Tuesday, June 21, 2011

LÝ SƠN - CON GIUN XÉO MÃI CŨNG OẰN (Quỳnh Chi, RFA)


Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-06-21

“Trực nhìn ngó thấy Bàn Than; Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”

Đảo Lý Sơn nằm trơ trốc, cô lập với đất liền gần 30 km. Nơi đó, hằng ngày những người vợ, những đứa con phải tiễn chồng, tiễn cha ra khơi, để rồi lại ngậm ngụi ở lại với muôn vàn nỗi nhớ và lo âu.
Hôm nay cũng vậy, đảo Lý Sơn những ngày hè nắng cao, gió thốc, cát bay, chị Hương, vợ anh Dương Lúa lại bùi ngùi tiễn chồng ra khơi với những nỗi lo mà chỉ có người vợ, người mẹ mới thấu được.
Chị Hương tâm sự:
“Anh Lúa ra mỗi lần ra biển là gia đình lo lắng lắm chứ, nhưng hoàn cảnh mình khó khăn đói khổ. Nếu không đi làm thì chẳng những bị thiếu thốn mà còn bị đánh giá là lười biếng nữa. Cho nên dù bất cứ giá nào cũng đi làm. Nếu không đi biển, ở nhà thì làm sao có tiền trang trải cuộc sống. Còn mạnh khỏe thì cố bươn chải làm ăn thôi. Do hoàn cảnh gia đình chứ không ai muốn xa vợ xa chồng đâu”.

Nghề cha truyền con nối

Cái đảo bé nhỏ Lý Sơn với diện tích chỉ non 10 km vuông mà vòng tay ôm trọn gần 21 ngàn người. Như một quy luật tự nhiên, tại nơi đây, hầu hết trai tráng trở thành ngư dân và đàn bà ở nhà trồng tỏi. Tuy nhiên, dường như 100 mét vuông đất cho mỗi gia đình với thu hoạch khoảng 700 kg tỏi mỗi năm không làm vơi đi gánh nặng gia đình là bao.
Anh Dương Lúa tâm sự:
“Đi biển thì đâu có gì vui đâu. Nói chung là vất vả, gặp bão gió. Lúc bão gió thì mình cũng muốn bỏ biển để làm chuyện khác. Nhưng suy nghĩ nếu về nhà thì cũng làm rẫy thôi mà đất cát cũng ít ỏi quá nên cũng chung đầu xuống biển thôi”.

Vậy là tất cả đều trông chờ vào những chuyến tàu cá. Cái nghề đánh cá như một nghề truyền thống, cha truyền con nối và nó gần như trở thành sự lựa chọn duy nhất cho thanh niên. Với tuổi đời chỉ mới 41, ông Lê Lộc đã hơn 20 năm mưu sinh trên biển. Lấy vợ gần 20 năm, mà thời gian anh chị dành cho nhau chỉ đếm từng ngày.
Anh Lộc tâm sự:
“Vì cuộc sống thì đâu quản chi mưa gió. Một năm có 365 ngày thì tôi đã sống trên biển 300 ngày rồi, chỉ có khoảng 60 ngày là ở nhà với vợ con”.

Đời ngư dân là thế, quanh năm lênh đênh trên con sóng với nắng gió ngoài biển khơi. Bất kể mưa gió bão bùng, họ vẫn phải ra khơi để kiếm sống – và kiếm sống một cách hăng say. Mỗi chuyến ra khơi kéo dài ít nhất 1 tháng, thậm chí nhiều tháng. Và sau mỗi chuyến ra khơi, họ chỉ ở nhà được dăm bữa ít hôm, tranh thủ chăm sóc con cái, giúp vợ cày miếng đất, đóng lại cái chuồng gà và chuẩn bị cho lần ra khơi tới. Theo anh Lê Lộc, lần nghỉ dài nhất trong năm của ngư dân kéo dài chỉ vỏn vẹn 2 tuần vào dịp tết nguyên đán, để khi chưa bước lên thuyền là đã nhớ nhà.
Anh Dương Đài tâm sự:
"Nhớ con lắm chứ nhưng cuộc sống khó khăn thì phải kiếm sống nuôi con chứ. Con mà mỗi lần nghe tôi về là nó mừng lắm, nó đứng ở bờ biển chờ tàu vô. Gặp nhau cha con mừng lắm mà không biết bao giờ mới bỏ nghề biển này được”.

Thương con, mỗi khi tàu cập bến, là anh Dương Đài đều dành cho con những lon nước, những phần bánh kẹo còn lại trên tàu sau chuyến đi. Đối với anh, cuộc đời đi biển chỉ vui nhất là tàu cập bến với đầy ắp cá tươi:
“Cuộc đời đi biển lúc vui nhất là được vào đất liền, bán được cá và kiếm được tiền thôi”.

Niềm vui của ngư dân chỉ đơn giản có thế được cầm tay vợ, được xoa đầu con và được cầm những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi của mình. Niềm vui chỉ gói gọn trong một câu nói, thế nhưng những nỗi buồn của họ là một câu chuyện dài kể hoài không kể hết…

Gặp tàu Trung Quốc ...

Mỗi một con tàu thường gồm khoảng 15 người làm việc hăng say từ tờ mờ sáng đến tối. Người nấu ăn, kẻ giữ thúng, nhóm căng buồm, người kéo cá…Tất cả như một chuyển động nhịp nhàng, vận hành từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Tối đến, họ chỉ tranh thủ nghỉ lưng lấy sức để bắt đầu cho công việc ngày mai với những hy vọng mới: hy vọng ngày mai sẽ nhiều cá hơn hôm nay.
Ông Dương Lúa cho biết:
“Đi chuyến biển nào đạt thì mỗi người kiếm được 2-3 triệu, có khi huề vốn, có khi lỗ, có khi may mắn thì kiếm được 4-5 triệu”.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được cái may mắn đó. Chị Hương, vợ anh Lúa buồn rầu chia sẻ:
“Đợt rồi anh Lúa đi một tháng mà khi về lại không có đủ tiền dầu trả cho người ta. Đợt rồi tức là tháng 4 âm lịch đó. Anh Lúa đánh bắt ở cái vùng biển đó sao mà không có cá. Khi về cả tàu cá bán chỉ được mấy chục triệu thôi thì đã lỗ tốn gần 200 triệu rồi. Thiếu tiền trả tiền dầu luôn. Không có tiền ăn luôn.”

Và mỗi khi như thế, là mỗi lần những người vợ phải ngồi lâu hơn tại các phiên chợ với hy vọng bán thêm được củ tỏi, cọng hành để kiếm vài ba chục ngàn đồng. Chị Hương nói tiếp:
“Đời sống trên đảo thì tạm bợ lắm, có làm thì mới có ăn chứ không làm thì đói. Bây giờ tôi vẫn còn ở ngoài đường mua bán chứ cũng chưa về nhà nữa. Mấy cái củ hành, củ tỏi, bắp, đậu…tôi mua qua bán lại. Tôi mua rồi tôi gởi vô đất liền để bán. Một ngày kiếm được 5 – 7 chục ngàn”.

Đời sống khó khăn, kinh tế hạn chế, cuộc sống các gia đình ngư dân hầu như trông cậy vào ghe tôm, tàu cá. Có thể thấy mỗi khi tàu cập bến nhẹ tênh là mỗi lần vợ chồng nhìn nhau thắt ruột. Những lúc đó, người ta dường như thấy mồ hôi ngư dân như mặn muối hơn, ánh mắt như khắc khổ hơn và những nếp nhăn như càng xô nhau chảy xệ trên khuôn mặt. Vậy mà những khó nhọc đó chưa phải là nỗi sợ lớn nhất của những người bám biển.
Ông Dương Lúa chia sẻ:
“Đi biển sợ nhất là Trung Quốc, nó bắn tới thì phải sợ chứ. Sợ nhì là gió. Gió mạnh là coi như chết luôn. Tàu nhỏ cũng chẳng tránh bão được, nếu ngay bão thì chỉ biết đứng đó giữ gió. Nếu bão mạnh quá thì có thể vào đảo tránh bão. Mấy năm trước vô dễ chứ bây giờ vô là bị bắn, hoặc họ cho vô trú bão mà thu đồ hết. Khi gặp tàu Trung Quốc bắt thì lỗ rất nhiều. Dây họ cũng chặt phá. Họ hút dầu. Máy định vị mà họ lấy được thì họ cũng lấy. Cái nào họ lấy được thì lấy, cái nào không lấy được thì họ bắn bỏ”.

“Con giun xéo lắm cũng oằn”, nói chuyện với ngư dân trên đảo Lý Sơn, mới thấy “rừng vàng biển bạc” – cái làm người dân Việt từng tự hào – cũng không thể mang đến cuộc sống ổn định và sung túc cho họ. Và có thể thấy, những câu chuyện về ngư dân bị tàu nước ngoài tấn công và trấn lột đã không còn là những câu chuyện lạ và trở thành nỗi ám ảnh của những đoàn thuyền. Và trong những câu chuyện đó, chắn chắn có những câu chuyện về những chủ tàu bị phá sản không thể gượng dậy, những người vợ chạy nợ để chuộc chồng và những đứa con không ngừng cầu nguyện cho cha bình an.

Bé Dương Thiên Định, 13 tuổi, con anh Dương Đài, kể lại cảm xúc của mình khi nghe cha bị Trung Quốc bắt cách đây 3 năm:
“Buổi tối em không biết nhưng sáng ra mẹ nói với em là ba bị bắt. Em buồn lắm. Em nghe nói nếu bị Trung Quốc hay Malaysia bắt thì bị hành xác, bị đánh đập nên em hay khóc. Ba bị bắt khoảng 1-2 tháng gì đó. Lúc đó em cứ cầu xin đức Chúa Giesu cho ba em không bị đánh đập và mau được trở về nhà với em. Ba được thả về nhà lúc khuya, da ba bị đen thui nên em cũng không thấy ba nữa. Ba về, ba gõ cửa. Em mở cửa ra, ba ngồi trước cửa mà em không thấy."
Bé Thiên Định còn mừng rỡ khoe là ba em về nhà và kể rằng ông không hề bị đánh đập. Thế nhưng có lẽ bé sẽ không vui vẻ như thế nếu biết rằng khi bị bắt, anh Đài bị bịt mắt và sống chật chội dưới ghe cùng 30 người khác, bị ăn thức ăn thừa của binh lính và bị phơi nắng suốt trước khi được thả về.
Và dĩ nhiên, trước khi anh Dương Đài trở về, vợ anh phải gom từng đồng cắc lẻ, chiên từng cái bánh bán. Chị nói:
“Tôi phải chiên từng cái bánh để bán, phải mượn gia đình, bạn bè chứ đâu có tiền đâu mà chuộc anh Đài. Tôi gom hết tất cả số tiền có được kể cả tiền lẻ để nộp và chuộc anh Đài về”.

... coi như phá sản

Đó không chỉ là câu chuyện riêng của gia đình anh Dương Đài. Đi biển hơn 20 năm, ông Lê Lộc chắc không bao giờ quên được những phút giây hãi hùng vào tháng 11 năm 2009, khi tàu của anh và một số tàu khác vào tránh bão ở đảo Phú Lâm và bị cướp trắng con tàu. Dành dụm cả đời, vay mượn mới có được số tiền 350 triệu đóng con tàu. Vậy mà con tàu bị cướp trắng cùng hơn 100 triệu tiền vật tư, thức ăn trên tàu, làm gia đình vào cảnh nợ nần và đứa con lớn anh phải bỏ học. Chị Loan, vợ anh Lộc buồn rầu nói:
 “Từ khi tàu cá anh Lộc bị Trung Quốc bắt, đứa con lớn của tôi đã nghỉ học vì không có tiền nhưng mấy đứa nhỏ thì còn đi học."

Cũng từ lúc đó, ngoài 100 m vuông đất trồng tỏi, mỗi ngày chị Loan phải thức từ 3 giờ sáng, đổ từng cái bánh bán đến 11 giờ đêm kiếm vài chục ngàn. Chị nói tiếp:
“Bán cháo, đổ bánh xèo bán kiếm chút tiền chứ chồng đi biển mà mất của hết rồi. Vay người ta hai mươi mấy triệu mà bây giờ còn không đóng tiền lời nổi nữa”.

Hầu hết ngư dân trên đảo Lý Sơn không còn dám đi Hoàng Sa đánh bắt nữa và phải lái tàu ra tận Trường Sa. Khó khăn ngày càng chồng chất, thậm chí đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng vì bị tàu Trung Quốc gây khó dễ nhưng dường như không người dân nào trên đảo Lý Sơn muốn bỏ biển và họ luôn hy vọng một điều mà lý ra đã thuộc về họ.
Anh Lộc tâm sự:
“Bây giờ ước gì Trung Quốc trả Hoàng Sa lại cho mình để tôi có thể đánh bắt ở Hoàng Sa cho gần, chứ đi Trường Sa xa quá. Hoàng Sa đi chừng 1 ngày 1 đêm là đến vùng có thể đánh bắt được, còn đối với Trường Sa thì phải đi ít nhất là 3 ngày 4 đêm mới có thể đánh bắt được”.

Chuyện về đảo Lý Sơn – chuyện những người đàn ông da đen cháy nắng, hằng ngày bán lưng cho đất bán mặt cho trời, thậm chí đặt tính mạng mình chỉ để kiếm 100 ngàn đồng mỗi ngày.
Chuyện về đảo Lý Sơn – chuyện về những giọt nước mắt đơn độc đau xót và uất nghẹn nhìn người khác cướp trắng con tàu của mình.
Chuyện về đảo Lý Sơn – chuyện về những người vợ vất vả chạy nợ để chuộc chồng.
Và chuyện về đảo Lý Sơn – chuyện về những em bé chưa kịp lớn đã cảm nhận được sự kinh hoàng nơi biển cả. Đau lòng hơn, sự kinh hoàng lớn nhất lại đến từ nỗi sợ những người mà nhiều người dành cho ba từ trân trọng - “láng giềng tốt”.

Chương trình “Câu chuyện hàng tuần” xin được dừng tại đây và rất mong quý vị chia sẻ những câu chuyện có ý nghĩa với Quỳnh Chi qua email QUYNHCHI@RFA.ORG.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: