Đức Tâm - RFI
Thứ sáu 01 Tháng Tư 2011
Đang công du Bắc Kinh, hôm nay, 01/04/2011, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc hãy để cho các nhà báo nước ngoài được tự do tác nghiệp tại nước này.
Trong thời gian qua, công an và cảnh sát Trung Quốc đã nhiều lần ngăn cản không cho các nhà báo nước ngoài làm việc khi xẩy ra những vụ tập hợp kêu gọi biểu tình theo gương Cách mạng Hoa Nhài ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.
Đáp lại, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói rằng chính quyền sẽ tạo những điều kiện tốt cho các phóng viên tác nghiệp trong khuôn khổ luật pháp hiện hành của Trung Quốc.
Lo ngại ảnh hưởng của các cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập lây lan sang Trung Quốc, chính quyền đã gia tăng các biện pháp trấn áp giới ly khai. Đồng thời, Bắc Kinh cũng hạn chế các hoạt động của các phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc, ngăn cản các nhà báo đến những nơi có các cuộc tập hợp, theo lời kêu gọi trên internet, noi gương Cách mạng Hoa Nhài.
Theo AFP, trong tháng Hai, hơn một chục các nhà báo nước ngoài đã bị câu lưu. Một nhà báo đã bị bạo hành bởi các « thiện nguyện viên » về an ninh trật tự, một dạng lực lượng dân phòng do chính quyền huy động và trả lương. Theo lệnh của chính quyền, những nhóm dân phòng này không ngần ngại ra tay một cách phũ phàng và đe dọa, không để cho các nhà báo nước ngoài chụp ảnh, quay phim những nơi có các cuộc tập hợp của người dân.
Trước sự triển khai các lực lượng công an, an ninh, dân phòng hùng hậu như vậy, cho đến nay, hầu như chưa có một cuộc tập hợp nào diễn ra.
Câu lạc bộ các phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc cho biết là nhiều nhà báo ngoại quốc được phép làm việc tại nước này, đã bị công an theo dõi, nơi ở của họ bị bí mật dò xét. Thậm chí, một phóng viên của AFP còn bị công an vào tận nhà để truy hỏi giấy tờ. Cũng trong dịp này, chính quyền Trung Quốc lại cho áp dụng quy định là các phóng viên nước ngoài phải xin phép khi đi làm phóng sự trên thực địa.
--------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment