04:14:am 07/04/11
Ngày 22.3 vừa qua, ông Diêu Kiếm, người phát ngôn của bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố là chiến dịch không kích của Mỹ – Anh – Pháp… đe doạ nghiêm trọng 50 dự án lớn của 75 xí nghiệp Trung Quốc ở Libya mà tổng giá trị lên đến 18,8 tỉ USD.
Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng nhất của Libya: họ đầu tư nhiều vào khu vực cơ sở hạ tầng, nhà ở và viễn thông, mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Gaddafi không tốt lắm, vì Trung Quốc cho là ông Gaddafi quá “bẳn tính”, còn ông Gaddafi thì lại không ưa sự hiện diện quá ồ ạt của hơn 150.000 kiều dân Trung Quốc ở Bắc Phi (riêng ở Libya có đến khoảng 36.000 người).
Nhiều công ty lớn của Trung Quốc hoạt động ở Libya như công ty xây dựng Cát Châu Bá (từng xây đập Tam Hiệp), hai công ty viễn thông ZTE và Hoa Vi,… Nhưng hợp đồng lớn nhất trị giá 5 tỉ USD do công ty đường sắt Trung Quốc (China Railway Corporation) thực hiện: xây đường xe lửa nối Libya với Tunisia, và nhất là con đường xe lửa Bắc – Nam dài 810km, nối Địa Trung Hải với sa mạc Libya để chở khoáng sản.
Năm 2010 là năm quan trọng cho các đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài: theo ông Diêu Kiếm, chúng lên đến 59 tỉ USD, chủ yếu ở Tây Á và Bắc Phi. Trao đổi thương mại giữa Tripoli và Bắc Kinh lên đến 6,7 tỉ USD.
Trung Quốc thiếu kinh nghiệm về quản lý rủi ro chính trị
Theo GS Zhong Dajun, giám đốc trung tâm nghiên cứu và quan sát kinh tế của đại học Bắc Kinh, trong các hợp đồng xây dựng khoán ký kết với Libya, các công ty Trung Quốc phải xuất tiền ra để làm, nên có thể sẽ mất trắng số vốn đã đầu tư, nếu không được đối tác hoàn tiền lại. Nếu chính phủ của ông Gaddafi bị lật đổ, các xí nghiệp Trung Quốc sẽ khó bảo vệ được quyền lợi của họ ở Libya. Do những người đối lập ở Lybia có vẻ thân phương Tây, nếu họ huỷ bỏ các hợp đồng được ký với các xí nghiệp Trung Quốc dưới thời Gaddafi, thì chắc chắn các công ty này sẽ bị thiệt hại rất nặng nề.
Theo GS Zheng Wei, giám đốc khoa quản lý rủi ro của đại học Kinh tế Bắc Kinh: “Trong một thời gian dài các xí nghiệp Trung Quốc chỉ quan tâm đến các rủi ro thương mại. Chẳng hạn, họ chỉ chú ý đến khả năng chi trả của đối tác. Nhưng họ không chú ý đến bối cảnh chính trị”. Theo ông, “các xí nghiệp Trung Quốc không được chuẩn bị tốt để đối đầu với các rủi ro chính trị”, và từ nay họ phải quan tâm nhiều hơn đến tình hình chính trị, an ninh của nước mà ở đó họ đầu tư và nhất là phải bảo hiểm tốt hơn.
Từ năm 2001, Trung Quốc đã lập ra Sinocure, một hệ thống bảo hiểm và tín dụng cho xuất khẩu tương đương với hệ thống Coface ở Pháp. Bản thân Sinocure cũng đã nhanh chóng đánh giá lại các rủi ro ở các nước Bắc Phi và Trung Đông. Họ đã lập ra một êkíp để xử lý cuộc khủng hoảng chính trị này. Theo báo Economic Observer, Sinocure dường như đã phải chi 1 tỉ USD cho 13 công ty quốc doanh bị ngừng hoạt động ở Libya.
Ông Ian Bremmer, chuyên gia về phân tích rủi ro chính trị của Eurasia Group, cũng cho rằng các xí nghiệp Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm về xử lý rủi ro chính trị như các công ty đa quốc gia phương Tây. Ông Bremmer nói: “Nhưng với thời gian, họ sẽ phải thích nghi, cũng giống như các công ty đa quốc gia phương Tây sau khi các nước thuộc địa giành được độc lập. Nhưng chắc chắn là trong ngắn hạn họ sẽ còn bị phỏng tay vài lần”.
Khả năng can thiệp quân sự
Để giải cứu 36.000 kiều dân Trung Quốc ở Libya, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã đưa chiến hạm phóng hoả tiễn tên là Tô Châu vào Địa Trung Hải. Sau đó, đại tướng Ji Mingkui, thuộc đại học Quốc phòng Trung Quốc, đã tuyên bố: quân đội Trung Quốc phải “đáp ứng các yêu cầu bảo vệ các quyền lợi của mình ở nước ngoài bằng các phương tiện khác”, tức là bằng vũ lực.
Ông Diêu Kiếm cũng nhấn mạnh: “Cần lập ra một cơ chế an ninh để bảo vệ các quyền lợi của các xí nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài”.
Trong một bài viết về hải quân Trung Quốc, GS François Godement, chuyên gia về chiến lược của trung tâm châu Á (Pháp) nhận định: “Libya là bằng chứng rõ nhất cho thấy mọi hiện diện kinh tế hay của con người ở mức độ lớn đều cần có một chính sách an ninh. Các tàu chiến của hải quân, nhưng cũng có thể một ngày nào đó là binh lính sẽ đi theo các công nhân lao động ở nước ngoài, cũng như các hợp đồng về cơ sở hạ tầng và khai thác khoáng sản”.
Theo Le Monde, china.org, CNN
Bản tiếng Việt của SGTT
.
.
.
No comments:
Post a Comment