12:01:am 15/04/11
Tôi có hai cháu gái. Lúc lên 3, lên 4 hai cháu rất mê bộ phim vẽ mà nhân vật chính có tên Dora. Cô bé Dora được vẽ rất đơn điệu. Nét vẽ không cầu kỳ, không chi tiết diễn tả tình cảm trên nét mặt. Dora chỉ nói và làm những điều đơn giản với mục đích giáo dục trẻ thơ tập nói và tập làm. Ấy thế mà hai cháu rất mê! Nhờ thế khi đút cơm cho các cháu rất dễ, cứ mở Dora cho các cháu xem thì hai cái miệng há to cứ y như miệng chim non khi nghe tiếng mẹ tha mồi về vì đôi mắt cứ dính trên màn ảnh! Và, từ áo, quần, giày, vớ, đồ chơi.. đều có hình Dora. Khi hai cháu lên 5, lên 6 đã đến trường thì hình ảnh Dora được thay bằng Cindrella! Túi đeo lưng đựng sách vở, túi nhỏ đựng thức ăn trưa, kể cả hộp đựng thức ăn, muỗng nỉa cũng Cindrella. Lúc ngủ còn ôm búp bê Cindrella lên giường. Công chúa Cindrella tuyệt đẹp của các cháu bây giờ là tất cả!
Những người bỏ công tạo ra các thần tượng nầy dĩ nhiên là để bán sản phẩm, và họ bán được đủ loại cho hai cháu. Mà thần tượng thì cứ thay đổi liên tục theo hạn tuổi, theo thời gian!
Cuộc chiến Việt Nam vừa qua cũng có vô số thần tượng! Sử gia Trần Huy Liệu, trước khi mất đã kể lại lai lịch về thần tượng Lê Văn Tám do ông đẻ ra! Cho đến hôm nay, một công viên lớn giữa thành phố Hồ Chí Minh, là nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi cũ ở Sài Gòn thời Việt Nam Cộng hòa, nằm trên đường Hai Bà Trưng, khu Tân Định, vẫn còn mang tên “thần tượng Lê Văn Tám”!
Không mấy ai đặt câu hỏi: Bao nhiêu thanh thiếu niên đã chết vì thần tượng nầy?
Các nhà thương mại tạo thần tượng để bán sản phẩm. Còn chính trị thì người ta tạo thần tượng để mua mạng sống của người khác!
Người Việt Nam chuộng học vấn, học vị. Cứ bác sĩ, kỷ sư, tiến sĩ, luật sư, giáo sư.. là được trọng nể. Những chức danh và học vị đó luôn ám ảnh cha mẹ, nên cha mẹ chấp nhận mọi khó khăn gian khổ với mong ước con cái mình đạt được mơ ước!
Nơi công cộng, cứ bác sĩ, kỹ sư.. là được ăn trên ngồi trốc mà trớ trêu thay, họ xem đó là điều đương nhiên!
Đây là hình ảnh người vợ nuôi chồng trong ca dao:
… Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay
Một quan là sáu mươi đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưởi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường..
Chồng tôi thi đỗ khoa nầy
Bỏ công kinh sử từ ngày lấy tôi
Tôi ra đứng tựa gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem…
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay
Một quan là sáu mươi đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưởi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường..
Chồng tôi thi đỗ khoa nầy
Bỏ công kinh sử từ ngày lấy tôi
Tôi ra đứng tựa gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem…
Về mặt xã hội, cũng mặc nhiên công nhận như thế. Cứ có học vị cao, địa vị cao là có đặc quyền đặc lợi.
Quan niệm học để phục vụ, địa vị càng cao thì trách nhiệm càng lớn.. bị cố tình lãng quên!
Vì những trớ trêu như thế cho nên người Việt Nam đầu tiên nhận được giải Fields về toán học, Giáo sư Ngô Bảo Châu, mới được đón tiếp tưng bừng cấp nhà nước! Những lễ tiệc hoành tráng, những ca ngợi không tiếc lời đã được dàn dựng công phu và liên lỉ dù thành tích phục vụ đất nước chưa có!
Giáo sư Ngô Bảo Châu là thần tượng! Giáo sư Ngô Bảo Châu không chỉ là nhà toán học lỗi lạc thế giới mà là thiên tài về mọi mặt!
Sau khi nhận được sự ngợi khen của cả nước, đặt biệt là của Đảng lãnh đạo, qua cái ôm siết tận tình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữa Hội trường Quốc gia và căn nhà năm bảy trăm ngàn Đô chi đó, được trao tặng sau nầy, thì cái trong sáng của khoa học, cái thật thà của một người nghiên cứu toán học, Giáo sư Ngô Bảo Châu, bỗng chốc trở thành đỉnh điểm của ngợi ca và bất bình!
Báo chí cả nước tự đặt tên giải Fields là giải Nobel về Toán học! Nhưng nếu là Nobel về Hòa bình thì chắc chắn đây chỉ là một giải tầm phào “can thiệp vào nội bộ Việt Nam” mà người nhận giải không chừng sẽ là một Lưu Hiểu Ba thứ hai!
Những ẩn số x, y của một phương trình tưởng rất đơn giản nhưng đây không phải là phương trình toán học cho nên Giáo sư Toán Ngô Bảo Châu chưa thể giải mã! Vì ẩn số chính trị không phải là ẩn số toán học!
Nhà nước muốn trương bảng trọng đãi nhân tài, đầu tư chất xám.. nên ông mới được đón tiếp “hoành tráng”, được lãnh đạo ôm siết, được tặng nhà 5, 7 trăm ngàn Đô.. tất cả chỉ là một biển quảng cáo với mục đích tạo ra bức bình phong thật lớn để che đậy hàng hàng lớp lớp quan to chức lớn đang ngày đêm thi nhau đục khoét tiền tỉ Đô..
Giá như coi Giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ là nhân tài hiếm có về Toán không thôi thì những phát biểu của ông về phiên tòa xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã không gặp nhiều phản ứng như đang có. Vì thế, chỉ qua một bài viết ngắn, đúng hơn là ý kiến cá nhân của Giáo sư Ngô Bảo Châu về phiên tòa xử Luật sư Cù Huy Hà Vũ lẽ ra cũng chỉ đúng/sai thường tình nhưng giờ đây đã bị đặt dưới kính hiển vi và dấy lên hàng loạt khen chê. Đả phá và bênh vực! Công luận khắt khe như vậy vì đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ thành thật! Chính vì chỗ không thành thật nầy nên Giáo sư Ngô Bảo Châu mới rơi vào vòng xoáy!
Thế mới biết, toán học thật mênh mông nhưng đôi khi lại ít nhức đầu hơn môn toán chính trị, đặc biệt là với những toan tính đầy ma thuật!
(14/4/2011)
© Hồ Phú Bông
© Đàn Chim Việt
.
.
No comments:
Post a Comment