết các tranh chấp chủ quyền HS và TS bằng một trọng tài quốc tế, sau đó phân định hải phận biển Đông với các nước khác.
Trên tinh thần đó, với sự hưởng ứng của toàn khối dân tộc, VN sẽ đứng ở thế mạnh, hay ở thế không ai có thể bắt nạt, toàn dân một lòng chắc chắn đủ khả năng để tự bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên để lại.
(Còn nữa)
Trương Nhân Tuấn
[1] Ðiều thứ 121 của Công-Ước Montego Bay 10 tháng 12 năm 1982 định nghĩa về đảo :
1. Une île est une étendue naturelle de terre entourée d'eau qui reste découverte à marée haute. (Ðảo là một dải đất tự nhiên, có nước bao bọc chung quanh và không bị nước phủ lúc thủy triều lên)
2. Sous réserve du paragraphe 3, la mer territoriale, la zone contiguë, la zone économique exclusive et le plateau continental d'une île sont délimités conformément aux dispositions de la Convention applicables aux autres territoires terrestres. (Một đảo có lãnh địa hải phận, vùng tiếp cận, vùng kinh tế độc quyền và thêm lục địa riêng, ngoại trừ điều kiện ghi dưới phần 3)
3 Les rochers qui ne se prêtent pas à l'habitation humaine ou à une vie économique propre, n'ont pas de zone économique exclusive ni de plateau continental. (Những bãi đá (cồn đá) mà người ta không thể sinh sống, hoặc tạo một nền kinh tế tự tại thì không có vùng kinh tế độc quyền cũng như không có thềm lục địa).
[2] Sự cố Viking2 và mưu đồ của Bắc Kinh, Tác giả: Việt Long (ĐHQG Hà Nội), http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-10-su-co-viking2-va-muu-do-cua-bac-kinh
[3] Xem vụ CIJ 8 tháng 10 năm 2007, tranh chấp giữa Nicaragua và Hunduras.
[4] Theo nội dung bài viết này, tác giả có viết bài « Vấn đề núi Khấu Mai » ở đây : http://vn.360plus.yahoo.com/truongnhantuan/article?mid=308
[5] Cụm từ trong ngoặc kép là của GS Nguyễn Quang Ngọc. Ông này than thở trong buổi hội thảo về biển Đông 2008 rằng « lãnhđạo » phê bình các học giả VN « làm khó nhà nước ». Từ đó đến nay ta không thấy học giả nào thuộc nhóm « làm khó nhà nước » được phép lên tiếng trên báo chí. Hướng dẫn dư luận chỉ còn học giả « cừu » (chữ của GS NB Châu), tức học giả « nghiên cứu »theo lề ; học giả « vẹt », tức « học giả » chuyên lặp lại các kết quả nghiên cứu của người khác ; hay các học giả « Lê Văn Tám », tức các học giả được nhà nước dàn dựng để tát nước theo mưa, nhằmđộc chiếm các diễn đàn ngôn luận. Các cơ quan truyền thông VN ở quốc tế vô tình (hay hữu ý ?) cũng trở thành một thứ « đài tiếng nói Hà Nội phát thanh từ Luân Đôn ». Trong vấn đề biển Đông, không còn nghe được một ý kiến phản biện chính sách của nhà nước. Những tiếng nói khác, có lập trường khác, trở thành nạn nhân của việc cả vú lấp miệng em hay việc chúng khẩu đồng từ. Đây cũng là một sự bất lương của « trí thức » VN. Nhưng cũng là một điều đáng tiếc. Những sai lầm về chính sách của nhà nước vì vậy ít ai biếtđến. Tình trạng hôm nay là phản ảnh cụ thể của việc lún sâu vào sai lầm, khó có thể cứu chữa. Người thiệt hại dĩ nhiên là đất nước và dân tộc VN.
[6] Ý kiến của ông Lưu Văn Lợi.
[7] Từ Đặng Minh Thu. Tham luận đọc tại Hội Thảo Hè “VấnĐề Tranh Chấp Biển Đông” tại New York City, ngày 15-16 tháng 8, 1998. Đăng trên Thời Đại Mới Số 11 - Tháng 7/2007.
.
.
.
No comments:
Post a Comment