Nguyễn Văn Huy
Thứ năm, 16 Tháng 6 2011 13:09
"...Mất đất hay mất biển không phải là ưu tư của những cấp cán bộ đương quyền, bằng chứng là họ vẫn tiếp tục tham nhũng, ăn chơi trác táng và đi du lịch nước ngoài..."
------------------------
Theo dõi những diễn biến gần đây trên Biển Đông, dư luận trong và ngoài nước đều thấy đảng cộng sản Việt Nam đang gặp bối rối. Nên có thái độ nào trước những khiêu khích ngày gia tăng và càng ngày càng trắng trợn của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ?
Nhắc lại, ngày 26-5-2011, ba tàu tuần tiểu Trung Quốc đã tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đang làm việc bình thường trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Hai tuần lễ sau, ngày 9-6-2011, hai tàu tuần tiểu khác và một tàu đánh cá Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam và phá hoại tàu dò tìm địa chấn Viking 02. Trước những khiêu khích này, người ta chờ đợi rất nhiều vào những phản ứng của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Như thường lệ, bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam, lên tiếng phản đối và xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên vùng tranh chấp. Nói chung rất là yếu ớt, một phản ứng không có phản ứng. Không có một triệu tập nào đối với đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Chỉ có một cuộc gặp mặt giữa đại diện bộ ngoại giao Việt Nam và đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để bày tỏ lập trường của phía Việt Nam về sự việc trên. Nắm rõ sự yếu đuối của Hà Nội, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc nói đó là việc làm bình thường và hợp lý ở khu vực biển thuộc thẩm quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và còn yêu cầu Việt Nam tránh tạo ra những sự cố mới.
Ngược lại, phản ứng của dân chúng Việt Nam thì rất rõ ràng: không công dân nào chấp nhận bị Trung Quốc chèn ép mãi. Hàng ngàn thanh niên đã xuống đường biểu tình trước các đại sứ quán tại Hà Nội và tòa tổng lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn trong những ngày 26-5 và 9-6. Dư luận đã rất ngạc nhiên trước sự hăng say và nồng nhiệt của những thanh niên thiếu nữ xuống đường này. Càng ngạc nhiên hơn là nội dung của những biểu ngữ được trưng ra: "Dậy mà đi, núi sông đang gọi", "Trường Sa và Hoàng Sa là máu của Việt Nam", "Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam", "Phản đối đường lưỡi bò phi pháp", "Công lý và hòa bình trên Biển Đông", "Phản đối Trung Quốc gây hấn", "China hàng xóm to xác xấu tính", v.v.
Nhớ lại ba năm trước đây (2008), bà Phạm Thanh Nghiên và các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, Phạm Văn Trội đã chỉ treo biểu ngữ: "Trường Sa và Hoàng là của Việt Nam" trước cửa nhà mình và trên một thành cầu nhỏ ở Hà Nội đã bị hành hung và bị kết án nặng nề (đến hôm nay vẫn còn ngồi tù).
Quan sát kỹ hơn, giới thông thạo tin cho biết những người biểu tình đã chỉ phản ứng khi được cho phép, điều này càng củng cố nguồn tin hậu trường là do đoàn thanh niên cộng sản tổ chức. Một vài thí dụ cụ thể, những cuộc biểu tình này đã không được hỗ trợ và không được tiếp tục trong những ngày kế tiếp, chúng chỉ được diễn ra trên một vài khu vực nhất định và đã tự kết thúc khi hết giờ làm việc của cán bộ an ninh giữ gìn trật tự. Qua những hình ảnh được phổ biến trên mạng internet, chỉ những biểu ngữ viết tay trên giấy A3 có vẻ tự nhiên, còn những biểu ngữ căng trên các băng vải (banderole) đỏ với những dòng chữ vàng ngay ngắn như "Trung Hoa vĩ đại xử sự tầm thường", "Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam", "Trung Quốc hãy thực hiện tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông"... có vẻ như đã được chuẩn bị sẵn từ trước, do đó mang tính gượng gạo. Tại sao chính quyền cộng sản không công khai đứng ra tổ chức chống Trung Quốc mà núp bóng "sự phẫn nộ của dân chúng bất mãn" ? Đó là một câu hỏi cần làm sáng tỏ.
Cách đây một năm cũng đã xảy ra một trường hợp tương tự, khi tàu thuyền đánh cá Việt Nam bị hải quân Trung Quốc bắn giết và tịch thu dụng cụ đánh cá, Hà Nội cũng đã làm ngơ cho dân chúng bất mãn xuống đường phản đối, khi Bắc Kinh ngừng bắt giữ ngư dân và ngừng xâm phạm lãnh hải Việt Nam thì những cuộc xuống đường cũng ngừng. Những dẫn chứng cụ thể này cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam đã chỉ núp sau phản ứng của dân chúng bất mãn để làm áp lực với Trung Quốc, chứ không dám bày tỏ trực tiếp sự bất mãn.
Những giải thích sau đó của các cấp chính quyền hay giới chức chuyên ngành về những vi phạm lãnh hải của Trung Quốc càng không thuyết phục được ai. Người ta có cảm tưởng như chính quyền cộng sản Việt Nam đang sợ sệt một cái gì đó. Tất cả mọi giải thích của các cấp chính quyền, kể cả những người đã thôi nắm giữ những chức vụ quan trọng, viện dẫn đủ mọi lý do để biện bạch cho sự hèn nhát của mình trước những hành vi xâm phạm lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc hơn là lên án trực tiếp.
Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 7-6-2011, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng "việc tàu chấp pháp của nước ngoài vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam để hoạt đông mang tính chất pháp luật là hiếm có trong quan hệ trên biển. Việc này vừa gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam vừa là một hành động bạo lực dưới danh nghĩa dân sự". Trước hành động khiêu khích của tàu chiến Trung Quốc xâm nhập vào hải phận và cắt dây cáp dò tìm địa chấn của tàu dân sự Bình Minh 02, không ai hiểu ông ta muốn nói gì và chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào.
Trước đó, ngày 6-6-2011, trả lời Nguyễn Hưng, phóng viên vnexpress, ông Trần Công Trục, cựu trưởng ban biên giới chính phủ, giải thích như sau: "Trung Quốc đang thử thách lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng từ phía các lực lượng Việt Nam. Chỉ cần mình mất tỉnh táo, bình tĩnh, sử dụng vũ lực thì họ sẽ lấy cái cớ đó để tiến hành các hoạt động ở mức độ quân sự. Cái quan trọng nhất là chúng ta phải bình tĩnh, kiềm chế, tiếp tục hành xử đúng theo quy định, thủ tục pháp lý. Nếu mình làm đúng như vậy thì lẽ phải thuộc về mình, khống có gì phải sợ". Không ai hiểu chính sách nín thở qua sông của chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay nhắm vào mục đích gì ?
Qua những giải thích vừa kể, mọi người ta đều thấy chính quyền cộng sản Việt Nam sợ Trung Quốc: sợ bị chiếm thêm đất đai và lãnh hải. Nỗi sợ này không phải mới đây, nó bắt đầu từ năm 1956 khi Hồ Chí Minh ban hành chính sách dân tộc tự trị (bắt chước chính sách dân tộc tự trị của Trung Quốc): các sắc tộc thiểu số sinh sống dọc vùng biên giới phía Bắc đã đồng loạt ký kết những hiệp ước xin sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Trong thời gian xây dựng tuyến đường sắt xuyên biên giới tại Lạng Sơn trong thập niên 1960, ải Nam Quan đã lọt vào tay Trung Quốc. Sau cuộc chiến biên giới 1979, phần lãnh thổ của Việt Nam trên thác Bản Giốc đã bị Trung Quốc chiếm hữu, quần đảo Hoàng Sa bị chiếm năm 1974, nhiều đảo và đá chìm trên quần đảo Trường Sa bị chiếm trong các năm 1988 và 1992. Năm 2010, Bắc Kinh tuyên bố Biển Đông là vùng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và đưa ra đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) chiếm hơn 80% Biển Đông để mô tả yêu sách của Trung Quốc trên vùng biển Đông Nam Á, trong đó bao gồm toàn bộ thềm lục địa Việt Nam. Còn gì để nhân nhượng ?
Cũng nên biết vào cuối tháng 4-2010, các tàu tuần tiểu của Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh hải và đã bị tàu chiến và máy bay chiến đấu Malaysia rượt đuổi liên tục trong suốt 17 giờ và phải bỏ chạy. Hai tháng sau, các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải và đã bị hải quân Indonesia bắt giữ và chỉ được trả tự do sau khi cam kết không vi phạm lãnh hải của Indonesia nữa. Đầu tháng 3 năm nay, các tàu đánh cá và tuần tiểu Trung Quốc lỡn vỡn quanh khu vực đảo Palawan đã bị hải quân và không quân Philippines xua đuổi ra khỏi khu vực. Những vi phạm lãnh hải này không phải tình cờ, Trung Quốc đang dò thám khả năng phong thủ và quyết tâm của từng quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Trừ Việt Nam, các tàu thuyền Trung Quốc đều rút lui khi gặp phản ứng.
Không biết thái độ khiếp nhược trước Trung Quốc này là một chính sách của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam hay chỉ là chủ trương của một vài người có quyền thế trong nội bộ đảng cộng sản? Cho đến nay không một ai trong ban lãnh đạo đảng và nhà nước công khai lên tiếng chống đối Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam, kể cả những cấp chỉ huy công an và quân đội đương nhiệm. Sự im lặng trước sự chèn ép ngày càng leo thang của Trung Quốc rất là khó hiểu.
Biển lặng trước cơn giông? Chắc chắn là không, vì trong thực tế không ai quan tâm đến chuyện này. Mất đất hay mất biển không phải là ưu tư của những cấp cán bộ đương quyền, bằng chứng là họ vẫn tiếp tục tham nhũng, ăn chơi trác táng và đi du lịch nước ngoài. Công an và quân đội vẫn tiếp tục làm kinh doanh, ngành an ninh vẫn tiếp tục khống chế và bắt bớ người khác chính kiến. Sự im lặng này rất không bình thường vì nếu Việt Nam lọt vào quỹ đạo khống chế của Trung Quốc, sẽ không còn ai có thể muốn làm gì thì làm, kể cả những cấp lãnh đạo đương quyền chấp nhận sự khống chế của Trung Quốc.
Chỉ những người đã rời khỏi bộ máy đảng và nhà nước, tức những người đang nghỉ hưu không còn gì để mất, mới dám lên tiếng phản đối:
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu trung tướng và cựu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1987, nói: "Tôi cho là nhu nhược ! Chúng ta quá nhu nhược cũng lại quá tin vào những lời của những người Trung Quốc nói. Quá tin vào 16 chữ vàng và 4 tốt của họ ("Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai"), họ cứ việc lấn tới mà chúng ta thì không đấu tranh. [...] Ta có đầy đủ tư liệu, cứ liệu lịch sử cũng như pháp lý có giá trị mà không đưa ra công khai cho thế giới biết...".
Ông Nguyễn Quốc Thước, cựu đại biểu quốc hội ba nhiệm kỳ và cựu ủy viên trung ương đảng, nhận xét: "Thái độ của nhà nước mình qua bà Phương Nga chưa đủ sức mạnh để phản đối một cách mạnh mẽ hơn. Cái này phải là tiếng nói của đảng, của nhà nước, tiếng nói của các đoàn thể, các nhà khoa học, các nhà trí thức, các nhà yêu nước. 84 triệu dân phải có thái độ kiên quyết là không thể chấp nhận nó xảy ra như vậy. [...] Không những chính sách mềm mỏng trong ngoại giao khiến Trung Quốc có cơ hội lấn lướt Việt Nam mà từ lâu nước này đã dùng con bài kinh tế và mua chuộc quan chức cao cấp để lũng đoạn nhà nước Việt Nam. Vụ khai thác bauxite là một ví dụ thật lớn vẫn âm ĩ cháy bỏng trong lòng người dân và trí thức...".
Ông Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo Lao Động, cho biết: "[...] Chuyện nó gây hấn mình liên tục như vậy (mà mình vẫn) tự nhiên cho nó thuê đất rừng. Nghe thấy thật quái lạ . Rồi những nhà máy điện cũ mèm nó sắp vất đi thì nó tháo ra nó bán cho mình... Nhập siêu với Trung Quốc là một hình thái tấn công kinh tế để giữ con át chủ bài của Bắc Kinh. Ngày nào Việt Nam còn lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế thì ngày ấy khó lòng cho một kế hoạch tự chủ về chính trị cũng như chính sách đối ngoại với nước này".
Sự dung dưỡng cán bộ nhà nước, quân đội và công an làm ăn với Trung Quốc dẫn đến tình trạng bị mua chuộc hay móc ngoặc của Trung Quốc nhằm tiêu diệt sức chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại mọi sinh hoạt của đất nước, không một nơi quan trọng nào không có bàn tay của Trung Quốc nhúng vào, từ trung ương đến địa phương, từ các cấp đảng ủy trung ương đến các cấp đảng ủy địa phương, từ công an đến quân đội, tất cả đều bị mua chuộc. Các công ty Trung Quốc đã trúng thầu gần hết những đại chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở, từ các công trường xây dựng đường sá, cầu cống, phi trường, bến cảng, điện nước đến trồng cây gây rừng, xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu và hàng hóa tiêu dùng. Đó là chưa kể cán bộ, công nhân Trung Quốc ồ ạt ra vào lãnh thổ Việt Nam như chốn không người, không ai biết đó là quân nhân hay công nhân dân sự. Nói chung các công ty Trung Quốc đang làm chủ gần như toàn bộ sinh hoạt kinh tế của Việt Nam, trong đó có sự đồng lõa và ăn chia với các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam.
Cố gắng khống chế Việt Nam không phải tình cờ. Nó bắt nguồn từ một quá khứ xa xưa, từ thời Hùng Vương lập quốc đến nay vẫn không thay đổi. Việt Nam là địa bàn bảo vệ an ninh phía nam Trung Quốc. Từ xưa đến nay, Việt Nam luôn là địa bàn nương náu an toàn của những người chống đối Thiên triều. Nếu lôi kéo được Việt Nam vào quỹ đạo của mình, Bắc Kinh sẽ yên tâm phát triển ba khu vực khác tại miền Bắc, miền Đông và miền Tây.
Riêng về khu vực phía Nam, Bắc Kinh đang xây dựng con đường chiến lược Bắc Nam, từ Vân Nam - Quảng Tây xuống vịnh Thái Lan qua Lào và Kampuchia, nhằm vận chuyển hàng hóa và nguyên nhiên vật liệu. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào con đường này, tất cả những sắc tộc thiểu số sinh sống quanh trục lộ giao thông này đều được mua chuộc sự trung thành. Yếu tố không kiểm soát được là Việt Nam, vì từ trước đến nay Việt Nam vẫn là một thế lực khu vực đã từng khống chế và thu phục các sắc tộc sinh sống dọc con đường chiến lược này tại Lào và Kampuchia.
Những biến động gần đây trên Biển Đông chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế về việc xây dựng con đường chiến lược Bắc Nam này. Gần như toàn bộ khu vực tỉnh Phongsali phía đông bắc Lào đã nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc. Tất cả những công ty khai thác gỗ rừng và xây dựng nhà cửa trong tỉnh này đều là của Trung Quốc. Để giữ gìn và chia chác quyền lợi về lâu về dài trong khu vực này, Bắc Kinh đã biết hợp tác với một số thương gia Đài Loan để cùng khai thác khu vực. Quyền lợi ở đây phải hiểu là nguồn cung cấp á phiện mà các tổ chức vệ tinh buôn lậu của Quốc Dân Đảng Trung Hoa nắm giữ từ 1949 đến nay. Để tránh tiếng tham dự trực tiếp vào khu vực rừng núi tại Việt Nam và Lào, Bắc Kinh đã nhường cho người Đài Loan, qua công ty InnovGreen, trực tiếp đầu tư vào các khu vực rừng núi chiến lược dọc vùng biên giới để một mặt theo dõi mọi động tịnh quân sự của Việt Nam và mặt khác lôi kéo các sắc tộc sinh sống trong khu vực này vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.
Qua những hành vi lấn áp Việt Nam trên Biển Đông, Bắc Kinh đang tìm cách cô lập Việt Nam nhằm ép ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam làm theo ý mình, nghĩa là nhượng quyền khai thác nguyên nhiên vật liệu tại khắp nơi trên lãnh thổ cho Trung Quốc. Không riêng gì bauxite và dầu khí, Bắc Kinh còn muốn độc quyền khai thác các nguồn thủy điện, than đá và nguyên liệu khác tại Việt Nam.
Trước viễn tượng biến Việt Nam thành một chư hầu, phản ứng của dân chúng Việt Nam rất là yếu ớt, nếu không muốn nói là không có. Đảng cộng sản Việt Nam đã kiểm soát và khống chế mọi phương tiện thông tin, giới trẻ Việt Nam đã gần như bị trói tay, thành phần trí thức vẫn còn ngái ngủ. Nếu không có sự tiếp sức của những người trong guồng máy cầm quyền đương thời, mọi đấu tranh đòi tự do dân chủ sẽ bị dập tắt.
Cuộc đấu tranh này không phải chỉ dành riêng cho một ai, nó phải là cuộc đấu tranh chung phục hồi lại niềm tự hào của đất nước, trong đó phải có sự tham gia của những người cộng sản. Trong giai đoạn này, những người còn đứng trong đảng cộng sản phải chọn lựa, hoặc im lặng cúi đầu phục tùng những cấp lãnh đạo đang bán rẻ quyền lợi của đất nước cho Trung Quốc, hoặc đứng về phía những người muốn xây dựng lại niềm tự hào dân tộc trước sự đe dọa của ngoại bang.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đứng về phía những người muốn phục hồi lại niềm tự hào của một dân tộc độc lập dám bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Nguyễn Văn Huy
.
.
.
No comments:
Post a Comment