Saturday, April 16, 2011

LUẬN ANH HÙNG và ANH HÈN [2] (XYZ)

16.04.2011

Thiết nghĩ, không nên chỉ trích giáo sư Ngô Bảo Châu quá nhiều và gay gắt như một số bài viết trên diễn đàn này và những diễn đàn khác, làm như ông giáo Ngô có lỗi trong việc tiến sĩ Vũ bị 7 năm tù. Thế là không công bằng. Tự dưng lại trút giận lên đầu một người giỏi môn Toán là sao? Trong khi những kẻ giập vùi hoa lá trước nhà họ Cù, những kẻ tống ông Vũ vào tù một cách phi lý, vô luật; những quốc gia văn minh lịch sự chỉ tỏ ý “quan ngại” về vụ án Cù Huy Hà Vũ rồi lại tuyên bố Việt Nam có tiến bộ về nhiều mặt, là thị trường hấp dẫn... thì chẳng hề hấn gì.
Nhân giáo sư Ngô Bảo Châu nhắc đến Hector, Turnus, Kinh Kha là những vị anh hùng không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình, xin được “luận” tiếp về Anh hùng & Anh hèn, là để không khí bớt nặng, chứ không dám đôi co với ai cả.
-----------------------

Hoàng tử Hector, con trai vua Priam trong cuộc chiến bảo vệ thành Troia, nếu đúng như trong trường ca Iliad của Homer thì cũng thường thôi. Khi Achilles đến chân thành khiêu chiến, Hector đã suy tính đến nát nước, nghĩ cả đến cách rước Achilles vào thành “đem hết của cải trong thành bang xinh đẹp này chia đôi” cho quân giặc. Rồi sau xét thấy mọi cách Achilles đều không chịu, nên đành miễn cưỡng xuất thành nghênh chiến. Nhưng khi Achilles xuất hiện với tư thế dũng mãnh như vị thần Chiến tranh (Ares), thì “Hector run lên cầm cập. Không dám đứng đấy đợi Achilles, chàng rời cổng thành kinh hoàng bỏ chạy...” (nguyên văn Iliad). Thành Troia chắc là khá rộng, chu vi nhiều kilometre, vậy mà Hector đã vắt chân lên cổ chạy quanh đến 3 vòng, thậm chí còn cố chạy sát chân thành với hy vọng quân nhà sẽ bắn tên phóng lao xuống hỗ trợ, khiến Achilles đã phải tìm cách lùa Hector giạt ra ngoài cánh đồng như con chim ưng dễ dàng đuổi theo một con bồ câu hoảng sợ... như con chó đuổi con nai con ra khỏi hang (nguyên văn Iliad). Đến khi nữ thần Athena - người quan sát trận đấu, sốt ruột quá, bèn hóa thành chú em ruột của Hector khích chàng rằng, chạy nữa sẽ mất thể diện, Hector mới chịu dừng lại giao đấu và bị Achilles giết. Giá như Hector đừng bỏ chạy, dành sức cho cuộc đấu thì chưa chắc chàng ta đã “hy sinh” để được hậu thế phong anh hùng.

Nếu ai đó xem bộ phim Troy của đạo diễn Wolfgang Petersen tài năng cùng với dàn diễn viên hùng hậu Brad Pitt, Eric Bana, Orlando Bloom, Brian Cox, Sean Bean, Julie Christie, Rose Byrne... sẽ thấy những người làm phim đã cố gắng sửa chữa hình ảnh cho Hector, không để hai diễn viên Brad Pitt và Eric Bana chơi trò đuổi bắt dài hơi như nguyên tác, mà Hector ra ngoài thành là giao đấu với Achilles luôn (có thể do quay cảnh đuổi nhau sẽ phải đặt đường ray quá dài chăng?).

Nhân vật Odisseus được nhắc đến nhiều trong Iliad với những trách vụ luôn hoàn thành tốt. Vị này, khi chiến tranh kết thúc đã làm được nhiều kỳ công trong chuyến hải hành hồi hương, nhưng Địa Trung Hải không kỳ vĩ và nhiều bất trắc như Đại Tây dương hay Thái Bình dương trong những cuộc thám hiểm của Christopher Colombus và Ferdinand Magellan sau này. Odisseus chỉ là người lắm mưu mẹo, được gọi là “Odisseus trí xảo”. Dùng các mẹo vặt và giả dối để đạt mục đích, không thể coi là anh hùng.

Xưa có truyền tụng một bài thơ Đường luật, nói về Anh hùng, có những câu: Xét ra Tôi, Bác cũng Anh hùng / Cũng bậc mày râu cũng kiếm cung / Bác đưa một nước qua nô lệ / Tôi dẫn năm châu đến đại đồng... Có người bảo đó là thơ của cụ Hồ viết khi thăm đền thờ Hưng Đạo Vương. Thoạt nghe thấy khó tin, nhưng đọc kỹ “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” thì...

Vậy trong Iliad, tác phẩm thuộc hàng “đệ nhất kim cổ anh hùng ca” có ai là anh hùng thực sự?

Paris ư? Chuyện mê gái của vị hoàng tử này làm tan nát thành bang của mình không có vẻ là một hành động anh hùng ( hy sinh tất cả cho cái Đẹp chăng?) Khi ra trận, Paris bị Melenaus đánh cho te tua (áo mão rách toạc) rồi bị túm đầu lôi đi xềnh xệch trước ba quân, may nhờ quai mũ đứt, Melenaus chỉ còn tóm được cái mũ bảo hiểm; quân Troia liều chết xông ra cứu được hoàng tử của họ về.
Hay là sau này Paris giết được vị anh hùng Achilles thì cũng được phong anh hùng?

Xưa, cụ Hồ phong tướng cho ông Giáp với lý, đại ý: Thắng được cấp nào thì ít ra cũng phải làm được cấp đó. Ông Giáp không qua học viện quân sự nào, nhưng trong chiến dịch Hoà Bình, Biên giới gì đó, quân Việt Minh của ông đã thắng quân Pháp do tướng De Tassigny cầm đầu. Rồi ông tướng Tây ấy bị bệnh ỉa chảy, chết.
Paris giết được Achilles là do rình bắn lén vào tử huyệt gót chân của vị này. Chả anh hùng tẹo nào. Mà ngay cả Achilles liệu có phải là anh hùng?
Achilles theo đi đánh thành Troia là do lời hứa sẽ được chia 7 cái giá để những bình đựng rượu (chả quý hóa gì thứ này); 10 ta-lăng vàng (tiền thời đó, tôi tra cứu tính toán mãi chỉ thấy tương đương với 6.054$ bây giờ, giá bèo quá!); cùng với 20 cái chảo, chắc là chảo bằng đồng, vì đó là thời đồ đồng mà, (cứ cho là được hẳn 20 cái chảo inox có lớp chống dính thì cũng chả anh hùng tý nào). Với 12 con ngựa (sẽ tốn phí về giám mã, thú y, phiền phức). Và 7 người đàn bà rất mực khéo tay ( không thấy nói là rất đẹp). Khi giết được Hector vì thù riêng, Achilles đã hành hạ xác kẻ thù suốt 12 ngày; sau, cha của Hector phải đem tiền đến xin chuộc về, khiến cho không riêng gì người thường mà cả thần linh cũng phát ghét, cho Paris bắn trúng gót chân, chết. Achilles thế là Anh hèn!

Còn Kinh Kha, xin để kỳ sau
(còn tiếp)
------------------

.
.
.

No comments: