Nguyễn Trung
Hà Nội
Hà Nội
15-6-11
1. Kịch bản leo thang mới
Trước hết, tôi xin mượn văn học để bàn chuyện chính trị, rất cảm tính, song đó lại là cảm nhận thật của tôi về Trung Quốc hiện đại.
Đã nhiều năm trôi qua, khi tôi gấp quyển tiểu thuyết “Tô-tem sói” lại, mà hôm nay cảm giác ghê sợ đến buốt lạnh về khát vọng sói mà Khương Nhung để lại trong đầu tôi vẫn còn rõ lắm. Ngay trong cuộc họp của Trung tâm Văn hóa Đông-Tây năm ấy ở Hà Nội giới thiệu cuốn tiểu thuyết này, tôi đã nói rõ cảm nghĩ của mình: Vượt lên trên tất cả những gì Khương Nhung gửi gắm vào các con chữ mình viết ra, dù vô tình hay hữu ý, gần như là một bản năng trong tiềm thức, Khương Nhung đã tự hé lộ ra cho người đọc một bản năng sói - như một văn hóa, một lẽ sống, một đặc tính rất Hán của quốc gia Trung Quốc… Và hình như cái tự bộc lộ ra từ bản năng, từ tiềm thức như thế bao giờ cũng là thật nhất, đúng với bản chất nhất! Sự hưởng thụ trong tôi những cái hay mà một quyển tiểu thuyết có thể đem lại không đọng lại được bao nhiêu, nhường chỗ cho câu hỏi: Đứng cạnh một Trung Hoa đang lên như vậy, nước ta xử sự thế nào?
Thú thật, cảm nghĩ và câu hỏi của tôi đặt ra như vậy trước hết cũng là một bản năng, cảm nhận của lý trí đến sau, nhưng nó chỉ làm cho câu chuyện nghiêm trọng hơn. Song làm sao có thể cảm nhận khác, nghĩ khác được, trong tình hình hàng ngày tôi phải đối mặt với tất cả những gì đã và đang diễn ra trong quan hệ Việt-Trung, ít nhất là từ 1972 đến nay.
Sự việc 3 tàu hải giám của Trung Quốc ngày 26-05-2011 vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, uy hiếp tàu Bình Minh 02, gây những hành động phá hoại, và cắt cáp thăm dò địa chấn của ta là những hành động khiêu khích trắng trợn. Trung Quốc liên tiếp tái diễn những hành động này tại những điểm khác nhau trên vùng biển của Việt Nam trong những ngày tiếp theo cho đến hết thượng tuần tháng 06-2011 - khi tôi ngồi viết bài này. Đồng thời Bộ Ngoại giao Trung Quốc qua người phát ngôn của mình khẳng định yêu sách ngang ngược về cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc ở Biển Đông, với những lời lẽ uy hiếp nước ta. Rõ ràng đây là một chiến dịch mới, tiếp theo vô số những chuỗi chiến dịch của cả quá trình cái “tô-tem sói” ngày nay hiện nguyên hình thành sói với tất cả các đặc tính của nó: Một bá quyền Trung Quốc đang lên đang tìm cách xác định lãnh địa và không gian sinh tồn của nó trên thế giới ngày nay – với tất cả đặc tính sói, được trang bị dưới cái lốt “trỗi dậy hòa bình kiểu Trung Quốc”.
Đối với nước ta, sự kiện tàu Bình Minh 02 và các hành động trong những ngày tiếp theo do Trung Quốc gây ra có ý nghĩa nghiêm trọng không kém những hành động của Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ vùng đảo Hòang Sa của ta năm 1974 và đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá Trường Sa năm 1988. Bởi vì tất cả những sự kiện này – dù quy mô và tính ác liệt có thể khác nhau, song đều có chung một bản chất là hành động xâm lược.
Những bài báo và phát biểu rất hiếu chiến ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông – bao gồm cả trên TV của Trung Quốc, những hành động vũ lực ngang ngược cấm đánh bắt cá ngày càng gia tăng, những hoạt động của tàu thuyền quân sự và dân sự Trung Quốc gây sức ép với các tàu nước ngoài hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông trên lĩnh vực dầu khí ngày càng trắng trợn, dàn khoan dầu “khủng” giá 1 tỷ USD đang xây dựng dự kiến sẽ được đưa tới Biển Đông, thông báo 19 lô khai thác dầu khí Trung Quốc sẽ tiến hành khai thác trên Biển Đông vô luận thuộc lãnh hải quốc gia nào.., tất cả những sự việc này cho thấy sự kiện Bình Minh 02 sẽ chỉ là vụ việc đầu tiên của một kịch bản leo thang mới, trong cái tổng chiến dịch “đường lưỡi bò 9 vạch”. Kịch bản leo thang mới này được xúc tiến trong những nỗ lực ráo riết xây dựng “hải quân nước xanh” để Trung Quốc tạo ra cho mình thế áp đảo trên Biển Đông.
Nội dung chủ yếu của kịch bản leo thang mới này là Trung Quốc tìm mọi cách gây ra những tranh chấp, từng bước cố định hóa những điểm tranh chấp ấy theo kiểu “việc đã rồi” (fait accompli) để chiếm lấy, đồng thời gây mọi sức ép – bao gồm cả hậu thuẫn của sức ép quân sự - để hoàn tất việc lấn chiếm. Thực chất đấy là thủ đoạn gây “tranh chấp” để lấn chiếm từng bước trên biển Đông dưới sự hậu thuẫn trực tiếp của sức mạnh quân sự, đồng thời trong khi vẫn để ngỏ và tranh thủ mọi cơ hội cho xâm lăng trực tiếp bằng quân sự khi cần.
Thủ đoạn thâm độc mới này một mặt nhằm đánh lừa dư luận thế giới “không có chuyện Trung Quốc xâm lược, mà chỉ có chuyện tranh chấp vì cách hiểu khác nhau về chủ quyền”, mặt khác giúp Trung Quốc trong khi liên tục đẩy tới việc lấn chiếm của mình trên Biển Đông mà vẫn có thể đồng thời tranh thủ thời gian chuẩn bị tốt hơn nữa cho những hoạt động xâm lăng vũ trang trực tiếp sau này khi cần. Cũng phải nêu lên rằng tự Trung Quốc cũng thấy còn phải tính toán rất nhiều và chuẩn bị thêm rất nhiều về mọi mặt cho xâm lăng vũ trang trực tiếp trên Biển Đông. Vì một cuộc xâm lược vũ trang trực tiếp nhằm mục đích lấn chiếm mới những vùng biển và đảo trên Biển Đông như thế dứt khoát sẽ không thể đơn thuần chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và các quốc gia bị xâm lược trong Biển Đông được nữa, nó sẽ là vấn đề của thế giới!
Nét nổi bật của kịch bản leo thang mới này là linh hoạt vận dụng tổng hợp mọi biện pháp quân sự - chính trị - kinh tế, tranh thủ mọi thời cơ để giành từng lợi thế tại chỗ, tiếp tục lấn tới từng bước. Kịch bản leo thang mới này vừa nhằm mục tiêu lấn chiếm trước mắt, vừa nhằm mục tiêu lâu dài là đẩy tới và từng bước hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 vạch”.
Như vậy, Trung Quốc không chỉ nói như trên các bài báo đầy khẩu khí bành trướng xâm lược của họ, mà là đang làm một cách nhất quán, từng bước, liên tục, rất cân nhắc và có bài bản, trong tổng thể vận dụng mọi sức mạnh cứng và mềm, kết hợp ở phạm vi toàn cầu cũng như trong từng khu vực, cho việc xúc tiến mục tiêu thực hiện đường lưỡi bò 9 vạch.
Nhìn vào định hướng chiến lược và những nỗ lực tập trung của Trung Quốc, càng thấy rõ: Đường lưỡi bò 9 vạch là bước khởi đầu mở đường vươn ra các đại dương, là ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chiến lược toàn cầu của Trung Quốc trên con đường ngoi lên thành siêu cường.
Nhìn vào những gì đã và đang xảy ra trong quan hệ Việt – Trung trên Biển Đông, có thể khẳng định: Đằng sau bất kể lờì nói hoa mỹ nào, dù là 16 chữ, là 4 tốt… về hữu nghị, hòa bình, hợp tác của lãnh đạo Trung Quốc, sự theo đuổi mục tiêu đường lưỡi bò 9 vạch của Trung Quốc là kiên định, quán triệt, ngày càng gia tăng mức độ nghiêm trọng.
Thực tiễn đã và đang diễn ra như nêu trên, cùng với tất cả những lý do địa kinh tế và địa chính trị khác, chứng tỏ trong quá trình theo đuổi mục tiêu đường lưỡi bò 9 vạch, Trung Quốc coi Việt Nam là chướng ngại vật, là đối tượng số 1 cần khuất phục. Kịch bản leo thang mới mở đầu qua sự kiện Bình Minh 02 tiếp tục khẳng định điều này.
Trong lịch sử hàng ngàn năm quan hệ Việt-Trung, nước ta chưa bao giờ được Trung Quốc ban cho thứ “quan hệ hữu nghị” nào, mà chỉ giành được quan hệ láng giềng tốt sau khi ta đã làm thất bại mọi nỗ lực thôn tính và xâm lược của họ. Thời kỳ vàng son của quan hệ Việt – Trung trong giai đoạn hai quốc gia cùng đứng trên chiến tuyến đấu tranh bảo vệ độc lập quốc gia và chống chủ nghĩa đế quốc cũng là do cả hai nước đều cần đến nhau. Hơn thế nữa, cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc của nước ta hồi ấy khách quan mang lại thuận lợi vô giá trong việc giữ chân từ xa các thế lực chống Trung Quốc, để Trung Quốc rảnh tay xây dựng đất nước của mình và giành lấy vị trí quốc tế mới của họ. Nhắc lại lịch sử để dứt khoát khẳng định không thể nào có thứ “quan hệ hữu nghị ăn xin” từ phía Trung Quốc dành cho nước ta, phẩm cách một quốc gia cũng không thể tự cho phép ta ngửa tay chờ mong một sự ban phát như thế. Tình hình ngày nay lại càng như thế trên chặng đường Trung Quốc đang ngoi lên thành siêu cường.
Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gìn giữ biển, đảo, vùng trời vùng biển của đất nước, gìn giữ hòa bình và an ninh cho đất nước, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo nhận thức Trung Quốc đặt nước ta vào vị trí là đối tượng số 1 cần khuất phục trong quá trình mở đường thực hiện chiến lược toàn cầu ngoi lên siêu cường. Điều này nói lên tính quyết liệt trong chính sách của Trung Quốc đối với nước ta. Muốn gìn giữ, xây dựng được quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc mà nhân dân ta đời đời hằng mong muốn, Việt Nam ta lại càng không một phút được phép mơ hồ về người láng giềng của mình, cần phải xuất phát từ nhận thức tỉnh táo này trong khuôn khổ bàn cờ thế giới ngày nay mà xác định chiến lược và hành động của mình. Nhất thiết phải xây dựng bằng được mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với Trung Quốc, song điều này chỉ có thế phấn đấu gian khổ để giành lấy, chứ không thể có được từ ban phát.
II. Sự trỗi dậy hòa bình kiểu Trung Quốc
Gần như là một quy luật, cho đến nay lịch sử thế giới chưa hề được chứng kiến một sự xuất hiện hòa bình của một siêu cường nào. Sự ra đời của các đế quốc đã nói lên điều này. Sự xuất hiện và diệt vong nhanh chóng của nước Đức và Nhật với tham vọng bá chủ thế giới trong lịch sự cận đại cũng xác nhận như vậy.
Tuy nhiên từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay, mặc dù những mâu thuẫn quyền lực muôn thuở giữa các cường quốc trên thế giới không mất đi hoặc thậm chí có những nét mới – (xin nhấn mạnh điều này), nhưng vì đòi hỏi tồn tại của chính mình, ngày nay tất cả các cường quốc trên thế giới – kể cả siêu cường Mỹ - và cùng với họ là hầu hết những quốc gia phát triển và nhiều nước đang phát triển khác, phải cùng nhau chia sẻ - với mức độ rất khác nhau tùy quốc gia – những giá trị chung là hòa bình, dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường, cùng phát triển.
Sự chia sẻ ngày càng sâu rộng những giá trị chung nêu trên trở thành nền tảng ngày càng vững chắc cho trật tự quốc tế ngày nay, đang chi phối ngày càng sâu sắc hơn mọi quan hệ giữa các quốc gia trên hành tinh này. Trên trường quốc tế ngày nay, vai trò và ảnh hưởng của mỗi quốc gia, dù lớn dù nhỏ khác nhau thế nào, trước hết phụ thuộc rất nhiều vào việc quốc gia ấy đứng ở đâu trong hành trình chung của nhân loại vì hòa bình, dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường và cùng phát triển.
Như vậy, Trung Quốc trên đường ngoi lên thành siêu cường không phải là sự tự trình diễn một mình trên cung trăng hoặc trong một thế giới hoang dã, mà là trong một thế giới đã thiết lập được cho mình một trật tự quốc tế của văn minh nhân loại ngày nay. Mâu thuẫn giữa một bên là sự phát triển “không thể không ồn ào” của một nước 1,3 tỷ dân trên đường trở thành siêu cường và một bên là trật tự quốc tế đã định hình của thế giới văn minh ngày nay là một thực tế khách quan. Tạo hóa đặt nước ta vào vị trí nước láng giềng nằm án ngữ con đường gần như độc đạo của Trung Quốc đi lên siêu cường qua Biển Đông, nước ta có nhiều vấn đề phải giải quyết trong quan hệ với siêu cường sinh sau đẻ muộn này, chính vì thế nước ta càng phải hiểu rõ không chút mơ hồ thực tế khách quan vừa trình bầy.
Với sự xuất hiện của một Trung Hoa trên đường trở thành siêu cường, thế giới ngày nay đang đứng trước những vấn đề nan giải mới, ở khu vực Đông Nam Á lại càng như thế - bất chấp một trật tự quốc tế đã định hình vững chắc, bất chấp sự cam kết được nhắc đi nhắc lại của Trung Quốc về “trỗi dậy hòa bình”.
Trong bài viết “Biển Đông – cái biển hay cái ao” tháng 10-2010, tôi đã nêu lên nhận xét khái quát: Kể từ khi tiến hành cải cách năm 1976, trong vòng gần 5 thập kỷ Trung Quốc đã đi được chặng đường mà về nhiều mặt các nước tư bản trước kia phải đi mất khoảng 2 thế kỷ. Sự kiện một nền kinh tế lớn mạnh rất khác thường như đang diễn ra ở Trung Quốc cho thấy rõ nét nhất: (a) Toàn cầu hóa và (b) tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày nay có thể tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và sâu rộng như thế nào trong tổng thể nền kinh tế thế giới và tác động sâu sắc vào các mối quan hệ giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế ngày nay. Có thể nói Trung Quốc – với lợi thế rất lớn về quy mô kinh tế của mình, là nước thành công bậc nhất trong việc nắm bắt đặc điểm nêu trên của xu thế phát triển kinh tế của thế giới, đã tiến hành những biện pháp quyết liệt, nhiều khi rất tàn bạo đối với trong nước và thực dụng một cách triệt để đối với thế giới bên ngoài, tất cả để giành lợi thế cho Trung Quốc, tất cả đã làm cho Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” - gần như với bất kỳ giá nào, với nhiều tác động đối với toàn thế giới. Đấy chính là những thành quả không ít máu và nước mắt của chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị trong thể chế chính trị một đảng có tên gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Những sự kiện ở Thiên An Môn, Tân Cương, Tây Tạng... là những cột mốc trên hành trình đi đến những thành quả này.
Ngày nay Trung quốc là cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới và đồng thời là một cường quốc quân sự có khả năng uy hiếp nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Với tính cách là “công xưởng của thế giới” và đồng thời là chủ nợ lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang ra sức phát huy quyền lực mọi mặt, bao gồm cả quyền lực mềm, đồng thời ra sức khoét sâu những chỗ yếu của các đối thủ, đặc biệt là của đối thủ lớn nhất là Mỹ. Nhìn lại, phải thừa nhận trên thực tế Trung Quốc đã tạo ra được sự thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trên thế giới nói chung và nhất là ở khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Sự thay đổi cán cân quyền lực nêu trên có thể nhận biết được qua sự giảm sút vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, qua sự sa lầy của Mỹ với nhiều hệ quả nghiêm trọng và lâu dài vào những vấn đề như Iraq, Afghanistan, Taliban, Trung Đông...và qua hàng loạt những vấn đề phi truyền thống khác – đặc biệt là nạn khủng bố và những vấn đề mới đặt ra cho Mỹ trong thế giới đạo Hồi. Cuộc khủng hoảng kinh tế rất sâu sắc nước Mỹ đang trải qua hiện nay có những nguyên nhân tự bản thân cấu trúc nền kinh tế Mỹ và những yêu cầu phát triển mới, những nguyên nhân của những tác động do quá trình toàn cầu hóa gây ra – nhất là những hệ quả tiêu cực không tránh khỏi trong quá trình “outsourcing” (thi công ra ngoài)và trong quan hệ kinh tế song phương với Trung Quốc. Song cũng phải nhấn mạnh sự thay đổi như thế của cán cân quyền lực thế giới còn có những nguyên nhân do sự sa lầy nói trên của Mỹ gây ra. Nhìn tổng thể, sự thay đổi như vậy trong cán cân quyền lực toàn cầu gay gắt đến mức Mỹ hiện nay đang phải chấp nhận một sự thay đổi quyết liệt.
Sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu còn thể hiện qua sự suy thoái chung của toàn bộ các nền kinh tế phương Tây, rõ nét nhất là của EU và Nhật, ngoài những nguyên nhân chung của thế giới phương Tây, còn phải kể đến những tác động không nhỏ của “cái công xưởng thế giới” và sự chi phối của chủ nợ lớn nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên tiếng nói của EU về nhiều vấn đề có liên quan đến Trung Quốc phải mềm đi rất nhiều.
Sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu còn thể hiện ở chỗ sự phát triển năng động đến mức nóng hay rất nóng của kinh tế Trung Quốc còn được coi là cứu cánh của việc duy trì tốc độ phát triển của châu Á nói riêng và thế giới nói chung với những động cơ rất thực dụng. Muốn hay không, đấy cũng là một sự lệ thuộc đang được Trung Quốc ra sức khai thác – để khẳng định vị thế quốc tế của mình, nhất là trong khuôn khổ G2, và để đẩy mạnh việc nâng cao vai trò của đồng Nhân dân tệ ở phạm vi thị trường thế giới.
Quyền lực mềm của Trung Quốc đang lên thành siêu cường không cần tuân thủ những giá trị cơ bản là các thành tố của trật tự quốc tế hiện hành. Do đó Trung Quốc đã mua được rất nhiều thứ và hầu như ở khắp mọi nơi, dù đó là mặt hàng chính trị, nguyên nhiên liệu, các vùng đất đai, các khu địa ốc, các Chinatowns mới tại các khắp nơi, các khu mỏ, các mối quan hệ phức tạp với mọi đối tác phức tạp, bí mật công nghệ.., đồng thời cũng bán được rất nhiều thứ, bao gồm cả hàng rẻ - hữu hình hoặc vô hình, không hiếm hàng độc hại với cả nghĩa đen và nghĩa bóng, trong đó có sản phẩm mang tên là “diễn biến hòa bình”…
Quyền lực mềm Trung Quốc không quan tâm đối tác của nó là ai, miễn là đạt mục tiêu – dù đối tác đó là các chế độ diệt chủng ở Sudan, Rwanda, Mozambique.., các chế độ chính trị độc tài hoặc cánh “tả” theo kiểu dân túy ở Mỹ La-tinh và nhiều nơi khác, dùng tham nhũng tha hóa các đối tác – mức thấp là các quan chức, mức cao là các chính khách - và đã có một vài chính khách ở các châu lục khác nhau mất chức... vân vân…
Quyền lực mềm Trung Quốc dưới dạng tiền còn có thể buộc tập đoàn xuyên quốc gia có tên tuổi bẻ lệch quyết định kinh doanh của mình, hoặc thậm chí phải hủy bỏ quyết định - như đã xảy ra với BP và Exxon trong hợp tác dầu khí với Việt Nam năm nào… Nếu hiểu rằng tại các nước phát triển, chính sách của quốc gia và chính sách của các tập đoàn kinh tế là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, thậm chí không ít trường hợp chính sách của tập đoàn kinh tế chi phối hay ảnh hưởng đến chính sách của quốc gia, sẽ thấy tầm vóc nguy hiểm của quyền lực mềm Trung Quốc dưới dạng tiền tác động vào các nước. Vân vân…
Người Trung Quốc có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nếu dịch câu này theo nội dung “bạn nói với tôi, bạn đi với ai, tôi sẽ nói bạn là ai!” ta có thể hiểu rõ bản chất quyền lực mềm Trung Quốc, được phát huy cao độ với quan điểm mục tiêu biện minh cho biện pháp theo kiểu “mèo trắng, mèo đen, miễn là…” Quyền lực mềm này khuyến khích sự hình thành những liên minh mềm có thể là nhất thời, có thể là không hình dạng, một liên minh hay đồng minh ít nhiều có hơi hướng thần thánh, đầy cám dỗ ma quỷ nhân danh chống đế quốc, chống bóc lột, chống lại hoặc hoàn toàn không thân thiện với cái trật tự quốc tế của hòa bình, dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường và cùng phát triển đang hiện hành trên thế giới. Quyền lực mềm này còn thể hiện rõ qua thái độ nước đôi với một số vấn đề nhậy cảm trên thế giới như vấn đề năng lượng hạt nhân, nạn diệt chủng ở một số nơi, phân hóa các đối tượng, đối tác – kể cả trong ASEAN, vân vân… Quyền lực mềm còn được triển khai dưới dạng xuất khẩu lao động ồ ạt, gần như đồng nghĩa với nạn xâm thực ở châu Phi. Mỹ La-tinh, miền giáp ranh nước Nga, nhiều nơi khác nữa…
Nói khái quát, đấy là sự vận động của quyền lực mềm Trung Quốc, theo nguyên lý cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền hơn nữa sẽ làm được; cái gì một năm chưa làm được thì hai năm, ba năm, một thập kỷ, vài thập kỷ sẽ làm được…Cái nguyên lý này có xuất sứ từ một nước giầu những lý thuyết Tôn Tẫn theo phương châm không đánh mà thắng, giầu truyền thống vận dụng mâu thuẫn luận theo kiểu tọa sơn quan hổ đấu mà lịch sử Xuân Thu Chiến Quốc để lại một kho tàng kinh nghiệm phong phú. Chưa bao giờ các học giả và các viện nghiên cứu trên thế giới lại có nhiều bài viết và sách báo như trong 10 năm qua về hiện tượng đang lên “ồn ào” của siêu cường tương lai Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc “thành công” vượt xa chủ nghĩa thực dân mới thời nào và đang đặt ra cho thế giới nhiều vấn đề mới…
Lấy sự kiện 11-09-2001 làm mốc thời gian tính toán để nhìn nhận thời cuộc theo kiểu đánh cờ thế, giữa một bên là Mỹ dẫn đầu của trật tự quốc tế hiện hành, và một bên là Trung Quốc dẫn đầu một liên minh thần thánh, thật khó nói khác: Trên bàn cờ thế giới 10 năm qua – cán cân quyền lực đang tạm thời chuyển động nghiêng nghiêng[1] về phía Trung Quốc trên một số phương diện.
Tuy đến giờ phút này chưa có một siêu cường Trung Quốc vượt Mỹ, nhưng phải chăng vào thời điểm hiện tại một siêu cường Trung Quốc đang xuất đầu lộ diện đang thách thức Mỹ ngày càng quyết liệt? Nếu đúng, điều này cũng chẳng có gì là sai quy luật, bởi vì trong những trường hợp nhất định của quá trình phát triển, không hiếm trường hợp cái cái lạc hậu nhất thời thắng cái hiện đại.., nói lên tính khắc nghiệt của một quá trình phát triển.
Cái “nghiêng nghiêng” có lợi cho Trung Quốc và không lợi cho Mỹ này phản ánh những hạn chế mới về tầm với và hiện tượng “tụt dốc” lúc này của Mỹ, với hệ quả Mỹ phải có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại cho phù hợp hơn với thực lực (ví dụ mới nhất là châu Âu bây giờ phải tự cáng đáng những vấn đề ở Bắc Phi, trong đó có vấn đề Lybia nóng bỏng).
Cái “nghiêng nghiêng” này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan về phía mỹ. Phải chăng, trong các nguyên nhân chủ quan của Mỹ, đáng lưu ý là: Mỹ đã có nhiều tham vọng quá lớn – rõ nét nhất là trong vấn đề Irak và trong một số vấn đề khác, đồng thời đã đánh giá thấp mối nguy Trung Quốc trên nhiều phương diện kinh tế, chính trị, đối ngoại trong phạm vi quan hệ song phương cũng như trong các mối liên quan toàn cầu. Hệ quả là Mỹ đi đến những quyết sách khiến cho nước Mỹ sa đà vào nhiều vấn đề nghiêm trọng chưa có lối ra, tạo ra tình thế lực bất tòng tâm, nhờ đó Trung Quốc rảnh tay giành lấy lợi thế mới, với kết cục cuối cùng là cái “nghiêng nghiêng” hôm nay.
Không ít ý kiến cho rằng cái bá quyền đại Hán thực ra chỉ là cái linh hồn, cái mầu sắc của sự phát triển ồn ào này mà thôi, cái nguyên nhân cốt lõi của sự phát triển ồn ào này là cái đói thường xuyên không thể thỏa mãn được của tăng trưởng và phát triển của đất nước trên 1,3 tỷ dân đứng trước nguy cơ phân rã thường trực và có nhiều mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt – nhất là sự phân hóa giầu nghèo, sự phân hóa phát triển vùng và vấn đề ô nhiễm môi trường... Cái nguyên nhân cốt lõi này và sự phát triển ồn ào nó tạo ra luôn luôn đòi hỏi cách giải quyết hướng ngoại dưới mọi dạng – từ vơ vét tài nguyên khắp các châu lục để duy trì tăng trưởng và phát triển, đến mở rộng không gian sinh tồn, bành trướng quyền lực mềm.., đến việc dựng lên các kẻ thù bên ngoài để hấp thụ những tác nhân gây bùng nổ trong lòng đất nước Trung Quốc, v.v.
Sự phát triển ồn ào với nội dung như thế chính là bản chất sự phát triển của Trung Quốc trong thế giới đương đại, khiến cho siêu cường Trung Quốc đang lên không phải chỉ là vấn đề đối với các nước láng giềng, mà còn là đối với cả thế giới[2]. Cũng có thể diễn dịch: Nếu Trung Quốc bá chủ được Biển Đông, khả năng Trung Quốc giành tiếp nhiều cái “bá chủ” khác rất lớn. Sự phát triển với bản chất như vậy không có khả năng tự phục thiện, mà chỉ có thể được kiểm soát thông qua củng cố trật tự quốc tế hiện hành.
III. Yếu kém của ta trong đối mặt với dã tâm Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Khỏi phải nói về dư luận chân chính tại nhiều nước trên thế giới bác bỏ yêu sách phi lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 vạch, để bàn thẳng vào những vấn đề đang đặt ra cho nước ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn thiêng liêng biển, đảo, và vùng trời vùng biển của đất nước.
Nếu liệt kê các sự việc đã xảy ra để đánh giá một cách có hệ thống, có thể đi tới nhận xét chung đầu tiên cần được quan tâm, đó là: Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây hai thập kỷ[3], Việt Nam ở trong tình thế càng ra sức bầy tỏ thiện chí, càng nhân nhượng để tìm cách giải quyết hòa bình những tranh chấp và xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, Trung Quốc càng lấn tới.
Đặt cách hành xử của Trung Quốc sang một bên, không thể không tìm hiểu xem về phía ta có những yếu kém gì mà để cho phía Trung Quốc có thể khai thác, gây ra cục diện ngày càng lấn tới như vậy.
Phải chăng những yếu kém chủ yếu về phía lãnh đạo của ta là:
(a) không hiểu rõ và sợ sức mạnh Trung Quốc,
(b) bị Trung Quốc thao túng,
(c) mối lo về khủng hoảng ý thức hệ - sợ rằng cuộc đấu tranh chống các âm mưu bành trướng bá quyền Trung Quốc ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ chính trị nước ta và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã vạch ra,
(d) để cho sự bất cập và tha hóa của bộ máy điều hành đất nước ngày càng gia tăng.
Bốn yếu kém nêu trên gây ra cho nước ta không ít khó khăn, giảm sức đề kháng của đất nước, phía Trung Quốc đã ra sức khai thác.
Về kinh tế, nước ta đứng trước tình hình toàn bộ xuất siêu của ta tại tất cả các thị trường nước ngoài khác hầu như chỉ đủ hay gần đủ bù cho nhập siêu của ta từ Trung Quốc, 60 – 70% nguyên liệu cho hàng gia công hàng xuất khẩu của ta phải nhập từ Trung Quốc, liên tiếp trong nhiều năm gần đây 80 – 90% các công trình công nghiệp mới, trước hết là các nhà máy nhiệt điện, đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc với nhiều vấn đề về chất lượng, giá cả… Ngoài ra còn có vấn đề bô-xít, vấn đề titan, việc Trung Quốc mua vơ vét các khoáng sản khác, thuê đất thuê rừng.., và biết bao nhiêu vấn đề trong biên mậu giữa hai nước: hàng nhập lậu vào nước ta không sao kiểm soát nổi, các thủ đoạn lũng đoạn việc xuất khẩu các sản phẩm của ta, vân vân…Tất cả tạo ra cho nước ta một tình trạng lệ thuộc rất nguy hiểm về kinh tế. Mấy ngày gần đây từ Hongkong đã phát đi tín hiệu Trung Quốc sẽ trả đũa Việt Nam bằng kinh tế liên quan đến Biển Đông… Chưa nói đến đòi hỏi bức thiết: Đứng sát nách Trung Quốc, đất nước ta sẽ lựa chọn một chiến lược phát triển như thế nào, để sớm ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay, đổi mới cơ cấu kinh tế để chuyển sang phát triển bền vững, nhất là để không bị “cái công xưởng của thế giới” đè bẹp?
Về chính trị, do phía ta kỳ vọng nhiều vào quan hệ giữa hai đảng và vào giải quyết thông qua hội đàm trao đổi giữa lãnh đạo hai nước, nên không kiên quyết chống lại những sai trái của phía Trung Quốc, không công khai hóa trước dư luận trong nước cũng như trước dư luận thế giới việc ta chống lại những hành động sai trái này. Không hiếm trường hợp báo chí của ta được chỉ đạo phải làm nhẹ hay làm ngơ sự việc xảy ra, bưng bít thông tin. Chính vì nặng về hòa hiếu, thiếu sự kiên quyết và thiếu sự công khai minh bạch như vậy trong đấu tranh chống các sai trái của Trung Quốc, nên phía Trung Quốc càng được thể lấn tới. Cách làm này khiến cho nhiều bộ phận nhân dân trong nước không nắm rõ được thực trạng nguy hiểm hiện nay trong quan hệ hai nước– nhất là các bước đi quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông, không khí “hiếu chiến bành trướng” thù địch với Việt Nam rầm rộ trên báo chí Trung Quốc, sự lũng đoạn của Trung Quốc gây ra trong nội bộ kinh tế, chính trị, xã hội nước ta… Có nhiều sự việc nghiêm trọng xảy ra mà nhân dân không được thông tin đầy đủ và kịp thời… Cách làm như vậy khiến cho nhân dân lo lắng, nghi ngờ hoặc thậm chí mất lòng tin vào lãnh đạo, hệ quả là không huy động được sự hậu thuẫn nhất thiết phải có của toàn dân trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, làm thất bại các hành động lấn tới của Trung Quốc. Lịch sử quan hệ Việt – Trung cho đến nay chưa có một tranh chấp nào có thể giải quyết thành công và bảo vệ được chủ quyền và lợi ích quốc gia thông qua ngoại giao đi đêm theo cái kiểu đánh tam cúc, cho đến hôm nay rút cuộc vẫn là cục diện ta càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Cách làm này khiến cho dư luận thế giới khó hiểu – báo chí nước ngoài có lúc phải bình luận: Việt Nam bị mất cắp mà không dám la làng thì ai dám cứu!?
Về đối ngoại, vì nặng về hòa hiếu, và nhất là vì không hiểu rõ và sợ Trung Quốc (điểm “a”), vì những mối lo dính dáng đến ý thức hệ như đã nêu trên (điểm “c”) và vì nhiều yếu kém khác, tự ta cũng gây ra cho mình nhiều bất lợi lớn, không tận dụng được vị thế của đối ngoại đất nước cho sự nghiệp bảo vệ lợi ích quốc gia liên quan đến những hoạt động đối ngoại của ta bảo vệ chủ quyền quốc gia và chống lại những hành động xâm chiếm và ngày càng lấn tới của Trung Quốc trên Biển Đông.
Điểm cần lưu ý thế mạnh trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này của ta là có cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, có chính nghĩa; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn hòa bình ổn định và mở rộng hợp tác trong khu vực hoàn toàn phù hợp với lợi ích của cộng đồng các quốc gia trong khu vực, phù hợp với trào lưu hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển trên toàn thế giới. Thế mạnh của ta là cộng đồng thế giới dứt khoát không thể chấp nhận yêu sách của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 vạch và mưu đồ độc chiếm Biển Đông; vì để chuyện này xẩy ra, trật tự quốc tế hiện nay sẽ bị phá vỡ. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng trong hai thập kỷ qua kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ sau cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc nước ta tháng 2-1979, thế mạnh này của ta không được phát huy, cuộc chiến tranh xâm lược này hầu như bị lãng quên, thậm chí bị xóa đi, không phải với nghĩa khép lại quá khứ. Trong khi đó ta càng chú trọng “hòa hiếu giữ gìn đại cục quan hệ hai nước”, Trung Quốc càng lấn tới với kết cục như hôm nay.
Thế mạnh của ta là hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế - ngoại trừ Trung Quốc – đều mong muốn có một Việt Nam cường thịnh và phồn vinh, từ đó có khả năng đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trong phạm vi thế giới. Thế mạnh của ta là nhiều nước – nhất là các cường quốc – mong ta trở thành đối tác chiến lược vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển; cục diện thế giới ngày nay cũng vô cùng thuận lợi cho nước ta thực hiện mục tiêu vô cùng quan trọng này. Song cơ hội ngàn năm có một này đang có nguy cơ vuột mất, nguyên nhân chính là do ta nói được nhưng không làm được bao nhiêu trong thực tế. Nhiều nước thỏa thuận nâng quan hệ với ta lên tầm đối tác chiến lược, nhưng do ta nặng về hòa hiếu gìn giữ đại cục quan hệ Việt – Trung, nặng về “chống diễn biến hòa bình”, do nhiều bất cập khác của ta trên mọi mặt nội trị, kinh tế, ngoại giao.., nên kết cục sự hợp tác của ta đạt được với các đối tác chiến lược này đạt kết quả thấp xa so với mong đợi, vị trí đối ngoại của nước ta trong chiến lược đối ngoại của các đối tác chiến lược này cũng thấp so với đòi hỏi và khả năng ta có thể thiết lập được. Một mặt trận đối ngoại như ta đang tiến hành như thế làm sao có thể trong nước thì thu phục nhân tâm về một mối, trên thế giới thì tạo ra được sự hậu thuẫn vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia và môi trường khu vực và quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp phát triển của đất nước? Cạnh siêu cường Trung Quốc đang lên và đói tất cả mọi thứ, câu hỏi này càng vô cùng nóng bỏng với nước ta.
Chỉ có thể rút ra kết luận: Để bảo vệ được chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, và vùng trời vùng biển của quốc gia, chống lại việc Trung Quốc ngày càng lấn tới trên con đường thực hiện cái lưỡi bò 9 vạch, trước hết và nhất thiết cần ra sức khắc phục những yếu kém của chính nước ta.
Đời đời sống cạnh Trung Quốc, xin đừng giây phút nào quên sức mạnh của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trên hết và trước hết là chính dân tộc Việt Nam ta đã được thử thách, tôi luyện trong lịch sử; và ngày nay dân tộc ta đang cần một thể chế dân chủ có khả năng phát huy sức sống mãnh liệt và nghị lực sáng tạo của dân tộc mình, vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất dân chủ và giàu mạnh đang rất thuận lòng với trào lưu của nhân loại tiến bộ thời đại ngày nay. Muốn hòa hiếu gìn giữ đại cục quan hệ Việt – Trung, càng nhất thiết phải xây dựng nên một Việt Nam như thế.
VI. Thay lời kết: Suy nghĩ về cuộc đấu tranh sắp tới
Tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, ngăn chặn dã tâm của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 vạch, trước hết và trên hết phải xuất phát từ ý chí dựa hẳn vào dân tộc và dứt khoát không sợ bạo lực nham hiểm của quyền lực Trung Quốc. Chừng nào giữa nhân dân và chế độ chính trị của đất nước là một, chừng nào chế độ chính trị của đất nước gần như đồng nghĩa với Tổ quốc, đất nước Việt Nam ta là bất khả chiến bại. Chiến thắng của dân tộc ta đánh bại tất cả các cuộc xâm lăng đã xảy ra trong lịch nước ta cho đến hôm nay khẳng định chân lý này. Lịch sử như thế đã chứng minh không thể phản bác được sức mạnh bất khả kháng của nước ta chính là sức mạnh của dân tộc và dân chủ.
Mặt trận trên Biển Đông là mặt trận rất nóng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, Trung Quốc đang dồn sức tiếp tục giành thế lấn tới. Song mặt trận số một Trung Quốc đang dồn hết khả năng và thủ đoạn để giành thắng lợi là khoét sâu các yếu kém trong nội bộ phía ta (4 yếu kém a, b, c, d), để tạo ra một Việt Nam èo uột. Đây là âm mưu thâm độc của quyền lực Trung Quốc, muốn tạo ra một nước Việt Nam chư hầu kiểu mới, để dễ sai khiến và để tạo thanh thế uy hiếp trong khu vực. Thực tế Trung Quốc ngày càng lấn tới, đang thao túng đất nước ta trên một số phương diện, chứng tỏ quyền lực Trung Quốc đã đi được những bước nhất định trong kịch bản tạo ra một Việt Nam èo uột.
Trung Quốc toan tính giành được thắng lợi trên mặt trận số một tạo ra một Việt Nam èo uột này, Trung Quốc sẽ giành được toàn thắng trên mặt trận Biển Đông. Kịch bản một Việt Nam èo uột là ưu tiên số 1 của Trung Quốc trong chiến lược đối ngoại đối với Việt Nam[4]. Về phía ta, ta cũng cần nhận định dứt khoát: Làm Trung Quốc thất bại trên mặt trận số một này, làm thất bại âm mưu tạo ra một Việt Nam èo uột, Việt Nam sẽ có tiền đề vững chắc bảo vệ bất khả xâm phạm chủ quyền quốc gia, biển, đảo, vùng trời vùng biển của mình trên Biển Đông, đồng thời có khả năng, có tư thế, có tư cách gìn giữ đại cục quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc.
Đặt vấn đề với cách nhìn nhận như vừa trình bầy trên, sẽ có được chủ trương, các bước đi đúng đắn, phát huy được sức mạnh của đất nước cũng như giành được sự hậu thuẫn cần thiết của cộng đồng quốc tế, sẽ cho phép đẩy lùi sự lấn tới của Trung Quốc, gìn giữ được hòa bình ổn định trong khu vực. Muốn ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc leo thang quân sự và sử dụng vũ lực trên Biển Đông, muốn ngăn chặn khả năng Trung Quốc khiêu khích gây ra xung đột vũ trang.., lại càng phải làm như vậy.
Tình hình đã chín muồi cần có một hình thức, một tinh thần Diên Hồng của đất nước cho những vấn đề sống còn hôm nay, về kinh tế cũng như chính trị, về đối nội cũng như đối ngoại. Lãnh đạo đất nước vào thời điểm lịch sử này chính là tạo ra cho đất nước một tinh thần Diên Hồng, một Diên Hồng như thế! Cần có lòng tin vào tinh thần yêu nước của nhân dân, lòng tin vào trí tuệ và ý thức chính trị sắc bén của nhân dân để thực hiện một tinh thần Diên Hồng hay một Diên Hồng rất đáng phải có vào lúc này. Cần phải gạt bỏ những suy nghĩ sai trái coi nhân dân là ấu trĩ, coi nhân dân là dễ bị kích động, dễ manh động, dễ bị lợi dụng… Cần phải loại bỏ những việc làm cản trở lòng yêu nước của nhân dân, loại bỏ sự dè dặt không dám bàn bạc với nhân dân để định liệu những vấn đề sinh tử của đất nước, thoái chí không dám tạo ra một tinh thần Diên Hồng hay tiến hành một Diên Hồng như thế!
Không làm, hay không làm được một Diên Hồng như vậy lúc này là không làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo và đi ngược lại lợi ích của đất nước. Đơn giản vì đương đầu với dã tâm của quyền lực Trung Quốc lúc này, nhất thiết phải phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc.
Xin nói thêm: Để tránh bị các thế lực thù địch với một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giầu mạnh có thể lợi dụng, khiêu khích, kích động nhân dân ta, để nước ta có thể tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết, thông minh, có tầm nhìn trí tuệ, có lý có tình, một cuộc đấu tranh được cả lòng dân và lòng thiên hạ, để nước ta có thể tránh được tình trạng đục nước béo cò cho bất kỳ loại cò nào trong bất kỳ tình huống nào, để chủ động ngăn chặn bất kỳ cái bẫy nào giăng ra chống lại nước ta bằng bất kỳ thủ đoạn nào bạo lực hay không bạo lực, để loại bỏ bất kỳ sự mua bán lợi ích nào trên đầu nước ta giữa các nước bên thứ ba, để có thực lực kiên định tìm kiếm được giải pháp hòa bình cho những vấn đề đặt ra trên Biển Đông, để giữa nhân dân và lãnh đạo là sự thống nhất không gì phá vỡ được, nhất thiết phải có một tinh thần Diên Hồng, một Diên Hồng như thế.
Quyền lực Trung Quốc đang lấn tới, nên đã đến lúc phải gạt bỏ mọi trói buộc ý thức hệ, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, phải dứt khoát khép lại quá khứ và phải trên nền tảng của dân chủ tạo ra đoàn kết hòa hợp dân tộc, để bảo vệ và xây dựng đất nước thành công. Điều này cũng có nghĩa là đã đến lúc phải có một Diên Hồng như thế!
Chẳng lẽ vận mệnh lúc này của đất nước không đáng có một tinh thần Diên Hồng hay một Diên Hổng như thế? Song vận mệnh đất nước lúc này cũng vô cùng nghiêm khắc, đặt ra cho mỗi người Việt Nam dù là ai sự lựa chọn duy nhất: Có sống vì đất nước hay không? – với tất cả tinh thần và ý nghĩa “tồn tại hay không tồn tại” (to be or not to be!).
Cần nhìn thẳng vào những cái yếu không thể khắc phục được của Trung Quốc, đó là tính phi nghĩa và phi pháp trong các yêu sách và hành động của họ trên Biển Đông, là bạo lực nham hiểm của quyền lực Trung Quốc đi ngược với trào lưu phát triển của trật tự thế giới đang diễn ra, nên cả thế giới lo ngại và không thể khoanh tay đứng nhìn, là những yếu kém ngay trong nội tình đất nước Trung Quốc khiến cho Trung Quốc luôn luôn phải tìm cách hướng các yếu tố gây bùng nổ trong nước ra bên ngoài, là sự phát triển ồn ào đối nội cũng như đối ngoại của chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị có tên gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là các nguy cơ phân rã và đổ vỡ trong nước – trước hết do tình trạng mất dân chủ, sự phân hóa xã hội nghiêm trong, sự tàn phá môi trường, là các thủ đoạn che đậy, rất sợ công khai minh bạch nên thường phải nói một đằng làm một nẻo… Các yếu kém của Trung Quốc ngày nay còn lộ rõ ở chỗ ngày càng nhiều nơi có bàn chân quyền lực Trung Quốc đặt tới – dù là ở Mỹ Latinh, châu Phi, châu Úc, châu Á, đã bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn tại chỗ với Trung Quốc… Thế giới đang sợ nhiều hơn là chào đón một Trung Quốc đang ngoi lên như vậy thành siêu cường.
Cái yếu cơ bản nhất của Trung Quốc trong đối ngoại có lẽ là ở chỗ sự phát triển của Trung Quốc mâu thuẫn với xu thế phát triển của trật tự thế giới trong thời đại ngày nay là hòa bình, dân chủ, nhân quyền, thân thiện với môi trường và cùng phát triển, là ở chỗ giữa văn minh nhân loại ngày nay với văn hóa Trung Quốc có khoảng cách phát triển rất lớn. Cho nên một ngày nào đó, dù có thể sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, song Trung Quốc có thể sẽ gây thêm nhiều vấn đề cho thế giới, chứ không thể lãnh đạo thế giới, vân vân…Muốn không đánh giá thấp và cũng không sợ Trung Quốc, cần tìm hiểu rõ những điểm yếu này.
Dựa vững chắc vào nhân dân, nắm vững chắc chính nghĩa và tính pháp lý quốc tế, tranh thủ sự hẫu thuẫn của cộng đồng quốc tế và cùng đi với trào lưu tiến bộ của cả thế giới[5], đặt lợi ích quốc gia lên trên hết với tất cả sự kiên định và đấu tranh công khai minh bạch, đấy là tiền đề cho mọi bước đi và các chủ trương chính sách của nước ta về Biển Đông thành công trong việc gìn giữ được hòa bình ổn định trong khu vực, bảo vệ chủ quyền, biển, đảo vùng trời vùng trời vùng biển của nước ta trên Biển Đông.
Hà Nội, đầu tháng 6, 2011
-----------------------
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Trung, “Việt Nam Trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21”, Hà Nội, 08.01.2010, http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_NguyenTrung.htm
2. Nguyễn Trung, “Trách nhiệm lịch sử” – Hà Nội 12-2009. http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai19/201019_NguyenTrung.htm
3. Nguyễn Trung, “Biển Đông - cái biển hay cái ao?” Hà Nội, 10&11- 2010 http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai20/201020_NguyenTrung.htm
4. Peter W. Navarro và Gregory W. Autry, 2011, Death by China: Confronting the Dragon - A Global Call to Action, New York: Pearson Prentice Hall.
5. Blumenthal, Dan, 2009, "The Erosion of U.S. Power in Asia", Far Eastern Economic Review, tháng 5.
6. Cao Huy Thuần, “An ninh”, Thời Đại Mới 17, tháng 11-2009.
7. Clinton, Hillary, 2009, Remarks at the ASEAN Regional Forum, 23 tháng 7.
8. Dillon, Dana, và John J. Tkacik Jr (2005-2006), China’s Quest for Asia, Policy Review.
9. Feigenbaum, Evan A., 2004,"China's Military Posture and the New Economic Geopolitics", Rice University.
10. Ferguson, Niall, 2009, “The decade the world tilted east”, Financial Times, 27 tháng 12.
11. Goldman, Merle, 2009, "China’s Beleaguered Intellectuals", Current History, tháng 9.
12. Hynes, Major H.A., 1998, China: the Emerging Superpower, Department of Defence (Canada)
13. Lam, Willy, 2009, "Beijing Learns to be a Superpower", Far Eastern Economic Review, 1 tháng 5 – 2010.
14. Lam, Willy, 2009b, China's Quasi-Superpower Diplomacy: Prospects and Pitfalls, Washington D.C.: Jamestown Foundation.
15. Luce, Edward, 2009, “Obama urged to fix trade policy vacuum”, Financial Times, 9 tháng 11.
16. Obama, Barack, 2009, Remarks by the President at the U.S./China Strategic and Economic Dialogue, White House, 27 tháng 7.
17. Marciel, Scot, 2009, Maritime Issues and Sovereignty Disputes in East Asia, Thượng viện Mỹ, ngày 15 tháng 7
18. McCain, John, 2009 Bài nói chuyện của Thượng Nghị sỹ John McCain tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, 7 tháng 4.
19. Blumenthal, Dan, 2009, "The Erosion of U.S. Power in Asia", Far Eastern Economic Review, tháng 5.
20. Clinton, Hillary, 2009, Remarks at the ASEAN Regional Forum, 23 tháng 7.
21. Feigenbaum, Evan A., 2004,"China's Military Posture and the New Economic Geopolitics", Rice University.
22. Một số sách báo và các bài viết khác trong nước và nước ngoài 2011.
Chú thích
[1] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Biển Đông – cái biển hay cái ao”, 26-10-2010, www.tapchithoidai.org/.../201020_NguyenTrung.htm -
[2] Tìm xem các bài viết và các sách về Trung Quốc đã được nêu trong danh mục các sách và tài liệu đã được tham khảo của 3 bài viết của Nguyễn Trung: (a) “Việt Nam trong thế giới thập k ỷ thứ hai thế kỷ 21” - mùa đông 2009) (b) “Trách nhiệm lịch sử” - 12-2009; và (c) , “Biển Đông – cái biển hay cái ao”, 26-10-2010, www.tapchithoidai.org/.../201020_NguyenTrung.htm -
[5] Tham khảo thêm vấn đề “xây dựng nền ngoại giao dấn thân” nêu trong bài viết “Biển Đông – cái biển hay cái ao?”
© Thời Đại Mới
------------------------------
Đọc thêm :
Ngô Văn Lang
13/06/2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment