Sunday, June 12, 2011

ASEAN "NGẠI BỊ XEM LÀ THÔNG ĐỒNG" TRƯỚC TRUNG QUỐC (BBC)


BBC
Cập nhật: 15:06 GMT - chủ nhật, 12 tháng 6, 2011

Thực trạng to tiếng và đôi lúc xung khắc về chủ quyền tại Biển Đông không phải là điều gì mới mẻ.
Tuy nhiên tiếng nói từ một vài thủ đô tại Đông Nam Á đang ngày càng lớn hơn trước những hành động của Trung Quốc tại khu vực đang có tranh chấp.
Các nước trong khu vực không thể đối chọi với Bắc Kinh trên phương diện quân sự, nhưng họ cũng không muốn cho qua và không muốn mất lãnh thổ trên biển.
Quốc tế hóa tranh chấp, bao gồm cả việc khuyến khích sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực, là một cách để bảo vệ lợi ích của họ.
“Tôi ngày càng thấy muốn dùng từ gây hấn hơn là từ quyết đoán trong việc mô tả hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông Ian Storey, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore được Reuters trích dẫn.

‘ASEAN thông đồng’
Tin cho hay Philippines nói việc Trung Quốc đóng cọc, đặt phao nổi và để lại vật liệu xây dựng gần Bờ Douglas Amy là sự cố nghiêm trọng nhất cho tới nay, khiến dẫn tới việc Manila cáo buộc Bắc Kinh đã vi phạm Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Trung Quốc nói rằng Manila đang vi phạm chủ quyền của mình, và nói vật liệu này là để phục vụ các mục đích khoa học trên lãnh thổ của mình và không có ý định chiếm hoặc giữ các bãi đá.
Tuy nhiên ông Euan Graham, nhà nghiên cứu từ Chương trình Nghiên cứu Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore được Reuters trích dẫn nói “Cho dù đó là bước đi quân sự hay không … Tôi nghĩ rằng nếu có việc xây dựng trên khu vực trước đây trống, thì đó sẽ là việc vi phạm DOC khá rõ ràng,”.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu hồi tuần trước nói: “Chúng tôi duy trì quan điểm vững chắc về chủ quyền và đồng thời kiên định trong cách thức và những đề xuất nhằm giải quyết những bất đồng cũng như có hợp tác.”
Chúng tôi duy trì quan điểm vững chắc về chủ quyền
Lưu Kiến Siêu, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines
Một vấn đề khác tồn tại là không phải thành viên nào trong ASEAN cũng có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Ngoài Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei thì các quốc gia khác như Thái Lan, Miến Điện và Lào, không tuyên bố có chủ quyền tại khu vực này.
Những nước này không thấy có ít động lực để thách thức Bắc Kinh về vấn đề này và Trung Quốc hiện là đối tác mậu dịch ngày càng quan trọng cho tất cả các nước trong khu vực.
Tang Siew Mun, Giám đốc Chính sách Đối ngoại và Nghiên cứu An ninh, tại Viện Chiến lược của Malaysia và Nghiên cứu Quốc tế, nói các nước tuyên bố có chủ quyền sẽ phải đàm phán, thống nhất được một thỏa thuận, tức là tất cả các thành viên ASEAN không cần phải tham gia.
“Nếu ASEAN tham gia thì điều đó có thể gây cản trở sự tiến bộ vì Trung Quốc có thể xem hành động này như một sự khiêu khích trong đó ASEAN “thông đồng” để thách thức Trung Quốc,” ông Tang Siew Mun được trích dẫn.

‘Đơn độc’
Trong những tuần gần đây Trung Quốc và Việt Nam đều cáo buộc lẫn nhau đã xâm phạm chủ quyền trên biển.
Vào ngày Chủ nhật 12/06 đã diễn ra cuộc biểu tình thứ hai chống Trung Quốc tại Hà Nội và TP. HCM.
Truyền thông nước ngoài, báo chí hải ngoại và cả một số trang web tin tức phi chính thức và blog cá nhân trong nước cập nhật nhiều về cuộc biểu tình.
Nhà báo Huy Đức, ở TP. HCM, viết trên trang Facebook của mình: “Những thanh niên, trí thức, thường dân hôm nay, 12-6-2011, biết chính quyền đang phải chịu những sức ép nào và những sức ép ấy giờ đây lại dồn lên vai họ. Nhưng, hàng ngàn người dân vẫn phải xuống đường.”
“Họ muốn nói với người phương Bắc, cho dù lịch sử có trải thêm mấy nghìn năm, cho dù bị lừa phỉnh bởi “tình láng giềng, đồng chí”, người Việt Nam vẫn hiểu Trung Quốc là ai và bảo vệ chủ quyền là ý chí không có gì lay chuyển được,” ông Huy Đức viết trong bài có tựa “Đơn độc”.
Cho đến cuối ngày, báo chí nhà nước vẫn chưa đề cập gì đến vụ biểu tình này, mặc dù giới phân tích nhận định sự kiện chỉ có thể xảy ra với sự ngầm đồng ý của chính phủ Việt Nam.

-------------------------


.
.
.

No comments: