Saturday, April 16, 2011

THƯ TÌNH MÀ GỬI NHIỀU NGƯỜI (VietVoiNhau)


Theo luật về quyền thư tín, có quy định đại ý: Bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín là quyền an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Quyền này được ghi nhận tại Hiến pháp Việt Nam, được cụ thể hóa bởi những quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự”. Vậy mà, sau khi Trịnh Công Sơn chết 10 năm, cái quyền riêng tư đó đã không được tôn trọng, khi thư tình gởi một người của ông thành thư tình gởi nhiều người. Ngay đợt in sách đầu tiên, gia đình cho quyết định in 3.000 quyển, với giá bìa 600 ngàn đồng, tổng doanh thu sẽ là 1,8 tỷ đồng - số lượng chắc chắn không dừng ở đây, vì người tò mò mua rất nhiều, nghe nói sắp tái bản.

Người viết bài này chưa đọc quyển sách này và chắc cũng không đọc, vì ngại phải xâm phạm chuyện đời tư của một người. Riêng gia đình, nhất là Trịnh Vĩnh Trinh, nhà thơ Nguyễn Duy… (những người biên tập) thì không ngại xâm phạm, nên bất chấp chuyện Trịnh Công Sơn nghĩ gì, có đồng ý hay không, cứ quyết in để thu lợi. Bởi nếu không thu lợi, thì dù có cố hiểu, thật lòng cũng không biết in vì điều gì?

Chỉ cần đặt ra hai giả thuyết sẽ rõ.

Thứ nhất, nếu Trịnh Công Sơn suốt đời không viết thư tình; nếu có viết nhưng người nhận đã đốt đi, hoặc không vì hám danhmà công bố ra, thì kích cỡ nghệ sĩ của Trịnh Công Sơn có thay đổi gì nhiều không? Chắc là không.
Thứ hai, nếu trong các lá thư tình của mình, bên cạnh chuyện tình yêu thơ mộng, Trịnh Công Sơn có đề cập, tâm sự cả chuyện tình dục và chính trị, thời cuộc, đảng phái (nhất là thời bao cấp, vượt biên) một cách thẳng thừng thì gia đình có dám công bố trọn vẹn không? Và khi công bố, những người biên tập như Nguyễn Duy có dám không tự kiểm duyệt, cắt xén trước khi đưa đi xin phép không? Tôi cho rằng không dám; mà đã biên tập, thì còn gì là thư riêng nữa.

Theo thông lệ và luật thư tín, thư cá nhân là quyền bất khả xâm hại của cá nhân, nên gần như viết gì cũng được. Trong khi thư in thành sách, đã là gởi cho công chúng, thì phải chịu kiểm duyệt và biên tập, điều ấy là đương nhiên.

Vậy là, dù có vì mục đích cao cả gì đi nữa thì quyền riêng tư của Trịnh Công Sơn đã không được tôn trọng, bị xâm hại và xuyên tạc. Bởi chắc chắn, dù cuốn sách này có đồ sộ cỡ nào đi nữa thì một phần sự thật trong ấy đã bị che giấu đi. Cho nên, nói những người làm sách này vì danh, vì lợi cũng không có gì là sai.

Quyển sách này chỉ in những bức thư mà Trịnh Công Sơn gởi Dao Ánh qua các thời kỳ (khoảng 320 bức, viết từ 1964 cho đến 2001, bất chấp chuyện Dao Ánh đã lập gia đình), mà không in thư của Dao Ánh gởi lại. Theo lời giới thiệu trên mạng, có đêm Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh 3-4 bức thư, nên độ yêu tương tư, yêu đơn phương và suy tình chắc không ít.

Lý do tại sao không in thư Dao Ánh, có thể vì ba lý do: Thứ nhất, Trịnh Công Sơn không còn giữ thư Dao Ánh đã gởi cho mình; thứ hai, nếu còn giữ, nhưng Dao Ánh không muốn công bố, vì vài lý do riêng; thứ ba, gia đình Trịnh Công Sơn không muốn in chung.

Dù xuất phát từ lý do nào thì khi đọc sách này (tự trọng thì không nên đọc - vì làm vậy là xâm hại quyền riêng tư), độc giả chỉ hiểu được tâm tình của Trịnh Công Sơn có một nửa, vì thiếu tính tương tác. Nên thư tình gởi một người thành thư tình gởi nửa người, hoặc nửa thư tình gởi một người - sự công bố không trọn vẹn.

Khi thư tình bị xâm hại, sự trọn vẹn của tình riêng đã không còn, khi công bố chỉ còn một nửa, thì sự riêng tư đương nhiên bị tổn thương gấp bội.

Trịnh Công Sơn để lại một gia sản đồ sộ cho gia đình mà không công bố rõ quyền thừa kế, nên ai thực sự có thẩm quyền về bản quyền cũng khó nói. Thế nhưng, điều dễ thấy là khoảng 600 ca khúc là một tài sản lớn, cả về vật chất lẫn tinh thần, vậy mà gia đình lại tham thêm thư gởi một người, chủ yếu để buôn bán kiếm tiền, kể cũng thật… lòng tham vô đáy.

Với luật Hình sự Việt Nam, sự xâm hại này có mức án và mức phạt khá nhẹ, trong khi số tiền thu vào là rất lớn, lên đến tiền tỷ. Và nếu Trịnh Công Sơn là một ai đó thì sự xâm hại này nói ra cũng không ai nghe, nhưng buồn thay, lại xảy đến với một người văn hóa, sống trọn vẹn vì công chúng, thì mới biết đạo đức và văn hóa còn lại của gia đình sa đọa biết bao nhiêu.

.
.
.

No comments: