Saturday, June 11, 2011

THANH NAM, CHIA TAY ĐẤT KHÁCH (Viên Linh)


Viên Linh
Wednesday, June 08, 2011 3:07:22 PM

I. Tôi ngạc nhiên lắm khi Thanh Nam ngỏ lời nếu muốn, tôi có thể về ở chung phòng với anh tại building Cửu Long, đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn.

Nhà văn Thanh Nam (1931-1985).

Hình như đó là khoảng năm 1962 gì đó, chúng tôi quen biết nhau trong lúc cùng làm chung một tờ báo: tuần báo chuyên về nghệ thuật trình diễn có tên là Kịch Ảnh, chủ nhiệm chủ bút là Quốc Phong, tổng thư ký Tòa Soạn là Mai Thảo. Thanh Nam viết truyện dài từng kỳ, còn tôi là thư ký Tòa Soạn. Hai chàng trai một ương ương, một chập chững vào đời, chia nhau căn phòng C9 ở tầng thượng tòa cao ốc. C11 Thái Thủy ở. Cũng ở tầng này, đầu dẫy là anh Vũ Xuân Tự, mà một ngày nào đó, anh tự buộc đá vào người, lăn xuống sông Sài Gòn, lẳng lặng về bên kia thế giới, bỏ lại cái ô đen trước kia chẳng lúc nào rời anh, dù trời nắng hay mưa. Tầng dưới có anh Trần Nhã chuyên viên dịch Anh Việt, và viết bài bằng Anh ngữ cho tờ The Saigon Post. Tòa building này cũng là trạm chót của Thanh Nam và tôi trong cuộc sống độc thân. Rời căn phòng đó, anh lên xe hoa với Túy Hồng. Tôi là một cố vấn của Thanh Nam trong việc anh lập gia đình với cô giáo nhà văn nữ.

Ðêm khuya lắm, chúng tôi vừa từ khiêu vũ trường Mỹ Phụng trở về. Cũng chẳng nhớ đi bộ về, hay đi taxi về nữa. Ðã mỗi người vài ba chai 33. Cái khoảng trống trước mặt Mỹ Phụng thật mênh mông, ngay đầu đường Hai Bà Trưng, ngó ra bờ sông. Gió sông thổi đêm khuya mát rợi. “Ði không cậu.” Ðó là câu hỏi chúng tôi nghe thường trực hàng đêm mỗi khi từ vũ trường bước ra. Các bác xích lô. Mấy ông taxi. Ðôi khi trên băng ghế sau taxi đã có một cô gái ngồi sẵn. Ðèn đường không sáng lắm, nhìn thoáng qua tóc bay và bóng men lúa mạch, trong tiếng nhạc bập bùng còn đuổi theo sau, thì cũng đẹp. Hoặc lúc nào cũng đẹp.

“Bến Bạch Ðằng đêm khuya đưa khách, Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu...”
Ðêm khuya lắm, đâu như gần hai giờ sáng. Thanh Nam nằm trên cái giường một; tôi nằm trên nệm trải trên nền gạch bông bóng loáng. Ðầu giường mỗi người cũng một chai bia.
“Có nên lấy Túy Hồng không cậu?”
Vấn đề nghe ra có vẻ nghiêm trọng. Không rõ lúc ấy, nó nghiêm trọng đối với tôi như thế nào, khi viết những dòng này, thực không còn nhớ rõ.
Ðể trung thực với tôi, khi viết những dòng này, cũng là khó. Trước khi viết những dòng này, tôi ngó tấm hình đám cưới Thanh Nam. Trước hết, lục lọi ký ức 35 năm trước để viết, là khó vô cùng. Thứ hai, viết về Thanh Nam thì không khó, nhưng viết về Thanh Nam Túy Hồng thì là chuyện khác. Sau nữa, viết về cái đêm anh phong cho tôi làm cố vấn hôn nhân, mặc dù thua anh gần mười tuổi, không phải dễ. Cuộc hôn nhân của anh, Túy Hồng đã viết nhiều trong cuốn “Tôi Nhìn Tôi Trên Vách”...

II. Tháng 8, 1975, tôi xuất trại Indiantown Gap ở tiểu bang Pensylvania để đi Hoa Thịnh Ðốn. Thanh Nam lo lắng vô cùng. Trong thời gian sửa soạn rời Sài Gòn, không một ngày nào, mỗi chiều đi làm về, tôi không dừng cái xe Lambretta trước nhà anh trong một con hẻm ở đường Lý Thái Tổ. Ðó là do anh yêu cầu: mỗi ngày đi làm về, phải ghé cho anh biết tình hình, tin tức đi hay ở, ra sao. Cũng không mấy khó vì tôi cũng ở đường Lý Thái Tổ. Chúng tôi trước đó đã quyết định đi cùng với nhau, nếu phải rời đất nước. Ðây cũng là một cái duyên hơi lạ thường. Tháng 11, 1974 tôi được mời làm việc cho đài Mẹ Việt Nam, một đài bí mật phát thanh thẳng ra Bắc từ một trạm phát tuyến ở Ðông Hà. Nơi làm việc là số 7 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Chỉ biết tôi được mời cấp tốc, không qua một thủ tục nào, dù đài trực thuộc Tòa Ðại Sứ Mỹ. Túy Hồng phụ trách Câu Chuyện Phụ Nữ. Vào làm mới biết trưởng ban biên tập là anh Khánh, vừa đột ngột rời chức vụ. Tôi được mời thay chỗ anh Khánh. Cố vấn trực tiếp là Edward X. và Thượng Tá Tám Hà, nguyên phó tham mưu Sư Ðoàn 300 gì đó hoạt động quanh vùng Nha Trang, mới hồi chánh. Cho nên mỗi tuần tôi giúp Thanh Nam, bằng cách nếu có thể, đến lấy bài của Túy Hồng, nếu không anh phải đạp xe đạp từ Lý Thái Tổ lên Hồng Thập Tự, quá xa cho một chiếc xe đạp mini. Và trong những tháng ngày biến động kế tiếp, không một ngày nào chúng tôi không bàn bạc với nhau.

Tình trạng khẩn trương hẳn khi Ban Mê Thuột thất thủ vào tháng 3,1975. Các nhân viên làm việc cho Tòa Ðại Sứ Mỹ được hỏi ý kiến có muốn di tản không, trong trường hợp phải “di tản theo cơ quan.” Thanh Nam và tôi không nghĩ ngợi. Ta đi. Và đi cùng với nhau. Do đó, ngay từ bước thứ nhất sửa soạn phải rời bỏ quê hương, Thanh Nam và tôi sửa soạn chung. Ði cùng một xe hơi. Ðến cùng một điểm hẹn. Ngã Tư Trương Minh Giảng-Hiền Vương. Vào cùng một trú điểm. Phú Quốc. Lên cùng một con tàu. American Challenger. Có nhà thơ trẻ Bùi Ngọc Tuấn gặp tôi trên boong tàu. Xuống cùng một Thành phố Lều. Orote Point, Guam. Nhưng chia tay khi vào Ðất Khách. Bất đắc dĩ.
Tôi còn nhớ cặp mắt thất thần của Thanh Nam khi tôi bảo anh gia đình tôi đã được gọi đi Washington D.C. Nhà thờ bảo trợ ở đường số 9, N.E. thủ đô. Trước đó tôi đã bàn với anh: nhớ chỉ xin đi hai nơi mà thôi: Nữu Ước và Hoa Thịnh Ðốn, thủ đô của ngành báo chí xuất bản, và thủ đô của quyền lực. Nhớ đừng nhận đi bất cứ đâu, ngoài hai nơi đó. “Vừa ở gần nhau, vừa ‘tới chốn văn minh, vào ngay chỗ văn minh’, không nó đưa mình vào sống với Da Ðỏ thì khổ, vì mình không biết săn bắn.”

Hai tháng sau, tháng 10,1975, tôi mua một cái vé xe buýt 14 Mỹ kim từ Hoa Thịnh Ðốn đi New Jersey thăm Thanh Nam. Anh dặn tôi nhiều lần trong điện thoại: “Cậu nhớ mua một chai Johnny Walker cổ đỏ, chai vuông, hay một chai Black and White cổ tròn cũng được.” Tôi mua được một chai cổ đỏ khi xuống xe buýt ở Nữu Ước, lên một xe buýt khác đi tiểu bang New Jersey gần đó, giá vé là 2 Mỹ kim 60 xu. Tôi có 100 Mỹ kim cho chuyến đi, đi về đã mất 28 Mỹ kim xe đò, chai rượu đâu 9 Mỹ kim, là 37 Mỹ kim, hai lần vé Nữu Ước, New Jersey là 6 Mỹ kim, vị chi 43 Mỹ kim, còn lại 50 Mỹ kim hậu tính. Chuyến đi này để lại nhiều kỷ niệm đau thương: thực tế, nhà thờ nói với vợ tôi sẽ cúp viện trợ vì có tiền đi chơi vô bổ chỉ mới hai tháng ra trại; (hàm ý gia đình tôi dư dả), thứ hai, đó là lần cuối cùng tôi gặp Thanh Nam; thứ ba: chai rượu Johnny Ði Bộ tôi mua tặng bạn nhưng tôi không được uống.
Tôi không bao giờ quên được cái lúc tôi mở bao giấy dầu kéo chai rượu Johnny Walker ra. Tôi hình dung một cuộc tao phùng của hai chàng lãng tử coi nhau như anh em, sau chuyến đi mười ngàn dặm khứ quốc, tạm trú quê người ở hai vùng băng giá. Thanh Nam dúi ngay chai rượu trở vào trong bao, cất đi. Rồi kéo tôi ra khỏi nhà, sau khi nói với vào: “Anh ra tiệm với Viên Linh.”
Chúng tôi không nói gì với nhau trong nhiều phút. Vừa đi vừa hút thuốc. Trời tháng 10 ở miền Ðông bắt đầu lạnh. “Ði uống bia,” Thanh Nam nói. Tôi hơi suy nghĩ. Tại sao có rượu không uống, lại đi uống bia?
Dần dần tôi cũng nhớ ra. Trước hết là một nền cỏ xanh tinh mơ sương đọng của Khe Núi Da Ðỏ. Khoảng 6, 7 giờ sáng. Indiantown Gap. Hôm trước tôi hẹn Thanh Nam tôi sẽ gọi anh đi uống cà phê sáng hôm sau, và dự định rủ anh Nghiêm Xuân Hồng cùng đi. Anh Nghiêm Xuân Hồng và Linh Mục Cao Văn Luận ở trại 6. Chúng tôi ở trại 5. Hai trại cách nhau khoảng 15 phút đi bộ.
Tôi đến sớm, vắng bóng người. Hình như mới hơn 5 giờ sáng. “Thanh Nam,” tôi gọi vọng vào. Dường như Thanh Nam đã chờ sẵn, tôi thấy thấp thoáng sự di động. Ðây là trại lính, nhà sàn cất cao trên nền cỏ, bằng những phiến gỗ to bản, vững chắc. Cùng một lúc, qua khe ván, tôi nhìn thấy bộ mặt Túy Hồng, và cái dáng của bạn tôi. Ðôi mắt Túy Hồng cháy như lửa xanh. Mái tóc rối. Rồi khuôn mặt Thanh Nam hiện ra, thiểu não. “Cậu đi trước đi.” Ðại khái như thế, và tôi im lặng gật đầu. Trong thung lũng xanh ngát của Khe Trại Da Ðỏ, tôi hướng về Trại 6 đi kiếm anh Nghiêm Xuân Hồng. Ðâu đã gần 6 giờ sáng. Cô con gái của tác giả Người Viễn Khách Thứ Mười hiện ra. “Bố cháu còn đang ngủ.”
Tôi tới chỗ uống cà phê một mình.
Trên vỉa hè của một tỉnh nhỏ, Thanh Nam và tôi tới một tiệm bán thực phẩm cho khách mua đi. Không bàn ghế. Tôi mua một xâu bia như anh thích. Ra ngoài, trên đường về nhà, anh nói: “Mình về nhà uống bia.” Ðó là lần cuối cùng tôi gặp Thanh Nam. New Jersey.
Tháng 10, 1975. Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đi Seatle thăm anh sau đó.

III. Bạch Quyên là ai, tôi chẳng rõ. Thanh Nam đôi khi nói với tôi về Bạch Quyên. Thanh Nam đôi khi cũng nói với tôi về Thanh Nga. Thanh Nam cũng có những mối tình trong mộng. Nhưng từ khi lập gia đình, anh là một người chồng gương mẫu. Vì là một người chồng gương mẫu, anh không còn sáng tác những tác phẩm hay như Giấc Ngủ Cô Ðơn. Cho nên nhắc đến Thanh Nam, đối với tôi là nhắc đến một người bạn trai già, gặp nhau ngoài phố, trong tiệm, không ăn với nhau một bữa cơm gia đình bao giờ, nhưng nhớ đến nhau qua Thơ Xuân Ðất Khách, anh đề tặng tôi, hay qua Nước Mặn tôi tặng anh, đã in trong Thủy Mộ Quan. Xin dùng những đoạn thơ sau để tạm kết bài này.

Nước Mặn
(Tặng Thanh Nam)

Anh hỏi thời gian sáng hoặc chiều
Lòng sương tuyết nhỏ có đìu hiu
Xa nhau nghìn dặm không tường mặt
Như bụi như tro lạnh ít nhiều?

Như thể năm năm rồi đấy nhỉ
Ðời ta thềm mục với sân rêu
Quê người cơm áo đau vô tận
Sống tưởng chừng như chỉ bấy nhiêu

Chốn cũ tâm hồn còn lẩn khuất
Những tình xa lạc mất thương yêu
Ðêm qua mưa đổ cây phong lẻ
Ẩm một lòng lênh láng huyết chiều.

Có phải mùa thu đời đổi sắc
Hay hồn binh bại máu còn reo
Mơ gì bạn cũ mơ ma gọi
Tôn Tẫn còn tin bạn vẫn nghèo.

Áo vàng thôi nhé Tâm là Phật
Một lũ ô y chọn Chúa treo
Nước mất con ơi con chửa biết
Việt Nam con hát líu lo đều

Ðêm đêm ba ngủ ba còn thấy
Tuổi trẻ lầm than vẫn mộng điều
Một sớm buông tay rời hải phận
Nhìn lui Ðất Nước đã tàn xiêu.

Hôm qua lại mộng mơ gì nhỉ
Ngõ xóm làng thôn góc phố yêu
Không phải mảy may rừng với trại
Tiếng hò tiếng hát tiếng ma kêu.

Ở đâu quê quán đâu làng nước
Ðâu bạn đâu em quạ với diều
Ngực mỏng thanh niên già trước tuổi
Mắt vàng tri kỷ những đêm thiêu.

Chung tay làm gối chung tâm sự
Chung mối buồn riêng ít tưởng nhiều
Ly nước san đôi ngoài biển mặn
Ngầm đau cốt hổ hóa hình miêu.

Chúng ta nửa kiếp trong phần mộ
Tưởng sách là kinh, sĩ phải nghèo
Tưởng tướng râu hùm ôi tướng khách
Yêu người thục nữ hóa yêu Kiều.

Anh hỏi làm chi ngày với tháng
Ðầu râu chưa bạc trí đà xiêu
Tâm tư ta gửi bờ sông hận
Còn xác ta trôi tựa cánh bèo

Có phải ta còn, ta đã mất
Mười điều trung tín chín điều điêu
Quê người họ Nguyễn rơi khăn nhỏ
Một bệnh u cư ít tưởng nhiều.

Anh hỏi làm chi anh hỏi lấy
Lòng ta không khác, ý ta neo.
Ðêm qua mưa đổ cây phong lẻ
Ẩm một lòng lênh láng huyết chiều.
(Viên Linh - Virginia, 1980)
.
.
.



No comments: