Thursday, June 2, 2011

HỘI VAHF HOÀN TẤT ĐỢT PHỎNG VẤN KỲ 5 CHƯƠNG TRÌNH 500 LỊCH SỬ TRUYỀN KHẨU



(06/02/2011) 

- 72 lịch sử truyền khẩu thâu thập được tại New Orleans, nâng tổng số đã phỏng vấn lên 420.
- Đồng hương New Orleans gồm đủ thành phần chia sẻ, ngoài kinh nghiệm tị nạn và định cư, còn là tái thiết sau Katrina 2005 và phấn đấu sau vụ dầu tràn BP 2010 tại Vịnh Mexico.
- Phỏng vấn bà Kimberly Ngọc Trần, em gái Tướng Lê Văn Hưng về cái chết của vị tướng tuẫn tiết vào tháng 4, 1975.
- Đợt phỏng vấn cuối cùng sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 tại Denver, Colorado.

Hội Bảo Tồn Lịch sử và Văn hoá Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation – VAHF) vửa hoàn tất đợt phỏng vấn tại New Orleans, LA, kéo dài từ ngày 15 đến 21 tháng 5, 2011, thu thập tổng cộng 72 câu chuyện di dân có thu hình của các đồng hương thuộc nhiều thành phần tôn giáo và nghề nghiệp của cộng đồng người Việt tại đây, nâng tổng số phỏng vấn lên 420.

Đây là đợt phỏng vấn qui mô lần thứ năm của hội VAHF cho chương trình 500 lịch sử truyền khẩu (500 Oral Histories Project), nhằm xây dựng một chương sử về người Mỹ gốc Việt với các dữ kiện lịch sử và kinh nghiệm bản thân của họ trong thời gian chiến tranh, về hành trình đi tìm tự do và những khó khăn của những ngày đầu của cuộc sống mới. Bốn đợt phỏng vấn trước đã diễn ra tại San Jose, Bắc California; Washington, D.C.; Westminster, Nam California; và Houston, Texas.

Đặc biệt tại New Orleans, các cuộc phỏng vấn cũng còn ghi lại kinh nghiệm đặc thù của cộng đồng người Việt tại New Orleans qua hai biến cố cũng “đổi đời” không kém với hai cuộc di cư 1954 và 1975 của nhiều nhân vật được phỏng vấn, đó là trận bão Katrina tiếp theo là vụ đê vỡ năm 2005 và vụ dầu rò của hãng British Petroleum tại Vịnh Mexico năm ngoái.

Các buổi phỏng vấn diễn ra tại ba địa điểm, Giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam, còn được gọi là làng Versailles, và Trung Tâm Phật Giáo Vạn Hạnh bên New Orleans East, và tại tòa nhà Executive Square bên West Bank. Chương trình đã được sự hỗ trợ và tiếp đón nhiệt thành của các nhân vật và đoàn thể tại địa phương mặc dù sự hoài nghi của vài người, kết quả của một nguồn tin không chính xác, song sau đó đã được giải toả. Riêng ông bà Huỳnh Triệu Long đã nhận cho phái đoàn phỏng vấn tá túc, ngoài cơm nước lại còn cho mượn xe để di chuyển trong suốt thời gian công tác nữa. Khi phái đòan phỏng vấn ngỏ lời cám ơn, ông bà Long gạt đi, nói: “Chúng tôi cám ơn các chị không hết vì đã bỏ thì giờ làm công việc rất quan trọng cho cộng đồng này.”

Ngoài việc phỏng vấn, hội VAHF cũng đã tham gia đại hội hàng năm của các giáo sư và các nhà nghiên cứu về môn sử người Mỹ gốc Á (AAAS), được tổ chức, cùng thời gian với chương trình phỏng vấn, tại khách sạn Sheraton, New Orleans. Mục đích của hội VAHF là nhằm đưa chương trình 500 lịch sử phỏng vấn tới tay những nhà nghiên cứu, đặc biệt là các giáo sư đang dạy các môn sử người Mỹ gốc châu Á tại các đại học Hoa Kỳ.

Trong dịp này, Ginnie Nguyễn, một thiện nguyện viên của VAHF, hiện đang làm luận án tiến sĩ về nhân chủng học tại Đại học Oregon, giáo sư Linda Ho Peché, bà Triều Giang Nancy Bùi, hội trưởng VAHF, và Jason Wang, giám đốc điều hành chương trình 500 phỏng vấn lịch sử, đã giới thiệu những kết quả của chương trình trong phần thảo luận vể sử người Mỹ gốc Đông Nam Á. Chương trình được sự hưởng ứng đặc biệt của giới nghiên cứu, đặc biệt về những kinh nghiệm của phụ nữ trong chiến tranh Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực mà hội VAHF luôn nhắm tới để đưa chương sử người Mỹ gốc Việt vào các Đại học Hoa kỳ.

Vài nét sinh hoạt của hội VAHF

Khởi sự từ năm 2008, chương trình 500 lịch sử  phỏng vấn, dưới sự điều động của hội Bảo tồn Văn hoá và Lịch sử Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF), hình thành cùng lúc với sự ra đời của lớp lịch sử và văn hoá người Mỹ gốc Việt tại Trung tâm Nghiên cứu Người Mỹ gốc Á thuộc trường Đại học Texas tại Austin (UT). Lớp học này hiện là một một lớp bắt buộc (requirement) đối với các sinh viên chọn học cử nhân về ngành này. Chương trình phỏng vấn cũng đã nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu Người Mỹ Gốc Á tại trường UT, như việc soạn thảo chương trình phỏng vấn và bản câu hỏi, và đòi hỏi các sinh viên theo lớp học Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt phải thực hiện các cuộc phỏng vấn như một phần của môn học.
Song song với chương trình phỏng vấn, hội VAHF cũng đồng thời xúc tiến thực hiện một phim tài liệu, tựa tạm thời là “Viet’s Story”, hiện do Eric và Kris Pham thuộc công ty Phame Factory thực hiện. Độc giả có thể vào Web link này để xem đọan phim 11 phút giới thiệu chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn, tại
Được biết toàn bộ chương trình phỏng vấn, kể cả cuốn phim tài liệu, ước tính tốn kém khoảng trên 200 ngàn Mỹ kim. Trong quá khứ, hội VAHF đã có những sinh hoạt gây quỹ với thành quả khiêm tốn. Tuy nhiên, vào mùa hè năm ngoái, chương trình phỏng vấn đã nhận được sự tài trợ tích cực của Liên hội Sinh viên Việt Nam tại Bắc Mỹ, với số tiền là 59,000 Mỹ kim, do các sinh viên thuộc 119 trường đại học gây quỹ và quyên góp được từ đầu năm nay, qua một chiến dịch tựa là “Chương Sử Của Chúng Ta - Lịch sử người Mỹ gốc Việt do cha anh kể lại, giới trẻ bảo tồn” (Chapters of Us – Vietnamese American History: Told by the Old, Preserved by the Young). Ngân quỹ này hiện được dùng vào các chi phí di chuyển và ăn ở cho các đợt phỏng vấn.

Ngoài ra, tại các địa điểm phỏng vấn, hội VAHF cũng đã nhận được đề nghị tổ chức gây quỹ của một số nhân vật và hội đoàn địa phương để hoàn tất phim tài liệu kể trên, cũng như phần dịch thuật, sang băng, ráp nối, phụ đề và những công tác liên hệ để hoàn tất bộ lịch sử truyền khẩu này.

Chương trình 500 lịch sử truyền khẩu là bộ sưu tập thứ ba mà hội Vietnamese American Heritage Foundation (VAHF) thực hiện kể từ khi thành lập vào năm 2004. Bộ sưu tập đầu tiên gồm tài liệu về cuộc di tản vào mùa xuân năm 1975 do chính quyền đảo Guam, trường Đại học Guam và một số căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại đảo Guam tặng hội VAHF vào năm 2006. Bộ sưu tập thứ hai liên quan tới các cự tù nhân chính trị và gia đình họ, The Families and Friends of Vietnamese Political Prisoners Association Collection (http://www.vietnam.ttu.edu/vahp/fvppa.htm), hoàn tất vào giữa năm 2008, hiện được lưu giữ và bảo tồn tại Vietnam Center thuộc trường Đại học Texas Tech tại Lubbock, Texas.

Mọi liên lạc trao đổi, góp ý, xin gửi về Vietnamese American Heritage Foundation, P.O. Box 29534, Austin, TX. 78755, Telephone: (512) 844-9417, Telecopier: (512) 266-3819, E-mail: VAHF_info@yahoo.com, Web site: www.vietnameseamerican.org  . (TD, 05/2011)

.
.
.

No comments: