Wednesday, June 1, 2011

MỘT THOÁNG ÚC CHÂU (Huy Phương, Người Việt)


Huy Phương/Người Việt
Sunday, May 29, 2011 3:59:45 PM

Tiếng tăm và tai tiếng

Một “thoáng” Úc Châu chứ không phải một “tháng” Úc Châu, nhưng muốn hiểu một đất nước thì một tháng là thời gian quá ít! Nếu là một ký sự du lịch, tác giả sẽ phải tường trình lịch sử, phong cảnh, nhưng nơi tác giả đã đi qua.

Hình ảnh người lính Úc và VNCH. (Hình: Huy Phương/Người Việt

Có nhiều trường hợp, tác giả phải nhắc tên bạn bè, kê khai các món ăn được khoản đãi trong thời gian này, gọi là chút đền ơn đáp nghĩa sau một chuyến đi xa, chuyện này chắc hẳn vô bổ đối với người đọc. Gọi là “một thoáng” vì chắc trang báo không đủ chỗ cho chúng tôi nói chuyện “cà kê dê ngỗng.”

Diện tích nước Úc chỉ nhỏ hơn nước Mỹ khoảng 1 triệu cây số vuông, (7.6/9.8 triệu), nhưng dân số chỉ bằng 1/15 dân số Mỹ (22/308 triệu), lại nhiều tài nguyên, nhưng đất rộng người thưa, là nơi lý tưởng cho người nước ngoài nhập cư. Ðất nước này, dễ dàng cho những người chịu khó, cần cù học hành hay chí thú làm ăn thành công, nhưng cũng là nơi cho người lười biếng an phận suốt đời, vì không có ai là kẻ không nơi cư ngụ, phải ngủ đường.

Hiện nay tại Úc có 174,246 người Việt, tập trung đông nhất tại Sydney và Melbourne, thành công trên thương trường, có mặt trong các cơ quan chính phủ, khoa bảng cũng nhiều nhưng tai tiếng cũng nhiều vì thành phần nhập cư hỗn tạp, cuộc sống không lấy gì làm khó khăn, nên nẩy sinh ra nhiều tệ nạn. Ông Nguyễn Văn Bon, chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam tại Melbourne (tiểu bang Victoria), đã cho rằng “có hoạt động tội phạm nghiêm trọng trong cộng đồng Việt Nam, nhiều người trong đó vào Úc bằng visa du lịch hay du học, đã gây thiệt hại cho việc hội nhập thành công và những đóng góp tích cực của cộng đồng Úc gốc Việt đã thực hiện 35 năm qua tại Úc.”

Tại đây nhiều du học sinh, du khách Việt Nam đã gây tội hình sự. Nhắm vào mục tiêu chính là các thành viên trong cộng đồng người Việt, trong một chiến dịch dùng tới 630 viên cảnh sát để lục soát 68 ngôi nhà, bắt giữ 43 người và thu giữ 7,200 cây cần sa của một tổ hợp buôn cần sa trị giá 400 triệu đô la Úc. Tiền lời từ việc trồng cần sa được dùng để mua heroin từ Việt Nam nhập vào Úc. Băng đảng nhắm vào những người Việt mắc nợ vì đánh bạc để buộc họ vận chuyển ma túy, hiện nay có 25 công dân Úc đang ngồi tù ở Việt Nam vì các tội này.

Vận chuyển ma túy là nghề dễ làm giàu nhất tại Úc, người mang hàng có thể được trả tới 24,000 đôla để mang 4 viên heroin, mỗi viên nặng 70 gram. Các tội phạm này thường là các khách sộp của sòng bài, chỉ vì làm tiền quá dễ, trong sáu tháng, một phụ nữ Việt Nam, chỉ khoảng 30 tuổi, đã đốt 3.7 triệu đôla trong sòng bài, trong khi một tội phạm khác tiêu 12 triệu đôla tại các sòng bài ở Úc trong vòng hơn 5 năm.

Trong khi dân nhập cư ở Mỹ khó khăn có khi trầy trật để được trở thành công dân Mỹ, đối với các vị cao niên và những người không biết tiếng Anh còn là một sự hãi hùng, thì người “chân ướt chân ráo” vào Úc, chỉ cần qua một vài thủ tục đơn giản là đã trở thành thường trú nhân, chưa có việc làm là đã được trợ cấp xã hội, thuốc men. Hai năm sau, chỉ qua một thủ tục phỏng vấn đơn giản là đã trở thành dân Úc gốc Việt. Quyền lợi giữa công dân Úc và thường trú nhân không có gì khác biệt. Người Mỹ sợ đẻ con, không đủ sức nuôi con, nhưng nếu ở Úc, sau khi sinh con xong, cầm giấy khai sinh, điền đơn là có ngay $5,000 tiền thưởng. Không có chồng càng tốt, vì trợ cấp tài chánh và y tế vẫn ưu tiên cho “single mom,” dù đẻ năm một, mẹ con được trợ cấp và săn sóc y tế. Nhiều gia đình ly dị giả để hưởng lợi, trường hợp thấy có chồng ở chung nhà, ai có thắc mắc thì khai báo mới đến thăm chơi.

Biểu tình tại Canberra ngày 30 tháng 4, 2011. (Hình: Huy Phương/Người Việt)

Nếu không muốn đi làm thì ăn tiền thất nghiệp, có thể liên tục hưởng tiền thất nghiệp năm này qua tháng nọ, thời gian không hạn định, nếu chịu khó đi xin chữ ký của các hãng xưởng chứng nhận không thể thuê mướn họ vì không còn chỗ hay việc làm không thích hợp. Lãnh tiền thất nghiệp nằm nhà cũng buồn, thì đi làm chui. Cứ thất nghiệp cho đến tuổi già 60 cho đàn bà, 65 cho đàn ông thì có tiền trợ cấp tiếp. Nếu có bác sĩ chứng nhận yếu sức khỏe, không thể lo vệ sinh nhà cửa, có thể đi Việt Nam chơi, có nhân viên đến dọn dẹp, mà đi trong vòng 6 tháng chứ không phải hạn chế 29 ngày như ở Mỹ. Chương trình “low-cost home ownership schemes” giúp dân nghèo Úc mua được nhà, dù chỉ có khả năng down 20%, chính phủ sẽ tài trợ 80%. Chủ ngôi nhà, nếu không muốn mua đứt ngôi nhà, chỉ cần trả tiền thuê nhà (phần 80%) cho chính phủ suốt đời mà vẫn có nhà ở.

Cựu quân nhân VNCH tại Úc

Nếu là cựu quân nhân VNCH, danh nghĩa là “đồng minh của quân đội Hoàng Gia Úc,” trong thời gian Úc phục vụ tại Việt Nam (1965-1973), quý ông được hưởng quy chế hưu bổng của quân nhân Úc, được lãnh hưu khi đến 60 tuổi, trong khi đó phía người thường phải đến 65 tuổi mới được tiền già. Với quy chế hưu bổng theo cựu quân nhân, họ có thể đi chu du thế giới, ra ngoài nước Úc trong thời gian 1 năm, tiền được chính phủ chuyển vào trương mục cá nhân mà không phải khai báo, thắc mắc gì. Quy chế cựu quân nhân đồng minh này có đòi hỏi người hưởng thụ phải tham gia hai trận đánh và ở vào trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chuyện này không khó, vì chỉ cần hai cựu quân nhân VNCH chứng thực và các hội đoàn cựu quân nhân cũng có ảnh hưởng trong việc này. Dư luận trong giới cựu quân nhân nói có sự lạm dụng, nhiều người thuộc giới công chức, dân sự, không đi một ngày lính vẫn có hưu bổng, thậm chí có cả bộ đội Cộng Sản, vì tìm hai người chứng không khó trong tập thể hơn 1 triệu quân nhân ngày trước, tuy vậy chưa thấy một trường hợp nào được đưa ra ánh sáng, và cũng không nghe nói đến việc điều tra gian lận.

Úc chủ trương một quốc gia đa văn hóa và không có truyền thống kỳ thị. Sau buổi diễn hành chung với quân đội các nước bạn vào ngày ANZAC Day 24 tháng 4 năm nay, chúng tôi đã mục kích nhiều cấp chỉ huy của quân đội Úc lớn tuổi, chào hỏi hay dừng lại trò chuyện cùng các cựu quân nhân VNCH một cách thân mật.

Trên khắp nước Úc các tượng đài Việt-Úc đều do công trình đóng góp của cả hai phía Việt và Úc, nhiều hội đoàn cựu quân nhân Việt có các hội viên cựu quân nhân Úc tham gia sinh hoạt, điều đó chắc hẳn khó thấy ở Mỹ. Mỗi tiểu bang ở Úc đều có Hội Cựu Quân Nhân, các hội này lại hội họp để bầu lên Hội Cựu Quân Nhân VNCH Liên Bang Úc, cũng như Cộng Ðồng Người Việt Tự Do ở mỗi tiểu bang Úc sẽ bầu chủ tịch Cộng Ðồng NVTD Liên Bang, đó là ưu điểm đoàn kết và thống nhất của cộng đồng người Việt tại Úc.

Người Việt tại Úc hiện nay nổi tiếng đoàn kết trong các cuộc biểu tình chống Cộng Sản, điển hình là các cuộc biểu tình chống Phan Văn Khải, Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Minh Triết trong các chuyến đến Úc và các cuộc biểu tình chống nghị quyết 36 của VC và chiến dịch văn hóa vận của chúng trên đất Úc. Ðông đảo nhất là cuộc biểu tình ở Sydney ngày 2 tháng 12, 2003 ngay trước đài Ðài Truyền Hình SBS tại Sydney, chống sự hiện diện của đài truyền hình Việt Cộng VTV4 đã quy tụ trên 12,000 người. Hiện nay mỗi năm vào ngày 30 tháng 4, như một thông lệ, người Việt tại Úc đã tập trung về thủ đô Canberra, biểu tình trước tòa Ðại Sứ Việt Cộng, cao điểm có năm lên đến 6,000 người.

(Kỳ sau: Người Việt tại Melbourne và Sydney)
.
.
.

No comments: