Người dịch: Thủy Trúc
Đăng bởi anhbasam on 21/04/2011
HOUAY SOUY, Lào — Dòng nước Mekong nâu màu phù sa khi chảy qua ngôi làng nghèo khổ này, nâu đến mức có thể tưởng đó là bùn bẩn. Đối với hàng triệu người dân vùng hạ nguồn, đó là màu của sự sống: Sông Mekong, dập dềnh hàng trăm loài cá và rất giàu khoáng chất, đã nhiều thế kỷ là nguồn sống của những làng mạc, thị trấn trải suốt từ các dốc đá Tây Tạng cho đến những khúc lượn ngoằn ngoèo của nó ở vùng châu thổ thuộc Việt Nam.
Hôm thứ ba (19/4), bốn nước có chung hạ nguồn sông Mekong sẽ ra thông báo về việc họ có hay không chấp thuận công trình xây dựng một con đập gây tranh cãi. Đây là một quyết định có thể sẽ làm thay đổi vĩnh viễn đặc điểm sinh thái và sự đa dạng tự nhiên của con sông vốn là một trong những sông dài nhất và dồi dào tài nguyên nhất thế giới.
Con đập được dự kiến xây dựng mang tên Xayaburi, là tên của một thị trấn Lào nơi nó sẽ tọa lạc. Nó là phép thử đối với một hiệp ước ký năm 1995 giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, theo đó bốn nước sẽ cùng chia sẻ tài nguyên của dòng sông – cá, nước và các khoáng chất do phù sa mang lại, làm màu mỡ đất đai của những vùng như châu thổ sông Mekong. Hiệp ước đòi hỏi các bên phải thực hiện một tiến trình tham vấn trước về những hoạt động nào có ảnh hưởng tới con sông. Thỏa thuận này được coi như một bước quan trọng, tiến tới hợp tác sâu rộng hơn giữa các quốc gia mà mới cách đây vài thập kỷ, còn thường xuyên bất hòa trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nhưng Lào có vẻ đang muốn phá hoại tinh thần hợp tác đó. Cả bốn nước đều bảo lưu quyền xây đập cho dù có hay không sự chấp thuận từ các nước láng giềng. Và ở đây, nơi được dự kiến sẽ là địa điểm xây dựng con đập Xayaburi, công việc đã được tiến hành từ tháng 11. Khu vực đầy xe tải và hàng trăm công nhân; họ đã phát quang đường, xây dựng các cơ sở chỉ huy và lập nên những cấu trúc bê tông hỗn hợp.
Trung Quốc không tham gia hiệp ước hợp tác, cũng đã xây xong bốn đập nằm gần đầu nguồn sông. Tuy nhiên, nhiều người coi con đập ở Lào mới là trọng yếu, bởi vì nó có thể ảnh hưởng tới luồng di cư của cá và “khai hỏa” cho việc xây dựng ít nhất 5 đập nữa – cả 5 đập đều đã được dự kiến xây ở vùng hạ nguồn sông Mekong.
Nghiên cứu của các chuyên gia về tác động của Xayaburi đến môi trường chứa đầy sự e sợ và chỉ trích, những mối nghi ngờ có thể gieo mầm cho xung đột trong tương lai giữa các nước chung nhau dòng sông Mekong.
Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, thành viên đảng Dân chủ bang Virginia và là người đứng đầu Tiểu ban Đông Á và Các Vấn đề Thái Bình Dương trong Nghị viện Mỹ, tuần trước đã phê phán dự án xây đập, vì lý do “không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế”. Ông dự đoán sự thiếu hợp tác giữa bốn nước có chung dòng Mekong sẽ gây ra “những hậu quả tàn phá”.
Ông phát biểu trong một tuyên bố: “Mỹ và cộng đồng quốc tế đều có lợi ích chiến lược trong việc ngăn chặn xung đột ở khu vực, thông qua việc bảo vệ sức khỏe và sinh kế của hơn 60 triệu người dân sống phụ thuộc vào sông Mekong”.
Báo chí ở Việt Nam, vốn thường tuân theo đường lối của chính quyền, đã phê phán dự án một cách bất thường. Nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long sợ là việc nối nhau xây đập trên sông Mekong có thể làm giảm lượng nước sông chảy xuống Việt Nam, làm trầm trọng thêm vấn đề nước mặn xâm thực từ biển vào vùng trồng trọt.
Một báo cáo do văn phòng Ủy hội Sông Mekong – tổ chức được thành lập để điều phối các dự án xây đập trên sông – đã chỉ ra “những lỗ hổng kiến thức căn bản” trong việc xác định xem luồng cá di cư sẽ bị ảnh hưởng như thế nào từ con đập. Chuyên gia do Ủy hội thuê làm việc ước đoán rằng con đập sẽ chặn luồng di cư của đâu đó từ 23 tới 100 loài cá. Một công ty xây dựng của Thái Lan tham gia dự án có đề xuất phương án cho cá bơi xuyên qua đập. Ủy hội đánh giá kế sách này là “không hiệu quả”. Và họ nói rằng “có khả năng rất lớn” là một trong những loài cá đặc biệt của dòng sông – loài cá da trơn khổng lồ có trọng lượng vượt cả tổng cân nặng của vài người trưởng thành – sẽ bị tuyệt chủng.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là ước tính của Ủy hội về năng lực sản xuất điện của con đập, năng lực này sẽ bị tổn hại nghiêm trọng trong vài thập niên tới bởi vì hồ chứa nước của đập sẽ đầy phù sa. (Dự án Xayaburi tiến tới đạt công suất 1.285 megawatt, đủ để cung cấp năng lượng cho một thành phố cỡ vừa hoặc nhỏ; phần lớn lượng điện sẽ được bán cho Thái Lan theo một thỏa thuận đã ký giữa đơn vị xây đập và một công ty dịch vụ công cộng của Thái).
Báo cáo của Ủy hội cho biết: “Ước tính, trong những điều kiện vận hành như đã đề xuất, sau 30 năm, hồ thủy điện sẽ bị giảm khoảng 60% công suất do quá trình lắng đọng trầm tích”.
Do đó, những người chỉ trích cho rằng con đập sẽ gây ảnh hưởng vĩnh viễn tới sự sống ở dòng sông, có nguy cơ làm tuyệt chủng nhiều loài cá, mà lại chỉ sản xuất ra lượng điện đủ dùng trong vài thập niên.
Chính phủ Lào phản ứng trước mọi nghi vấn và chỉ trích về con đập với thái độ bảo vệ kiên cường dự án. Đập Xayaburi, nằm giữa những ngọn đồi thoai thoải, sẽ trải dài theo một dải tương đương chiều dài 8 sân bóng, và sẽ có ảnh hưởng cũng giống như “một thác nước tự nhiên” – chính quyền Lào hồi đáp báo cáo của Ủy hội Sông Mekong như vậy.
Theo chính phủ Lào, sử dụng thủy điện sẽ làm giảm căng thẳng về nhu cầu “xây những nhà máy điện lớn gây nhiều ô nhiễm”. Họ kết luận trong bản hồi đáp rằng: “Việc triển khai các dự án thủy điện – nguồn năng lượng xanh – sẽ được thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ”.
Là một mảnh đất khép kín, dân số thưa thớt, Lào trông đợi vào thu nhập có được từ thủy điện để có thể góp phần đưa đất nước thoát nghèo, và để trang trải các chương trình của chính phủ.
Chính quyền Lào cho hay, họ có kế hoạch trở thành “chiếc pin điện” của châu Á, với tổng cộng 70 dự án thủy điện, trong đó 10 dự án đã khởi công. Đập Xayaburi, nếu được triển khai, sẽ mất 7 năm thi công.
CH. Karnchang, công ty xây dựng Thái Lan tham gia dự án, không cho báo chí tiếp cận khu vực công trường dự kiến. Nhưng có thể đến đó nếu đi thuyền và đi bộ vài kilomet dọc bờ sông.
Ở những ngôi làng gần địa điểm xây đập, người dân dường như cũng chia rẽ vì dự án. Chính phủ đã đề xuất việc di chuyển dân từ các làng sẽ bị lũ lụt do hồ thủy điện của con đập, sang một nơi mới xa hơn ở thượng nguồn; và cho biết họ sẽ cung cấp đầy đủ điện – cái mà hiện giờ họ không có. Nhưng dân làng bảo rằng, họ được biết là sẽ không được tái định cư dọc bờ sông.
“Chính phủ đã ba lần bảo chúng tôi chuyển đi” – Sripan Sukaew, một ngư dân sống tại ngôi làng ở phía trên địa điểm xây đập, nói. “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi đã làm nghề đánh cá. Thế còn tốt hơn là đi làm thuê, lãnh công nhật ở Bangkok”.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment