Friday, April 1, 2011

CÂU CHUYỆN CON CÁ DA TRƠN (RFA)


Vũ Hoàng và Nguyễn Xuân Nghĩa
2011-03-30
Giữa những biến động dữ dội và phức tạp trên thế giới, tuần qua lời tuyên bố của Tổng trưởng Canh nông Hoa Kỳ lại đáng cho dư luận Việt Nam chú ý. Đó là bộ Canh nông chưa thể xác định danh mục về loại cá "catfish" mà người Việt có thể gọi là cá da trơn.
u đuôi câu chuyện này là gì mà dư luận Việt Nam lại nên chú ý? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa qua cuộc trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây...

Những hàng rào cản cá da trơn của VN vào Mỹ

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, ngành thủy sản Việt Nam rất quan tâm đến việc xuất khẩu tôm cá vào thị trường Hoa Kỳ và từ nhiều năm nay đã lo ngại về các rào cản thương mại và luật lệ của Mỹ, trong đó có quy chế kiểm phẩm loại cá da trơn của Việt Nam, mà bên Mỹ gọi là "catfish". Tuần qua, ông Tổng trưởng Canh nông Hoa Kỳ lại cho biết rằng bộ Canh nông chưa xác định về cách xếp loại những con cá nào thì gọi là "catfish". Điều ấy ảnh hưởng ra sao đến việc xuất khẩu cá tra hay cá basa của Việt Nam? Xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh của một vấn đề rất lạ này trước khi chúng ta phân tích vào nội dung....
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa ông, về bối cảnh thì Hoa Kỳ là quốc gia tiên tiến trên thế giới về đánh lưới cận duyên và viễn duyên nhưng lại đi rất chậm về ngành nuôi tôm cá nước ngọt trong đất liền nên họ thường nhập khẩu từ Á châu rồi Mỹ châu La tinh. Riêng về các loại cá da trơn và có râu thì họ cứ gọi chung là "catfish" tức là "cá mèo" vì cái râu, chứ họ không phân biệt cá tra, cá trê, cá hú, cá vồ hay cá basa, v.v... như Việt Nam.
Thật ra, ngành nuôi cá này mới bắt đầu từ khoảng 50 năm trở lại và tập trung tại các tiểu bang miền Đông Nam, nhất là Mississippi, Arkansas, Alabama và Louisiana. Ngành này quy tụ vài vạn nông ngư gia nhưng rất tích cực vận động vào Quốc hội Mỹ, nhất là khi thủy sản của Á châu đã phát triển mạnh và xuất khẩu ào ạt vào Mỹ từ cả chục năm nay, trước hết là từ Thái Lan rồi đến Việt Nam và Trung Quốc.
- Chuyện thứ hai về bối cảnh thì Hoa Kỳ có truyền thống bảo vệ quyền lợi nông gia qua các đạo luật Canh nông có kỳ hạn năm năm rồi tái tục. Do sự vận động của các hiệp hội nông gia, mỗi lần tái tục thì các dân biểu nghị sĩ lại có thể gài thêm một số điều khoản nâng đỡ khác mà nhiều người tại Hoa Kỳ than phiền là có mục tiêu bảo hộ mậu dịch, thậm chí cạnh tranh bất chính.
- Khi thấy cá da trơn của Việt Nam được chiếu cố, từ giới tiêu thụ, các gia đình đến nhà hàng và công ty nhập khẩu hay phân phối đều ưa thích vì rẻ, ăn ngon, dễ làm, nấu được nhiều món mà cũng sạch thì các hiệp hội nuôi cá tại Mỹ phản đối và vận động. Kết quả là các dân biểu nghị sĩ gài trong đạo luật Canh nông năm 2002 một quy định về nhãn hiệu. Là chỉ có cá Mỹ mới được bán dưới tên là "catfish", còn cá nhập khẩu thì phải gọi dưới tên lạ của nước ngoài, thí dụ như cá tra, cá basa. Mục đích là để giới tiêu thụ Mỹ phân biệt và sẽ chiếu cố cá nội địa hơn cá ngoại.

Vũ Hoàng: Vâng thưa ông, kết quả ra sao mà giờ đây bộ Canh nông Mỹ lại chưa xác định được là những loại cá gì mới gọi là catfish?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu chuyện con cá này khá dài nên tôi xin được tóm lược.
- Kết quả là dù dưới tên gọi xa lạ, cá da trơn Việt Nam vẫn tiếp tục chinh phục thị trường Mỹ, vì thế dân nuôi cá tại Mỹ tung ra nhiều mẻ lưới khác để chặn, như đả kích cá Việt Nam bán quá rẻ vì tiêu chuẩn thấp, thiếu vệ sinh an toàn, trong khi cá Mỹ bị thiệt vì thức ăn hay xăng dầu đều lên giá, v.v..... Năm 2003, Hiệp hội Catfish Hoa Kỳ lại vận động Ủy ban Thương mại Quốc tế của Chính quyền nâng thuế biểu nhập nội thêm chín điểm, từ 37 lên 46% để chặn cá da trơn của Việt Nam. Vậy mà tình hình vẫn không khả quan hơn cho con cá Mỹ.
- Năm 2007 thì Đạo luật Canh nông 2002 hết hiệu lực và phải được tái tục khi đảng Dân chủ đã chiếm đa số trong Quốc hội và chủ trương bảo hộ mậu dịch càng bành trướng mạnh. Việc thảo luận để tái tục đã kéo dài cả năm mà không xong và dự luật canh nông còn bị Tổng thống Bush phủ quyết hai lần trong nhiều trận đánh rất ly kỳ.
Kết cuộc thì năm 2008 Đạo luật mới ra đời dưới cái tên rất lạ là "Đạo luật về Thực phẩm, Bảo tồn và Năng lượng". Nó trị giá tới 450 tỷ đô la, bên trong lại được cài nhiều điều khoản bảo hộ mậu dịch khiến cả Liên hiệp quốc lẫn Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và một số dân biểu nghị sĩ Mỹ kết án là cạnh tranh bất chính.

Chế độ kiểm soát khắt khe của bộ Canh nông

Vũ Hoàng: Xin ông nêu cho vài thí dụ về các điều khoản có thể là cạnh tranh bất chính này.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, Đạo luật đòi tách riêng quy chế kiểm phẩm cho cá catfish.
- Hoa Kỳ có hai cơ chế kiểm soát phẩm chất lương thực hay thực phẩm. Bộ Canh nông thì kiểm soát mọi loại nông sản hay thịt thà gia súc bán trên thị trường Mỹ. Cơ quan kiểm tra Lương thực và Dược phẩm, gọi tắt là FDA, thì kiểm soát các loại thuốc và hải sản. Bây giờ, thay vì do cơ quan FDA tiến hành theo phương pháp ngẫu biến, là khi hàng vào tới Mỹ thì chọn bất ngờ một số mẫu hàng để kiểm soát, riêng cá catfish lại giao cho bộ Canh nông kiểm tra. Chế độ kiểm soát của bộ Canh nông lại rất khắt khe vì tiến hành từ gốc, từ nơi chăn nuôi ở xứ khác.
- Năm 2007, viện dẫn lý do là một số thủy sản nhập từ Trung Quốc vào Mỹ có nhiều độc chất, người ta đòi có một chế độ kiểm soát khắt khe hơn, nhưng lại có gian ý khi chỉ có loại cá catfish mới đưa qua bộ Canh nông kiểm soát. Nếu áp dụng như vậy, ngành nuôi cá xứ khác phải tổ chức lại hệ thống sản xuất cho giới chức Mỹ đến tận nơi xem xét, một quy định sẽ gây tốn kém cho mọi người và cần phải nghiên cứu thêm cho cá catfish xưa nay là do cơ quan FDA phụ trách.
- Thế rồi, chuyện thứ hai, là sau khi đẩy việc kiểm soát cá catfish qua bộ Canh nông, với 30 triệu đô la dự chi để nghiên cứu
chương trình kiểm phẩm riêng cho một loại cá, Hiệp hội Catfish Hoa Kỳ vận động tiếp một chuyện trái ngược với đòi hỏi trước đây đã do Đạo luật Canh nông áo dụng năm 2002: là từ nay phải gọi mọi loại cá da trơn là catfish. Mục đích là để cá tra hay cá basa nhập nội đều sẽ nằm trong kính hiển vi của bộ Canh nông. Bộ này bỗng dưng nhận thêm trách nhiệm mới và mất công nghiên cứu thêm nên đã xài hết phân nửa số 30 triệu đô la mà chưa quyết định được!

Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thì ngày trước họ đòi là chỉ riêng cá da trơn của Mỹ mới được gọi là catfish, các loại khác thì phải gọi dưới tên rất lạ của ngoại quốc. Sau đó qua năm 2008 thì mới lập quy chế riêng cho cá catfish vốn dĩ được nuôi ngay trong nước Mỹ và vẫn được kiểm soát theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ thì chẳng gây thêm vấn đề phụ trội cho nông gia Mỹ. Gài được điều kiện này trong đạo luật Canh nông thì họ đòi tiếp là mọi loại cá da trơn đều sẽ phải được gọi là catfish và do bộ Canh nông kiểm soát. Thưa ông có đúng như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy, Hiệp hội Catfish Hoa Kỳ và một số dân biểu nghị sĩ Mỹ rất tinh ma dùng luật lệ bắt bộ Canh nông giăng lưới kiểm soát cá catfish, với lý do bảo vệ an toàn thực phẩm mà ai cũng có thể cho là chính đáng. Rồi cũng lại đổi luật để gọi cá nhập nội là catfish và sẽ bị chặn trong tấm lưới này. Bây giờ, chính họ lại mắc kẹt trong tấm lưới của họ.

Gậy ông lại đập lưng ông ?

Vũ Hoàng: Câu chuyện quả là ly kỳ! Xin ông giải thích vì sao mà người ta đổi luật như giăng lưới mà sau cùng lại kẹt vào tấm lưới của mình?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi chưa có phán quyết của bộ Canh nông về tiêu chuẩn xếp loại, xem những giống cá da trơn nào thì được gọi là catfish và rơi vào chế độ kiểm tra tận gốc của bộ thì các da trơn Việt Nam vẫn nằm trong chế độ kiểm soát cũ của đạo luật Canh nông năm 2002, do cơ quan Lương thực và Dược phẩm thi hành. Trong khi ấy, chỉ có catfish của Mỹ mới bị bộ Canh nông kiểm soát!
- Chúng ta nhớ lại là vào năm 2007, Quốc hội Hoa Kỳ đã do đảng Dân Chủ kiểm soát sau khi thắng cử năm 2006. Khi đạo luật Canh nông được thảo luận và biểu quyết thì Tổng thống Bush thời ấy đã phản bác bằng quyền phủ quyết vì chống lại tinh thần bảo hộ của đạo luật, và hai lần như vậy mà không nổi.
Một số dân biểu nghị sĩ Cộng Hoà đã nhân cơ hội cài thêm vào đạo luật vài quy định có lợi cho địa phương hay thành phần cử tri của họ để bỏ phiếu theo phe Dân Chủ. Bên đảng đa số thì muốn tranh thủ các tiểu bang miền Nam xưa nay không mấy tin tưởng vào đảng Dân Chủ. Vì vậy mới có hiện tượng là dùng luật để hạn chế cạnh tranh và bênh vực cá Mỹ.
- Nhưng ngần ấy mưu mô đều dẫn tới việc bộ Canh nông phải quyết định xem là cá nào thì gọi là catfish để bộ kiểm soát. Mất gần ba năm và 15 triệu đô la mà bộ chưa quyết định được và có thể đợi thêm sáu tháng. Ông Tổng trưởng Canh nông cho rằng có lẽ phải đợi đến năm tới.

Vũ Hoàng: Rồi đây kết quả sẽ ra sao, ông có thể dự đoán được không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, cơ quan Lương Dược FDA của Mỹ có kiểm tra cá Việt Nam mà không thấy có mức đào thải hay loại bỏ nào là đáng kể. Nghĩa là về an toàn vệ sinh thì không có vấn đề. Chúng ta không nên quên là tại Việt Nam, có một khu vực kinh doanh mà tư nhân đã tự động phát triển rất mạnh chứ không do nhà nước nâng đỡ, đó là ngành thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long.
Họ có cố theo kịp tiêu chuẩn quốc tế để vượt qua cuộc đua của cá Thái Lan hay Trung Quốc vào Mỹ và còn đang chinh phục nhiều thị trường khác ngoài Hoa Kỳ. Riêng về cá da trơn thì một năm thu về được một tỷ rưỡi đô la, một nguồn thu nhập khả quan cho cả triệu người và chiếm phân nửa số xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
- Tại Hoa Kỳ, dư luận cũng thấy dụng ý cạnh tranh bất chính khi giới tiêu thụ lại hài lòng với cá da trơn của Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu hay hệ thống nhà hàng Mỹ đều nhìn ra điều ấy và tìm cách ngăn cản những quy định khắt khe, những thủ tục kiểm soát trùng dụng vì khiến cho cá nhập nội thành đắt hơn làm họ bị thiệt. Đây cũng là một thành phần vận động khá mạnh.
- Thứ ba, các cơ quan nghiên cứu độc lập thì thấy là những đòn phép luật lệ này gây tốn kém cho công quỹ, chẳng đóng góp gì thêm cho việc bảo vệ an toàn thực phẩm và thực chất chỉ là biện pháp cạnh tranh bất chính. Có lẽ bộ Canh nông Mỹ cũng hiểu như vậy nên chưa quyết định và bộ này càng trì hoãn thì các nhóm vận động bảo vệ catfish càng thất lợi vì chính thủ đoạn của họ.
- Trong khi ấy, đảng Cộng Hoà đã kiểm soát Hạ viện và thắng lớn tại Thượng viện nên sẽ chống mọi biện pháp tăng chi phi lý và cũng muốn ngăn chặn xu hướng bảo hộ mậu dịch bên đảng Dân Chủ. Đặc biệt là Nghị sĩ John McCain của đảng Cộng Hoà tại Arizona là người đang muốn cải thiện quan hệ mọi mặt với Việt Nam thì đả kích Đạo luật Canh nông 2008 là kết quả của các nhóm vận động quyền lợi riêng tư, có mục tiêu bảo hộ mậu dịch và ông còn đề nghị sẽ thu hồi!
- Chúng ta chưa biết đạo luật này sẽ bị thu hồi hay phải được tu chính, nhưng trên chính trường Mỹ hiện nay thì hồ sơ catfish chưa là một ưu tiên lớn, nên tình trạng hiện tại sẽ còn kéo dài qua năm sau. Trong hoàn cảnh đó, thủy sản của Việt Nam, kể cả tôm đông lạnh hay cá rô phi chẳng hạn, cũng nên ý thức được là sẽ còn gặp nhiều trận đánh khác để nên tự chuẩn bị. Nhất là phải có cái nhìn khá xa là đừng tìm đường tắt với lương thực cho tôm cá có chất độc, cách nuôi bè cá thiếu tinh khiết.

Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin trâm trọng cảm tạ ông Nghĩa.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: