Thursday, April 21, 2011

Ở TRỎNG (Cung Tích Biền)


21.04.2011

đôi dòng về Cung Tích Biền

Tên thật Trần Ngọc Thao. Sinh ngày 8-2-1937 [tháng 12 năm Bính Tý], khai sinh ghi 1938, dưới chân Nỗng Ông Tào, Thăng Bình, Quảng Nam.
Sống tám năm thời Pháp thuộc [1937-1945]. Chín năm trong vùng Kháng chiến Liên khu V [1945-1954]. Hai mươi mốt năm Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975]. Từ 1975 đến nay [2008] dưới chế độ Cộng sản.
Từ nhỏ có đến trường đàng hoàng. Thời Kháng chiến hoc hành lang bang. Sau 1954 học trường Diên Hồng [Phố Cổ Hội An], Quốc Học Huế, Đại học Văn khoa Huế, Đại học Luật Sàigòn. Không tiếp tục học đại học. Khởi nghiệp văn khá sớm. Năm 1961 dạy Anh văn và Việt văn tại các trường trung hoc ở Quảng Nam. Năm 1963 động viên vào trường Võ Bị Thủ Đức, khóa 17.
Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hành chánh Tài chánh khóa 10, thuộc Bộ Quốc phòng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Từng phục vụ qua các đơn vị 211 Pháo Binh [Sư đoàn 21 Bộ binh, Bạc Liêu], Trung đoàn 10 Kỵ binh [Đức Hòa] và Tiểu đoàn 251 Pháo Binh [Sư đoàn 25 Bộ Binh, Tây Ninh].
Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ quan Hành chánh [Sàigòn]. Lập gia đình năm 1972. Giải ngũ năm 1973, cấp bậc Đại úy. Giáo sư Thỉnh giảng Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà [Đà Nẵng]
Sau 30 tháng 4-1975, sống lây lất bằng đủ thứ nghề. Đạp xe ba gác, chạy xe ôm, thu gom ve chai, làm cu ly bốc vác, thợ mây tre lá, thợ sơn mài… Năm 1982 tạm ổn định nhờ vợ buôn bán sơn mài. Bản thân mang rất nhiều thứ bệnh. Hơn vài thập niên nay làm thân chùm gởi trong gia đình.
Nghề và nghiệp trọn đời: Viết văn.
Là một nhà văn độc lập. Có truyện và thơ đăng trên các báo từ 1958, với nhiều bút hiệu lúc ban đầu [Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh] trước khi có bút hiệu Cung Tích Biền.
Bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên tên tuần báo Nghệ Thuật [tháng 3-1966] tại Sàigòn, với truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi. Nhanh chóng có truyện đăng trên hầu hết các nhật báo, tuần báo, tập san văn học nghệ thuật có giá trị, trước và sau 1975, trong và ngoài nước, cả trên các trang web văn học. Có tác phẩm dịch sang ngoại ngữ, in chung với nhiều tác giả, phát hành ngoài nước.

Tác phẩm đã xuất bản:
- Ai Tỉnh Ai Điên [Trí Dũng, SG 1969]
- Nỗi Buồn Thắp Sáng [Trí Dũng, SG 1969]
- Hòa Bình Nàng Tình Rỗng [Trí Dũng, SG 1970]
- Trên Ngọn Lửa [in chung, Hoàng Đông Phương xb 1971]
- Cõi Ngoài [Kỹ nguyên, SG 1970]
- Bạch Hóa [in chung Những Truyện Ngăn Hay Nhất Quê Hương Chúng Ta, xb Sóng, SG-1974]
- Chim Cánh Cụt [Long An xb 1990]
- Một Thời Lưu Lạc [Long An xb 1990]
- Tình Yêu Mùa Ảo Ảnh [Đồng Nai xb 1990]
- Thằng Bắt Quỷ [Tân Thư xb, Hoa Kỳ 1993]
- En Traversant le fleuve [in chung, Edition Philippe Picquier, Paris]
- Thằng Bắt Quỷ [in chung, Kim Đồng xb, Hà nội, trong Tổng Tập Truyện Ngắn VN Thế Kỷ XX]
Hiện các tác phẩm của Cung Tích Biền sáng tác trước 1975 đang bị cấm lưu hành tại Việt nam. Tác giả hiện sống tại Đồng Ông Cộ, Sàigòn, Việt nam.

bài đã đăng của Cung Tích Biền

ở trỏng- 21.04.2011
Bí Ẩn Ba Nô- 11.08.2009
GIÁC HỒN- 24.09.2008
GIÁC HỒN- 23.09.2008
Dị Mộng- 18.05.2008
Rừng Đom Đóm- 29.03.2008
The Devil Catcher- 27.03.2008
Thừa Dư- 24.03.2008
Qua sông- 23.03.2008
Dị Mộng- 07.09.2007
Bạch hóa - 31.05.2007
-------------------------------

21.04.2011

Cách nay khá lâu, một cô gái trẻ từ Pháp về nước, có tìm đến thăm tôi. Cô lai hai dòng máu Việt Pháp. Qua một lúc trò chuyện tôi hiểu ra cô là con một người bạn học cũ, thân thiết với tôi tại Huế hơn năm chục năm trước. Thuở ấy, anh bạn tôi, thuộc loại học giỏi, được một học bổng sang Pháp du học. Sau, anh lấy vợ người Pháp, ở luôn xứ người.

Ảnh hưởng mẹ, và môi trường ngôn ngữ bản địa, Mai Linh tuy đã tốt nghiệp đại học, tiếng Việt cô vẫn chưa sành sõi lắm. Một câu nói chen vài ba từ nước ngoài. Giọng cô phát âm tiếng Việt thật êm ái nhưng nội dung [câu cú ] hơi làm mệt người nghe.
Mai Linh thánh thót:
-Cháu rất dấu yêu tiếng Việt. Muốn tham vọng làm một án luận sẽ về văn chương Việt Nam. Cháu rất sẽ muốn nhờ bác đỡ giúp như chẳng hạn làm một thầy dạy vấn đề ngôn ngữ, cả thảy là cố vấn luôn cái vấn đề luận án.
Chỗ này có cái ngặt nghèo. Rõ là cô bị ảnh hưởng, dùng “cái vấn đề” ở nhiều tình huống đôi khi không đáng dùng. Giúp một người cháu thì tôi sẵn sàng giúp hết lòng, nhưng nghe ra chênh vênh quá. Như nhờ con trâu cái cho con bò con thiếu mẹ bú. Đôi mắt Mai Linh sáng, có lẫn chút màu ngà lạnh lạnh. Cô nhìn tôi mong đợi một sự đồng tình. Tôi lưỡng lự một lúc rồi khuyên cô nên từ bỏ ý định. Cô bảo cháu muốn nhân đây, làm cái việc cực kỳ khó khăn này, là để sửa lại cái mất gốc của mình.
- Bác ạ, cháu muốn tìm hiểu những gì có-cái-việt-nam-ở-trỏng. [Trỏng. Cô phát âm rất đúng]. Đây là quê hương của Nội cháu mà.
Chạm mặt một cái thịnh tình. Một chọn lựa trở về đầy nhiệt tâm và tha thiết. Thôi cũng đành. Tôi khuyên Mai Linh nên bỏ một thời gian học cho thấu ngọn nguồn tiếng Viêt, sau, hãy tính tới cái Ở-trỏng.

Nghe tôi khuyên nhủ, Mai Linh miệt mài học ngôn ngữ không phải tiếng mẹ-đẻ mà là tiếng cha-đẻ, được hơn tám tháng. Bằng nhiều cách. Ngoài việc mua sách đọc, vào thư viện nghiên cứu, cô xông vào chốn bụi bặm đời thường – ở khu tây ba lô, xóm bụi đời, chợ búa, qua các sinh viên Việt cùng trang lứa. Một hôm tôi thấy Mai Linh ngồi đấu láo bên bàn rượu đế với một bọn trai phạch ngực bàn luận thông tin vỉa hè. Bữa khác, Mai Linh rủ tôi cùng ra bến xe bến Miền Đông, cô gái lai trắng thị hiện cái cách “Cháu đã ở trỏng Việt nam rồi ạ. Bác chớ lo về cái vấn đề ngôn ngữ.”
Tôi nghiêm chỉnh nói:
- Tôi rất phục cháu tinh thần ham học và tính khoa học trong tiếp cận. Nhưng Mai Linh ạ, trong đích thị những gì là văn chương thi ca rất hiếm tính chợ búa, rau cải, cách lái xe đò…
Cô tươi cười, nhưng cách nói có chút than van:
- Nhưng trong cái văn chương nơi đây cũng có vấn đề bác ạ
- Vấn đề chi?
- Thiên về cảm tính quá..
- Không sao. Đông phương mà. Ông Lâm Ngữ Đường đã từng nói “Người Tây phương làm thơ bằng cái đầu người phương Đông mần thơ từ cái bụng”.
Mai Linh lại rên rỉ “cái vấn đề”:
- Cháu thấy có tai hại là ở đây người này cổm thơ đạo văn của người kia, nhiều quá. Như anh em trong nhà dùng chung cái nón. Chẳng của riêng ai.
Tôi hỏi:
- Ở bên Pa-ri ba – rỉ gì đấy chắc là cháu không từng ăn nước mắm ?
- Ồ, mắm nước à, Ba cháu thích lắm.
- Mai Linh có biết cái gì làm cho nước mắm hấp dẫn không?
- Dạ …mùi
- Giỏi. Nhưng cái mùi hôi của nước măm chính là mùi thơm khi ta mê thích.
- Bác ạ, ngoài mùi rồi còn phải vị nữa chớ bác?
- Đúng rồi. Nó như cái danh với cái thực. Cháu là giỏi tiếng Việt lẫn tính Việt lắm rồi. Nhưng mùi tới trước, có thể từ xa. Còn vị, khi nó phải đẫm vào đến đầu môi chót lưỡi. Mùi là cái tiếng tăm. Vị là cái thụ hưởng.
Mai Linh lửng lơ một thoáng, rồi nói:
- Cảm ơn bác, giờ cháu hiểu danh tiếng cái đạo văn. Cái vấn đề…

**

Mỗi lần gặp nhau, Mai Linh cứ bị ám ảnh, phiền hà cái cách “thực hiện văn hóa với cái vấn đề nghiên cứu văn chương Việt nam.” Tôi hỏi:
- Vậy cháu có muốn tôi …chủng ngừa không.
- Bác nói gì cháu chưa hiểu.
- Chủng! tức là cấy vào người cái có thể là hiểm họa sẽ tới. Mục đích “chủng” là giải tỏa sự sợ hãi, thất vọng, phòng ngừa cái dị ứng. Bằng cách bình thường hóa, bằng cách tạo thói quen sống chung với nó. Tỉ như chủng con vi trùng lao ác nhơn vào cái người nhá. Sau này gặp phải một bầy vi trùng ho lao xâm nhập, cơ thể ta nó nhàn nhã bảo: “ Cái vấn đề này cũ rích rồi, chán rồi, trong phổi tao đã có con sâu lao phổi từ khuya. Mày đi chỗ khác chơi”.
- Cháu vẫn chưa hiểu
- Một thằng nhỏ muốn sau này nó từ bỏ thịt heo thì từ bé nhỏ cứ tống thịt mỡ vào mồm nó. Một bọn trẻ muốn chúng hóa ngu, ớn cái vấn đề tư tưởng về sau thì ngay từ thưở chập chửng vào trưởng cứ à này, học tập tư tưởng, giờ-giờ-ngày-ngày-đêm-đêm-lúc-nắng-cũng-làm-theo-đêm-mưa-phải-theo-làm. Như đã chủng ngừa cái lao phổi cái dịch hạch cái viêm siêu vi gan. Bọn nhỏ này tới lúc lớn khôn ắt có rùng mình. Ắt có thường trực buồn nôn khi từ bé không may bị lót sẵn vào não thùy cái bóng ma vừa quen thuộc vừa rùng rợn. Đố cha đứa nào nghĩ tới, hay ham bàn luận cái vấn đề có mùi đậm chất mỡ heo tư tưởng. Ớn rồi. Tớ đây thực dụng chỉ lo mần ăn vơ tiền vào túi, vợ đẹp con ngoan thôi. Tư với tưởng ư? A lê mày đi chỗ khác chơi. Đất nước muôn năm yên ổn, chẳng diễn biến hòa bình gì ráo.
- Bác ơi bác có thuốc chống nôn không?
- Có đây. Khuấy với cà phê mà uống hằng ngày đi, nếu muốn lơ lửng chốn này.

**
Hôm khởi đầu cuộc hành trình vào cái có-chương-việt-nam-ở-trỏng, tôi hỏi Mai Linh:
- Lâu nay đi chơi với bọn đầu đường xó chợ, cô đã đọc những gì, những ai, những thời đại nào trong cái gọi rằng có thơ ca Việt nam ở trỏng?
- Dạ cháu đọc thơ các thi nhân cách mạng.
- Đã đọc thơ Lý Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương chưa?
- Dạ có ít nhiều. Trước khi trở về cháu có nghiên cứu chút đỉnh ở Paris. Nhưng chẳng hiểu hươu nai gì cái vấn đề cổ điển với kinh điển.
Tôi bảo cô đưa quyển vở. Tôi chép vào đó một bài thơ. Rồi hỏi:
- Cháu biết bài thơ này của ai không?
Cô đọc thơ. Thái độ trân trọng. Cô nhíu mày rồi trả lời:
- Thơ này có vẻ tân hình thức hay hậu hiện đại hay thơ tự do gì đấy, nhưng cháu không biết là của thi nhân nào.
Tôi bảo cô là thơ của tôi đấy. Cung Tích Biền sáng tác đấy. Rồi tôi ký đàng hoàng tên thằng chả Cung Tích Biền tác giả dưới bài thơ. Bài thơ thế này:
Trăm năm trong
Cõi người
Ta chữ
Tài chữ
Mạng[ không phải w.w.w] khéo là
Ghét nhau”.
[ thơ Cung Tích Biền].
Cô cháu cười hiền hòa, nói:
- Thơ của bác ngôn ngữ tài tình quá. Để rồi cháu nghiên cứu xem cái vấn đề bác nói gì ở-trỏng-những-câu-thơ.

**
Ba hôm sau tôi nhận được một cú điện thoại. Có giọng cô gái hỏi:
- Bác ơi bác có lấy bút hiệu nào khác là Nguyễn Du không?
- Mai Linh, gặp ông ấy rồi hà.
- Dạ trong thư viện. Không thấy ông đâu. Chỉ thấy thơ bác sao hao hao người ta.
- Chao ôi ăn mỡ rồi mà không biết quen mùi, biết ngán mỡ hà.
- Dạ cháu hiểu. Nhưng tới bác mà cũng đạo thơ của người khác hà.
- Bác mới là chính đáng cỗm của người làm của mình chớ.

**
Hai tuần sau cô cháu trở lại. Hai bác cháu gặp nhau. Nhìn ánh mắt của cô tôi biết sự thất vọng này có đượm chút hài hước, có cái thử thách mông lung sự dối lừa. Nụ cười của cô như được gội rửa phần nào những thơ ngây tới từ tây phương, mà tôi gặp gỡ lần đầu. Nụ cười Mai Linh hôm nay có màu héo hắt, lẫn chút khinh bạt, sau khi thua thiệt vì cái đểu cáng của thời thế an – nam.
Cô tặng tôi một trái sầu riêng [thứ này có mùi, mà ghiền] và vài lạng cà phê [thứ đắng này phải thêm ngọt mới nuốt trôi, nhưng thiếu nó thì buồn ngủ trọn ngày]. Tôi hỏi:
- Thứ này tặng cho tài mần thơ của bác phải không?
- Dạ nhưng là bác Nguyễn Du.
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau”
[Nguyễn Du].
Rôi cô đọc thuộc làu cho tôi nghe nào Truyền Kiều, Chinh Phụ ngâm…
Trong một quán cà phê vườn ở miệt Gò Vấp, chủ quán có treo những cái lồng chim. Chim chết ráo từ đời tám hoánh.
Nhìn một hàng lồng trống hoát, lòng ta rộng một nỗi xót. Bên kia đường những cánh đồng hoa của Làng hoa thơm ngát xưa kia nay hoang phề, vì những thửa đất này đã đô thị hóa, chờ xây nhà. Cô cháu thông minh, tha thứ cái tội đạo văn, ăn cắp của người, bằng một lời ngắn ngủi:
- Cảm ơn Thầy đã chủng ngừa cho con. Nên bớt nỗi đau. Dù quen rồi, nhưng từ nay con cần cẩn trọng hơn khi đi vào cái Ở- Trỏng của Việt nam. Con cảm ơn Thầy.

Tôi không giải thích gì thêm, vì tôi rõ cô đã hiểu, đã từng giáp mặt cái hệ thống, cái văn hóa hôm nay, trên cái xứ sở nhiều… cái vấn đề cực kỳ là vấn đề này.
Cô về Paris.
Rất mừng mãi về sau, Mai Linh trình thành công một luận án không dính dấp gì tới văn chương mà với chủ đề Lịch sử : “Nghệ thuật chế biến và thêm bột nổi để chiên phồng một con chuột nhắt thành con heo quay”.

Cung Tích Biền
Sàigòn, đêm Nguyên tiêu.
.
.
.

No comments: