Saturday, June 4, 2011

QUẬY SÓNG ĐÔNG HẢI CHO ÊM NỘI LOẠN . . . (Nguyễn Xuân Nghĩa, Việt Báo)


Nguyễn Xuân Nghĩa – Việt Báo 20110603
2011-06-04

Có một cách thăm dò mạch địa chấn nằm ngoài Đông hải của Việt Nam là tìm vào vết rạn bên trong Hoa lục.

Nhưng trước hết, ta cần hiểu ra một quy luật đặc thù của Trung Quốc: chủ nghĩa dân tộc chi phối các quyết định kinh tế quốc gia nhiều hơn là thế giới bên ngoài có thể nghĩ. Đấy là sức mạnh mà cũng là môt mâu thuẫn của xứ này, mâu thuẫn giữa thị trường và tư tưởng!

Bây giờ xin đi vào chuyện

Trung Quốc đang chuẩn bị Đại hội đảng của Khoá 18, dự trù tổ chức vào quãng tháng 10, 2012. Y như Đại hội 16 vào tháng 11 năm 2002, Đại hội tới sẽ bầu ra lớp lãnh đạo thuộc thế hệ thứ năm để thay thế lớp người như Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc, Ôn Gia Bảo hay Úy Kiện Hành, gọi là “thế hệ thứ tư” sau các thế hệ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân.

Nhìn trong viễn cảnh dài, thì những thành tựu sau cải cách của Đặng Tiểu Bình từ 1979 đã đi hết sự vận hành dễ dãi ban đầu – như dễ vặt những trái thấp nhất – và bắt đầu có trở ngại.

Đầu tiên là tham nhũng và lạm phát, nguyên do chính của “Sự cố Lục Tứ”, vụ Thiên an môn ngày bốn tháng Sáu năm 1989 khiến mấy ngàn người bị tàn sát trên quảng trường này tại Bắc Kinh. Sau đó là tình trạng thất quân bình giữa các địa phương và lại lạm phát năm 1998. Thế hệ thứ tư lên lãnh đạo từ cuối năm 2002 và cầm quyền từ đầu năm 2003 có thấy ra vấn đề. Những ưu tiên mới của họ là hạn chế lạm phát, tái phân tài nguyên phát triển cho các tỉnh bên trong để san bằng thất quân bình, và chuyển dần mục tiêu từ lượng sang phẩm…
Nhưng hai sự kiện đã đình hoãn và đẩy lui ý hướng cải cách đó.

Thứ nhất, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2001. Từ đó đà tăng trưởng vọt lên nhờ buôn bán nhiều hơn với bên ngoài đã đẩy lui ưu tiên tái phối trí đầu tư cho các tỉnh bị khóa trong lục địa và chứng minh giá trị của chiến lược hướng ngoại – lấy xuất cảng làm đầu máy. Sự kiện đó củng cố ưu thế lẫn quyền lợi và quyền lực của các tỉnh duyên hải, và phe cánh Giang Trạch Dân.
Tranh luận nội bộ về hướng nội hay hướng ngoại vì vậy không dứt khoát.

Sự kiện thứ hai, vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ rồi nạn Tổng suy trầm toàn cầu 2008-2009 khiến nỗ lực cải cách càng bị trì hoãn, thậm chí cản trở. Nhu cầu tăng trưởng cao để chống suy trầm dẫn tới việc kiềm chế hối suất đồng bạc, tăng chi và bơm tín dụng để kích thích sản xuất. Với hậu quả là thổi lên bong bóng đầu cơ và rủi ro lạm phát. Và gây ra bài toán lưỡng nan, hai mặt đều khó, vì kềm hãm lạm phát có thể giảm đà tăng trưởng.
Thế hệ lãnh đạo thứ tư lâm thế kẹt và phải chuyển giao trách nhiệm cải tổ cho thế hệ kế tiếp.

Bây giờ, ba chục năm sau bước ngoặt của Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo Trung Quốc đang gặp thách đố sinh tử: không thể phát triển bền vững và tăng trưởng hài hòa nếu không cải tổ từ kinh tế xã hội lên tới chính trị. Việc chuyển hướng tăng trưởng từ lượng sang phẩm đã được Hội nghị Ban chấp hành thông qua từ tháng 10 năm ngoái, sẽ chỉ được áp dụng trong thực tế sau Đại hội 18.

Từ nay đến đó, làm sao không gặp thêm sóng gió thì đã là may! Nhưng làm sao không gặp được khi đà tăng trưởng sẽ giảm?

Tăng trưởng dưới 8% một năm là có thể khủng hoảng vì không tạo đủ việc làm cho 14 triệu người trẻ đến tuồi đi vào thị trường lao động. Khi lạm phát lại tăng vọt, còn hơn con số chính thức, thì thất nghiệp và vật giá là hai lưỡi dao cùng bén! Nó gợi lại hình ảnh Thiên an môn 1989.
Mà vấn đề không chỉ có hai vế kinh tế, là đạp thắng hay tống ga.

Do nhu cầu tăng chi để kích thích kinh tế vì Tổng suy trầm, hai năm qua các chính quyền địa phương đã vay bừa phứa. Bị hạn chế thì họ lập ra công ty đầu tư giả hiệu để vay tiền ngân hàng của nhà nước. Năm 2008 vay nợ của địa phương là gần 130 tỷ Mỹ kim, qua năm sau thì tăng gấp sáu – gần 900 tỷ – và ngày nay con số thật có thể lên tới một phần ba của Tổng sản lượng Nội địa, gần 2.000 tỷ. Mà vẫn còn tăng, ngày một mạnh hơn. Riêng trong quý một năm nay, các công ty đầu tư của địa phương đã hốt 40% lượng tín dụng mới cấp phát! Hậu quả là nhiều địa phương bị nguy cơ vỡ nợ, cần chính quyền trung ương bơm tiền để chuộc nợ.
Trước khi bàn giao di sản cho lãnh đạo mới, thế hệ Hồ-Ôn phải dọn sạch món nợ thối này!

Ngoài chuyện kinh tế và cơ chế thì hậu quả xã hội của chiến lược phát triển cũ nay đã mười mươi: công nhân đòi tăng lương nếu không thì biểu tình! Và biểu tình lại lan rộng từ thành phần bất mãn về những bất công xã hội hay tham ô cửa quyền qua các thành phần sắc tộc thiểu số. Phản ứng của dân Hồi giáo, Tây Tạng hay Mông Cổ là những thí dụ thời sự. Khi dân bất mãn còn gài chất nổ như vụ Phủ Châu vừa qua tại tỉnh Giang Tây và giới trẻ lại liên kết với nhau để phả mùi hoa nhài từ Trung Đông vào Hoa lục, thì vấn đề hết là kinh tế xã hội mà trở thành chính trị.

Lãnh đạo Bắc Kinh phải vừa đàn áp – thí dụ là chuyện Ngải Vị Vị bị cầm tù và hệ thống Internet bị kiểm soát – vừa mua chuộc, như xét lại và bồi thường các nạn nhân vụ Thiên an môn 1989. Dù vậy, họ vẫn chưa yên tâm. Có thể chính nỗi lo ấy khiến họ phải ngó ra ngoài để “xả sức ép”. Nhu cầu đó lại thỏa mãn đòi hỏi của phe cực hữu Maoist, lẫn các tướng lãnh trong quân đội khi các lãnh tụ đang đấu tranh cho vây cánh sẽ lên nắm quyền sau Đại hội 18.
Đây là những nguyên nhân sâu xa ở bên trong khiến Bắc Kinh bắt đầu quậy sóng Đông hải.

Nó đi ngược với chiều hướng ngoại giao hòa hoãn mà Bắc Kinh bày tỏ từ đầu năm nay, với đỉnh cao là kỳ họp ngày 14 Tháng Tư cùng các nước tân hưng như Ấn Độ, Liên bang Nga, Brazil và Nam Phi, và ngày chín Tháng Năm trong khuôn khổ Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế với Hoa Kỳ.

Từ cùng một sự việc, chúng ta có thể nêu ra hai giả thuyết khác nhau.

Giả thuyết thứ nhất, bi quan hay thực tế, thì coi đó là trò “một đồng một cốt”: cả hai mặt âm dương – hòa hoãn hay hung hăng, Thiện hay Ác – đều thuộc về một thực thể bá quyền. Chế độ muốn có điều kiện tiến hành cải cách thì phải khơi dậy tinh thần dân tộc của quần chúng đối với “bọn xấu nước ngoài.” Nếu tin vào giả thuyết đó thì phản ứng cứng rắn của thế giới sẽ phá vỡ trò ma và càng phơi bày ra nhược điểm sinh tử của chế độ.

Giả thuyết thứ hai, gọi là lạc quan, thì cho rằng mâu thuẫn nội bộ đã bung ra ngoài.
Tức là xu hướng cực hữu và bành trướng ngang nhiên thách đố xu hướng ôn hoà và quốc tế khi phá vỡ chủ trương hoà dịu về đối ngoại bằng những vụ khiêu khích liên tục. Từ bên ngoài, các thành phần phản chiến, ôn hòa hoặc nhu nhược thì có thể thiên về giả thuyết lạc quan ấy. Và cho rằng thế giới – hay Hoa Kỳ – mà càng phản ứng mạnh với thái độ ngang ngược của Bắc Kinh thì càng củng cố thế lực của phe cực đoan. Chi bằng vẫn cố gắng tìm giải pháp hòa dịu và hợp tác để tạo thế mạnh cho xu hướng ôn hoà trong nội tình Hoa lục.

Cho đến nay, nhiều quốc gia có vẻ ngả theo giả thuyết lạc quan vì lo sợ hậu quả của một vụ đối đầu. Các cường quốc hay những nước ở xa có thể tính toán như vậy và rủi ro sai lầm thật ra lại không đến nỗi sinh tử cho họ. Trong quá khứ người ta đã chứng kiến những mâu thuẫn tương tự.
Thí dụ như đợt lạm phát năm 1993 rồi khó khăn nội bộ sau đó khiến Bắc Kinh hung hăng uy hiếp Đài Loan trong cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên vào năm 1996. Với lý cớ là Hoa Kỳ cấp chiếu khán nhập nội cho Tổng thống Lý Đăng Huy dự một phiên họp của hội ái hữu trường Đại học Cornell “với tư cách cá nhân”, Bắc Kinh cho pháo kích qua đầu dân Đài Loan ngay trước ngày họ đi bầu.
Chính quyền Bill Clinton bèn gửi hàng không mẫu hạm tới vùng biển này. Mọi chuyện liền êm. Bắc Kinh đành bắn tiếng vớt vát: “quý quốc có dám hy sinh San Francisco hay Los Angeles để bảo vệ Đài Bắc không?”
Chính là lời dọa nạt đó càng khiến người ta thiên về giả thuyết lạc quan!

Nhưng nước nhỏ ở gần, như Việt Nam hay các lân bang Đông Nam Á, thì phải thận trọng hơn vì họ không có thế mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Úc Đại Lợi. Tuy nhiên, họ cũng biết, hoặc phải biết, là nếu mà lùi mãi thì gặp rủi ro lớn hơn, cho đến khi chủ quyền bị thôn tính trong thực tế: Bắc Kinh sẽ quyết định là những gì thuộc thẩm quyền của mình, từ lưỡi bò, lãnh hải đến tài nguyên nằm sâu dưới đáy biển, đến từng dự án đầu tư của quốc tế hay một mẻ lưới của ngư phủ….

Phi Luật Tân đã biết ra điều ấy khi hồ hởi hợp tác với Bắc Kinh từ cuối năm 2008 và sau đó phải bẽ bàng rút lui và nay cầu cứu Hoa Kỳ! Nhiều nước Đông Á cũng đã thấy như vậy và cùng chờ xem phản ứng của Hoa Kỳ….
Câu hỏi cuối. Việt Nam có thể làm gì trong hoàn cảnh này?

Thật ra, chúng ta có hai vấn đề lồng làm một.
Thứ nhất là vấn đề Trung Quốc của Việt Nam. Nó nằm tại Hà Nội, trong hệ thống lãnh đạo hiện hành. Ta không quên Hà Nội và Bắc Kinh vừa tăng cường hợp tác quốc phòng vào Tháng Tư, một tháng trước khi Đông hải nổi sóng! Và trong khi Bắc Kinh khai thác phản ứng dân tộc – chủ nghĩa Đại Hán – làm lợi thế tuyên truyền và lý do xâm lược, thì Hà Nội lại cấm đoán phản ứng ái quốc của người Việt. Lại còn tiếp tục thực hiện những dự án do Trung Quốc đề xướng và gây bất lợi cho Việt Nam.
Nếu người dân có quyền tự do lên tiếng thì Hà Nội có thêm thế mạnh trong việc đối thoại với Bắc Kinh, nhưng lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam không muốn có thế mạnh đó. Tại sao vậy?

Thứ hai là vấn đề Trung Quốc của thế giới. Nó nằm tại Đông Á, từ eo biển Đài Loan, Điếu Ngư đài xuống tới Hoàng Sa, Trường Sa qua Vịnh Thái Lan đến Vịnh Bengal vào Ấn Độ dương và nó liên quan tới cả chục quốc gia ngoài siêu cường Châu Á là Hoa Kỳ. Các quốc gia trong khu vực đều quan tâm với vấn đề này và muốn có một sự phối hợp trong phản ứng. Đấy là một lợi thế cho Việt Nam vì tạo điều kiện cho sự hợp tác quốc tế để có một tiếng nói chung. Và nhất là tránh cho Việt Nam một sự chọn lựa giả tạo là “theo Mỹ hay theo Tầu”.

Cho nên, muốn tận dụng được giải pháp quốc tế cho một vấn đề của quốc gia, đảng Cộng sản Việt Nam phải dứt khoát với Trung Quốc. Nếu không, người dân phải dứt khoát với đảng. Và đừng quá hãi sợ Trung Quốc!

Ngay giữa khúc quanh cải tổ này, chính Bắc Kinh cũng chẳng muốn gây ra khủng hoảng, hoặc chiến tranh. Họ trông cậy vào sự đớn hèn của các nước chung quanh sẽ giúp họ đạt mục tiêu!
.
.
.

No comments: