Sunday, June 5, 2011

CHÍNH SÁCH AN NINH CỦA HOA KỲ Ở CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG (Robert Gates)



Chủ nhật, 5/6/2011, 15:38 GMT+7

Tại hội nghị an ninh châu Á, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này, tái khẳng định cam kết hiện diện lâu dài ở Đông Á.

Bài phát biểu hôm qua của ông đề cao mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc; ca ngợi những bước phát triển trong quan hệ quân sự với Việt Nam; nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục đối thoại và hiểu biết lẫn nhau hơn nữa giữa Mỹ với Trung Quốc; tái khẳng định cam kết với các bạn bè của Mỹ ở Đông Nam Á như Singapore, Philippines cũng như ở Nam Thái Bình dương và Ấn Độ Dương.
Phát biểu được đưa ra trước sự hiện diện của các phái đoàn chính phủ và quân sự cấp cao của 28 nước, cũng đề cập các nguy cơ an ninh mới, trong đó có tranh chấp chủ quyền và an ninh hàng hải trong khu vực. Ông Gates đánh giá an ninh hàng hải là một trong các chủ đề đặc biệt quan trọng trong khu vực

Dưới đây là trích phát biểu của ông Gates :

...Đây là lần thứ 5 liên tiếp tôi được tham gia đối thoại quốc phòng ở diễn đàn này, và đây là lần cuối cùng. Những cơ hội đó cho tôi một góc nhìn về chủ đề chính mà tôi sẽ nói hôm nay: Cam kết lâu dài và vững chắc của Mỹ ở châu Á trong một bối cảnh đang thay đổi.

Là một người sắp rời chính phủ sau khi đã phục vụ 8 đời tổng thống, tôi hiểu phần nào sự bất định mà thời đổi thay mang đến. Trên thực tế, tôi đã đề cập chủ đề này cách đây hai năm, năm 2008, khi chúng ta chưa biết được kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Khi đó tôi nói rằng bất cứ tổng thống Mỹ mới nào lên cũng sẽ duy trì cam kết và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này.

Với những gì đã qua và với bài phát biểu của mình, tôi hy vọng có thể nói rõ rằng, dưới thời Tổng thống Barack Obama, cam kết kể trên không những được duy trì, mà còn được mở rộng và tăng cường bằng nhiều cách khác nhau. Và tôi tin tưởng rằng điều này sẽ vẫn đúng với chính sách quốc phòng Mỹ dưới thời ông Leon Panetta, một chính khách xuất sắc được bổ nhiệm là người tiếp quản vị trí của tôi.

Tuy nhiên, chúng ta gặp nhau hôm nay vào thời điểm mà nước Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước. Khi những câu hỏi về tính bền vững và sự đáng tin cậy trong những cam kết của chúng tôi đang được đặt ra trên khắp thế giới. Đây là những câu hỏi nghiêm túc và chính đáng.

Rõ ràng, việc tham gia vào hai cuộc chiến kéo dài và tốn kém tại Iraq cũng như Afghanistan đã ảnh hưởng nhiều tới các lực lượng mặt đất của quân đội Mỹ, tác động tới sự kiên nhẫn và chờ đợi của nhân dân Mỹ đối với những sự can thiệp tương tự trong tương lai. Ở trong nước, Mỹ đang hồi phục dần sau sự suy thoái nghiêm trọng với thâm hụt ngân sách lớn và nợ gia tăng, và điều này đang khiến cho ngân sách quốc phòng của Mỹ được xét một cách kỹ lưỡng hơn và dưới sức ép hơn.

Rõ ràng là chúng tôi đang phải đối mặt với thực tế khó khăn. Nhưng vào thời điểm này, tại nơi đây và trước tất cả các vị, việc nhìn nhận một cách thực tế và công bằng vai trò của Mỹ tại châu Á là rất quan trọng. Lịch sử chỉ ra rằng, cho dù trong bất kỳ giai đoạn khó khăn hay những lựa chọn nào về ngân sách mà chúng tôi phải đương đầu, sự quan tâm của Mỹ với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương, một quốc gia có nhiều trao đổi thương mại tại khu vực này, vẫn sẽ được duy trì dài lâu. Mỹ cùng với châu Á sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ gắn bó chặt chẽ trong thế kỷ này.

Vì thế, tôi hy vọng bài thuyết trình của tôi hôm nay sẽ cho thấy những thực tế này cũng như sự nhận thức chung, được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo Mỹ và những người làm chính sách trong toàn chính giới, là minh chứng mạnh mẽ cho cam kết lâu bền của chúng tôi đối với các đồng minh, cũng như duy trì sự can dự mạnh mẽ và thế răn đe trong toàn vành đai Thái Bình dương.

Tuyên bố này được minh chứng bởi sự tăng trưởng đáng kể về quy mô và cường độ trong những cam kết của Mỹ tại châu Á những năm gần đây, thậm chí ngay ở thời điểm nền kinh tế Mỹ đi xuống và hai chiến dịch quân sự lớn đang diễn ra tại Iraq và Afghanistan. Ba năm trước, tôi đã nói rằng cam kết của Mỹ được thể hiện bằng thực tế là tôi đã có bốn chuyến công du quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương trong vòng 18 tháng. Giờ đây, tôi có thể thông báo rằng đây là chuyến đi thứ 14 của tôi tới châu Á trong vòng 4 năm rưỡi vừa qua. Tháng tới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ có chuyến công du thứ 8 tại châu Á. Còn Tổng thống Obama sẽ có một chuyến thăm châu Á quan trọng trong năm nay, nghĩa là mỗi năm một lần kể từ khi ông lên nắm quyền.

Quả thực, một trong những thay đổi nổi bật và bất ngờ mà tôi thấy trong những chuyến thăm châu Á là mong muốn ngày một lớn tại khu vực này về mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ, lớn hơn rất nhiều so với 20 năm trước đây.

Cam kết của chúng tôi tại châu Á được dẫn dắt bởi những nguyên tắc lâu dài, điều khiến duy trì sự phát triển kinh tế và bền vững ở khu vực này. Tôi đã nói về những nguyên tắc này năm ngoái, nhưng tôi cho rằng vẫn cần phải nhắc lại một lần nữa hôm nay để tái khẳng định cam kết của chúng tôi:
- Thương mại tự do và công khai
- Địa vị quốc tế ngang bằng, đề cao quyền và trách nhiệm của các quốc gia, cũng như sự tuân thủ đối với nguyên tắc luật pháp
- Việc tiếp cận không hạn chế trên toàn cầu đối với biển, không gian, khoảng không và giờ đây là cả không gian ảo trên mạng Internet
- Nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn không dùng tới vũ lực.

Mỹ luôn thể hiện sự linh hoạt không chỉ ở việc duy trì sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương, mà còn ở việc tăng cường sự hiện diện này, bằng cách làm mới các mối quan hệ, phát triển những khả năng mới, và thay đổi quan điểm quân sự của chúng tôi để đối phó với những thách thức.

Ví dụ, sau một cuộc chiến với nhiều thương đau, Mỹ và Nhật Bản đã trở thành đồng minh, một mối quan hệ đã trải qua nhiều thử thách và được minh chứng là nền móng cho sự ổn định tại khu vực này. Ví dụ mới nhất và thuyết phục nhất cho mối quan hệ đồng minh của chúng tôi là sự sát cánh của binh sĩ hai nước trong việc cứu trợ và giúp đỡ những người sống sót sau thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3 vừa qua.

Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc là một cột trụ khác trong chiến lược an ninh châu Á – Thái Bình Dương của chúng tôi. Quân đội hai nước tiếp tục phát triển những khả năng phối hợp để ngăn chặn và đánh bại đối phương. Nhưng mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn không chỉ được thiết lập vì điều đó, nó còn được duy trì vì những điều khác có ý nghĩa và lâu dài.

Thoát ra khỏi một thời kỳ vốn gây nhiều ảnh hưởng sâu đậm tới người dân hai nước, Mỹ và Việt Nam đã tiến lên và xây dựng một mối quan hệ song phương vững chắc và sống động. Cùng với nhau, Mỹ và Việt Nam đã tìm ra cách để xây dựng mối quan hệ trên một quá khứ nhưng không để bị quá khứ ảnh hưởng. Cam kết giữa hai nước nhằm vượt qua những trở ngại tưởng chừng như không thể hóa giải đã đưa chúng tôi tới mối quan hệ như ngày hôm nay: đối tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại và đầu tư, giáo dục và y tế, an ninh và quốc phòng.

Chúng tôi giờ đây cũng hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một mối quan hệ toàn diện, hợp tác và tích cực. Với nỗ lực ấy, chúng tôi đang được thấy những kết quả từ những quyết định táo bạo của ba tổng thống Mỹ trong những năm 1970, những người thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, để xây dựng một mối quan hệ hòa hợp giữa hai quốc gia mà cuối cùng dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ vào năm 1979.

Sự chuyển hóa trong mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ cũng là một điểm nhấn đáng chú ý trong vòng một thập kỷ qua, từ chỗ là còn nhiều bất đồng tới việc trở thành đối tác dự trên việc chia sẻ những giá trị dân chủ và những lợi ích an ninh, kinh tế sống còn. Một sự hợp tác được coi là một cột trụ không thể thiếu được đối với sự ổn định của khu vực Nam Á và hơn thế nữa.

Dù việc thúc đẩy các mối quan hệ song phương trong khu vực này là một ưu tiên hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ cũng cam kết mạnh mẽ trong việc giúp phát triển những mối hợp tác đa phương. Một trong những thách thức nghiêm trọng của môi trường an ninh châu Á là việc thiếu cơ chế chặt chẽ trong việc hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực này. Trong vài năm qua, tôi đã ưu tiên hỗ trợ những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này. Đó là lý do vì sao Mỹ năm ngoái là thành viên không thuộc ASEAN đầu tiên chấp nhận lời mời tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Tôi đã rất vinh dự được tham dự lễ khai mạc của hội nghị này tại Hà Nội tháng 10/2010, và tôi lạc quan rằng đó sẽ là một cơ chế quan trọng để mang lại nhiều tiến triển đối với những vấn đề cùng được quan tâm, bao gồm an ninh hàng hải, viện trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai, cũng như các hoạt động gìn giữ hòa bình.

An ninh hàng hải là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với khu vực này, bởi các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và việc sử dụng các vùng nước sao cho thích hợp đang đặt ra những thách thức hàng ngày cho an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Quan điểm của Mỹ về an ninh hàng hải là rất rõ ràng: chúng tôi có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do lưu thông; tự do phát triển kinh tế và thương mại; tôn trọng luật lệ quốc tế. Chúng tôi cũng tin rằng các thông lệ quốc tế được phản ánh trong Công ước về luật biển năm 1982, đã hướng dẫn rõ ràng để (các bên) có thể sử dụng thích hợp các vùng nước cũng như quyền tiếp cận các vùng nước. Bằng việc hợp tác cùng nhau trong các diễn đàn khu vực và đa phương, tuân thủ các nguyên tắc cùng có lợi cho tất cả các bên trong khu vwch, chúng ta có thể đảm bảo rằng tất cả các bên đều có được quyền tiếp cận bình đẳng và cởi mở đối với các tuyến giao thông thủy quốc tế.

Phan Lê

--------------------

.
.
.

No comments: