Friday, June 17, 2011

Đọc Lại Bài : THAM VỌNG CỦA TRUNG QUỐC TRONG CUỘC TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG QUÁ RÕ RÀNG của TS CÙ HUY HÀ VŨ (VOA)



Huy Phương | Washington, DC
16/06/2011

Hơn một năm trước, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã quả quyết: “[…] dùng vũ lực để chiếm nốt Trường Sa của Việt Nam là vấn đề có tính nguyên tắc đối với Trung Quốc và thực tế cho thấy Trung Quốc đang “chạy nước rút” để đạt mục tiêu này, để nói xung đột quân sự lớn tại biển Đông chắc chắn sẽ nổ ra tại đây, tại Trường Sa, mà Trung Quốc là kẻ châm ngòi.” Các sự kiện Bình Minh 2 và Viking 2 gần đây cho thấy đấy là cái nhìn tỉnh táo và viễn kiến. Và, biết đâu đấy, chính cái nhìn tỉnh táo và viễn kiến ấy lại chẳng góp phần đẩy anh vào tù. Nếu có phép lạ đưa tiếng hô đả đảo Trung Quốc xâm lược, của hai cuộc biểu tình ngày 5/6 và ngày 12/6/2011, vượt qua song sắt nhà tù để đến được tai người tù can đảm ấy, thì hẳn anh sẽ sung sướng biết bao nhiêu, khi thấy những lời tâm huyết của mình nay vang lên dõng dạc, công khai và khí phách trên miệng của hàng ngàn người dân, bất chấp sự đàn áp thô bạo của cường quyền.

Bauxite Việt Nam
----------------------------

Tuần trước, Tiến sĩ Ralf Emmers thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore đưa ra với VOA một số ý kiến về cuộc tranh chấp biển Đông. Tuần này, Tiến sĩ Luật khoa Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội có một số nhận xét về ý kiến của Tiến sĩ Emmers và đưa ra các ý kiến riêng của ông liên quan đến cuộc tranh chấp này.

VOA: Thưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, ông nghĩ thế nào về nhận định “Biển Đông khó trở thành một điểm xung đột lớn ở Đông Á” của Tiến sĩ Emmers?

TS Cù Huy Hà Vũ: Nhận định này của Tiến sĩ Emmers hoàn toàn sai lầm bởi ông xuất phát từ những nhầm lẫn phải nói là rất nghiêm trọng.
Thứ nhất, ông ấy coi Trung Quốc cũng là một quốc gia Đông Nam Á khi nói về phản ứng của các nước Đông Nam Á “khác” trước sự gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc để từ đó cho rằng yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông hay vùng biển Đông Nam Á là có thể hiểu được.
Thứ hai, ông ấy cho rằng chỉ từ khi Trung Quốc chiếm bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) của Philippines bằng vũ lực vào năm 1995 thì Trung Quốc mới thực sự gây lo ngại cho các nước ven biển Đông trong khi hải quân Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa quản lý vào ngày 19/1/1974 và đến tháng 3/1988 lại tiếp tục tiến đánh quần đảo Trường Sa và kết cục đã chiếm được một đảo nhỏ.
Thứ ba, ông ấy cho rằng sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh hải quân của Trung Quốc không trực tiếp liên quan tới tranh chấp biển Đông mà là kết quả từ việc Trung Quốc đang trỗi dậy, trở thành một cường quốc trên thế giới, chủ yếu nhằm bảo đảm sự an toàn các tuyến hàng hải của nước này vận chuyển khoáng sản tự nhiên từ Trung Đông và châu Phi về. Nhận định này bản thân nó đã mâu thuẫn với việc Tiến sĩ Emmers thừa nhận Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Vành khăn của Philippines, đó chưa kể trên thực tế hải quân Trung Quốc tập trung sắm tàu ngầm, tàu đổ bộ, thậm chí có kế hoạch đóng tàu sân bay – những phương tiện chiến tranh mang tính chất tiến công hơn là phòng thủ.
Tôi không cho rằng Tiến sĩ Emmers yếu kém đến mức mắc phải những nhầm lẫn rất không đáng có kể trên. Nghĩa là tôi ngờ Tiến sĩ Emmers đang phục vụ lợi ích của Trung Quốc với vai trò đánh lạc hướng hay ru ngủ sự cảnh giác của các nước ven biển Đông, Việt Nam trước hết, đối với tham vọng thật sự của cường quốc phương Bắc này.

VOA: Như Tiến sĩ nói, tương lai của biển Đông phụ thuộc vào tham vọng của Trung Quốc. Vậy theo ý ông, tham vọng đó là gì?

TS Cù Huy Hà Vũ:
Tham vọng của Trung Quốc biến biển Đông thành bộ phận lãnh thổ của nước này là quá rõ ràng với sơ đồ gồm 9 đoạn hình “lưỡi bò” bao trọn 80% diện tích biển Đông đi sát bờ biển của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines mà họ gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 7/5 năm ngoái, 2009.
Thực ra tôi cho rằng tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc về phương Nam không chỉ dừng lại đó bởi sự bành trướng trên biển Đông suy cho cùng cũng chỉ là bàn đạp để nước này bành trướng trên đất liền. Thực vậy, một khi Trung Quốc đã kiểm soát hoàn toàn biển Đông thì việc đặt các nước ven biển dưới sự đô hộ của họ, trực tiếp hoặc gián tiếp, chỉ còn là vấn đề thời gian.
Điều đáng lưu ý là nếu không có Hoàng Sa và Trường Sa thì sẽ không có cái “lưỡi bò”. Vì vậy Trung Quốc phải chiếm hữu hai quần đảo này của Việt Nam bằng mọi giá và chuyện đó đã xảy ra khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa vào tháng 1/1974 và một phần Trường Sa do vào tháng 3/1988 như trên đã nói tới.
Vì vậy, dùng vũ lực để chiếm nốt Trường Sa của Việt Nam là vấn đề có tính nguyên tắc đối với Trung Quốc và thực tế cho thấy Trung Quốc đang “chạy nước rút” để đạt mục tiêu này, để nói xung đột quân sự lớn tại biển Đông chắc chắn sẽ nổ ra tại đây, tại Trường Sa, mà Trung Quốc là kẻ châm ngòi. Chắc chắn là như vậy.

VOA:
Ông vừa nói Trung Quốc đang “chạy nước rút”, nhưng theo các chuyên viên quốc tế thì Hải quân Trung Quốc chưa thật đủ mạnh để tiến hành một cuộc chiến dài ngày trên biển. Vậy theo Tiến sĩ, vì sao Trung Quốc lại không đợi đến lúc đủ mạnh để chắc chắn thành công trong việc đánh chiếm Trường Sa mà lại “chạy nước rút”?

TS Cù Huy Hà Vũ:
Đúng là hải quân Trung Quốc chưa phải là một cường quốc quân sự trên biển để có thể kết thúc chiến trận trên biển với Việt Nam một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên rất có thể Trung Quốc nghĩ rằng trong vòng dăm năm tới mà họ không chiếm được toàn bộ Trường Sa của Việt Nam thì sẽ không bao giờ chiếm được, đồng nghĩa tham vọng của họ làm chủ biển Đông để từ đó “Trung Quốc hóa” các nước Đông Nam Á sẽ mãi là bong bóng xà phòng!

VOA:
Ông có thể nói rõ hơn vì sao Trung Quốc lại “sốt ruột” đánh chiếm Trường Sa đến như vậy?
TS Cù Huy Hà Vũ: Rất có thể Trung Quốc nghĩ rằng Đảng cộng sản Việt Nam hiện phụ thuộc vào họ hơn bao giờ hết, không chỉ do Trung Quốc có người của họ trong cấp lãnh đạo cao nhất của đảng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đứng vào hàng đầu xếp hạng tham nhũng ở châu Á, mà còn vì Đảng cộng sản Việt Nam không còn sự bảo trợ về ý thức hệ nào khác ngoài Trung Quốc sau khi Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu sụp đổ cách đây hai chục năm, mà sự bảo trợ này là tuyệt đối cần thiết để tiếp tục duy trì vị trí cầm quyền ở Việt Nam.
Nói cách khác, Trung Quốc chỉ có thể đánh chiếm Trường Sa mà không sợ Việt Nam chống trả quyết liệt chừng nào Việt Nam còn do Đảng cộng sản lãnh đạo. Thế nhưng rất có thể Trung Quốc cho rằng tình hình này sẽ không kéo dài vì nạn tham nhũng, quyền lợi của nông dân và ngay cả của công nhân bị hy sinh cho lợi ích của các công ty “sân sau” của giới cầm quyền đã ở mức “báo động đỏ”, thêm nữa người dân ngày càng ít ngoan ngoãn vâng lời đảng bởi Internet đã đưa lại cho họ những sự thật phũ phàng của chế độ chính trị hiện hành…
Ngoài ra, không kể tại thời điểm hiện nay lực lượng phòng thủ biển của Việt Nam là vô cùng yếu kém mà bằng chứng là Quốc hội Việt Nam, một cách vô cùng hài hước buộc ngư dân phải tự bảo vệ mạng sống của họ khi ra khơi, cũng như thay hải quân bảo vệ chủ quyền biển quốc gia. Trong nhiều năm tới Việt Nam dù cố gắng đến đâu cũng khó có thể sở hữu được những phương tiện chiến tranh khả dĩ đánh bại sức mạnh của hải quân Trung Quốc.

VOA: Vậy trước tình hình Trung Quốc quyết bành trướng lãnh thổ ở biển Đông mà trước hết đánh chiếm Trường Sa trong một tương lai gần, Việt Nam có thể đối phó ra sao, thưa ông?

TS Cù Huy Hà Vũ:
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng có thể giải quyết xung đột ở Biển Đông nói chung, với Trung Quốc nói riêng bằng công pháp quốc tế hoặc bằng cách quốc tế hóa xung đột, cụ thể là tìm cách nâng Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 lên thành Bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông có tính ràng buộc nhiều hơn.
Tuy nhiên tôi cho rằng quan điểm trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam là sai lầm chết người vì cha ông ta có câu: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hay cái “lý” luôn thuộc về kẻ mạnh. Thực vậy, giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng đàm phán hoặc bằng toà án quốc tế chỉ có thể diễn ra khi sức mạnh quân sự của hai bên đối địch ở thế cân bằng hoặc xấp xỉ để không bên nào có thể dám chắc sống sót sau cuộc chiến nếu nổ ra, trong khi tương quan lực lượng vũ trang hiện nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Để lấy lại thế cân bằng với nước lớn phương Bắc này, Việt Nam không còn cách nào khác là phải gấp rút hiện đại hoá quân đội nói chung, các lực lượng phòng vệ biển nói riêng như các hợp đồng mua tàu ngầm và máy bay trị giá nhiều tỷ đôla mà Thủ tướng và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký kết với Nga và Pháp thời gian qua cho thấy. Tuy nhiên nhìn về toàn cục thì giải pháp này hoàn toàn không đủ để giúp Việt Nam giành thắng lợi trong hải chiến với Trung Quốc để bảo vệ toàn vẹn Trường Sa.

VOA: Xin ông cho biết lý do vì sao?

TS Cù Huy Hà Vũ: Cơ bản có hai lý do sau đây:
Thứ nhất, dù có tăng tốc mua sắm phương tiện chiến tranh đến mấy thì hải quân Việt Nam cũng không bao giờ có thể bắt kịp hải quân Trung Quốc mà tốc độ hiện đại hoá luôn được duy trì ở mức chóng mặt.
Thứ hai, chi quá nhiều tiền vào quốc phòng ắt đẩy Việt Nam vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc, biến những mâu thuẫn và bất ổn xã hội vốn đã trầm trọng thành những xung đột phá vỡ Nhà nước và xã hội. Tất nhiên trong bối cảnh đó không chỉ Trường Sa mà ngay cả đất liền của Việt Nam tất cả sẽ là mồi ngon cho một cuộc xâm lăng từ phía Trung Quốc.
VOA: Vậy thưa ông, Việt Nam cần làm gì để có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thậm chí nền độc lập quốc gia trước tham vọng của Trung Quốc?

TS Cù Huy Hà Vũ:
Lịch sử cho thấy Việt Nam cộng sản dẫu tự tin đến mấy vào chủ nghĩa dân tộc với học thuyết “chiến tranh nhân dân” cũng không thể chắc chắn giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc nếu không có được liên minh với cường quốc quân sự nào đó. Thực vậy, các cỗ pháo 105 mm và cao xạ của Liên Xô được Trung Quốc chuyển giao và huấn luyện sử dụng là nhân tố quyết định chiến thắng của Việt Minh trước tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ vào năm 1954.
Rồi các tên lửa SAM của Nga đã giúp Hà Nội biến cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ kéo dài 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 thành dấu chấm hết cho sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam mà việc các lực lượng cộng sản tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 là hệ quả tất yếu.
Và cuộc tấn công của 30 vạn quân Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam đầu năm 1979 để ứng cứu Khmer Đỏ bị quân đội Việt Nam đánh tan tác tại Kampuchia, chắc hẳn không bị hất ngược về nơi xuất phát hay dừng ở mức “bài học” theo cách diễn đạt đầy sĩ diện của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nếu Việt Nam không nhanh tay ký Hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô một năm trước đó.

VOA:
Vậy để đối phó thành công với cuộc tấn công quân sự có thể có của Trung Quốc trên biển cũng như trên đất liền, Việt Nam có nên liên minh quân sự với một cường quốc nào hay không?

TS Cù Huy Hà Vũ:
Mới đây Việt Nam đã mua hàng tỷ đô la vũ khí của Nga trong đó có 6 tàu ngầm lớp kilo và việc Nga chuẩn bị xây cho Việt Nam căn cứ tàu ngầm tại cảng Cam Ranh dẫn đến đồn đoán rằng siêu cường quân sự này sẽ quay trở lại Việt Nam với tư cách đồng minh quân sự. Tuy nhiên cá nhân tôi bác bỏ khả năng này vì Nga đang phải căng sức đối phó với các cuộc chiến ly khai ở Bắc Kapkaz cùng lúc với NATO ngày càng áp sát biên giới của cựu thành lũy cộng sản thế giới này. Tóm lại, nước Nga trong quan hệ với phần đông các nước khác đang tự hoàn thiện thành một lái súng chuyên nghiệp.
Pháp chăng? Cũng không nốt, không hẳn vì Pháp đã chính thức “giã từ vũ khí” với xứ cựu Đông Dương từ năm 1954 mà chính vì nước này chưa bao giờ lấy đối đầu với Trung Hoa Cộng sản làm chính sách.
Thành thử chỉ còn Hợp chủng quốc Hoa Kỳ để Việt Nam có thể thiết lập liên minh quân sự, nhất là siêu cường quốc quân sự này là quốc gia duy nhất có chính sách kìm hãm sự bành trướng trên biển của Trung Quốc với sự hiện diện của hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.

VOA:
Sau khi nghiên cứu chính sách của các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ, theo ông, liệu có trở ngại nào cho một khả năng liên minh quân sự giữa Việt Nam và Mỹ, vì trước đây, hai nước có chiến tranh Việt Nam; và bây giờ hai nước có chế độ chính trị có thể nói tuyệt đối khác biệt chẳng hạn?

TS Cù Huy Hà Vũ: Trong mọi quan hệ, cùng có lợi sẽ chơi với nhau, cái lợi càng lớn thì quan hệ càng phát triển, càng bền vững và ngược lại. Liên minh quân sự với Mỹ thì Việt Nam chắc chắn sẽ bảo vệ được Trường Sa nói riêng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nói chung trước mọi cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc và qua đó bảo vệ được nền độc lập của chính mình.
Tất nhiên sẽ có người nói “Đi với Mỹ thì mất Đảng” thì tôi xin thưa rằng nếu Đảng cộng sản Việt Nam thực sự đặt Tổ quốc Việt Nam lên trên hết như Đảng vẫn nói, chắc chắn Đảng sẽ không tiếc mạng sống của mình để Tổ Quốc quyết sinh! Là nói vậy chứ tôi không thấy có lý do gì đi với Mỹ lại mất Đảng cả, bằng chứng là Đảng cộng sản Mỹ hiện vẫn sống khỏe.
Về phía Mỹ, liên minh quân sự với Việt Nam Mỹ sẽ có điều kiện hoàn tất chiến lược quân sự Đông Á của mình, cụ thể là khép kín “vành đai” ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc được cấu thành bởi các liên minh quân sự hiện hữu giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan.

VOA:
Xin cảm ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
H. P.


Đã đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 14/4/2010.
.
.
.

No comments: