Thursday, April 7, 2011

TRUNG QUỐC GIA TĂNG ĐÀN ÁP GIỚI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN (Foreign Policy)



Người dịch: Thủy Trúc
Đăng bởi anhbasam on 06/04/2011

Người ta không còn nghe tin tức gì về nghệ sĩ nghệ thuật đương đại nổi tiếng Ngải Vị Vị kể từ khi ông bị bắt vào ngày 3-4. Vụ bắt giữ ông Ngải là động thái nổi bật nhất trong cuộc đàn áp mở rộng của Trung Quốc nhằm vào phong trào chống đối của nhân dân.

Ngải Vị Vị (Ai Weiwei), nghệ sĩ nổi tiếng nhất Trung Quốc, đồng tác giả của bản thiết kế sân vận động Olympic “Tổ Chim” đầy tính biểu tượng, đã bị bắt tại sân bay Thủ đô Bắc Kinh vào ngày 3-4 khi đang tìm cách lên máy bay sang Hong Kong. (Mùa thu năm trước, ông cũng bị bắt một thời gian ngắn để ngăn không cho ông đi dự một “bữa tiệc chống phá” theo kế hoạch, để đánh dấu việc chính phủ ra lệnh phá xưởng nghệ thuật ở Thượng Hải của ông. Từ hôm bị bắt vừa rồi đến giờ, không ai còn nghe tin tức gì về ông nữa – đây là một dấu hiệu bất thường và đáng lo ngại.

Nhan Vân Phi (Ran Yunfei), nhà văn 46 tuổi, là người tỉnh Tứ Xuyên và là một trong những người ký vào bản Hiến chương 08 – tuyên ngôn ủng hộ dân chủ Trung Quốc. Ông bị công an địa phương bắt giam từ hôm 20-2. Ngày 28-3, vợ ông nhận được thông báo rằng Nhan đã chính thức bị bắt với tội danh “kích động phá hoại quyền lực nhà nước”. Vài ngày trước khi bị bắt, hôm 14-2, Nhan đã đưa đoạn viết sau đây lên blog cá nhân: “Chính phủ một mặt thì ngăn chặn tự do báo chí và cấm cản luồng chảy tự do của thông tin, mặt kia thì che giấu sự thật”.

Đằng Bưu (Teng Biao), luật sư về nhân quyền, sống ở Bắc Kinh và là một trong những thành viên lập nên “Sáng kiến Hiến pháp Mở” của Trung Quốc. Ông bị tước giấy phép hành nghề sau khi nhận cãi cho một số vụ của những người Tây Tạng bị buộc tội tham gia phong trào phản đối Bắc Kinh hồi tháng 3 năm 2008. Ngày 20-2 vừa qua, ông bị công an bắt, và họ không một lời cho biết ông đang ở đâu. “Lần này thật sự lạ” – vợ ông, bà Vương Linh (Wang Ling), nói với tờ New York Times. “Hồi trước, họ chỉ giam giữ chồng tôi vài ngày, và chúng tôi cũng biết là vì lý do gì. Lần này, họ không nói gì cả. Không tin tức, không điện thoại, cho đến giờ không có thông tin. Tôi không biết nói gì nữa”.

Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong) là một luật sư ở Bắc Kinh, người đã ra làm chứng về tình hình vi phạm nhân quyền (ở Trung Quốc) vào tháng 11 năm ngoái tại Nhà Quốc hội Mỹ, trước Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos. Ông mất tích kể từ ngày 19-2. Theo AP, lần cuối cùng “người ta còn nghe hoặc trông thấy vị luật sư nổi tiếng của Trung Quốc, Giang Thiên Dũng, là khi ông đi thăm người anh em trai ở ngoại thành Bắc Kinh. Cảnh sát chộp lấy ông và quẳng ông lên một chiếc xe tải đã chờ sẵn, đẩy mẹ già của ông ra ngoài, dù bà cụ đang cố bám vào thành xe”.

Liêu Diệc Võ (Liao Yiwu) là nhà văn, cây viết tiểu luận nổi tiếng, thường xuyên chỉ trích chính quyền và tham gia ký Hiến chương 08. Tháng 4 này, ông có kế hoạch bay sang Mỹ và Đức để quảng báo cho bản tiếng Anh một tác phẩm của ông, God is Red (Chúa trời màu đỏ), tập hợp những câu chuyện kể về người Thiên Chúa giáo bị khủng bố ở Trung Quốc từ năm 1949 trở đi. Nhưng vào ngày 28-3, ông nhận lệnh từ cảnh sát, cấm ra khỏi Trung Quốc.

Lưu Hiền Bân (Liu Xianbin), cây viết sung sức, nhà hoạt động dân chủ lâu năm, đã bị tù giam ở Tứ Xuyên từ tháng 7/2010. Thông cáo buộc tội ông do văn phòng an ninh địa phương đưa ra nói rằng ông “viết và phát tán qua Internet các bài báo nhằm mục đích xuất bản” về chủ đề nhân quyền. Ngày 25-3 vừa qua, Lưu nhận thêm một bản án nặng một cách bất thường: 10 năm tù vì tội “kích động phá hoại quyền lực nhà nước”. Chính phủ đã biến ông thành con dê tế thần để dọa các nhà hoạt động khác, mặc dù từ trong tù, ông không thể đóng vai trò dẫn đạo trong việc cổ súy cho “Cách mạng hoa nhài”.

Đường Cát Điền (Tang Jitian), luật sư về nhân quyền ở Bắc Kinh, mất tích hôm 16-2, gần đây đã được trả tự do và về với vợ cũ, hiện sống ở tỉnh Cát Lâm. Vào những ngày ngay trước khi ông bị “buộc phải mất tích”, ông đang cùng hai luật sư khác tìm cách giúp một người bạn – nhà hoạt động Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) – thoát khỏi tình trạng bị quản thúc tại gia. Một người bạn của Đường nói với tờ Guardian: “Công an bắt anh Đường ra khỏi nhà. Họ phá khóa, đập vỡ cửa và lôi anh ra”. Trong thời gian bị giam giữ, Đường đã bị lực lượng an ninh tra tấn, nhưng ông chỉ tiết lộ vài chi tiết khác, do bị công an đe dọa rằng nếu nói ra thì có thể lại bị bắt nữa”.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
BBC
Cập nhật: 09:27 GMT - thứ năm, 7 tháng 4, 2011
Cảnh sát Trung Quốc bắt đầu điều tra nghệ sĩ đang bị cầm giữ, Ngải Vị Vị, vì tình nghi phạm tội kinh tế.
Tân Hoa Xã loan tin này nhưng không kèm theo chi tiết. Đây là cập nhật chính thức đầu tiên kể từ khi ông Ngải bị giữ ở sân bay Bắc Kinh hôm Chủ nhật.
Là người đồng thiết kế sân vận động Tổ Yến cho Thế Vận Hội Bắc Kinh, ông Ngải thường được mô tả là nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất của nước này.
Nhưng ông cũng là người chỉ trích chính phủ nhiều nhất và thường đưa những phê phán về sự thiếu vắng quyền cơ bản và tự do vào các tác phẩm nghệ thuật của ông.
Bản tin trên Tân Hoa Xã, phiên bản tiếng Anh trên mạng, sau đó được lấy xuống và không còn có thể truy cập vào.

'Chờ tin'
Phóng viên BBC ở Bắc Kinh Jo Floto nói ông Ngải là con của một đảng viên có tiếng [nhà thơ Ngải Thanh, bạn Mao Trạch Đông] nên lâu nay có vẻ ít nhiều được bảo vệ.
Trong hai tháng qua hàng chục nhà hoạt động bị bắt giam hoặc quản thúc tại gia dù họ không công khai chỉ trích chính phủ như ông Ngải.
Phóng viên chúng tôi nói tin ông bị điều tra vì tội ác kinh tế cho thấy nhà chức trách muốn xem ông như một tội phạm thông thường, hơn là tù nhân chính trị.
Hôm thứ Tư một tờ báo nhà nước, The Global Times, mô tả ông là ''một người ma lanh tham gia các hoạt động mờ ám về mặt luật pháp''.
Cảnh sát đã vào nhà ông tịch thu máy vi tính và tiền. Vợ ông, Lu Qing, kể cho các phóng hơn 40 người cảnh sát tham gia cuộc lục soát này.
Bà nói kể từ đó không nghe ai nói gì.
"Tôi đang chờ tin. Đến nay tôi vẫn không nghe gì từ nhà chức trách về số mệnh của Ngải Vị Vị."
"Ông ấy đã có linh cảm là bị bắt," bà nói thêm.
Bà lo ngại cho sức khỏe của chồng, 53t, nói rằng ông phải uống nhiều loại thuốc.
Các chính phủ nước ngoài kêu gọi thả ông Ngải ngay lập tức.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle kêu gọi Trung Quốc "giải thích khẩn cấp" về trường hợp của ông Ngải.
Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Pháp nói nước này ''rất quan ngại'' về sự bặt vô âm tín này.
"Chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ được thả ra càng sớm càng tốt," phát ngôn nhân Bernard Valero nói.
Đại sứ Hoa Kỳ Jon Huntsman nói ông Ngải là một trong số những nhà hoạt động luôn luôn "thúc giục chính phủ Trung Quốc phải phục vụ nhân dân trong mọi trường hợp''.
Các nhóm vận động nhân quyền nói đợt trấn áp bất đồng chính kiến mới là phản ứng của nhà chức trách trước các vụ biểu tình ở Trung Đông và Bắc Phi.
Human Rights Watch nói có đến 25 luật sư, nhà hoạt động, blogger đã bị bắt giam hoặc mất tích và hàng chục người khác bị sách nhiễu.
Ngải Vị Vị đang có triển lãm ở Tate Modern, London, với tác phẩm 100 triệu hạt hướng dương làm bằng sứ mà ông giải thích ''thời Cách Mạng Văn Hoá trong túi ai cũng có hạt hướng dương''.

.
.
.

No comments: