Monday, June 13, 2011

BIỂN ĐÔNG & SỰ ĐỒNG THUẬN TRONG ASEAN (Carlyle A. Thayer)

SGTT phỏng vấn giáo sư Carlyle A. Thayer
Ngày 13.06.2011, 11:32 (GMT+7)

SGTT.VN - Qua thư điện tử, giáo sư Carlyle A. Thayer, chuyên gia về chính trị thuộc đại học New South Wales, học viện Quốc phòng Australia phân tích những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua và đối sách của các nước liên quan như tạo sự đồng thuận trong ASEAN, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Thưa giáo sư, ông đánh giá thế nào về vụ gây hấn mới của Trung Quốc với tàu của Việt Nam hôm 9.6 vừa qua?
Cùng với vụ việc hôm 26.5, có thể thấy hành động của Trung Quốc thể hiện ý muốn khẳng định chủ quyền của họ ở Biển Đông. Trung Quốc đang chứng tỏ rằng, nước này muốn “quản lý Biển Đông”.
Hành động của Trung Quốc không dựa trên sự hiểu biết chung về luật pháp quốc tế. Họ từ chối làm rõ chính xác điều mà họ đang yêu sách.
Trung Quốc đang tăng cường việc xây dựng nhiều tàu hải giám hơn nữa. Và Trung Quốc cũng đã đưa một giàn thăm dò dầu lớn và nói sẽ thăm dò ở Biển Đông.
Dần dần, Trung Quốc đang thiết lập quyền bá chủ ở các vùng biển trong đường lưỡi bò. Yêu sách của Trung Quốc cắt trực tiếp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines.
Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc có thể sẽ ngừng nếu không đạt được mục đích của họ là dừng các hoạt động thăm dò của Việt Nam và Philippines.

Ông nghĩ như thế nào về khả năng xảy ra đụng độ trên Biển Đông và vai trò quốc tế ở khu vực này?
Đến nay Trung Quốc đã dùng các tàu hải giám dân sự ở Biển Đông. Có thể xảy ra đụng độ giữa các lực lượng hải quân nếu căng thẳng hiện nay không được giải quyết và tiếp tục leo thang.
Về phía quốc tế, vai trò lãnh đạo của Mỹ rất quan trọng. Mỹ nắm vai trò đi đầu thì các đồng minh của họ sẽ theo sau.
Vấn đề chủ chốt là ASEAN có đạt được sự đồng thuận về chính sách với Trung Quốc hay không. Nếu ASEAN có thể đại diện cho một mặt trận thống nhất thì sẽ có sự ủng hộ của Mỹ và các nước khác như Nhật, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc.
Theo quan điểm của ông, chiến lược của Trung Quốc là gì? Tại sao giờ họ muốn biến hình chữ U thành hiện thực?
Kế hoạch chiến lược của Trung Quốc là xây dựng lực lượng hải quân để ngăn chặn hải quân Mỹ khỏi hoạt động trong cái gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” xa bờ Đông từ Nhật Bản tới Indonesia.
Chiến lược của Trung Quốc là phát triển lực lượng hải quân để bảo vệ các lợi ích thương mại và đường biển giao thương từ Trung Đông tới Trung Quốc thông qua Biển Đông.
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các năng lượng nhập khẩu như dầu và gas. Vì thế, chiến lược của Trung Quốc là thiết lập càng nhiều quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên hydrocarbon ở Biển Đông càng tốt. Điều này cũng có nghĩa là thiết lập quyền bá chủ với các đảo và các vùng biển trong đường chín đoạn.
Sự quyết đoán của Trung Quốc gần đây nhắm tới mục đích ngăn chặn Việt Nam và Philippines dừng khai thác các nguồn tài nguyên này và ngăn hai nước thu hút các công ty nước ngoài khai thác dầu ở đây. Trong quan điểm của Trung Quốc, nếu họ không hành động bây giờ, yêu sách của họ với “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông sẽ bị xói mòn.
Vậy theo ông, Việt Nam nên làm gì vào lúc này?
Việt Nam cần duy trì sự thống nhất ở hậu phương của mình, và chứng tỏ quyền chủ quyền thực tế với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Việt Nam phải vững vàng nhưng không bị khiêu khích. Trong dài hạn Việt Nam cần phát triển và triển khai các tàu thuyền và máy bay thích đáng để giám sát và duy trì sự giám hải ở vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Một điều quan trọng nữa là, Việt Nam nên hình thành các mối quan hệ chính trị thân thiết với các nước thành viên ASEAN như Philippines, Malaysia và Indonesia và phát triển một chính sách chung. Việt Nam nên ủng hộ vai trò chủ tịch ASEAN của Indonesia trong xây dựng sự đồng thuận trong tất cả mười nước thành viên.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần vận động hành lang tất cả các cường quốc liên quan đến lợi ích ở Biển Đông và tìm được sự ủng hộ của họ cho ASEAN. Các cường quốc lớn sẽ nhìn vào ASEAN trước nhất và sau đó họ sẽ nhìn vào cư xử của Mỹ.
Cuối cùng, Việt Nam cần tạo áp lực với Trung Quốc ở các cuộc họp cấp cao để bảo đảm hiện trạng và làm giảm căng thẳng.
Theo tôi, chiến lược của Việt Nam là phải dựa vào việc “được thế giới nhìn nhận là nạn nhân”. Nếu Việt Nam trở nên “hùng hổ” hay bị khiêu khích trong quan hệ với Trung Quốc, thì sẽ bị nhìn nhận là “một phần của vấn đề rắc rối”. Điều này sẽ khiến ASEAN mất đi sự thống nhất.
Việt Anh (thực hiện)

.
.
.

No comments: