Tuesday, June 21, 2011

NHÂN NGÀY QUÂN LỰC VNCH 19/6 , NGHĨ VỀ NGƯỜI VỢ LÍNH & NGƯỜI LÍNH VNCH




Đêm xứ người, trời bỗng nhiên trở lạnh. Chập chờn qua khói thuốc còn đọng lại trong căn phòng âm u, tôi nghe tiếng nấc của bà quả phụ Thiếu Tướng Lê Văn Hưng thoát ra từ cuộn băng ghi âm: “Xin mình cho em chứng kiến giây phút cuối cùng của mình...”. Một tiếng đạn nổ, khô khắc vang lên từ ống loa hay từ một thuở nào trong cơn biến loạn. Có lẽ cũng từ lòng tôi. Ngậm ngùi, tôi đứng dậy tắt máy. Nhìn ra khung cửa mù sương, trí tưởng nhạt nhòa lại đưa tôi về một vùng trời hẻo lánh Tiền Giang với khu đồn Giồng Riềng bó rọ trong mấy vòng kẽm gai hoen rỉ và mười sáu quả lựu đạn cuối cùng. Nghĩa Quân Lê Văn Hùng và người vợ lính Phạm Thị Thàng. Hơn 45 năm về trước, thuở tóc tôi chưa đau từng sợi bạc. Tôi đã dẫn quân tăng viện, chiếm lại khu đồn sau trận tiến công biển người của địch. Trong khói lửa ngập vùng, hỏa châu bừng sáng, tiếng nấc của thương binh và tiếng vặn mình của gỗ sắt hòa lẫn với tiếng nổ rời rạc của vài viên đạn gặp lửa bùng lên. Nghe anh Phó Đồn cụt chân kể lại: Sau khi chồng bị tử thương, chị Thàng ẳm hai con nhỏ núp sau ụ đất với một thùng lựu đạn 16 quả. Cánh tay của người vợ lính vung lên, từng tiếng nổ ầm, át cả tiếng khóc trẻ thơ. Mười lăm quả lựu đạn vút đi, ngăn chân biển địch.

Thùng lựu đạn chỉ còn đây một quả
Em dâng anh với cả tình yêu.

Chị Thàng đã tự sát cùng với hai con trẻ để đi theo chồng là Nghĩa Quân Lê Văn Hùng vào cõi vĩnh hằng, cô đơn, côi cút và âm thầm trong cuộc chiến. Người vợ lính đã nuôi con bằng gạo Quân Tiếp Vụ, hạnh phúc bình thường qua bữa cơm với cua đồng cá nội. Ảnh của chị đã được treo lên tại góc đường Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt ở Saigon một thuở nào giữa dòng người thờ ơ qua lại. Người phụ nữ miền Nam với nụ cười đơn sơ chất phác, e ấp qua mảnh khăn rằn. Từ Bến Hải đến Cà Mau, bước chân của người vợ lính ẳm con đi theo chống khắp bốn vùng chiến thuật. Không có những móng chân đỏ hồng nhưng đã tạo nên những vần Thơ dường như huyền sử.

Tôi quay lại bấm máy. Tiếng nói của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn vang lên qua từng loạt đạn nổ... “Thiếu Tướng biểu y lệnh hả Chị? Dạ, tôi sẵn sàng...”

Tôi lại tắt máy, không dám nghe nữa, có lẽ vì mặc cảm tự ti, hay thấy mình quá nhỏ bé trước những tiếng vọng anh hùng. Lại châm thêm điếu thuốc, ngọn đồi Chu Prao hiện về. Người nữ sinh sắc tộc Thái Trắng sinh tại Đơn Dương, hoa khôi Đà Lạt một thời với tên Đèo-Nàng-Hoa. Lấy chồng là Trung Sĩ Biệt Kích Trường Sơn, tên Neo Krông, da sạm đen với bắp tay cuồn cuộn như một nhánh cây rừng. Trong một lần đi toán, Neo Kkrông đã không về lại. Tặng tiền tử của chồng cho một viện mồ côi, Đèo-Nàng-Hoa đã đi tu và xin chuyển ra làm việc trong trại cùi ở Qui Nhơn. Có một lần tôi gặp lại nàng khi tôi đến thăm mộ Hàn Mặc Tử. Người nữ sinh vợ lính thuở nào như bóng của huyền thoại đã trở thành Dì Phuớc. Nhìn cặp mắt đen mà nghe cả tiếng thông reo. Bàn tay của Dì Phước Đèo-Nàng-Hoa đã bắt đầu ửng đỏ bệnh phong, sự thật hay do tôi tưởng tượng? Khi ra khỏi trại cùi, tôi không dám quay nhìn lại, tâm hồn của người vợ lính bình thản đã nạm vàng trong khi bóng tôi bên đường chỉ là cát bụi. Tiếng thơ của Hàn Mặc Tử lại vọng qua gió thổi rì rào : “Run như run hơi thở chạm tơ vàng”.

Tiếng của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam trầm buồn nhưng cương quyết: “Làm tướng mà không giữ được nước được thành thì phải chết theo thành theo nước...”. Tôi nghe mủi lòng rưng rưng. Hình ảnh của người vợ lính ven sông Thu Bồn dắt con qua bao chuyến tàu chợ từ Quảng Nam ra miền Bắc tìm chồng trong tù gọi là “cải tạo”. Nước mắt âm thầm chảy xuống dặm đường cay nghiệt, chân giẫm lên sỏi đá hận thù. Một gói đường phèn, một lon muối ớt, với tất cả tình thương mộc mạc, đơn sơ như thửa ruộng bờ đê, chắt chiu từng đồng, lặn lội gần một tháng trường gian khổ để chỉ được vài ba tiếng đồng hồ im lặng nhìn con, nhìn chồng tả tơi trong manh áo tù không án. Tù của một giai đoạn lịch sử oan khiên, tù của một chế độ bạo tàn, mà người mẹ và vợ lính không bao giờ hiểu nghĩa. Gần suốt đời cam phận bóng mờ di chuyển theo chồng qua bao trại gia binh, sinh con trong những khu đồn hẻo lánh, để rồi hôm nay bên cạnh tên cúng cơm lại bị ghi thêm hai từ Vợ Ngụy! Từ ngữ sao mà cay nghiệt, nặng trĩu hận thù!
Người vợ lính chẳng hiểu vì sao?

Có người cầm tấm thiệp mời dự Ngày Quân Lực, mấy chục năm rồi xa Tổ Quốc, nhếch môi phán rằng: Quân với Lực làm gì nữa, phí một ngày đi chơi cuối tuần! Tôi cũng cầm tấm thiệp, vặn máy tăng âm cho tiếng vang từ cuộn băng bừng lên, căn phòng dồn dập tiếng đạn xa xưa... Tôi ôm đầu, quặn đau cả lòng. Từ trong tâm tưởng, tôi nghe có tiếng bước chân âm thầm của những người mẹ và vợ lính. Phạm thị Thàng, Đèo-Nàng-Hoa... và hàng triệu bóng dáng phụ nữ Việt Nam một thời khói lửa, son sắt thủy chung, đang nhìn tôi qua màn sương lạnh. Nỡ nào quên tình đồng đội, quên những người mẹ và vợ lính đạm bạc, không cần lịch sử ghi danh, đã và đang khóc, thương con thương chồng cùng thương Nước với tấm lòng biển rộng trời cao! Hình ảnh của người mẹ và vợ lính sống mãi trong Hồn Dân Tộc với niềm hãnh diện cô đơn.

Rồi một ngày không xa, tôi sẽ được vô vàn diễm phúc đứng bên cạnh đường lịch sử vinh quang rợp bóng cờ vàng để ngắm nhìn các mẹ, các chị, các em, mỉm cười trong ân nghĩa Tình Người:

Gặp nhau biết nói gì hơn
Cười vui trong gió tóc vờn cờ bay!

Võ Đại Tôn

.
.
.
Nguyên Huy/Người Việt
Saturday, June 18, 2011 2:19:45 PM

SANTA ANA (NV) -Ngày Hiền Phụ Father's Day năm nay cũng là Ngày Quân Lực 19 tháng 6 của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản nên con em và thân hữu của những cựu quân nhân đã có những buổi tiệc vui vừa để mừng “Bố” vừa vinh danh những người Bố từng có một thời ở trong quân ngũ Việt Nam Cộng Hòa.

Những ông bố hoan hỉ khui sâm banh mừng ngày Tù Phụ Father's Day.

Vào chiều tối hôm Chủ Nhật 12 tháng 6, ca nhạc sĩ Thái Nguyên và Diamond Bích Ngọc cùng ban nhạc Chân Quê đã có một buổi tiệc vui “Tri Ân Bố và những Người Lính VNCH” tại nhà hàng ở Santa Ana.

Tuy không quảng bá rộng rãi, nhưng đã có trên ba trăm đồng hương đến tham dự mà phần lớn là những cựu chiến binh VNCH trong đủ mọi sắc phục của Quân Binh Chủng VNCH trước năm 1975. Có nhiều nhà truyền thông của các đài truyền thanh lớn như ký giả Nguyễn Văn Khanh, giám đốc phần Việt ngữ của Radio Free Asia (RFA), Xuân Hồng của BBC online, nhà báo Võ Châu ở Canada và Blogger Lê Diễn Ðức ở Ba Lan. Ðặc biệt còn có cả một số phóng viên chiến trường trong chiến tranh Việt Nam trong đoàn quan khách của phóng viên Nick Út chiếm trọn một bàn tiệc.
Ca sĩ Diamond Bích Ngọc, người cùng ca nhạc sĩ Thái Nguyễn đứng ra tổ chức bữa tiệc “Tri Ân Bố, những người lính VNCH” cho Người Việt biết: “Khi chúng em có dự định tổ chức bữa tiệc này, chúng em chỉ muốn hạn chế trong một số thực khách mà chúng em có khả năng phục vụ được nên đã không quảng bá rộng rãi. Ðể sự tiếp đãi những ông Bố từng là quân nhân của QLVNCH được trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa, chúng em đã nhờ đến một số thân hữu cựu quân nhân trong các Quân Binh Chủng VNCH mời hộ chiến hữu cùng binh chủng, đơn vị của mình. Khi danh sách tới con số 300, chúng em xin ngưng lại để việc tiếp đón được chu tất hơn. Ðây là một kinh nghiệm từ những năm trước, nhiều ông Bố cựu quân nhân đến đã không có chỗ và cũng không còn quà kỷ niệm ngày Father's Day cho các vị này nữa”.

Buổi tiệc Tri Ân Bố và những người lính VNCH khai mạc với nghi lễ chào Quốc Kỳ Mỹ-Việt trong một không khí thật cảm động khi những người con, thế hệ trẻ đứng bên những ông Bố trong các bộ quân phục chỉnh tề cùng cất cao tiếng hát Quốc Ca. Ngay sau phần nghi lễ MC Việt Dzũng đã xin mọi người cùng trân trọng lắng nghe ca khúc “Kinh Khổ” của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng do ca sĩ Diamond Bích Ngọc trình bày cùng sự hòa điệu của vũ đoàn Việt Cầm của vũ sư Ðình Luân. “Kinh Khổ” cất lên để mọi người cùng cầu nguyện cho những bậc song thân đã khuất núi.

Chương trình văn nghệ Vinh Danh Bố tiếp đó đã khởi diễn bằng màn vinh danh một người Bố từng là một chiến sĩ Không Quân anh hùng, cố Ðại Úy Trần Thế Vinh đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972. Màn hình trên sân khấu hiện lên khúc phim tài liệu về người chiến sĩ không quân anh hùng này trong tiếng nhạc của bài “Ghi Ơn Anh Hùng Trần Thế Vinh” do ca nhạc sĩ Thái Nguyên đã sáng tác. Trong khi đó, cựu Ðại Úy Không Quân VNCH Mai Văn Chớ tiến lên sân khấu trịnh trọng mời cô Trần Thế Thanh Vân, ái nữ của anh hùng Trần Thế Vinh lên nhận tấm Plaque do Diamond Bích Ngọc trao tặng để thể hiện sự Tri Ân những ông Bố từng là những chiến binh trong QLVNCH.
Cả phòng tiệc cùng im lặng trước sự xúc động tột cùng của Trần Thế Thanh Vân và cũng là của biết bao người con có mặt trong buổi tiệc này.

Cũng nhân ngày Father's Day, ban tổ chức không quên những Hiền Phụ.
Hai bà mẹ hiền, thân mẫu của MC Trần Quốc Bảo và MC Ðỗ Tân Khoa cũng được ban tổ chức mời lên trao tặng những bó hoa Ân Tình trước những tấm lòng mẹ bao la như biển Thái Bình.

Ban nhạc Chân Quê với Diamond Bích Ngọc (thứ hai từ trái) và Thái Nguyễn (thứ hai từ phải).

Rồi những chai champange thi nhau nổ lốp bốp từ trên sân khấu cho tới những bàn tiệc bên dưới dẫn vào một chương trình ca nhạc thật đặc sắc với những ca sĩ tên tuổi như Phương Hồng Quế, Kiệt Kỳ An, Quỳnh Thúy, Diễm Phương và ban nhạc Chân Quê với tay trống Diamond Bích Ngọc, Thái Nguyên keyboard, Tom Sĩ Lê guitar và Trung Chính bass. Nhiều lúc sân khấu tưởng như nổ tung lên vì niềm vui tràn dâng trong nhịp đàn tiếng hát vui nhộn.
Gần giờ kết thúc đêm vui, một cuộc xổ số (vé được biếu không) với nhiều giải thưởng do các mạnh thường quân hiến tặng đã đem đến sự may mắn cho một số ông Bố cựu quân nhân VNCH. Nhưng dù có không may mắn trúng được giải nào thì ai nấy cũng đều được cô con gái cưng của ca sĩ Bích Ngọc trao tặng cho một món quà kỷ niệm là cây viết có khắc hai hàng chữ “Happy Father's Day - Vinh Danh Bố” và www.diamondbichngoc.com.

Phần lớn những ông Bố từng là chiến sĩ trong QLVNCH có mặt trong bữa tiệc này đều gật gù cảm phục đôi nghệ sĩ Thái Nguyễn và Diamond Bích Ngọc đã âm thầm tổ chức những bữa tiệc Vinh Danh, Tri Ân Bố từ 5 năm nay mà năm nào cũng “Free”, không bán vé hay quyên góp bất cứ một khoản nào từ những người đến dự tiệc.

.
.
.

No comments: