Wednesday, April 13, 2011

PHẠM HỒNG SƠN : MỘT TẤM LÒNG THIẾT THA VÌ DÂN CHỦ (Nguyễn Thanh Giang)


Nguyễn Thanh Giang
Posted on 13/04/2011 by Doi Thoai

Lời tòa soạn
Nhân sự kiện nghiệt ngã đau lòng: Bác sỹ Phạm Hồng Sơn chỉ vì tìm đường đến dự phiên tòa xử tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ mà bị bắt tống giam và bị đánh đập rất dã man, chúng tôi xin đăng lại bài viết cách đây đúng 5 năm ( 12 tháng 4 năm 2006 ) trích từ Thư viện Nguyễn Thanh Giang ( www.nguyenthanhgiang.com ) về người bác sỹ có “ tấm lòng thiết tha vì dân chủ ”.

-----------------------

Kính gửi các vị đại biểu đại hội X đảng CSVN

Ngày 5 tháng 4 năm 2006 Hạ viện Hoa Kỳ đã biểu quyết nghị quyết HR 3190 với tỷ số gần tuyệt đối 421/1 đòi trả tự do cho bác sỹ Phạm Hồng Sơn và các tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Điều trần trước Uỷ ban Nhân quyền của hạ viện Hoa Kỳ, thứ trưởng ngoại giao Barry Lowenkon nói : “ Với các tiến bộ cụ thể về nhân quyền, nhà cầm quyền Hà Nội có thể mở đường cho chuyến thăm của tổng thống Bush ” vào tháng 11 tới. ( và cả vấn đề vào WTO )
Thay vì một bức thư, bài viết này cố gắng trình bầy tương đối cụ thể những nhận thức đúng đối với vấn đề về bác sỹ Phạm Hồng Sơn. Khẩn thiết mong các lão thành cách mạng, các nhà báo và tất cả những ai có điều kiện hãy giúp chuyển ngay đến tận tay các vị đại biểu Đại hội X. Rất mong quý vị nhận ra được tầm mức cấp thiết được đặt ra ở đây.
Chắc hẳn vấn đề này không thể được đưa vào chương trình nghị sự, nhưng hy vọng thông qua những “ trao đổi hành lang ”, các vị lãnh đạo sắp được bầu vào nhiệm kỳ khoá X sáng suốt hơn, khách quan hơn sẽ giải quyết vấn đề đúng đắn hơn một cách nhanh chóng.
Như sẽ được trình bầy, một thanh niên thông minh đĩnh đạc, có tấm lòng ưu thời mẫn thế như Phạm Hồng Sơn, nếu được cư xử đúng mực, nhất định không thể là hiểm hoạ đối với Đảng, với chính quyền mà còn có thể rất hữu dụng đối với đất nước.
Cách hành xử vừa qua đối với Phạm Hồng Sơn là kết quả của những phân tích nhận định và hành động sai lầm của những cơ quan an ninh bị thao túng bởi cha con Nguyễn Chí Vịnh kiểu như Tổng cuc 2 , của sự chi phối bởi những cái đầu lẩm cẩm, sơ cúng, lạc hậu như các ông Lê Dức Anh, Đỗ Mười, những quan chức cơ hội cực tả hãnh tiến và tàn bạo như Nguyễn Khoa Điềm, Phạm văn Trà …
Chúng ta không vì nể sợ Mỹ, cũng không chỉ vì thương cảm đôi vợ chồng trẻ cùng hai cháu bé thơ mà vì lương tri, vì quyền lợi dân tộc hãy nghiêm túc nhìn nhận lại để dũng cảm sửa sai và hành động đúng, trả tự do ngay cho bác sỹ Phạm Hồng Sơn.

Tôi vô cùng thiết tha cầu khẩn

1 – Một bản án nhức nhối lương tri -
Phạm Hồng Sơn sinh ngày 3 tháng 11 năm 1968 tại Nam Định. Năm 1992, anh tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội và làm Quản lý Kinh doanh Thị trường Miền bắc cho hãng dược phẩm TradewinAsia tại 475 đường Nguyễn Trãi, Đống Đa, Hà Nội. Trong thời gian này, trên cơ sở vừa học vừa làm, anh đã hoàn thành xuất sắc luận án thạc sỹ quản trị kinh doanh.
Ngày 27 tháng 3 năm 2002, công an bỗng ập đến khám nhà riêng của anh ở 72B Thuỵ Khuê, Hà Nội băt anh và dẫn giải đi. Trong đơn khiếu nại ba tháng sau đó, vợ bác sỹ Phạm Hông Sơn đã trần tình: “ Cho đến nay, đã ba tháng trôi qua, tôi không hề nhận được tin tức của chồng tôi, cũng không được vào thăm chồng tôi. Hai con trai thơ dại của tôi ngơ ngác không hiểu vì sự tình gì mà cha chúng bị đột ngột bắt đi. Hoảng sợ trước cảnh của nhà bị đảo lộn sau lệnh khám nhà, chúng hốt hoảng chạy khắp nhà mong tìm gặp được cha. Bản thân tôi cũng vô cùng bàng hoàng trước tin dữ, đã lao đi khắp thành phố tối hôm đó, đến cơ quan an ninh điều tra để hy vọng gặp được chồng tôi. Nhưng thật vô vọng … chồng tôi đã được đưa đi một nơi mà tôi không được biết ”.
Ngày 18 tháng 6 năm 2003, sau hơn nửa ngày xét xử, Toà án Nhân dân Hà Nội đã chính thức tuyên án thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hồng Sơn 13 năm tù giam và 3 năm quản chế. Theo bản cáo trạng 06/KSDT-AN của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao do Nguyễn Mạnh Hiền ký thì Phạm Hồng Sơn đã : “ phạm vào tội gián điệp được quy định tại điểm c, khoản 1, điều 80 BLHS nước CHXHCNVN ”. Nguyên văn điểm c, đoạn 1, điều 80 này được ghi như sau : “ Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước CHXHCNVN ”.
Bản án phi lý, phi pháp, vô nhân đạo này đã dấy lên làn sóng phản đối của lương tri trong và ngoài nước rất mạnh mẽ.
Trong buổi trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 22 tháng 6 năm 2003, chị Vũ Thuý Hà, cán bộ thuộc Văn phòng Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Pháp ngữ, vợ bác sỹ Phạm Hồng Sơn đã phản ứng đanh thép : “ Không bao giờ tôi tin chồng tôi là gián điệp. Cho dù là người gián điệp ngờ nghệch nhất thế giới này cũng không bao giờ dịch hoặc viết các bài rồi gửi cho người này người khác. Ngoài ra, việc người ta buộc chồng tôi nhận 150 đôla để chi phí làm gián điệp thì hết sức vô lý và nực cười. Lương tháng của chồng tôi gấp ba lần số tiền đó, cộng thêm với lương của tôi thì gia đình chúng tôi sống rất đàng hoàng, chu tất. Không bao giờ chúng tôi bán rẻ nhân phẩm để làm gián điệp gây nguy hại cho gia đình để lấy số tiền nhỏ mọn như vậy ”.
Thật vậy, nếu điểm c, đoạn 1 của điều 80 BLHS được hiểu đúng một cách nghiêm túc thì muốn kết tội gián điệp cho một người phải có đủ bằng cứ xác định cho được ba yếu tố phạm tội : Một là, sự thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu. Hai là, liên hệ với một nước ngoài. Ba là, nước ngoài nào đó đã sử dụng tin tức, tài liệu ấy để chống nước CHXHCNVN. Dù là Nguyễn Gia Kiểng hay bất kỳ nhân vật nào trong các tổ chức, các hội đoàn Việt Nam ở nước ngoài mà ta cứ tuỳ tiện gọi là “ tổ chức phản động ” … cũng không phải là người nước ngoài. Họ lại càng không phải là một nước ngoài nào cả.
Chính tự điển do nhà nước Việt Nam xuất bản cũng đã định nghĩa : gián điệp là kẻ lọt vào một nước để do thám tình hình quân sự, chính trị, kinh tế của nước ấy, nhằm mục đích phá hoại. Có tự điển còn trích dẫn một câu của Hồ chủ tịch để giảng giải rõ hơn : “ Tên phản động Mỹ dầu tiên đến Việt Nam để chuẩn bị cho việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam là U. Bulit – một tên gián điệp có tên tuổi ”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi việc kết ông Sơn vào tội gián điệp là một trò hề công lý. Bà Madga Kowalezuk, phát ngôn viên Ban Á Châu Thái Bình Dương của tổ chức này tố cáo “ Một lần nữa chính phủ Việt Nam lại chứng tỏ họ không đếm xỉa gì tới quyền tự do ngôn luận và nhân quyền. Kết án bác sỹ Phạm Hồng Sơn tội làm gián điệp là một việc làm vô cùng bất công ”
Ngày 17 tháng 6 năm 2003, năm dân biểu Hoa Kỳ; Loretta Sanchez, Christophe Smith, Ellen Tomcher, Elijah Cummings, Edward Royce đồng ký tên vào một văn thư gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam đòi huỷ bỏ bản án.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo : “ Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án bản án nặng nề cho ông Phạm Hồng Sơn chỉ vì ông đã trình bầy quan điểm riêng của mình trên internet … Không một ai đáng bị tù đầy vì đã trình bầy quan điểm riêng một cách hoà bình. Việc tuyên án Phạm Hồng Sơn rõ ràng đã vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận ”.
Một trí thức thân cận, dưới bút danh Minh Giáp, gửi thư cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã viết: “Bất đồng chính kiến không phải là tội. Chủ trương đa nguyên đa đảng không phải là tội; trao đổi thông tin với trong nước, ngoài nước mà không lộ bí mật quốc gia không phải là tội … Bắt Phạm Hồng Sơn, giam cầm người ta hơn năm trời, làm tan nát gia đình, gây khổ đau cho bố mẹ, vợ con người ta đã là quá nhẫn tâm. Cố nặn cho ra được một bản án hết sức phi lý như thế này càng có tội lớn với nhân dân, với trời đất … Thử hỏi ai mà không mỉm cười chua chát khi bản án kết tội gián điệp tay sai bán nước cho một con người mà anh ta chỉ nhận được có 150 đôla, rồi lại đem chia cho bạn anh ta là Nguyễn Vũ Bình một triệu đồng ! ”.
Nhà báo Tưởng Năng Tiến thì mỉa mai chua chát : “ Nếu cao đơn hoàn tán được những người mãi võ Sơn Đông dùng để trị bá bệnh thì tội danh gián điệp cũng được những người cộng sản dùng để chụp lên tất cả những tù nhân lương tâm trong chế độ của họ. Tôi thiệt thất vọng vì trí tưởng tượng nghèo nàn ( đến độ thê thảm ) của những người CSVN. Họ giam giữ Phạm Hồng Sơn suốt hai trăm ngày chỉ để “ kiếm tội ” mà không nghĩ ra được một tội danh nào “ nghe đỡ kỳ ” hơn chút đỉnh sao ? … Khi một công dân trong chế độ XHCN bị kết tội gián điệp thì mọi người đều hiểu “ ngầm ” rằng đương sự hoàn toàn vô tội nhưng ( vẫn ) cần bị bắt cho nó … chắc. Thà bắt lầm còn hơn bỏ sót ”.

2 - Một lòng thiết tha vì công cuộc dân chủ hoá đất nước –
Vừa làm lụng vất vả để mưu sinh, vừa phải trợ giúp việc gia đình trong hoàn cảnh vợ sinh con ba năm đôi, khoảng đầu tháng 2 năm 2002, bác sỹ Phạm Hồng Sơn đã không quản ngại dốc sức dịch xong tài liệu “ What is Democracy ? ” lấy từ trang chủ của đại sứ quán Hoa Kỳ sang tiếng Việt dày 50 trang vi tính khổ A4, cùng một số tài liệu khác liên quan đến vấn đề dân chủ như : “ Towards a “ Community of Democracies ” ”, “ Democracy Promotion : A Key Focus in a New World Order ” … Anh còn hứa hẹn và kêu gọi : “ Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục giới thiệu với Quý vị những bản dịch hoặc những trao dổi liên quan tới vấn đề Dân chủ trong thời gian tới. Tuy nhiên, “ Một cây làm chẳng nên non ” nếu dược sự góp sức của Quý vị, chắc chắn chúng ta sẽ có những bản dịch, những thông tin tốt hơn và cập nhật hơn cho vấn đề cấp thiết này ” .
Trang đầu bản dịch “ Thế nào là dân chủ ”, Phạm Hồng Sơn ghi : “ Xin kính tặng tất cả những người khao khát Tự do, Hoà bình và mưu cầu một cuộc sống đầy đủ trên đất nước Việt Nam ”.
Ở trang sau, trong “ Vài dòng tâm sự ”, anh viết : “ Chúng tôi thiết nghĩ, một đất nước phát triển, phải là một đất nước phát triển cả về kinh tế và tư tưởng, cũng như một con người, không thể chỉ chú ý tới việc bồi bổ thể lực cơ bắp mà quên đi phát triển tinh thần, trí tuệ. Mà để phát triển tinh thần, trí tuệ thì không có con đường nào khác tốt hơn là để con người dó được tiếp xúc, trao đổi, va chạm với xã hội xung quanh trong đó có các cá thể khác và thiên nhiên rộng lớn. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã cố hoàn thành sớm bản dịch “What is Democracy ? ” từ trang web của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, với sự nóng lòng của chính bản thân chúng tôi và hy vọng cũng là mong đợi của Quý vị, như một kiến thức cơ sở tham khảo cho những người quan tâm tới vấn đề chính trị, xã hội của Việt Nam ”.
Anh bầy tỏ nỗi ưu tư da diết của mình : “ Làm thế nào để có được một cách quản lý xã hội tối ưu giúp cho sự phát triển đất nước ? Làm thế nào để dân tộc Việt Nam có thể được tận hưởng các thành tựu rực rỡ chung của nhân loại về vật chất và tinh thần như phần lớn các dân tộc khác văn minh trên thế giới hiện đã đạt được ? ”.
Trong thư gửi tổng bí thư Nông Đức Mạnh đề ngày 6 tháng 3 năm 2002, anh giãi bầy thân thiết : “ Phải nói thật, sau khi hoàn thành bản dịch đó, tôi đã có một cái nhìn tổng quát, cơ bản về dân chủ ( dĩ nhiên là theo quan điểm của người viết ) và một sự lạc quan về dân chủ : có Dân chủ sẽ có Tất cả. Có thể quan điểm của tôi chỉ là quan điểm của một người bị choáng ngợp trước một thế giới mới nhiều điều hứa hẹn, nhưng dẫu sao đó cũng là cảm xúc chân thành nhất của tôi muốn nói lên ở đây ”.
Anh phân giải : “ Nếu người dân không xác định được thế nào là Dân chủ thì làm sao dân chúng có thể phát hiện và ngăn chặn các vi phạm Dân chủ của người khác (đặc biệt là người lãnh đạo ), khi đó, chiếc chìa khoá vạn năng bị cất đi hoặc bị đánh tráo bằng chiếc chìa khoá vạn năng giả, người dân cũng không thể biết được ”.
Anh kiến nghị với Tổng Bí thư : “ Tôi xin đề nghị hãy phát động Một phong trào tìm hiểu, nghiên cứu về Dân chủ trong các cơ quan nghiên cứu và đặc biệt trong Dân chúng ( kể cả người Việt định cư ở nước ngoài ) để định ra được các tiêu chí cơ bản của Dân chủ cho mọi người cùng biết … Để có kết quả tốt nhất thì cách nghiên cứu, tranh luận cũng phải được thực hiện trên tinh thần hướng tới Dân chủ, tức là phải được “ tự do tư tưởng trong nghiên cứu lý luận ”, nói một cách đơn giản hơn và cần phải được khẳng định là không có điều gì bị cấm nói, cấm tranh luận và được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng ( báo chí, radio, truyền , internet ) ”.
Không những không có bất kỳ chứng lý nào khả dĩ có thể ghép anh, dù rất khiên cưỡng, vào các thế lực ta thường gọi là thù địch, mà, khác với một số nhà hoạt động dân chủ ngay cả ỏ trong nước, Phạm Hồng Sơn chưa hề có bài viết nào công kích, phê phán Đảng, Chính phủ. Chẳng những thế, anh thấp thỏm trông đợi và hồi hộp lắng nghe từng tín hiệu vui mừng dù nhỏ. Trong bài “ Những tín hiệu đáng mừng cho dân chủ tại Việt Nam ? ” anh reo lên : “ Ngay khi kết thúc Hội nghi 5 – Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị toàn quốc để sơ kết việc thực hiện chỉ thị 30/CT/TW của Bộ Chính tri ( khoá VIII ) về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở từ ngày 4-5 tháng 3/2002. Điều này cũng chứng tỏ vấn đề Dân chủ ( bao giờ chữ Dân chủ cũng được anh viết hoa ) đã có được lưu tâm lớn từ những nhà lãnh đạo”, “ Với sự hân hoan về các điểm nêu trên đây của nghị quyết HN5TWD và các kết luận của Hội nghị toàn quốc để sơ kết việc thực hiện chỉ thị 30/CT/TW của Bộ Chính trị ( khoá VIII ) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tôi xin trình bầy … ”.
Thật là một tấm lòng trong sáng, một động cơ chính trị hoàn toàn vì dân vì nước.

3 - Tấm gương sáng cho thanh niên Việt Nam ngày nay
Trong “ Đơn khiếu nại ” đề ngày 20 tháng 6 năm 2002 gửi ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các ông Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ … chị Vũ Thuý Hà đã viết về chồng mình như sau : “Bản thân chồng tôi là một người con hiếu thảo, một người chồng tốt, một người cha mẫu mực rất thương yêu con và là một người bạn chân thành chung thuỷ. Và trên hết, anh là một công dân trí thức, có lòng yêu nước sâu sắc, luôn trăn trở vì vận mệnh của dất nước, vì sự phát triển của dân tộc. Chính vì vậy mà chồng tôi muốn đóng góp một cách ôn hoà, đúng mực với Đảng qua những bài viết của mình, để trao đổi với bạn hữu. Tôi nhận thấy công việc này của chồng tôi không hề có tính chất xúi giục, kích động, không vi phạm Hiến pháp cũng như luật pháp, mà ngược lại nó thể hiện tinh thần yêu nước và có trách nhiệm đối với đất nước ”.
Chàng thanh niên tuấn tú ấy không chỉ ham hoc, ham làm mà còn rất năng luyện rèn thân thể. Anh bơi khá, giỏi Taekwondo và thường đạp xe thể thao khứ hồi Thuỵ Khuê – Nội Bài. Mấy năm qua bị cảnh tù đầy nghiệt ngã trong căn phòng chật hẹp, không cửa sổ, không quạt; những hôm nóng nực phải thường xuyên đổ nước ra sàn nhà, dấp nước lên người, năm 2004 anh mắc chứng thoát vị bẹn, năm 2005 bỗng dưng mọc khối u trên mũi và đã ba lần ho ra máu.
Vậy mà, trong bài báo mang tiêu đề : “ Phạm Hồng Sơn và con đường trở thành gián điệp ” đăng trên báo An ninh thế giới ra ngày 31 tháng 7 năm 2003, một người ký tên Bắc Sơn nhằm kết tội bằng dư luận đã xuyên tạc, bôi bẩn Phạm Hồng Sơn một cách hết sức bậy bạ. Tuy nhiên, vì nghiệp vụ non kém, anh ta đã vô tình suy tôn bằng cách trích đăng một đoạn thư riêng của Phạm Hồng Sơn như sau: “ Tôi đang ở trong tâm trạng. Một là tiếp tục cuộc sống gia đình, lo hạnh phúc nhỏ nhoi cho vợ và hai con trai yêu quý – mục tiêu này không phải là quá khó và có thể trong tầm tay nếu vẫn duy trì như hiện nay. Hai là theo con đường phiêu lưu mạo hiểm, ra đi tìm một chân trời, một thế giới mới ”.
Đọc bài báo trên, một trí thức cũng rất tha thiết với sự nghiệp dân chủ hoá đất nước, không kìm nổi giận dữ, dưới bút danh Minh Giáp đẫ.thốt lên : “ Gã nhà báo này đúng là một tên bồi bút khốn nạn. Hắn làm sao xứng được với Phạm Hồng Sơn … Đọc những dòng tâm sự ấy của Phạm Hồng Sơn người ta dễ liên tưởng đến Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu … Đất nước còn được những trí thức trẻ tuổi biết day dứt ưu tư về đất nước, sẵn sàng hy sinh cuộc sống ấm êm hạnh phúc riêng tư đầy đủ hơn rất nhiều người khác để dấn thân đấu tranh, mở ra con đường quang minh chính đại cho đất nước như Phạm Hồng Sơn như vậy thì đáng quý lắm chứ…. Không chi có suy nghĩ sâu xa về đất nước, Phạm Hồng Sơn còn biết bắt chước Nguyễn Trãi viết Gia huấn ca dạy con tám điều mà điều thứ sáu là : “ Làm điều gì trước tiên cũng phải nghĩ đến thanh danh bố mẹ, thương bố mẹ, dòng họ ”.
Con người này phải là đức độ lắm, chí trai lớn lắm, anh hùng lắm … Pham Hồng Sơn rất xứng đáng là tấm gương sáng vì quốc gia dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo ”.

Hà Nội 12 tháng 4 năm 2006
.
.
.

No comments: