Nguyễn Lương Hải Khôi
(03/06/2011)
Lập luận của Trung Quốc với Nhật Bản về bãi đá Okinotori
Okinotori (tên viết bằng chữ Kanji: Âm Hán Việt: Xung Điểu đảo) là một bãi đá san hô nổi của Nhật Bản, nằm ở vị trí 20,25 độ vĩ bắc, 136, 05 độ độ kinh đông, cách Tokyo 1740 km về phía đông nam. Nhật Bản đã đệ trình bản đăng ký thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Okinotori vào ngày 12/11/2008. [1] Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối vào ngày 6/2/2009. [2].
Và mới đây, ngày 25/8/2009, sau khi Nhật Bản báo cáo về thềm lục địa tại CLCS, Trung Quốc phản đối một lần nữa [3]. Trung Quốc lập luận rằng Okinotori chỉ là một bãi đá, tự nó không thể duy trì sự cư trú của con người và không có đời sống kinh tế riêng nên chiếu theo điều 123(3) của UNCLOS, bãi đá này không được hưởng EEZ và thềm lục địa.
Trong công hàm nói trên, Trung Quốc đã căn cứ vào các điều khoản của UNCLOS để phản đối yêu sách của Nhật Bản. Họ sử dụng các khái niệm của UNCLOS như “vùng đặc quyền kinh tế”, “thềm lục địa”…, phân biệt rõ hai khái niệm “đảo” và “đá”, hơn nữa còn lưu ý CLCS rằng, Okinotori chỉ là “đá”, và Ủy Ban chỉ có quyền hạn và trách nhiệm xem xét về “đảo” nên Okinotori nằm ngoài quyền hạn của Ủy ban.
Thế nhưng, đúng 3 tháng sau, ngày 7/5/2009, khi Việt Nam đệ trình bản đăng ký (chung với Malaysia) lên Ủy ban, Trung Quốc lại phản đối bản đăng ký đó bằng một quan điểm vi phạm nghiêm trọng UNCLOS.
Lập luận của Trung Quốc đối với Việt Nam và Malaysia về biển Đông
Trong bản đăng ký chung với Malaysia nộp ngày 7/5/2009, “Việt Nam cho rằng mình được quyền thiết lập một thềm lục địa mở rộng quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở”, theo đúng qui định của UNCLOS [4].
Trung Quốc gửi công hàm lên CLCS phản đối đăng ký của Việt Nam ngay trong ngày. [5] Trong công hàm ấy, lần đầu tiên Trung Quốc công bố tại Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ vẽ đường “lưỡi bò” liếm gần 80% biển Đông.
UNCLOS quy định rằng mỗi quốc gia giáp biển đều có lãnh hải 12 hải lý, có EEZ rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, và nếu thềm lục địa của nước ven biển có thể kéo dài quá 200 hải lý thì nước ấy có thể có “thềm lục địa mở rộng”. Nếu như những vùng trên của các nước chồng lấn với nhau thì sẽ được phân chia theo nguyên tắc công bằng. Vậy, chiếu theo UNCLOS, Việt Nam, Malaysia, Bruney, Philippines và Trung Quốc đều là những quốc gia tiếp giáp biển Đông nên mỗi nước đều có phần của mình trên vùng biển này.
Thế nhưng, Trung Quốc đòi hỏi khoảng 80% biển Đông, để lại các nước còn lại bao quanh biển Đông là Việt Nam, Malaysia, Bruney, Philippines một phần rất ít ven bờ biển. [6]
Rõ ràng, khi nêu quan điểm về EEZ và thềm lục địa của Nhật Bản, Trung Quốc căn cứ vào UNCLOS một cách nghiêm ngặt, nhưng khi đưa ra quan điểm về chủ quyền của các nước tiếp giáp Biển Đông, Trung Quốc lại vi phạm nghiêm trọng Công ước này.
Mặt khác, trong công hàm phản đối Nhật Bản, Trung Quốc cho rằng Okinotori không có đời sống kinh tế độc lập nên không thể có EEZ và thềm lục địa. Nhưng trong công hàm phản đối Việt Nam, họ lập luận: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với những đảo trên Biển Đông và những vùng nước xung quanh, và được hưởng những quyền chủ quyền và tài phán bao trùm lên những vùng nước cũng như tầng đất và đáy biển có liên quan của chúng (hãy xem bản đồ đính kèm)”. [7]
Như vậy, họ đã gần như trực tiếp cho rằng các “đảo” trên Biển Đông có những “những vùng nước”, “tầng đất” và “đáy biển” (tức thềm lục địa) của riêng chúng. Và về quy mô thì tất cả những thứ này hợp lại thành đường lưỡi bò mà họ yêu cầu hãy xem trong bản đồ đính kèm.
Nhưng, tất cả các “đảo” trên Biển Đông đều tương tự Okinotori: không nơi nào có đời sống kinh tế riêng, do đó, không thể có EEZ và thềm lục địa 200 hải lý, lại càng không thể mở rộng đến 80% Biển Đông. Bất kể các đảo trên Biển Đông thuộc chủ quyền nước nào, nước ấy cũng không được căn cứ vào đó để yêu sách đến 80% Biển Đông.
Tóm lại, cùng là những thực thể địa lý không có đời sống kinh tế độc lập, nhưng ở công hàm phản đối Nhật thì họ cho là không thể có EEZ và thềm lục địa 200 hải lý, nhưng ở công hàm phản đối Việt Nam thì lại cho là có, thậm chí là có với một quy mô chưa từng thấy trong lịch sử. [8]
Phản ứng của Việt Nam và Nhật Bản
Ngày 8/5/2009, Việt Nam đã gửi công hàm tới CLCS, một mặt khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa, một mặt căn cứ vào UNCLOS để bác bỏ phản đối của Trung Quốc. Trong phiên họp chính thức của CLCS ngày 27-28/8/2009 mới đây, Việt Nam đã tái khẳng định lập trường của mình. Lập trường của Việt Nam là đúng, bởi lẽ cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS, và do vậy cả hai nước đều phải tuân thủ Công ước này. [9]
Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam nên lưu ý đến lập luận mà Trung Quốc dùng để phản đối Nhật Bản, đối chiếu lập luận đó với lập luận mà họ đã dùng với Việt Nam, để cho thế giới thấy rõ sự mâu thuẫn trong lập trường của họ. Ngay tại Liên Hợp quốc, họ đòi hỏi phải áp dụng UNCLOS ở chỗ này, nhưng vứt bỏ UNCLOS ở chỗ khác.
Về phía Nhật Bản, chưa có thông tin chính thức họ trả lời phản đối của Trung Quốc như thế nào. Nhân đây, những hành động của họ đối với Okinotori có thể gợi ý cho Việt Nam những bài học tốt. Người dân Nhật gần như không quan tâm gì đến Okinotori cho đến năm 2004, khi tàu Trung Quốc tăng cường xuất hiện ở đây, và họ bất ngờ tuyên bố với Nhật rằng Okinotori không đủ điều kiện để yêu sách thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế. [10] Đá Okinotori nằm bên sườn phía đông Nhật Bản, án ngữ đường biển nối liền căn cứ hải quân Guam của Hoa Kỳ và Đài Loan.
Nếu khống chế được điểm yết hầu này, Trung Quốc có thể cắt đứt mối liên hệ trên biển giữa Guam và Đài Loan. Ngay khi cảm nhận được mối nguy, cả chính phủ lẫn người dân Nhật đều hành động một cách quyết liệt và đồng thuận. Về phía nhân dân, hoạt động của các tổ chức dân sự là hết sức ấn tượng, đặc biệt có thể kể đến tổ chức Nippon Zaidan. [11] Được tài trợ bởi các doanh nhân, Nippon Zaidan chi hàng triệu USD tổ chức nghiên cứu một cách quy mô và bài bản về Okinotori trên tất cả các lĩnh vực, và dĩ nhiên, không thể thiếu lĩnh vực công pháp quốc tế. [12]
[1] Đăng ký của Nhật
[2] Công hàm TQ phản đối Nhật
[3] “Trung Quốc phản đối đăng ký thềm lục địa của Nhật: Okinotori chỉ là đá”
[4] Đăng ký của VN
[5] Công hàm TQ phản đối Việt Nam
[6] Để biện hộ cho quyền sở hữu này, trong công hàm phản đổi, Trung Quốc chỉ đơn giản là khẳng định rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” , đã “quản lý” nó liên tục, và chủ quyền của họ được “quốc tế” “thừa nhận rộng rãi”.
[7] Ở đây họ cố ý né trách UNCLOS đến từng từ ngữ một. Họ không nhắc đến thuật ngữ EEZ, và thay vì dùng thuật ngữ “thềm lục địa” (continental shelf) của UNCLOS, họ dùng những từ đồng nghĩa “tầng đất”(subsoil) và “đáy biển” (seabed).
[8] Có một vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đều không có đời sống kinh tế độc lập. Vậy, nếu chiếu theo UNCLOS, cần nói về chúng như là “đảo” hay “đá”? Việc gọi chúng là “đảo” hay “đá” không ảnh hưởng đến chủ quyền của VN với chúng, nhưng có thể ảnh hưởng một phần đến việc tranh chấp lãnh hải, EEZ và thềm lục địa bao quanh những đảo/đá đó.
[9] Việt Nam trả lời Trung Quốc
[10] Yukie Yoshikawa, Okinotorishima: Just the Tip of the Iceberg
[11] Các nghiên cứu của Nippon Zaidan về Okinotori
[12] Ví dụ, báo cáo của Kuribayashi Tadao, giáo sư Luật ở Đại học Toyoeiwa, trong khuôn khổ một nghiên cứu của Nippon Zaidan, cũng dựa vào UNCLOS để biện luận rằng Okinotori có thể có thềm lục địa và EEZ. Lý do là, không có một định nghĩa rõ ràng về “đá” trong UNCLOS. Cái ý niệm cho rằng “đá” là nơi con người không thể cư trú và không có đời sống kinh tế độc lập là những căn cứ mơ hồ, vì trong thời đại ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người ta hoàn toàn có thể làm cho một nơi không thể cư trú thành có thể cư trú, một nơi không có đời sống kinh tế độc lập trở nên có một đời sống kinh tế riêng.
Tham khảo: (Kuribayashi Tadao, Vị trí của Okinotori trong Luật pháp quốc tế)
Ngược lại, nhiều chuyên gia quốc tế đã so sánh Okinotori của Nhật với Rockall của Anh. Năm 1988, Jon Van Dyke, giáo sư Luật ở ĐH Hawaii, lần đầu tiên cho rằng Okinotori không đủ điều kiện để đòi hỏi 200 hải lý thềm lục địa. Xem: Martin Fackler, A Reef or a Rock? Question Puts Japan In a Hard Place; To Claim Disputed Waters, Charity Tries to Find Use For Okinotori Shima, Wall Street Journal, Feb 16, 2005. pg. A.1.
-----------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment