Wednesday, June 1, 2011

YANGON - THỦ ĐÔ CỦA MIẾN ĐIỆN (Trịnh Hội)

Trịnh Hội
Thứ Ba, 31 tháng 5 2011

Đặt chân xuống phi trường quốc tế của thủ đô Yangon cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì nó lớn, hiện đại và sạch sẽ hơn tôi tưởng. Trông cũng sáng láng ra phết đấy chứ. Có khi còn hơn cả phi trường LAX ở Cali sửa tới sửa lui mấy năm nay mà vẫn chưa xong. Vậy thì ai dám bảo Miến Điện nghèo nhỉ? Cái điệu này chưa chắc những gì tôi biết qua báo chí đã chính xác cho lắm. Không chừng tôi đã bị thế giới Phương Tây tẩy não hồi nào hổng biết nên chỉ biết nói xấu người ta mấy chục năm nay!

Thật ra thì đây không phải là lần đầu tiên tôi đáp máy bay xuống Yangon. Mấy năm về trước khi tôi bay sang Bhutan thăm thằng bạn thì máy bay cũng có đáp xuống phi trường này để rước khách trước khi bay tiếp. Nhưng lúc ấy tôi chỉ ngồi trong máy bay nhìn ra ngoài nên chẳng có ấn tượng gì. Riêng lần này vừa bước chân vào sảnh đường thấy nó rộng thênh thang, đèn đuốc lại thắp sáng trưng nên tôi đã thấy lạ.
Nó mới và sang trọng quá.

Nhưng lạ hơn nữa là tuy nó to lớn, nói theo kiểu bây giờ ở Việt Nam là “hoành tráng” thật đấy nhưng hình như lại không có nhiều người ghé qua nơi này. Hình như chỉ có chuyến máy bay AirAsia của chúng tôi là chuyến bay duy nhất vừa hạ cánh.
Vì tất cả những hành khách đang sắp hàng làm giấy nhập cảnh cũng vừa từ máy bay đi xuống y như tôi.
Mà có nhiều lắm đâu. Chỉ độ chừng 4, 5 chục mạng là cùng. Khoảng phân nữa trong số này lại là người Miến nên họ đứng sắp hàng ở một nơi khác. Riêng hàng dành cho khách du lịch ngoại quốc như tôi thì chỉ có độ chừng hai mươi người nên chẳng mấy chốc tôi đã làm xong thủ tục nhập cảnh. Cảnh tượng này khác một trời một vực so với phi trường quốc tế ở Bangkok vì ở đó lúc nào cũng có hàng trăm, hàng ngàn người ra vào bất kể thời gian.
Vậy mới thấy chỉ có được một phi trường văn minh, hiện đại thôi chưa hẳn đủ!

Nhưng phải bước ra khỏi phi trường và vào tới trung tâm thành phố thì tới lúc ấy tôi mới biết và hiểu được tại sao đất nước này vẫn chưa thể nào thu hút được du khách đến từ khắp năm châu. Ngoại trừ những thằng đi du lịch kiểu tây ba lô như tôi. Vì nói một cách ngắn gọn, nó còn thiếu quá nhiều thứ.

Thứ nhất, chưa có nơi nào tôi đi qua mà xe taxi nó lại cũ đến thế. Nó cũ như không thể nào cũ hơn được nữa. Cũ hơn cả taxi ở Phnom Penh 5 năm về trước, ở Trung Quốc vào đầu thập niên 1990. Hay ở Uganda ngay trong hiện tại. Trời nóng bức cả đầu nhưng tôi và đứa bạn đi cùng xe về khách sạn đều phải mở cửa sổ để cảm thấy bớt nóng hơn trong chiếc xe không máy lạnh, ghế ngồi lòi cả sắt.

Đã vậy trên đường vô trung tâm thành phố, xe tải, xe thồ, xe máy, xe đạp… mạnh xe nào xe nấy tự chen chúc ép vào nhau mà đi. Trên những đoạn đường nhỏ hẹp đầy cát bụi và ổ gà. Tuy không bự cỡ khủng long như ở châu Phi nhưng không khá hơn gì Hà Nội cách đây 15 năm về trước.

Bởi vậy có đi rồi mới thấy. Nhìn lên thì không bằng ai. Nhưng nếu nhìn qua Kampuchea hoặc Miến Điện thì chắc chắn Việt Nam ta bây giờ ngon hơn nhiều. Ít nhất ra là cũng ở vẻ bên ngoài hào nhoáng, nhộn nhịp. Không như ở thủ đô Yangon trời vừa sụp tối là hình như ai cũng ở lỳ trong nhà. Đường phố vắng tanh. Cái còn vài ngọn đèn chớp tắt. Cái tối hù.

Mướn phòng khách sạn xong (mỗi đêm 15 đô) tôi nhảy liền vào phòng tắm để tắm một cái cho nó đã. Mặc dù biết mình là gốc Á 100% nhưng không hiểu sao tôi rất ghét cái nóng hừng hực của châu Á. Nhất là vào mùa này. Nó làm cho mình luôn có cảm giác mệt mỏi mặc dù chưa và chẳng làm được gì. Tôi nghĩ đây cũng có thể là lý do tại sao người Việt Nam mình thường thích ngủ trưa. Vì khi vừa ăn xong, trong cái nóng oi bức như thế này, nói thật chẳng có ai còn đủ hứng thú để tiếp tục công việc. Trời phải mát mát một tí thì cơ thể mình mới cảm thấy thoải mái, đầu óc có thể vận động, máu lưu thông. Tôi nghĩ thế.

Cũng may là khi tôi và cô bạn người Hà Lan vừa mới quen trên máy bay bước ra đường để kiếm tí gì lót dạ thì trời đã sụp tối nên cái nóng oi bức khi nãy đã chịu nhường bước được đôi chút. Nhưng quanh đi quẩn lại chúng tôi thấy cũng chả có gì để xem. Một vài quán cóc lụp xụp bên đường đang leo lét những ánh đèn trắng nhợt. Đợi thật lâu mới thấy có xe hơi hoặc xe máy chạy ngang qua. Còn phần lớn đều là xe đạp hoặc xe xích lô tự chế theo kiểu địa phương có hẳn 2 chổ ngồi cho khách đặt bên hông xe. Người đi bộ đã ít. Khác đi dạo lại càng ít hơn. Hình như trên suốt đoạn đường tôi đi qua chỉ có hai đứa chúng tôi là khách du lịch duy nhất có mặt trên phố. Ngay cả khi chúng tôi tìm được quán ăn được quyển sách Lonely Planet quảng cáo là ngon nhất ở Yangon thì trong quán cũng chỉ có lèo tèo vài ba người mà phần lớn đều là dân ngoại quốc đang ăn uống trò chuyện.
Cũng có thể đó là vì đại đa số thường dân người Miến không thể nào bước chân đến những chổ này. Mặc dù mỗi món ăn chỉ tốn độ chừng 5, 7 đô. Và cũng bởi vì đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào nhà hàng Miến Điện nên tôi đã gọi ngay cho mình món ăn được cho là đặc sản nhất của người Miến. Giống như món phở của Việt Nam mình. Đó là món bún ăn với cá mắm hấp trộn nước lèo sốt dừa từa tựa như món gaeng keow wan của người Thái. Hoặc món bún cá nước sốt dừa tôi thấy chỉ có bán ở Phú Quốc mà tôi không nhớ kêu là gì.
Ngon tuyệt cú mèo bạn ạ. Hơi cay nhưng không quá béo. Vừa ăn mà không nhiều dầu mỡ.

Ăn xong vì bụng cả hai đứa còn quá no nên chúng tôi quyết định đi bộ một vòng quanh trung tâm thành phố để vừa ngắm cảnh vừa tìm nơi để đổi tiền nếu có thể. Nhưng các bạn có biết không, ngay cả khi chúng tôi đang đứng ngay nơi nhộn nhịp nhất đó là bến xe đưa rước khách cho cả thủ đô thì cũng chỉ có một vài chiếc xe bus đang đỗ bến. Chỉ có vài ba chục người đang lầm lũi bước vội trên đường. Nếu đó là một bức tranh thì chắc chắn nó không sống động và ồn ào như những bức tranh xã hội mà chúng ta thường thấy ở các thành phố châu Á khác. Trông nó nghèo nàn, ảm đạm và vắng lặng như thể đó chỉ là một thị trấn nhỏ ở vùng sâu, vùng xa. Như năm nào tôi ghé qua thăm Hải Dương, Thanh Hóa. Cách đây 15 năm về trước.

Hầu hết các hàng quán đều đã đóng cửa từ lâu. Mãi cho đến khi chúng tôi vô tình đi lạc đến ngôi chợ khuya vẫn còn có người mua bán qua lại thì tôi mới thấy thủ đô này có một chút sinh khí. Tuy ngôi chợ này cũng chỉ chiếm một quãng đường ngắn và ngoài một số ít hàng trái cây, thịt cá, đồ khô đang được rao bán ngay trên đường thì không còn gì khác để mua.

Lúc ấy trong đầu tôi cứ hỏi chẳng lẽ chỉ có vậy thôi sao? Không còn gì để xem nữa à? Không đền đài. Không lăng tẩm. Không công viên. Thậm chí không có đến một cái shopping để mọi người có thể chui vào cho bớt… nóng. Vậy thì tôi sẽ làm cái quái gì ở đây trong 4 ngày tới? Có muốn đến tự động giới thiệu xin cho gặp thần tượng Bà Aung San Suu Kyi thì cũng không được vì theo như Lonely Planet cho biết cả đoạn đường nhà bà đang ở đều bị công an cho chặn kín mít. Lơ tơ mơ chưa gặp được ai thì đã bị cho vào tù như đám sinh viên năm nào dám tổ chức tụ tập trước nhà bà.

Thế mới chán. Điều mình rất muốn làm thì lại làm không được. Hay không dám làm. Và ngay cả điều mà mình chẳng tha thiết gì như cưỡi ngựa xem hoa thì có muốn cũng chẳng làm được. Vì có ngựa để cưỡi hay hoa đâu mà xem!

Tối hôm đó trước khi đi ngủ tôi nằm trên giường vắt tay lên trán vừa đọc Lonely Planet vừa nghĩ trong đầu chắc là mình phải sớm rời khỏi nơi này. Phải tìm cho mình một nơi khác sinh động, đáng lưu luyến hơn. Chắc là đất nước này phải có nhiều cảnh đẹp, người vui hơn những gì mình vừa chứng kiến. Chắc phải thế. Một thể chế có độc tài cách mấy, có làm suy tổn tinh thần và cuộc sống vật chất của người dân đến mấy thì cũng không thể nào hủy diệt hết tất cả những nét đẹp thiên nhiên của tạo hóa và bản sắc của cả một dân tộc.
Tôi tin chắc là vậy.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
-------------------------



.
.
.

No comments: