Trần Vinh Dự
Thứ Hai, 04 tháng 4 2011
Trang Global Public Square của CNN liên kết với Time mới đây đăng bài Arm the rebels? The debate rages liên quan đến cuộc tranh luận về việc có nên trang bị vũ khí cho đối lập ở Libya hay không. Bài này dẫn ra một thống kê của Chris Strohm – một chuyên gia phân tích về quốc phòng của National Journal. Chris Strolm đưa ra 5 lý do nên trang bị cho quân khởi nghĩa và 5 lý do không nên.
Năm lý do nên trang bị cho quân khởi nghĩa bao gồm:
1. Việc này sẽ làm cuộc cờ ở Libya cân bằng lại. Hiện nay phe đối lập vẫn đang yếu thế hơn so với lực lượng trung thành với Gadhafi.
2. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ dân thường ở Libya. Vì thế nếu việc này là cần thiết để bảo vệ dân thường thì nên làm.
3. Nó có thể giúp ngăn chặn ảnh hưởng của Al-Qaeda
4. Giúp bảo toàn sự ổn định của khu vực, tránh cho Libya (và khu vực) một cuộc nội chiến kéo dài.
5. Nếu Mỹ không làm thì các nước khác cũng có thể làm.
Năm lý do không nên trang bị cho quân khởi nghĩa bao gồm:
1. Chúng ta không biết họ (phe đối lập) là ai, và khuynh hướng chính trị của họ là gì
2. Có lẽ không cần thiết phải trang bị cho họ mà phe đối lập vẫn thắng.
3. Có thể việc trang bị vũ khí là bất hợp pháp vì lệnh cấm vận vũ khí phải được áp dụng cho tất cả các phe phái ở Libya.
4. Nó có thể chọc vào tổ ong vò vẽ, gây phân cực và chia rẽ lực lượng đối lập, dẫn tới cuộc nội chiến toàn diện và sự lên ngôi của các nhóm nhỏ chủ trương thánh chiến (jihad).
5. Việc này có thể quá tốn kém cho nước Mỹ.
Các lý do thuận và chống này ít nhiều đều có cơ sở. Nhưng lý do thứ 5 trong nhóm thuận, tưởng như không mấy quan trọng, lại là lý do chi phối nhất, và gần như chắc chắn sẽ dẫn tới việc lực lượng đối lập ở Libya được trang bị vũ khí. Vì sao?
Thứ nhất là gần như có sự đồng thuận quốc tế về việc chính phủ Gadhafi gần như chắc chắn phải ra đi, vấn đề chỉ là thời gian và cách thức. Tấn công từ trên không (air strikes) có vẻ như chưa đủ.
Thứ hai là lợi ích của nước ngoài ở Libya gắn chặt với việc nước nào thân với phe nổi dậy hơn. Việc thân hay không thân liên quan đến việc các nước này có đóng góp thực tế vào việc lật đổ Gadhafi nhiều hay ít. Trang bị vũ khí và huấn luyện quân nổi dậy là cách thiết thực nhất để tăng cường ảnh hưởng và chi phối khuynh hướng chính trị của lực lượng này.
Thứ ba là vì thực lực của nhóm thân Gadhafi không mạnh, và đã bị tổn thất nhiều từ các đợt không kích. Vì thế, chi phí thực tế để bỏ ra cho việc trang bị vũ khí, khí tài, và huấn luyện phe khởi nghĩa cũng không quá lớn. Như nhà phân tích Fareed Zakaria của CNN lập luận, Mỹ đã có nhiều bài học từ việc trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Afghanistan, Trung Mỹ, và châu Phi. Các bài học quá khứ này cho thấy việc trang bị vũ khí trên thực tế là một chính sách tương đối rẻ tiền và có tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với can thiệp quân sự trực tiếp. Thêm nữa, chỉ riêng động thái trang bị cũng có thể đủ để Gadhafi nhận thấy không cách gì chống lại được kho súng đạn vô tận của phương Tây và vì thế sẽ phải tìm đường rút lui.
Thứ tư là với chi phí không lớn, tỷ lệ thành công cao, và phần thưởng về sau này từ việc có quan hệ tốt với chính quyền Libya hậu Gadhafi, sẽ có nhiều nước muốn thực hiện việc này. Điều đó tạo ra một cuộc chạy đua mà nước nào tiến hành trước và đàm phán thành công trước với phe đối lập sẽ giành phần thắng.
Cuộc đua này tất yếu dẫn tới việc sẽ có nước cung cấp vũ khí và đào tạo cho phe đối lập. Và việc này sẽ diễn ra nhanh, nếu không phải là đã bắt đầu. Chính vì thế, không lấy gì làm ngạc nhiên là Tổng thống Obama đã ký lệnh cho phép điệp viên CIA vào Libya để tiếp xúc với phe đối lập về huấn luyện và cung cấp vũ khí. Mới đây nhất, ngày 3 tháng 4, đài Al Jazeera còn loan tin rằng Mỹ và Ai Cập đã gửi lực lượng đặc biệt đến Libya để huấn luyện về kỹ thuật quân sự cho phe đối lập tại một “căn cứ bí mật” ở Đông Libya.
---------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment