Làm thất bại Chiến lược “Diễn biến hòa bình”
QĐND - Chủ Nhật, 05/06/2011, 20:25 (GMT+7)
QĐND - Gần đây, trên một vài trang blog cá nhân xuất hiện những ý kiến lạc lõng về “tự do sáng tạo” và đòi tách văn nghệ ra khỏi hệ thống chính trị (mà cụ thể là đòi thành lập một “hội nhà văn” riêng, độc lập với Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay). Họ kêu gọi văn nghệ sĩ sáng tạo “tự do” không phụ thuộc vào một hệ tư tưởng nào và cũng không cần tiền tài trợ của Nhà nước…
Xem xét một cách nghiêm túc đó là thứ tư tưởng “vô chính phủ”, đi ngược lại quyền lợi của số đông văn nghệ sĩ, quyền lợi của nhân dân lao động, ngược lại tinh thần Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phù hợp với bản chất, đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ của văn học nghệ thuật.
Họ cố tình hiểu sai nguyên lý tự do sáng tạo của nghệ sĩ hay “a dua” những quan điểm tư sản về vấn đề này?.
Thực ra đây là một vấn đề cũ, đã được bàn luận nhiều và ai cũng thấy rõ là không bao giờ có một thứ văn nghệ phi chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một nguyên lý: “Nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (Hồ Chí Minh – Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, 1981, tr349). Văn nghệ cùng với các hình thái ý thức xã hội khác như khoa học, chính trị, đạo đức, triết học, tôn giáo… nằm trong hệ thống kiến trúc thượng tầng. Văn nghệ là một hình thái ý thức đặc thù có những mối quan hệ hữu cơ với các hình thái còn lại, trong đó văn nghệ và chính trị là mối quan hệ đặc biệt. Có người đã từng cho rằng, quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là quan hệ độc lập, tách rời… là bởi họ chưa hiểu chính trị là gì. Chính trị là một hình thái ý thức xã hội, đã đành, nó cũng còn là một tổng thể các yếu tố bao gồm các thể chế chính trị, các tổ chức xã hội, như đoàn thể, luật pháp, các đơn vị nhà nước, các lực lượng xã hội, các dân tộc, tộc người… Nhưng quan trọng hơn là mối quan hệ giữa các yếu tố nằm trong hệ thống chính trị. Giữa chúng có mối quan hệ hài hòa thì xã hội có một nền chính trị ổn định và ngược lại. Chính trị đi liền với những vấn đề quan thiết, thậm chí sống còn với từng cá thể trong xã hội, vì chính trị gắn chặt với quyền lợi, bổn phận và nghĩa vụ đối với từng con người. Chính trị bao giờ cũng gắn chặt với kinh tế, là “biểu hiện tập trung của kinh tế” nên chính trị tác động trực tiếp đến đời sống mỗi cá nhân từ việc ăn, ở, đi lại, học hành… Mỗi văn nghệ sĩ cũng chỉ là một cá nhân trong xã hội, một công dân trong một nhà nước mà lại đòi “thoát ly chính trị” là một sự vô lý. Xét về bản chất, ai đó có hô hào rất to là “không làm chính trị, đứng ngoài chính trị, đối lập với chính trị”… thì cũng lại là một cách “làm chính trị”, chưa muốn nói là làm một cách hăng hái nhất, sốt sắng nhất theo quan điểm của họ. Vì đơn giản, “đối lập” cũng lại là một kiểu quan hệ mà thôi.
Lại nói tới một vấn đề “cũ” nữa – một phương diện đặc trưng: Văn nghệ bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm. Tác phẩm văn nghệ luôn là sự kết tinh những ước mơ, khát vọng, hoài bão, suy nghĩ… của con người, trước hết là của tác giả – một con người cụ thể. Mà con người luôn là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, do vậy tác phẩm văn nghệ cũng là một sự kết tinh những quan hệ con người, trong đó có chính trị. Không bao giờ và chưa bao giờ có một thứ văn nghệ đứng ngoài cuộc sống. Một nhà văn dù có trí tưởng tượng siêu việt viết ra những trang văn tả cảnh cuộc sống ở tận trên trời mấy nghìn vạn năm sau, thì người đọc vẫn bắt quả tang nhà văn đó vẫn lấy cái gốc là đời sống hiện tại, ít nhất ở mấy cơ sở sau: Nhà văn ấy tư duy bằng tư duy của thì hiện tại; dùng ngôn ngữ của đời sống hiện tại…
Vấn đề đáng bàn nữa là vấn đề “tự do sáng tạo”. Với tư cách là chủ thể thẩm mỹ, người nghệ sĩ phải có tư chất đặc biệt: Giàu tình cảm, dễ xúc động, nhạy cảm, trí tưởng tượng phong phú… quan trọng hơn là có năng khiếu và cá tính. Nhưng đấy mới chỉ là những điều kiện cần, để trở thành tài năng có ích cho nhân dân mình, Tổ quốc mình, trước hết, đòi hỏi một phẩm chất là tình yêu nước đắm say sâu đậm ở người nghệ sĩ. Một biểu hiện của tình yêu ấy là người nghệ sĩ phải sống hết mình với cuộc sống của nhân dân, dân tộc, thời đại mình. Để có thiên Truyện Kiều bất hủ, cụ Nguyễn Du phải trải qua biết bao “những điều trông thấy” từ những số phận trầm luân như Thúy Kiều. Để có những tác phẩm đồ sộ mà sâu nặng tình người, L.Tôn-xtôi tuy là quý tộc nhưng vẫn thường đi tàu hỏa ở toa hạng bét để đồng cảm với những người nghèo nhất. Nam Cao yêu cầu: Sống đã rồi hãy viết! Tôi hình dung người nghệ sĩ như một cây xanh cắm sâu rễ vào mảnh đất dân tộc, nhân dân, cần cù hút ở đó chất dinh dưỡng nghệ thuật của cuộc đời; tán cây, cành cây, lá cây luôn vươn lên cao để quang hợp ánh sáng mới mẻ của thời đại. Cây to, cường tráng nhờ bộ rễ chắc khỏe và hít thở được nhiều khí trời. Người nghệ sĩ cũng thế, thoát ly cuộc đời, phủ nhận quá khứ, quay lưng với hiện tại, cự tuyệt với nhịp sống đương tuôn chảy, anh ta nhất định khô héo, cằn cỗi rồi bị đào thải.
Có người kêu to “tự do sáng tạo”? Bản chất của sáng tạo là tưởng tượng, dĩ nhiên. Nhưng sự tưởng tượng bao giờ cũng có ngọn nguồn từ thực tại, phù hợp với chân lý đời sống, với quy luật sáng tạo của nghệ thuật, có như vậy mới có thể tạo ra được những hình tượng có sức sống. Vấn đề ở chỗ, cái gì chi phối tưởng tượng? Người có tâm hồn đẹp, lành mạnh thì có sự tưởng tượng tương ứng và ngược lại. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, đúng quá. Bất kỳ ai, nhất là đối với người nghệ sĩ, trước hết, phải có tình yêu, tâm huyết với đất nước này, cuộc đời này, những con người Việt Nam này. Đấy là cơ sở của sáng tạo.
Lại liên quan đến vấn đề phản biện trong sáng tạo nghệ thuật. Không phải cứ yêu là nói yêu, là miêu tả cho hay hiện thực, mà có khi phải như Lỗ Tấn, phải có tinh thần phê phán, vạch ra cái xấu, cái ác, cái lỗi thời lạc hậu… để con người hiểu, ghê tởm mà tránh xa chúng. Văn nghệ tối kỵ cả “tô hồng” lẫn “bôi đen” hiện thực vì cả hai đều tạo ra nguy cơ làm nghèo, thô thiển nghệ thuật. Tránh căn bệnh này thì chỉ có cách là người nghệ sĩ phải trau dồi sự hiểu biết, hiểu sâu sắc bản chất của hiện thực. Nguyễn Công Hoan là một nhà văn lớn trong thể truyện ngắn, ông miêu tả con người trong xã hội cũ luôn trong tình trạng bị vật hóa, đồ vật hóa là bởi vì nhà văn đã hiểu bản chất của xã hội thực dân nửa phong kiến là thối nát, giả dối, đểu cáng. Không phải là nhà văn ghét bỏ con người, trái lại, vì tha thiết một tình yêu con người nên ông đã miêu tả trạng thái phi nhân tính của con người, qua đó lên tiếng đòi một sự thay đổi trạng thái xã hội, thay thế trạng thái phi nhân tính bằng một xã hội có nhân tính.
Xã hội ta hôm nay có cái xấu, cái ác, cái lỗi thời lạc hậu không? Có. Nhưng đấy không phải là bản chất, không phải là dòng chảy chính. Bằng cái tâm trong sáng của mình, người nghệ sĩ dũng cảm phanh phui những cái xấu, cái ác ấy cũng là một cách làm lành mạnh xã hội. Đành rằng, ranh giới tốt-xấu, hay-dở, lợi-hại trong nghệ thuật là mong manh nhưng số ít người chưa nhận ra thì số đông sẽ nhận ra giá trị đích thực. Mục đích tối thượng của văn nghệ là nhân đạo hóa con người, vì con người.
Đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, về tự do sáng tạo… rất rõ ràng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng viết: “Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao; tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo…” ( tr49); “Khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc” (tr127). Đảng lãnh đạo bằng chủ trương đường lối còn việc cụ thể là sự triển khai của Nhà nước, các đoàn thể nghề nghiệp, xã hội (trong đó có các văn nghệ sĩ). Một ai đó còn cảm thấy không được tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, trước hết, phải xem lại chính mình đã đủ một tình yêu, lòng dũng cảm, vốn sống, chất sống và tài năng hay chưa?
Nguyễn Hải Thanh
.
.
.
No comments:
Post a Comment