Friday, June 17, 2011

KHI CHÍNH QUYỀN SỢ DÂN (Radio Đáp Lời Sông Núi)



Radio Đáp Lời Sông Núi
June 17, 2011

Sau 2 cuộc xuống đường hào hùng của hàng ngàn thanh niên sinh viên học sinh trên đường phố Sài Gòn và Hà Nội, lác đác trên các trang mạng đấu tranh cho dân chủ có những bài viết bày tỏ thái độ buồn bã và chán chường trước sự thờ ơ của dân chúng trong ngày hôm đó.

Có lẽ không nên có tâm trạng buồn như thế. Người dân VN đã sống dưới một chế độ độc tài chuyên chính, bị bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận và kể cả quyền tự do đi lại suốt 60 năm qua. Lực lượng công an VN là những đệ tử xuất sắc của mật vụ Liên Xô, Trung Cộng về thủ đoạn đàn áp, chia rẽ và khủng bố tinh thần những người đối kháng.

Sống trong một xã hội tàn bạo như thế, nỗi sợ hãi là điều ám ảnh và hằn sâu trong tâm thức của người dân Việt. Và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hách dịch và quan liêu trong giới quan chức và công an Việt Nam. Chỉ vì họ biết rằng người dân sợ họ, sợ những thủ đoạn khủng bố của họ.

Thêm vào đó, người Việt lại vốn coi trọng tình máu mủ, họ hàng thân thuộc và bạn bè. Nắm được tâm lý đó, lực lượng an ninh VN áp dụng thêm thủ đoạn trấn áp các thân nhân đó để làm lung lay ý chí của những người đối kháng.

Chính vì thế, muốn tham gia xuống đường thì điều đầu tiên là phải chiến thắng được nỗi sợ hãi như nhiều người đã tâm sự sau khi tham gia 2 cuộc biểu tình vừa rồi. Đừng tưởng rằng lực lượng an ninh không sợ đám đông. Cuộc biểu tình của đồng bào Thượng ở Tây Nguyên vào năm 2007 và cuộc nổi dậy vào cuối tháng Tư của người H'mong ở Điện Biên là hai vụ điển hình.

Trong cả hai vụ đó, toàn bộ công an đã bỏ chạy trước khí thế hừng hực của đám đông. Đó là lý do tại sao mà nhà cầm quyền Hà Nội phải nhanh chóng đưa quân đội tiến vào trấn áp. Và trong vụ bạo động mới nhất tại thành phố Phan Thiết vào Chủ nhật 12/6 vừa qua, hơn 100 tên công an cũng không sao chế ngự được đám đông lên đến cả ngàn người.

Những đồng bào đó rõ ràng là đã chiến thắng được nỗi sợ hãi trong lòng. Họ biết rõ là những điều mình sắp làm có thể dẫn đến những nguy hiểm cho cá nhân và gia đình mình. Nhưng họ không thể khoanh tay đứng nhìn những bất công và áp bức cứ diễn ra hằng ngày trước mắt mình. Họ cũng biết rõ là người ta chỉ lớn khi biết đứng thẳng dậy, chứ không phải khom lưng quỳ gối trước người khác.

Và đó là điều mà đảng cộng sản VN đang sợ. Họ sợ những người dân thấp cổ bé miệng mà họ chèn ép bấy lâu nay sẽ đứng thẳng dậy, sẽ nắm tay nhau đi tới trước mặt những tên công an để thách thức bọn chúng bắt giam họ. Không nhà tù nào có đủ chỗ để canh giữ cả ngàn người tự nguyện ở tù như thế. Không một chế độ nào có đủ công an mật vụ để canh giữ hàng triệu người cùng một lúc.

Tổng thống Thomas Jefferson của Hoa Kỳ có một câu nói rất nổi tiếng: "Khi người dân sợ chính quyền thì đó là độc tài. Khi chính quyền sợ dân thì đó là dân chủ".

Đúng như thế. Khi người dân Việt chiến thắng được nỗi sợ thì đảng cộng sản VN phải tự động giải thế vì họ không thể nào chống chọi được trước sức mạnh của muôn người như một. Người dân Đông Âu đã làm được điều đó hơn 20 năm trước đây. Người dân Bắc Phi và Ả Rập đang làm điều đó suốt mấy tháng qua. Và mới đây người dân Phan Thiết đã chứng minh cho giới công an thấy điều đó.

Nhà cầm quyền có thể sẽ nổ súng tàn sát đồng bào mình, nhưng họ sẽ không thoát khỏi sự truy nã của các tòa án thế giới. Không ai muốn thấy điều đó, nhất là đối với một dân tộc tuy bất khuất nhưng vô cùng hiếu hòa như dân Việt.

Nhưng điều quan trọng nhất là, không một cuộc cách mạng nào có thể thành công nếu không có sự tham gia của những người trí thức, mà người Việt ngày xưa gọi là những kẻ sĩ. Những kẻ sĩ ngày xưa tuy hấp thụ sâu đậm nền văn hóa Trung Hoa nhưng cũng là những người khởi xướng các cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Hán. Không lẽ dân tộc VN bây giờ không còn có những kẻ sĩ hào hùng như các thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn... hay sao?

Chắc chắn là không. Hãy tin rằng có rất nhiều người đang khắc khoải trước vận mệnh đất nước, nhưng họ vẫn chưa chiến thắng được nỗi sợ hãi!

Hãy tin rằng, vận nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng "hào kiệt thời nào cũng có"!



.
.
.

No comments: