Hoàng Xuân Huy
Ngày 14.04.2011, 08:41 (GMT+7)
SGTT.VN - Sự bất ổn trên thị trường vàng đã góp phần gây nên tình trạng bất ổn vĩ mô tăng cao. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do tình hình kinh tế chứa đựng nhiều rủi ro, làm cho các dòng vốn phải tìm nơi trú ẩn an toàn là vàng. Do đó, để bình ổn thị trường vàng thì giải pháp ngắn hạn là điều tiết thị trường hợp lý hơn và giải pháp căn cơ, dài hạn là phải ổn định kinh tế vĩ mô.
Vàng gắn bó với đời sống của người dân Việt Nam không chỉ ở góc độ trang sức mà còn là phương tiện thanh toán thuận tiện có thể thay thế tiền tệ, đồng thời là tài sản cất trữ có giá trị. Vàng còn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả bởi tính ổn định và thanh khoản cao. Lạm phát tăng cao và những bất ổn vĩ mô khác làm cho vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất so với các kênh khác như bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm… Tuy nhiên, thị trường vàng đang chứa đựng nhiều bất ổn có thể làm phương hại đến nhà đầu tư và cả sự ổn định của nền kinh tế.
Thất bại của thị trường vàng
Thất bại dễ nhận thấy nhất của thị trường vàng hiện nay là sự lệch lạc của giá vàng. Nếu lấy giá vàng thế giới làm chuẩn thì có thể thấy sự biến động của giá vàng Việt Nam là vô cùng bất thường. Từ giai đoạn bất ổn vĩ mô 2007 – 2008 đến nay, thị trường vàng thường xuyên diễn ra tình trạng nóng sốt, giá trong nước thường cao hơn giá thế giới từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng một lượng, thậm chí có thời điểm lên đến cả 2 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm có thông tin Chính phủ sẽ xoá bỏ tự do kinh doanh vàng miếng (mặc dù vẫn thừa nhận quyền sở hữu vàng của người dân), thị trường vàng trở nên đóng băng, giá vàng trong nước giảm mạnh, có lúc thấp hơn giá vàng thế giới và rất ít xê dịch cho dù giá vàng thế giới liên tục thiết lập các mức cao kỷ lục.
Sự biến động thị trường vàng trong nước là nguyên nhân làm tình trạng bất ổn vĩ mô tăng cao. Cho đến năm 2007, thị trường vàng tương đối ổn định, tuy nhiên, từ sau năm 2007, những bất ổn vĩ mô trong nước đã làm cho các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán không còn hấp dẫn, tác động của lạm phát cao đã làm cho lãi suất thực của tiết kiệm rất thấp. Ngoài ra, sự gia tăng liên tục giá vàng thế giới đã hấp dẫn các nhà đầu tư chạy theo vàng. Đầu tư vàng không chỉ là nơi an toàn trong tình trạng kinh tế bất ổn mà còn là kênh đầu tư tạo ra nhiều lợi nhuận. Chính việc các dòng vốn đều tập trung vào kênh đầu tư vàng đã làm cho cầu vàng tăng cao, trong khi cung vàng bị hạn chế do phụ thuộc vào hạn ngạch nhập vàng của ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tâm lý đầu cơ của nhà đầu tư. Cầu lớn hơn cung đã làm cho giá vàng trong nước tăng cao hơn rất nhiều so với vàng thế giới. Điều này dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng diễn ra mạnh mẽ. Buôn lậu vàng đòi hỏi lượng ngoại tệ lớn làm cầu ngoại tệ trên thị trường tự do tăng, cầu ngoại tệ nhập vàng tăng góp phần làm tỷ giá thị trường tự do tăng. Những điều này một mặt gây áp lực phá giá đồng nội tệ, một mặt gây áp lực buộc NHNN cho phép nhập vàng. Cứ như vậy vòng xoáy vàng, ngoại tệ lặp đi lặp lại góp phần gây nên tình trạng bất ổn tăng cao.
Do thất bại của các chính sách can thiệp
Dựa trên nhận định rằng sự bất ổn của thị trường vàng đã góp phần gây nên tình trạng bất ổn vĩ mô, NHNN đã tiến hành can thiệp vào thị trường vàng. Đầu tiên là dẹp bỏ sàn giao dịch vàng ảo. Tuy nhiên biện pháp này tỏ ra kém hiệu quả. Cho dù không có sàn vàng ảo dẫn dắt và sắp tới có thể dẹp luôn giao dịch vàng miếng, thị trường vàng miếng vẫn dậy sóng. Những động thái can thiệp này của NHNN đang đi ngược lại nguyên tắc thị trường và không chữa trị được tận gốc của vấn đề. Nó phạm phải ba sai lầm dẫn đến thất bại của Nhà nước trong việc quản lý hiệu quả thị trường vàng.
Thứ nhất, các chính sách đưa ra đã không lường hết những phản ứng của thị trường. Khi NHNN dẹp bỏ sàn vàng ảo, lập tức các nhà đầu tư sẽ chuyển dòng vốn của mình sang vàng miếng (chứ không phải là sang các kênh đầu tư mà Nhà nước mong muốn như tiết kiệm), làm cho thị trường vàng miếng càng nóng sốt hơn. Và bây giờ, trong khi những rủi ro của nền kinh tế vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí còn tăng cao thì kênh đầu tư ưa chuộng nhất vẫn là vàng. Do đó, việc NHNN tuyên bố sẽ xoá bỏ thị trường vàng miếng có thể làm phát sinh thị trường “vàng lá”, “vàng thỏi phong thuỷ”...
Thứ hai, các chính sách chú ý quá mức đến các vấn đề ngắn hạn. Những biến động gần đây của thị trường vàng chỉ mang tính ngắn hạn do tác động của tình hình kinh tế và chính sách hạn ngạch vàng. Việc dẹp bỏ kinh doanh vàng miếng là biện pháp mang tính ngắn hạn mà không quan tâm đến lợi ích dài hạn của vàng là kênh đầu tư an toàn nhằm đa dạng hoá rủi ro cho nhà đầu tư và cả nền kinh tế.
Thứ ba, các chính sách can thiệp của Nhà nước không tuân theo nguyên tắc thị trường. Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân sâu xa của những bất ổn trên thị trường vàng không xuất phát từ bản thân thị trường này mà do tác động của chính sách hạn ngạch nhập khẩu của NHNN trong điều kiện bất ổn kinh tế vĩ mô. Do đó, thay vì cấm đoán thị trường vàng, NHNN có thể thay đổi chính sách hạn ngạch. Theo đó, NHNN có thể chuyển từ việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng sang việc trực tiếp hoặc uỷ thác cho các công ty nhập khẩu vàng để hoán đổi một phần dự trữ ngoại tệ sang dự trữ vàng. Động thái này một mặt làm tăng nguồn cung trong nước qua đó làm giảm tâm lý đầu cơ để bình ổn thị trường vàng, mặt khác NHNN có thể mua bán vàng ra thị trường để can thiệp nếu cần thiết. Ngoài ra, việc chuyển một phần dự trữ ngoại tệ sang dự trữ vàng có thể hạn chế rủi ro giá trị thực của dự trữ ngoại hối bị sụt giảm khi các ngoại tệ bị mất giá do lạm phát ở nước ngoài.
Khi nền kinh tế ngày càng thị trường hoá và thâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nó đòi hỏi thể chế kinh tế mới và phương thức quản lý mới mà ở đó Nhà nước đóng vai trò định hướng hơn là trực tiếp chèo lái các hoạt động kinh tế. Sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế đòi hỏi phải có cơ sở rõ ràng và biện pháp can thiệp cần tuân theo các nguyên tắc thị trường.
Hoàng Xuân Huy
----------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment