07.06.2011
Ngày 2.6.2011 báo điện tử Bee.net đăng bài phỏng vấn “Đại tướng Lê Đức Anh: Nếu sợ thì mất chủ quyền” của nữ phóng viên Lương Thị Bích Ngọc (LTBN). Xin có mấy suy nghĩ về “suy nghĩ” của ông đại tướng từng làm chủ tịch nước này.
LTBN: Vài tuần trở lại đây, có những lình xình xung quanh câu chuyện biển Đông, như chuyện tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02, tàu Trung Quốc tấn công tàu ngư dân trong lãnh hải Việt Nam. Ông có nghe chuyện đó không ạ?
Lê Đức Anh: Tôi có nghe. Nghe đài. Biết một số chuyện không vui.
Góp ý:
- Thật lạ. Lê Đức Anh là cựu chủ tịch nước chẳng lẽ chỉ nhận những thông tin như thế khi “nghe đài”? Sự vụ xảy ra ngày 26.5.2011 mà đến ngày 1.6 (trước ngày lên báo) hiểu biết của ông ta vẫn chỉ ở mức “nghe đài”. Chẳng lẽ chính quyền chẳng có một “cơ chế” nào để cập nhật thông tin cho các cựu lãnh tụ, và chẳng lẽ các cựu lãnh tụ không có văn phòng riêng để trợ lý cập nhật tình hình cho mình.
- Đó không phải là một hành động đơn lẻ mà là một hành động có tính toán, leo thang từng bậc qua nhiều năm. Thân đại tướng, từng làm chủ tịch nước, mà trước tình trạng bị xâm lấn chủ quyền như thế chỉ xem là “một số chuyện không vui”?
LTBN: Trong những trường hợp tương tự như thế này chúng ta phải làm gì, phản ứng thế nào cho đúng để đem lại lợi ích cho nhiều phía?
Lê Đức Anh: Phải đặt chủ quyền đất nước là sự quan tâm số 1. Đồng thời, ta phải sống hoà hiếu với nhân dân tất cả các nước. Lợi ích của tất các bên sẽ được tôn trọng nếu quốc gia nào cũng tôn trọng chủ quyền, bảo vệ sự hoà hiếu, hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới. Về chuyện Biển Đông, ta phải xem chủ quyền của ta tới đâu. Và chủ quyền các nước trong khu vực tới đâu. Phải đối chiếu lại với quy định của luật pháp quốc tế. Chỗ nào của ta, ta phải giữ.
Góp ý:
- Trong “trường hợp như thế” thì mới “đặt chủ quyền đất nước là sự quan tâm số 1”. Còn bình thường thì chuyện chủ quyền chỉ là mối quan tâm số 2, số 3? Chẳng lạ gì khi thời ông Anh làm chủ tịch nước cũng là thời nổi lên các lời tố cáo về việc cắt nhượng thác Bản Giốc và Ải Nam Quan.
- Đồng ý là “Lợi ích của tất các bên sẽ được tôn trọng nếu quốc gia nào cũng tôn trọng chủ quyền, bảo vệ sự hoà hiếu, hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới”. Tuy nhiên sự thật rành rành là Trung Quốc không hề “tôn trọng” Việt Nam, từ năm 2005 đã bắn giết ngư dân Việt Nam, ngay trên hải phận Việt Nam. Phải tính sao đây, chẳng lẽ ngồi đó cầu kinh cho Trung Quốc “hiếu hoà”?
- Đến bây giờ ông Lê Đức Anh vẫn chưa biết rõ “chủ quyền của ta ở Biển Đông” là “tới đâu”, do đó kêu gọi phải “xem lại”!
- Lời lẽ Lê Đức Anh không khác lời lẽ của Khương Du, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc: Việt Nam phải xem lại theo luật quốc tế, chỗ nào của các anh thì các anh giữ, chỗ nào không phải của các anh thì trả lại cho chúng tôi!
LTBN: Nếu chúng ta tôn trọng quy định chung mà các nước trong khu vực không tôn trọng thì chúng ta phải làm gì?
Lê Đức Anh: Phải đối thoại với người ta trước khi đưa ra Tòa án quốc tế. Phải cố gắng tối đa để không xảy ra xung đột vũ trang. Trừ trường hợp mất chủ quyền, phải bảo vệ. Bảo vệ Chủ quyền là số 1. Giữ gìn Hữu nghị với họ là số 2. Nói chung, phải giữ gìn Hoà bình, ổn định để phát triển. Ta nói họ không nghe mà họ quyết vi phạm thì ta phải tự vệ, tự vệ để bảo vệ chủ quyền. Nước nhỏ mà để mất nhà, mất cửa, mất chủ quyền thì còn gì mà sống.
Góp ý:
- Người ta đã “không tôn trọng” mình thì làm sao có thể “đối thoại”?
- Lê Đức Anh bảo “Phải cố gắng tối đa để không xảy ra xung đột vũ trang. Trừ trường hợp mất chủ quyền, phải bảo vệ.” Lạ quá. Khi đang bị đe doạ chủ quyền, thì sợ “xung đột vũ trang”. Chờ đến khi mất chủ quyền rồi, thì còn “bảo vệ” cái gì?
- Nếu bảo vệ chủ quyền thì phải bảo vệ từ đầu, còn khi “chủ quyền” đã mất rồi thì phải chiến đấu để giành lại, lấy lại, chứ còn gì nữa mà “bảo vệ”?
LTBN: Ông đã từng đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng ở giai đoạn mà giữ được hòa khí và chủ quyền dân tộc là chuyện không dễ. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm?
Lê Đức Anh: Đó là một quá trình khó khăn. Không sợ thì sẽ hiểu và hóa giải được mọi vấn đề. Nếu SỢ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không SỢ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hoà khí. Cách đó phải học lịch sử. Kể cả lịch sử gần đây nhất.
Góp ý:
- Khi Lê Đức Anh làm bộ trưởng quốc phòng thì quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng. Lúc đó Lê Đức Anh “không sợ” vì có Liên Xô đằng sau.
- Sau khi Liên Xô tan rã thì Lê Đức Anh làm chủ tịch nước. Thời đó thì Anh và chính quyền cộng sản đã biết sợ, vậy mới có chuyện cắt đất cầu hoà với Trung Quốc.
- Không ai xa lạ, chính Lê Đức Anh cùng Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đã lặn lội sang Thành Đô xin cầu hoà vào năm 1990 và bị Trung Quốc lừa một vố đau. Sau chuyến đi này, Bộ chính trị đã mở cuộc họp kiểm điểm ngày 7.9.1990. Tại đây cố vấn Phạm Văn Đồng đã nói như khóc: “ Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Cùng lắm là nói cái đó, nhưng tôi không nghĩ như vậy là thượng sách. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy.” (Hồi ký Nhớ lại và suy nghĩ của Trần Quang Cơ)
LTBN: Thưa ông, cảm nghĩ của ông về câu chuyện biển Đông tại thời điểm này như thế nào?
Lê Đức Anh: Tin là ta thuộc về lẽ phải. Thế giới bây giờ công khai rồi, có ai giấu được ai chuyện gì đâu, nữa là chuyện trên biển Đông. Nước nào dù có ý đồ không tốt đi nữa cũng phải tôn trọng lẽ phải. Không giấu được. Giấu thì người ta lại tưởng mình sợ.
Và vì thế, với thế giới ta phải công khai minh bạch và nói rõ thông tin, không những các nước Đông Nam Á sẽ đồng tình và đấu tranh mà cả thế giới nữa. Ngay cả người dân Trung Quốc họ hiểu, họ ủng hộ và tôn trọng lẽ phải. Không phải người dân Trung Quốc bất chấp lẽ phải đâu. Họ cũng muốn hòa hiếu, muốn ổn định, hòa bình.
Phải tin tưởng ở người dân mà kiên trì đấu tranh công khai. Công khai thông tin là cách thể hiện sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân.
Góp ý:
- Hỏi cảm nghĩ của ông thì ông nên cho biết ông vui hay buồn về câu chuyện Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, ông giận Trung Quốc hay thù Trung Quốc, ông tự tin hay lo nghĩ, ông bi quan hay lạc quan. Chứ ông nói những chuyện vớ va vớ vẩn như thế để làm gì?
- Ông bảo “Thế giới bây giờ công khai rồi”, không ai giấu ai được, do đó không phải sợ Trung Quốc thò chân vào vùng chiến lược Tây Nguyên chứ gì? Nếu giấu Tây Nguyên thì Trung Quốc nghĩ mình sợ nó, cho nó vào để nó suy nghĩ lại, hiểu rằng mình không sợ nó hay chăng?
- Nếu trong đầu đã “Có ý đồ không tốt” thì có nghĩa là đang chuẩn bị làm việc sai, thế thì làm sao có thể gọi là “tôn trọng lẽ phải”?
- Lê Đức Anh đã sang Trung Quốc làm khảo cứu chưa mà dám xác định là “dân Trung Quốc chuộng lẽ phải”?
- Nhưng đó là “lẽ phải” nào? Từ nhỏ, các thế hệ Trung Quốc đã được nhồi vào óc trong các bài học lịch sử rằng Biển Đông là của họ, các biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ, đã bị Việt Nam xâm lược, nhiệm vụ của họ là phải chiếm lại.
- Trung Quốc đang khát dầu lửa, chiếm vùng biển này thì đời sống của họ sẽ nâng cao và chắc chắn họ sẽ loá mắt với nguồn tài nguyên ở đây.
- Muốn sống còn với Trung Quốc, phải chuẩn bị tư thế để chiến đấu với cả tỷ người Trung Quốc đang bị nhồi sọ và đang tham lam như vậy. Đừng nên ngồi đó mơ mộng hão huyền rằng người Trung Quốc muốn hoà hiếu, muốn ổn định, hoà bình!
Lời nhắn của Lê Đức Anh
Song song với các câu trả lời phỏng vấn, Lê Đức Anh đã thông qua LTBN để nhắn nhủ các ngư dân như sau:
“Người dân chỉ khai thác trong khu vực quyền được khai thác cho phép. Đừng để va chạm. Nếu có xảy ra chuyện gì kịp thời báo cáo để cấp trên xử lý. Người dân đừng để xảy ra va chạm vũ trang. Nhà nước phải phổ biến cho kỹ với mọi người dân đi ra biển, chủ quyền của ta tới đâu và quyền khai thác đến đâu.”
Góp ý:
Thứ nhất là “quyền khai thác”.
- Lê Đức Anh cho là “chỉ khai thác trong khu vực quyền được khai thác cho phép”, nhưng là ai cho phép? Chính quyền Việt Nam cho phép hay chính quyền Trung Quốc cho phép.
Thứ hai là “Đừng để va chạm”.
- Có bao giờ ngư dân Việt Nam gây va chạm đâu? Tháng Một năm 2005 “tàu lạ” đã đâm tàu và bắn chết 9 ngư dân ở Thanh Hoá, mở màn cho làn sóng cướp bóc và bắt cóc cho đến tận hôm nay.
- Nếu chỉ có cảnh tàu thuyền Trung Quốc cướp bóc của ngư dân Việt Nam, tại sao không đem điều này sang khuyên Trung Quốc, khuyên ngư dân Việt Nam “tránh va chạm” để làm gì?
Thứ ba là “kịp thời báo cáo”.
- Báo cáo kịp thời để làm gì? Nhận được báo cáo rồi thì nhà nước có “kịp thời có biện pháp” hay không?
Sau đây là các sự kiện “không kịp thời” của nhà nước cộng sản:
Năm 2005:[*]
- Ngày 8.1.2005 tàu vũ trang Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân và bắt sống 8 ngư dân tại vùng biển ngoài khơi Thanh Hoá.
- Đến ngày 13.01.2005, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng mới lên tiếng: “Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc có các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái trên, cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ bắn chết người.”
- Ngày 14.1.2005, báo Thanh Niên ở Sài Gòn mới đưa tin: ngư dân Trung Quốc tấn công.
Suốt giai đoạn này những tờ báo “chính thống” như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân hoàn toàn dửng dưng. Trong khi đó thì Thông tấn xã Việt Nam cho biết tối 14.1.2005 Đại sứ Trung Quốc Tề Kiến Quốc tổ chức tiệc chiêu đãi mừng kỷ niệm lần thứ 55 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18.1.1950.18.1.2005). Nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên và phó chủ tịch quốc hội Trương Quang Được đến dự, cả hai “nguyện” sẽ làm hết sức mình vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc anh em theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “bốn tốt”.
- Ngày 15.1.2005 Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo và cho biết lực lượng tuần duyên của mình đã bắn chết “vài kẻ cướp có vũ khí và bắt sống tám kẻ khác” vì những người này định cướp thuyền đánh cá của người Trung Quốc.
- Ngày 15.01.2005, website của báo Nhân Dân chạy hàng tít lớn: “Mở rộng quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam-Trung Quốc”, đưa tin phái đoàn quốc hội Trung Quốc sang Việt Nam dự hội nghị Diễn Đàn Nghị Viện Á Châu. Thái Bình Dương lần thứ 13 (APFF.13).
Tháng 9.2009:
- Đang hành nghề thì gặp cơn bão số 9, tối 26.9.2009 200 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho tàu đánh cá chạy vào trú bão tại đảo Hữu Châu thuộc quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm năm 1974. Trên luật quốc tế, trong tình trạng khẩn cấp như thiên tai thì việc trú bão này hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên ngay tức thì, họ bị lính hải quân Trung Quốc bắt giam và đánh đập.
- Sau đó ngư dân trở về và thông tin này chỉ truyền miệng vì vấn đề được cho là “nhạy cảm”. Mãi tới ngày 9.10 báo Sài Gòn Tiếp Thị đăng bài viết của Doãn Khởi, kể đã đi một bài viết chi tiết kể lại chuyện của 200 ngư dân này. Tuy nhiên chẳng “cơ qua chức năng” nào lên tiếng.
- “Bức xúc” trước việc này ngày 16.10.2009 ông Nguyễn Xuân Huế - chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, cho báo Tuổi Trẻ biết là ông đã gửi văn bản “kiến nghị Bộ Ngoại giao có giải pháp can thiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân trong lúc nguy cấp tìm đường trú bão số 9” nhưng không thấy phản ứng nào cả.
- Một tuần sau, ngày 21.10.2009 Bộ Ngoại giao mới gởi công hàm yêu cầu Trung Quốc “khẩn trương điều tra làm rõ”! Ngày 22.10.2009 báo VnExpress đăng bản tin “Phản đối Trung Quốc có hành động vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam” của Mai Trang.
- Mai Trang cho biết Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã tổ chức họp báo, cho biết: “Chiều 21/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam phản đối việc nhân viên vũ trang Trung Quốc có những hành động vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam vào tránh bão tại đảo Phú Lâm (ngư dân Việt Nam thường gọi là đảo Trụ Cẩu), thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ. Trong công hàm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những nhân viên vũ trang có hành động đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, đồng thời có các biện pháp ngăn chặn không để những hành vi tương tự tái diễn.”
- Đòi Trung Quốc phải “khẩn trương điều tra làm rõ” thế nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam thì làm việc tà tà: ngày 26.9 ngư dân bị đánh, sau khi hai ba tờ báo lên tiếng thì gần 1 tháng sau, đến ngày 21.10 Bộ mới chịu mở miệng phản đối!
- Cũng vụ trên, ngày 23.10.09 “Cơ quan Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam” này mới nhỏ nhẹ lên tiếng bằng hàng tít: “Phản đối hành động thô bạo đối với ngư dân Việt Nam”. Trung Quốc đánh đập, tra tấn ngư dân chúng ta, mà đảng chỉ gọi đó là “hành động thô bạo” thôi ư?
Tháng 12.2009
- Trong hai ngày 7 và 8.12..2009 hải quân Trung Quốc bắt ba tàu của ngư dân Việt Nam, vào Hoàng Sa, dàn cảnh quay phim mang thuốc nổ và sau đó tịch thu hai tàu mới, dồn tổng cộng 43 ngư dân lên tàu cũ cho về.
- Ngày 13.12.2009 một số tờ báo tại Việt Nam đưa tin về hành động cướp bóc của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam.
Cùng ngày, các báo Nhân Dân và Công An Nhân Dân lại ỉm đi. Thay vào đó, lại đưa tin tình hữu nghị và tình hữu nghị và thương Việt – Trung. Thí dụ trên báo Công An là hai bản tin:
Vậy mà ông Lê Đức Anh khuyên ngư dân hãy “báo cáo kịp thời”. Báo kịp thời để làm gì hở ông?
_________________________
[*]Xem các bài: Hoạt động kỷ niệm lần thứ 55 Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, trang web của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, 13-1.2005. Diễn biến vụ tàu Trung Quốc bắn chết ngư dân Việt Nam, Greespun, 06-2-2005. Tàu Trung Quốc bắn chết ngư dân Việt, BBC, 13-1-2005. Tàu Trung Quốc bắn chết ngư dân Việt Nam, BBC, 17-1-2005.
.
.
.
No comments:
Post a Comment