Tuesday, June 21, 2011

NHỮNG "PHỐ TRUNG QUỐC" MỚI XÂY Ở VIỆT NAM (Thanh Niên, BBC)

Lao động nước ngoài tràn ngập Việt Nam
Ngọc Minh - Cường Trung
20/06/2011 23:43

Luật không cho phép doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài. Vậy mà ở Ninh Bình, có công trường, số công nhân lao động phổ thông Trung Quốc lên đến gần 1.500 người.

Nhếch nhác
Không phải ngẫu nhiên mà người dân xã Khánh Phú, H.Yên Khánh (Ninh Bình) đặt cho một đoạn đường của quốc lộ 10 chạy qua địa bàn cái tên “Phố của người Trung Quốc”, bởi mỗi khi phố lên đèn, hàng trăm thanh niên Trung Quốc từ các ngả đường đổ về con phố này. Một người dân địa phương cho biết: “Trước kia ở đây bình yên lắm, nhưng từ khi người Trung Quốc đến đây, phố xá ồn ào hẳn lên. Tối tối, nhiều thanh niên Trung Quốc cởi trần trùng trục uống rượu, cãi nhau, khạc nhổ, rồi trêu chọc gái qua đường”. Còn theo một công nhân Việt Nam đang làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình thì ở đây cũng thường xảy ra xích mích qua lại giữa lao động Việt và lao động Trung Quốc hoặc giữa lao động Trung Quốc với nhau.

Những hàng quán dành cho người Trung Quốc đua nhau mọc lên - Ảnh: Cường Trung

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Hoàng Tâm, ngụ tại xã Khánh Phú, cho biết: “Ngay sau khi khởi công Nhà máy đạm Ninh Bình, vùng quê này đã đổi thay hẳn. Các nhà hàng, quán cóc, tiệm gội đầu, mát-xa, nhà nghỉ, đua nhau mọc lên như nấm để phục vụ những lao động Trung Quốc. Mà những lao động Trung Quốc thì…, họ cứ kéo từng tốp mươi người, đánh độc một chiếc quần đùi, đi nghênh ngang trên đường, gặp con gái là thế nào cũng xông tới quờ quạng”. Anh Tâm kể thêm, cách đây mấy tháng, có một hộ dân xây nhà trọ cho công nhân Trung Quốc thuê, nhưng sau vài tuần đã phải cắt hợp đồng vì không chịu nổi sự nhếch nhác trong sinh hoạt của họ. Mỗi buổi chiều, sau giờ tan ca, họ về nhà trọ và tạo ra cảnh sinh hoạt rất chướng mắt, đi chơi về khuya, nói to ông ổng, khiến người dân mất ngủ. “Có hôm, trong lúc đang tắm rửa, mấy thanh niên đùa nghịch, rồi gào thét, đuổi nhau tồng ngồng chạy ra phố, rồi tụt luôn cái quần lót của người chạy trước, khiến cả phố náo loạn lên!”, anh Tâm kể.
Một người dân ở khu “phố Trung Quốc” bức xúc: “Cứ rượu xong là họ lại kéo từng toán vài chục người, nghênh ngang, xiêu vẹo trên đường, rồi dòm ngó vào nhà dân, trông rất khó chịu. Kinh khủng hơn, có lần họ còn tụt quần tiểu tiện ngay trước nhà tôi và nhiều nhà dân khác. Chúng tôi bức xúc, thậm chí xua đuổi, nhưng những lúc như thế, bọn họ dừng lại hằm hè, chửi lại, nên ai cũng ngại, không dám va chạm với họ”.

Những hàng quán dành cho người Trung Quốc đua nhau mọc lên - Ảnh: Cường Trung

Trên 1.600 lao động không phép
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn tỉnh có 26 công ty, doanh nghiệp và nhà máy sử dụng lao động người nước ngoài, với tổng số 2.400 lao động (chiếm 15,2% số lao động đang làm việc tại 26 công ty, doanh nghiệp này). Trong số 2.400 người nước ngoài này chỉ có 717 người được cấp giấy phép lao động, còn lại chưa được cấp phép, trong đó Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.448 lao động không được cấp phép.
Số lao động người nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn nhất là Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở hai ngành xây dựng và xi măng. Tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.988 người Trung Quốc đang làm việc. Trong đó, chỉ có 82 người giữ chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, 514 người làm kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông, họ đều làm những công việc bình thường như phụ hồ, kéo sắt, kéo cáp…
Ông Vũ Đức Dương – Phó phòng Việc làm, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình – cho biết: Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Ninh Bình chủ yếu nhập cảnh qua đường du lịch.
“Luật pháp vẫn chưa mở cửa đối với đối tượng lao động phổ thông nước ngoài nhưng dường như một dòng chảy lao động phổ thông lớn vẫn vào Việt Nam”, ông Dương nói. Cũng theo ông Dương: “Sở đã nhiều lần phối hợp với Ban quản lý các KCN đề nghị BQL nhà máy đạm yêu cầu các nhà thầu Trung Quốc cung cấp đầy đủ thông tin, chi tiết lao động được thuê nhưng hiện nay vẫn chưa được triển khai”. Theo ông Dương thì các chủ đầu tư thường nại rằng, nếu trục xuất lao động “chui” này thì tiến độ dự án chậm, hoặc dừng.

Công nhân Trung Quốc trở lại khu nhà tạm sau giờ tan ca

Sau rất nhiều lần cố gắng, vượt qua rất nhiều thủ tục, chúng tôi vẫn không có được bất kỳ câu trả lời nào từ Công an tỉnh Ninh Bình về nguy cơ tiềm ẩn những diễn biến an ninh trật tự khó lường từ số lao động chui. Theo ông Màn Chí Nguyện, Trưởng phòng PX15, thì: “Thông tin nghiệp vụ không thể cung cấp được”.
Ông Vũ Đức Dương lo ngại những lao động phổ thông ở Ninh Bình đang bị lao động Trung Quốc lấy đi phần việc lẽ ra dành cho họ.

Ngọc Minh - Cường Trung

--------------------------------------------

BBC
Cập nhật: 07:22 GMT - thứ năm, 26 tháng 5, 2011

Một khu phố dành riêng cho Hoa kiều đang được xây dựng tại thành phố mới Bình Dương với hứa hẹn "mang đậm màu sắc Trung Hoa".

Dự án Đông Đô Đại Phố do công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Bình Dương (Becamex IJC) thực hiện vừa được khởi công hồi đầu tuần này trên diện tích 26 ha theo mô hình Chinatown tại các nước.
Trên website của mình, công ty Becamex quảng cáo đây là "dự án đầu tiên được xây dựng dành riêng cho cộng đồng người Hoa sinh sống, kinh doanh và phát triển" tại Bình Dương.
Không chỉ là một trung tâm thương mại, Đông Đô Đại Phố tập trung nhiều hạng mục, như các khu nhà ở, văn phòng, quán ăn, cơ sở giáo dục, dịch vụ... "mang đậm dấu ấn kiến trúc Trung Hoa".
Một ngôi chùa phong cách Trung hoa mang tên Chùa Bà Thiên hậu Thánh mẫu đã được khởi công từ tháng Hai để phục vụ nhu cầu tâm linh của cư dân Chinatown mới này.
Becamex nói dự án nhằm thu hút cộng đồng 120.000 người gốc Hoa sinh sống tại Bình Dương nói riêng, và người Hoa nói chung ở miền Nam Việt Nam.
Công ty này cũng muốn kêu g̣ọi sự tham gia đầu tư của hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài nói tiếng Hoa đặt trong địa bàn tỉnh.
Thông cáo của Becamex viết "Đông Đô Đại Phố sẽ là điểm gắn kết và hình thành cộng đồng Hoa kiều sung túc, thịnh vượng".
Theo thống kê chính thức, có khoảng trên 800.000 người gốc Hoa sinh sống ở Việt Nam, một nửa tập trung ở TP Hồ Chí Minh.
Cộng đồng người Hoa, vốn rất mạnh trong hoạt động thương mại và duy trì truyền thống văn hóa, đóng góp một phần không nhỏ trong nền kinh tế của các nước sở tại, và cũng là cầu nối giữa những nước này với Trung Quốc.
Hiện chưa rõ phản ứng trong cộng đồng người Việt địa phương đối với việc hình thành Chinatown.
Trong quá khứ, khi quan hệ Việt-Trung không được tốt đẹp, nhiều người Hoa đã phải rời Việt Nam sau khi bị cáo buộc phân biệt đối xử.
.
.
.


No comments: