Tuesday, June 14, 2011

CÁI GỌI LÀ "VỪA LÀ ĐỒNG CHÍ VỪA LÀ ANH EM" (Nguyễn Hoàng Hựu)



Nguyễn Hoàng Hựu
11-06-2011

Tình hình tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông – bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng lãnh hải rộng lớn trong vùng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam – đang có dấu hiệu ngày càng căng thẳng ở mức độ có thể xảy ra đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Trung Quốc hiện đang sử dụng chiến thuật khiêu khích nhằm thăm dò sự phản ứng và ý chí bảo vệ chủ quyền của giới lãnh đạo Việt Nam ở mức độ trực tiếp, và Hoa Kỳ về khả năng can thiệp gián tiếp về mặt chính trị, ngoại giao, huấn luyện quốc phòng và trang bị vũ khí - nếu có cuộc đụng độ trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam xảy ra.

Thái độ khiêu khích có chủ ý và kiên trì cho thấy Trung Quốc đang mong chờ phía Việt Nam nổ súng trước trong một cuộc xung đột mà họ tin rằng họ sẽ chiến thắng về mặt quân sự. Nhưng liệu hàng lãnh đạo nhu nhược hiện nay có sẵn sàng sử dụng vũ lực - khi các nỗ lực ngoại giao thất bại - để bảo vệ chủ quyền của đất nước hay không?

Tin trên báo Nhân Dân (1958)
Nguồn: OntheNet


Chính sách bành trướng của Trung Quốc

Trung Quốc hàng ngàn năm nay xem Việt Nam không khác gì một tỉnh bang của đất nước Trung Hoa mà họ cần phải khuất phục và sáp nhập. Họ chỉ chờ cơ hội lịch sử mở ra để thực hiện ý định thôn tính Việt Nam. Và họ kiên nhẫn chờ đợi cơ hội nhằm thôn tính Việt Nam.

Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện thời cũng như hàng ngũ lãnh đạo trong khoảng hơn 50 năm trở lại đây, khi nhìn lại lịch sử quan hệ và các cuộc chiến tranh giữa hai nước Việt-Trung, có lẽ họ đủ tỉnh táo để nhận ra rằng mỗi khi Trung Quốc đổ quân ào ạt xâm lăng Việt Nam, họ đều đạt được chiến thắng trước mắt một cách nhanh chóng, nhưng đều thất bại trên đường dài khi gặp phải sự kháng cự dựa trên sự đoàn kết và ý chí kiên cường bảo vệ bờ cõi của một Việt Nam được lãnh đạo bởi một nhà nước được lòng dân.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa biết rằng chế độ cộng sản hiện thời đang tứ bề thọ địch khi đối đầu với hàng loạt các khó khăn về kinh tế, xã hội, chính trị - qua sự lớn mạnh của phong trào đòi hỏi nhân quyền và dân chủ. Từ khi đảng cộng sản ra đời đến nay, uy tín của đảng cộng sản đối với người dân chưa bao giờ thấp hơn. Có lẽ trong đầu người Trung Hoa, đây là cơ hội chín muồi để “dứt điểm” cái xương Việt Nam.

Chế độ cộng sản Việt Nam hiện tại chắc chắn là một chế độ không được lòng dân. Đúng hơn là một chế độ đang khánh tận về mọi mặt – nhưng dư thừa về mức độ tàn bạo và vô nhân đạo khi đối xử với người dân.


CSVN trong vai trò vừa là công cụ vừa là nội công

Cơ hội lớn nhất đối với Trung Quốc trong 100 năm qua nhằm thực hiện chủ trương thôn tính và ảnh hưởng toàn diện lên Việt Nam bắt đầu khi đảng cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo chọn Trung Hoa cộng sản làm đồng minh chiến lược qua mối quan hệ thắm thiết gọi là “vừa là đồng chí vừa là anh em.” Ông Hồ và các lãnh đạo cộng sản không nhìn thấy gian ý đằng sau cái đồng minh vừa là đồng chí vừa là anh em do Mao Trạch Đông chủ trương và phác họa.

Mục tiêu tối hậu của Mao là sử dụng Bắc Việt làm công cụ - như là một lực lượng xung kích – nhằm tiêu diệt dân tộc Việt thông qua cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai miền Nam-Bắc, khiến dân tộc Việt kiệt quệ và suy yếu. Mục tiêu thứ hai là bào mòn sức mạnh của kẻ thù chiến lược của Trung Quốc là Mỹ - với máu người Việt Nam và vũ khí do Trung Quốc viện trợ. Qua cuộc chiến Nam-Bắc, CSVN đã chứng tỏ là một công cụ hiệu quả cùng một lúc đạt hai mục tiêu do Trung Quốc điều khiển. Hai mục tiêu này nằm trong chiến lược bành trướng về phía Nam của Trung Hoa.

Bằng chứng về vai trò làm nội công trong công cuộc xâm lấn và thôn tính Việt Nam của Trung Quốc thể hiện qua công hàm do Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958 với sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh. Công hàm này mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa, và các vùng lãnh hải rộng lớn thuộc Việt Nam mà ngày nay Trung Quốc tuyên bố là họ có “chủ quyền không thể tranh cãi.”

Tin trên tờ Nhân Dân (1958)
Nguồn Ảnh: OntheNet

Vai trò nội công của giới lãnh đạo CSVN thể hiện qua các hiệp định được ký kết lén lút như hiệp định vịnh Bắc bộ, hiệp định về đường biên giới trong đó ải Nam Quan và thác Bản Giốc đã không còn của Việt Nam. Vai trò nội công thể hiện qua việc cho phép trồng hoặc phá rừng thuộc các tỉnh phía Bắc giáp giới với Trung Quốc. Khai thác Bô-xít tại Cao nguyên không nằm ngoài chủ trương khống chế nguồn nguyên liệu, phá hủy môi trường, bẻ gãy thế chiến lược về an ninh quốc phòng do Trung Quốc chủ xướng.

Thực tế quan hệ chính trị và ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam trong hơn 50 năm qua chứng minh rằng không tồn tại cái gọi là mối quan hệ vừa là đồng chí vừa là anh em – mà chỉ có mối tương quan một chiều “vừa là công cụ vừa là nội công.”


Trung Quốc đã và đang bao vây Việt Nam

Trung Quốc hiện đang bao vây và giáp công lãnh thổ Việt Nam ít nhất là ba mặt về phương diện địa lý. Mặt còn lại của Việt Nam đang còn bỏ ngõ đó là hướng thoát xuống đảo Phú Quốc – hiện đang có dân số chưa đến 100 ngàn trên diện tích gần 600 cây số vuông.

Trung Quốc đã khống chế gần như toàn diện hai nước Lào và Campuchia là hai quốc gia lân bang tiếp giáp với sườn phía Tây của Việt Nam.

Tại các tỉnh phía Bắc giáp biên giới, Trung Quốc đã nắm các vị trí và điểm cao chiến lược thông qua các chương trình trồng hoặc phá rừng. Khi cần đổ quân, Trung Quốc đã nắm rõ các vị trí tiến công và phòng thủ chiến lược từ phía Việt Nam.

Trên Cao nguyên, Trung Quốc đã nắm thế thượng phong và họ có thể chuyển quân từ Lào sang khi cần.

Tại Biển Đông, Trung Quốc chủ ý dành cho Việt Nam một hành lang đủ đi thuyền thúng ra biển nhỏ.

Sự bao vây và giáp công trên lãnh thổ Việt Nam đã diễn ra hàng chục năm nay, nhưng với chủ trương xem tiền đồ của đảng quan trọng hơn tiền đồ của đất nước, lãnh đạo đảng cộng sản đã nhắm mắt làm ngơ – thậm chí tiếp tay cho Trung Quốc tạo nên thế bao vây gọng kìm hiện nay.


Tháo gỡ thế bao vây gọng kìm từ Trung Quốc

Khi kẻ thù đang bao vây và xâm lấn đất nước, đảng cộng sản vẫn ôm ấp “16 chữ vàng” như là của hồi môn được ban phát từ kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam. Phản ứng yếu ớt từ ngoại giao đến chính trị của lãnh đạo Việt Nam chỉ gia tăng sự mời gọi xâm lấn của Trung Quốc.

Lãnh đạo đảng cộng sản cần tuyên bố tính bất hợp pháp của công hàm do Phạm Văn Đồng ký vì đó là công hàm bán nước. Chính sự im lặng của nhà cầm quyền Việt Nam đã tạo nên tính hợp pháp của công hàm bất hợp pháp này.

Cộng sản Việt Nam, Việt Cộng, dâng biển cho Trung Cộng
Nguồn Ảnh: OntheNet

Không một người Việt Nam nào có quyền ký nhượng chủ quyền của đất nước cho bất kỳ ngoại bang nào. Lãnh đạo đảng cộng sản cần đóng gói 16 chữ vàng và gởi trả về Trung Quốc, nếu họ không muốn 16 chữ vàng này chôn vùi chính họ.

Việt Nam khó có thể giữ toàn vẹn lãnh thổ hoặc thoát khỏi thế bao vây của Trung Quốc nếu quyền lãnh đạo đất nước và xã hội nằm trọn trong tay đảng cộng sản Việt Nam. Chính sự độc tài đảng trị là nguyên nhân sâu xa tạo nên các khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội, đồng thời đặt đất nước vào thế bao vây gọng kìm hiện nay.

Việt Nam chỉ có thể phá vỡ thế bao vây gọng kìm từ Trung Quốc hiện nay - khi và chỉ khi - đảng cộng sản thực tâm trao trả lại chủ quyền đất nước cho người dân thông qua bầu cử công bằng và tự do, từ đó thiết lập một chế độ chính trị dân chủ. Khi người dân Việt là những ông chủ đích thực của đất nước, sức mạnh và ý chí của toàn dân sẽ đánh bại tất cả các mưu toan thôn tính của kẻ thù phương Bắc.

© DCVOnline
.
.
.

No comments: