Thursday, June 2, 2011

NHỮNG CON "CÁ SẤU" MỘT THỜI NGANG DỌC TRÊN SÔNG LÒNG TẢO (Người Việt)

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Wednesday, June 01, 2011 4:57:33 PM

“Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Ðịnh-Ðồng Nai thì về”

Câu hò của đồng bào miền Nam mô tả hai nhánh sông bắt đầu tách đôi từ sông Sài Gòn, ngay ngả rẽ ở mũi Nhà Bè, là sông Soài Rạp và sông Lòng Tào (còn gọi là Lòng Tảo).
Riêng Lòng Tào, con sông này là hải lộ huyết mạch dẫn vào cảng Sài Gòn. Tất cả thuyền bè, chiến hạm của hải quân, thương thuyền quốc tế, ghe chở hàng từ phao zero ngoài cửa biển Cần Giờ, đều dùng sông Lòng Tào để vào các cảng của thủ đô Việt Nam Cộng Hòa.

Thiềng Liềng, Ngã Ba Dàng Xây, Tắc Ông Nghĩa, Ðập Ðá Hàn, Ngã Ba Ðồng Tranh... là những địa danh tiêu biểu và là nơi đồn trú của các đơn vị Ðịa Phương Quân với cấp số đại đội. Trên sông, các giang thuyền của hải quân cùng với các toán Người Nhái tuần thám ngày đêm để bảo vệ an ninh hải lộ. Trên không, trực thăng võ trang được huy động trong các phi vụ không yểm, đổ quân và tải thương. Và cả pháo binh nữa, các khẩu đội 105 ly được tăng phái cho Ðặc Khu Rừng Sát. Ngoài ra, còn có Tiểu Ðoàn 359 trách nhiệm lưu động khắp lãnh thổ của đặc khu.
Huy hiệu của Ðặc Khu Rừng Sát là con cá sấu ngoi trên mặt sông, miệng há to và xa xa là ngọn hải đăng chiếu sáng hướng dẫn tầu bè ra vào sông Lòng Tào.

Trên website của những chiến sĩ Rừng Sát, người ta đọc thấy bốn câu thơ:

Cá Sấu bây giờ anh ở đâu?
Hãy kể nhau nghe kỷ niệm đầu
Bởi “Tháng Tư Ðen” tàn mộng ước
Xin giữ tình nhau để quên sầu.

Huy hiệu Ðặc Khu Rừng Sát.

Trong buổi dạ tiệc “Hội ngộ Ðặc Khu Rừng Sát” diễn ra tối Chủ Nhật, 29 tháng 5 tại nhà hàng Seafood World ở thành phố Westminster miền Nam California, cựu Thiếu Tá Trương Văn Cảnh, đã sửa lại bốn câu thơ trên để thích hợp với không khí buổi hội ngộ:

Cá Sấu bây giờ anh ở đây!
Hãy kể nhau nghe kỷ niệm đầy
Bởi “Tháng Tư Ðen” ta hiểu được
Ai người tâm huyết với non sông.

Nhắc đến Rừng Sát không thể quên những vị từng giữ các chức vụ chỉ huy đặc khu này như Phó Ðề Ðốc Diệp Quang Thủy, Hải Quân Ðại Tá Lê Hữu Dõng, Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Nghĩa, Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng 359 Vĩnh Kham, Ðại Úy Phạm Bá Tư, Ðại Úy Lê Bá Phước, Ðại Úy Ðặng Ðình Hỷ, Trung Úy Nguyễn Thanh Long, Trung Úy Lê Bá Diệp, Thiếu Úy Phan Sơn; các chiến sĩ Bá, Tín, Sự, Võ Văn Mỹ...

Chỉ huy trưởng cuối cùng của Ðặc Khu Rừng Sát trước khi miền Nam rơi vào tay cộng sản ngày 30 tháng 4, 1975, là Ðại Tá Cổ Tấn Tinh Châu, một sĩ quan xuất thân từ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.

Trong lời chào mừng các chiến hữu Rừng Sát tại buổi tiệc hội ngộ, Ðại Tá Cổ Tấn Tinh Châu ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của những con “Cá Sấu Rừng Sát” và nhấn mạnh, anh em vẫn cần tiếp tục sát cánh bên nhau và cùng đồng bào tiếp tay với quốc nội để quyết tâm giải trừ chế độ cộng sản hiện còn cai trị tại quê nhà Việt Nam.
Một người chưa bao giờ khoác áo lính nhưng từng có nhiều gắn bó với các đơn vị của Ðặc Khu Rừng Sát là Trần Văn Bá. Sau tháng 4, 1975, Trần Văn Bá đã hy sinh vì lý do giải trừ chế độ cộng sản.

Ngày 8 tháng 1 năm 1985, nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội tuyên án tử hình ba chiến sĩ phục quốc thuộc Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam. Ðó là các chiến sĩ Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch và Trần Văn Bá.

Cựu Ðại Tá Cổ Tấn Tinh Châu kêu gọi anh em sát cánh để góp phần giải trừ chế độ cộng sản tại Việt Nam

Trần Văn Bá là chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris trong nhiều nhiệm kỳ, từ năm 1973 đến 1980. Trong suốt mùa Hè năm 1973, từ Pháp, Trần Văn Bá tổ chức một chuyến về thăm quê nhà cho sinh viên du học tại Pháp và Âu Châu. Trần Văn Bá có mặt hầu hết trong các hoạt động của thanh niên sinh viên mùa Hè năm đó, từ những đêm hát cộng đồng, đi công tác ủy lạo chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại các tiền đồn ở Quảng Trị, Bastone, Rừng Sát, cho đến cứu trợ nạn nhân chiến tranh. Những ngày tháng đó, Trần Văn Bá thường mặc chiếc áo lính mà anh xin được của một binh sĩ tại Ðặc Khu Rừng Sát và đem theo chiếc áo khi quay trở lại Pháp. Không biết sau này, khi anh về khu chiến phục quốc, chiếc áo lính bạc mầu đó có được theo chân Trần Văn Bá hay không?

Trong buổi tiệc “Hội ngộ Rừng Sát,” những kỷ niệm với Trần Văn Bá tại Ðặc Khu Rừng Sát cũng đã được nhắc tới. Buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí thật cảm động, ngoài những quân nhân từng phục vụ trước kia tại Rừng Sát, còn có sự hiện diện của một số chiến hữu thuộc các binh chủng Biệt Ðộng Quân, Nhẩy Dù, những người từng chia máu và mồ hôi với nhau trên từng khúc sông, từng ven suối, từng mảnh đất, từng bầu trời đã ghi dấu một thời gian nan chinh chiến. Và cùng say sưa hát cho nhau nghe những ca khúc viết về tâm tình người trai thời ly loạn.
Ðêm dần khuya, buổi tiệc sắp tàn, những chiến binh một thời trai trẻ nay tóc đã nhuốm bạc, vòng tay siết chặt, nhìn trong mắt nhau chút ngấn lệ, hẹn nhau đường trường sông núi mai sau ngày sum vầy.

.
.
.

No comments: