Mạnh Kim
Thứ Năm, 21/04/2011
Phải ngưng lập tức và ngưng vĩnh viễn dự án đập thủy điện Xayaburi (Lào) chứ không phải tìm cách câu giờ bằng chiêu hoãn binh, như kết luận lơ lửng từ phiên họp của Ủy ban hỗn hợp thuộc Ủy hội sông Mekong (MRC) ngày 19-4-2011, mới là điều cần nhất thiết được nhấn mạnh. Trong thực tế, Lào đã tiến hành giai đoạn đầu của tiến trình xây đập Xayaburi!
Cái giá phải trả cao như thế nào?
Có quá nhiều lý do để ngưng vĩnh viễn dự án đập Xayaburi và những lý do này đủ mạnh và thừa tính thuyết phục để loại bỏ những lợi ích cho một thiểu số nhỏ nhoi trong ngắn hạn của công trình đập Xayaburi. Nếu để đập Xayaburi được thông qua, sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho an ninh kinh tế khu vực. Nằm tại Bắc Lào, chắn chặn hẳn toàn bộ chiều ngang Mekong, đập Xayaburi dài 810m nằm ở thác Kaeng Luang, cách thị trấn Xayaburi khoảng 30km về phía Đông, là con đập đầu tiên trong 11 dự án đập thủy điện tại hạ lưu Mekong (9 đập tại Lào và 2 đập tại Campuchia). Theo thiết kế dự án, đập Xayaburi mất 8 năm để xây dựng với chi phí khoảng 3,5 tỉ USD, cung cấp 1.260 megawatt điện; và hầu hết sẽ được bán cho Thái Lan.
Sông Mekong dài 4.800 km được chia thành hai phần trên bản đồ: khu vực thượng lưu chạy ngang Trung Quốc và hạ lưu chạy dọc Myanmar rồi xuyên qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi chảy ra biển Đông. Xét về đa dạng sinh học, Mekong là sông lớn thứ hai thế giới sau Amazon và nó là môi trường sống của hơn 1.000 loài cá. Chẳng con sông nào trên thế giới cung cấp lượng cá nước ngọt nhiều bằng Mekong và do vậy nó là nguồn lương thực sinh tử của hơn 65 triệu người ở hạ lưu. Không chỉ là nơi có lượng cá nước ngọt nhiều nhất thế giới, Mekong còn có nhiều đặc thù đồng nhất, bởi “yếu tố đa dạng chủng loài cá là cực kỳ cao, yếu tố đa dạng các loài cá di trú là cực kỳ cao và yếu tố phụ thuộc của con người vào nguồn cá là cực kỳ cao” – như nhận xét của Peter McIntyre, chuyên gia bảo vệ cá nước ngọt thuộc Đại học Wisconsin-Madison – “Nếu đặt tất cả yếu tố trên lên bàn đánh giá tổng thể, việc xây một con đập to tại Mekong chắc chắn sẽ mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng”. Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) đánh giá rằng, khoảng 2.100 người sẽ bị di dời để dọn chỗ cho công trình đập Xayaburi, và sự sống của khoảng 200.000 người nữa sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trong khi đó, Chính phủ Lào vẫn kêu gọi các nước láng giềng không tiếp tục “ngáng đường” họ, và rằng con đập sẽ không gây tác động gì nghiêm trọng cho môi trường. Bức thư ngày 14-2-2011 của Chính phủ Lào gửi các nước chia sẻ nguồn Mekong, nói rằng, đập Xayaburi “dựa vào thiết kế kỹ thuật hiện đại để tạo ra nguồn điện sạch nhất cũng như có thể tái tạo mà không gây ô nhiễm…, với ảnh hưởng tối thiểu cho môi trường khu vực”. Lời trấn an không làm giảm sự hoài nghi của chính phủ các nước láng giềng cũng như đối với giới chuyên gia. Chẳng có con đập nào bịt ngang một con sông lớn mà không gây tác động tiêu cực với môi trường và sinh thái. Đó là kiến thức cơ bản ai cũng biết. Đến nay, Lào vẫn chưa đưa ra bản báo cáo nghiên cứu chính thức về tác động môi trường (trong dài hạn) có thể bị hứng chịu khi đập Xayaburi được vận hành. Tuy nhiên, Ủy hội sông Mekong (MRC; thành lập 1995 để điều phối việc sử dụng nguồn Mekong giữa các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) đã thực hiện chương trình khảo sát riêng loạt dự án đập thủy điện trên Mekong trong đó có Xayaburi. Báo cáo 198 trang mang tựa “Đánh giá môi trường chiến lược” (Strategic Environmental Assessment) công bố tháng 10-2010 đã đề nghị hoãn 10 năm đối với tất cả dự án đập thủy điện tại Mekong để có thời giờ nhiều hơn cho nghiên cứu tường tận mức độ ảnh hưởng môi trường-xã hội gây ra từ các con đập. Phản đối đề nghị từ MRC, Lào gần đây nói rằng dự án đập Xayaburi không nên trì hoãn thêm nữa!
Khảo sát thực địa của các nhóm môi trường lẫn giới khoa học đều cho thấy mức độ rủi ro từ các con đập chắc chắn lớn hơn nhiều lần so với lợi ích mang lại của chúng. Các nhà sinh vật học khẳng định, đập Xayaburi sẽ bít kín tuyến đường di trú của hàng chục loài cá và có thể làm 41 loài cá tuyệt chủng, đặc biệt loài cá da trơn khổng lồ vốn đang cận kề nguy cơ “tuyệt tích”. Nhóm thiết kế đập Xayaburi hứa rằng họ sẽ tạo ra những “hành lang” cho cá di trú nhưng chuyên gia Ame Trandem thuộc tổ chức môi trường Sông ngòi quốc tế nói rằng, đến nay, người ta vẫn chưa hề có giải pháp kỹ thuật nào có thể tạo ra hành lang di chuyển an toàn cho cá di trú. Bởi khi di trú, cá không đi… từng con hoặc từng đàn nhỏ lẻ mà từng bầy hàng ngàn hoặc thậm chí chục ngàn! Giới môi trường nói rằng những người ủng hộ dự án đập Xayaburi nên xem lại quả báo nhãn tiền từ con đập Mun ở Thái Lan. Được xây thập niên 1990, đập Mun (nằm trên con sông cùng tên – phụ lưu lớn nhất của Mekong) là một “thất bại nghiêm trọng về mặt kinh tế” khi nó gây ra những tổn hại cực kỳ nghiêm trọng cho môi trường và xã hội – theo Quỹ bảo vệ đời sống hoang dã thế giới (WWF). Với 233 triệu USD chi phí xây dựng, đập Mun tốn gấp đôi dự toán ban đầu; trong khi lượng điện nó cung cấp lại giảm 1/3 (so với dự tính ban đầu) vào mùa khô. Vốn thu hồi giảm từ 12% (như dự tính) xuống còn 5%. Giới môi trường đánh giá rằng hơn 20.000 người đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự tụt giảm nguồn cá ở thượng nguồn đập Mun. “Bài học con đập Mun vẫn còn nóng hổi, rằng: Các khảo sát về ảnh hưởng xã hội và môi trường khi được thực hiện vội vã luôn sẽ dẫn đến tình trạng mất trắng cho ngư dân lẫn người chủ đập” – nhận xét của Suphasuk Pradubsuk, điều phối chính sách quốc gia của WWF-Thái Lan.
Trong báo cáo “Đập Xayaburi - hiểm họa của sông Mekong” công bố tháng 1-2011, tổ chức Sông ngòi quốc tế cũng đề cập đến thiệt hại cho chính người dân Lào nếu đập Xayaburi được xây. Báo cáo viết: “Con đập sẽ ảnh hưởng bất lợi tới hệ sinh thái phức tạp của sông Mekong. Hệ sinh thái này cũng đang phần nào bị ảnh hưởng từ những con đập tại đầu nguồn ở Trung Quốc. Việc nuôi trồng Kai tại địa phương sẽ bị hủy hoại do hồ chứa nước của đập. Kai là một loài rong nước ngọt, vừa là thức ăn quan trọng cho cá, vừa là món ăn nổi tiếng tại Luang Prabang. Với những người phụ nữ Lào sống gần con đập, Kai là một trong những nguồn thu nhập chính trong mùa khô khi mực nước sông Mekong giảm xuống thấp tạo điều kiện cho rong Kai phát triển”… “Đối với những người dân làng Xayaburi, Nam Luang Prabang và quận Chomephet, đất đai và nhà cửa của họ sẽ bị lụt lội bởi con đập và sẽ phải tái định cư, tương lai của họ đang bị đặt dấu hỏi khi mà đang có rất nhiều vấn đề ngổn ngang. Tương lai thậm chí rất ảm đạm cho những gia đình sẽ phải mất nhà cửa lần thứ tư trong vòng 15 năm; sau lần tái định cư thứ nhất từ vùng cao xuống vùng thấp, rồi lại phải chuyển chỗ ở hai lần liên tiếp do lụt lội mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Những chương trình tái định cư chất lượng thấp, ảnh hưởng môi trường hoàn toàn, và thiếu những giải pháp sinh kế thay thế sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng các dân cư tại Lào. Với nhiều vấn đề tồn tại như vậy, bao gồm cả việc thiếu năng lực từ phía các cơ quan chức năng, việc thiếu kiên định trong việc thúc đẩy luật môi trường và không thể thỏa mãn các cam kết an toàn xã hội tối thiểu, cộng đồng dân cư ở Xayaburi có thể sẽ lâm vào con đường nghèo khổ, giống như những cư dân khác bị bần cùng hóa do xây đập”…
Sự lỏng lẻo của những qui định thiếu tính ràng buộc thể chế pháp lý
Theo Thỏa thuận Mekong, bốn nước MRC – gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan (Trung Quốc và Myanmar tham gia với vai trò “đối tác thảo luận”) – phải tham khảo, lấy ý kiến và tư vấn nhau đối với bất kỳ dự án xây dựng lớn nào trên dòng Mekong. Và họ tất nhiên phải đi đến sự thống nhất chung trước khi dự án được phép thực hiện. Tháng 10-2010, Lào bắt đầu tiến trình lấy ý kiến thỏa thuận (theo qui định là kéo dài 6 tháng) từ MRC về dự án đập Xayaburi; và quyết định cuối cùng – theo nguyên tắc – sẽ được đưa ra vào ngày 22-4-2011, sau cuộc họp giữa các nước MRC cuối tháng 3-2011 và trung tuần tháng 4-2011. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp ở chỗ, không thành viên MRC nào có quyền phủ quyết; và như vậy dự án đập Xayaburi vẫn có thể được đạp ga tiến tới ngay cả khi các nước thành viên MRC quyết liệt phản đối (dù đứng sau MRC là những gương mặt tài trợ quốc tế trong đó có Úc, Thụy Điển, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ngân hàng phát triển châu Á và một số nước khác). Bởi yếu tố nguy hiểm của việc Lào, cuối cùng, có thể làm mà chẳng sợ ai phủ quyết nên cộng đồng quốc tế đã và tiếp tục tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vấn đề đập Xayaburi, chẳng hạn đề nghị “ngưng lại (việc xây đập Xayaburi) trước khi các dự án khác tiến hành” của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2010. Và trong chuyến kinh lý Việt Nam ngày 21-4-2011, Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương vụ thuộc Thượng viện Hoa Kỳ, cũng nói, mới đây, tại Thượng viện Mỹ, ông đã đưa ra một dự luật với nội dung khuyến cáo các ngân hàng Mỹ không nên đầu tư xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong, trừ khi các nước liên quan thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng ảnh hưởng nhiều mặt về tự nhiên, môi trường lẫn kinh tế xã hội…
Trong khi đó, phần mình, Lào đã rục rịch tiến trình xây dựng đập Xayaburi! Ngày 17-4-2011, tờ Bangkok Post cho biết, một số cư dân tại khu vực công trình đập Xayaburi đã được di dời và được bồi thường… 15 USD! New York Times (17-4-2011) cho biết thêm, giai đoạn đầu của tiến trình dự án đập Xayaburi thật ra đã bắt đầu từ tháng 11-2010! Khu vực công trình hiện đầy xe cơ giới nặng và hàng trăm công nhân ráo riết dựng lán trại, dọn đường, lập nhà máy khai thác khoáng sản… Vụ việc đã khiến các nước MRC bất bình. Và với những người dân. Ngày 18-4-2011, hơn 100 dân làng thuộc 8 tỉnh Thái Lan đã kéo đến Tòa đại sứ Lào để trình thỉnh nguyện thư cho Chính phủ Lào và Thủ tướng Thái. Bức thư với gần 10.000 chữ ký đã bày tỏ những quan ngại liên quan dự án và yêu cầu Chính phủ Thái lẫn Lào nên hủy hẳn dự án đập Xayaburi (công trình đập Xayaburi do công ty Thái CH. Karnchang hợp đồng xây dựng). Chưa hết, một thỉnh nguyện thư với hơn 2.300 chữ ký từ nhiều nơi thế giới cũng yêu cầu hủy việc xây đập Xayaburi. Trước đó, tổ chức Cứu Mekong cũng thực hiện một thỉnh nguyện thư với 23.110 chữ ký trình lên hội nghị các bộ trưởng khu vực tháng 10-2009. Và tháng 3-2011, một lá thư thảo chung của 263 tổ chức phi chính phủ từ 51 quốc gia lại được gửi lên Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong và Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva, yêu cầu ngưng hẳn việc xây đập Xayaburi. Tuy nhiên, liệu người ta sẽ làm gì nếu Lào cứ tiếp tục dự án đập Xayaburi? Câu trả lời, thật đáng tiếc, cho đến thời điểm này, lại là những… dấu hỏi kéo dài! Rõ ràng, vấn đề quan trọng nhất trong vụ Xayaburi (cũng như các trường hợp tương tự trong tương lai) là MRC thiếu hẳn một công cụ pháp lý để ràng buộc và cấm cản các thành viên đối với việc sử dụng và khai thác thế nào trên tinh thần chia sẻ…
Vốn bị chẹn nghẹt mạch máu sinh tử đối với vùng châu thổ hạ lưu bởi loạt đập thủy điện từ thượng nguồn Trung Quốc, Mekong đang thoi thóp từng ngày. Thêm một con đập to như Xayaburi nữa, thế hệ mai hậu vùng hạ lưu Mekong chắc chắn sẽ biết đến Mekong như một vệt dài chỉ còn tồn tại trên bản đồ. Ngưng tức thì và vĩnh viễn dự án đập Xayaburi là một tư duy đúng đắn. Nó không chỉ là tư duy đúng đắn về mặt kinh tế, đúng đắn về an ninh xã hội mà còn là một tư duy đúng đắn về mặt nhân bản…
Mạnh Kim
“Nằm cách thị trấn Luang Prabang - một di sản thế giới được UNESCO công nhận - 150 km về phía hạ lưu, đập Xayaburi đe dọa có nguy cơ bắt buộc tái định cư đối với 2.100 người ở mười ngôi làng. Hồ chứa nước của đập sẽ nằm cách thị trấn cổ kính này chỉ có 48km. Con đập cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của ít nhất 202.198 nông dân và ngư dân tại bốn quận của Lào, cùng với vô số người dân sống tại lưu vực sông Mekong. Nông dân và ngư dân sống gần con đập bao gồm nhiều dân tộc. Họ sống qua ngày nhờ đánh bắt cá, trồng lúa, đãi vàng, thu lượm hoa quả trong rừng và trồng rau bên bờ sông. Nếu phải tái định cư hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp như mất đất, mất nguồn tài nguyên; sinh kế và lối sống truyền thống duy nhất của cộng đồng các dân cư tại đây sẽ bị thay đổi bởi việc xây đập” – báo cáo của tổ chức Sông ngòi quốc tế về tai họa hiển hiện của con đập Xayaburi.
.
.
.
No comments:
Post a Comment